Cần thiết kế lại chương trình đại học

Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, tất yếu mô hình đào tạo, chương trình đào tạo, cung cách giảng dạy ở đại học phải thay đổi để đào tạo ra những con người làm chủ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vì vậy, phần chương trình đào tạo trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học cần phải đáp ứng được những yêu cầu đó.


Tại hội thảo “Liberal Art” (giáo dục khai phóng) do ĐH Việt Nhật tổ chức ngày 16/10/2017, nhiều nhà giáo dục cho rằng, các trường đại học tập trung đào tạo các chuyên ngành hẹp khiến sinh viên tốt nghiệp thiếu nhiều kỹ năng, khả năng tư duy và tầm nhìn để thích ứng với những thay đổi của thời đại. GS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQGHN) cho rằng, quan trọng nhất là phải thiết kế lại chương trình đào tạo. Ảnh: Vietnamnet.

Giáo dục phổ thông là nhằm tạo ra các công dân tốt cho tương lai, nên giáo dục đầu đời (từ nhà trẻ, mẫu giáo, đến tiểu học) cần có sự phối hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, vì đây là giai đoạn quan trọng nhất để hình thành nhân cách, phẩm chất, năng lực của con người, để đất nước có được những con người yêu nước, tự trọng, trung thực, yêu quý gia đình, làng xóm, quý trọng đồng loại và tôn trọng thiên nhiên, thấm đẫm văn hóa và tâm hồn Việt. Đồng thời đó còn phải là những con người sáng tạo, tự chủ, tự tin, độc lập và có bản lĩnh, theo đúng năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng (yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào, đoàn kết tốt, kỷ luật tốt, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm…), cung cấp ‘đầu vào’ chất lượng cao cho giáo dục đại học.

Giáo dục đại học là giai đoạn tiếp nối và hoàn thiện cơ bản việc giáo dục và bồi đắp thêm phẩm cách và năng lực mà người học đã có qua những năm học phổ thông, đồng thời với việc đào tạo cho sinh viên một ‘nghề’ để kiếm sống, là đào tạo chuyên gia và xây dựng đội ngũ trí thức về khoa học kỹ thuật, về  quản lý, cần phải được quốc tế hóa càng sớm càng tốt, càng sâu rộng càng tốt, để có những chuyên gia, các nhà khoa học đầu đàn, các nhà quản lý tài ba, tiệm cận nhanh chóng với các chuẩn mực quốc tế về chuyên môn, ngoại ngữ và kiến thức nhân văn; có như thế, chúng ta mới có thể sớm trở thành đất nước xuất khẩu chuyên gia, xuất khẩu tri thức; chứ không phải chỉ xuất khẩu lao động như hiện nay.

Các đại học đẳng cấp trên thế giới đều dựa trên bốn trụ cột chính là (i) chất lượng giảng dạy thể hiện qua phẩm chất, năng lực của sinh viên sau tốt nghiệp. Danh tiếng của một trường đại học thường gắn liền sự thành đạt của sinh viên tốt nghiệp từ trường đó; (ii) chất lượng nghiên cứu; (iii) chất lượng dịch vụ xã hội và tầm ảnh hưởng xã hội; và (iv) mức độ quốc tế hóa của trường đại học. Luật cần thể hiện rõ việc nhà nước đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng như thế nào để tạo động lực và nguồn lực cho sự vững mạnh của bốn trụ cột trên của nền giáo dục đại học Việt Nam (VN).  

Cần làm rõ chương trình đào tạo đại học có cần phải ‘tái cấu trúc’ không khi xung quanh chúng ta đã có rất nhiều ‘tấm gương’ tốt về chương trình, sách giáo khoa, về phương pháp giảng dạy? Thiết nghĩ, để hội nhập và để phù hợp với nền kinh tế thị trường, rất cần phải đổi mới, phải thay đổi. Chương trình đào tạo của chúng ta về cơ bản vẫn như những gì đã có trước ‘đổi mới’ theo mô hình đào tạo đơn ngành, đào tạo chuyên môn sâu. Có lẽ nên bắt đầu từ cái gốc của từ này: University – “đại học” xuất phát từ khái niệm “tri thức rộng hay tri thức toàn cầu” (universal knowledge); và hơn hết, nó có nghĩa khởi thủy là giáo dục nhân văn, giáo dục con người biết làm người bình thường để nhận biết và khám phá thế giới, khám phá thực tại khách quan. Vì vậy, cùng với các môn học chuyên ngành để đào tạo chuyên gia, các môn học về Triết học, Lịch sử, Văn học, Ngôn ngữ và các môn về Văn hóa-Nghệ thuật được coi là các môn học cốt lõi của giáo dục đại học chất lượng cao. Có người gọi cách giáo dục như thế là giáo dục khai phóng (liberal arts education), điều làm nên sự thịnh vượng của các cường quốc kinh tế hiện nay.

Các chương trình đào tạo đại học theo chuyên ngành hẹp trước đây (và hiện nay nữa) hầu như không có phần giáo dục khai phóng, mà chỉ có các môn giáo dục ý thức hệ. Rõ ràng là, cách tiếp cận lý thuyết và phương pháp luận trong đào tạo theo mô hình chuyên môn hẹp không thực sự phù hợp với nền kinh tế thị trường; cũng như những lý thuyết và phương pháp luận ấy khó giúp VN vượt qua những thách thức mà VN đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi xã hội nhanh chóng để hội nhập vào hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa khu vực cũng như toàn cầu. Cần nhớ là, đào tạo đại học không phải chỉ là đào tạo nghề, dù là nghề ‘cao cấp’, vì thế một đại học tốt khác rất xa với một cơ sở đào tạo nghề tốt. Sau khi học xong đại học, người sinh viên tốt nghiệp ngành kĩ thuật và công nghệ, ngoài nắm vững các kiến thức và kĩ năng liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp, họ còn cần có hiểu biết nhất định về những thứ được gọi là ‘kĩ năng mềm’ để có thể kiếm được một việc làm, đồng thời họ còn cần những kiến thức tổng quát hơn mà một người trí thức thật sự cần phải có để tham gia vào đời sống dân sự; nghĩa là họ cần nắm được các kiến thức của các môn học nằm ngoài các môn chuyên ngành kỹ thuật; nhờ thế, họ có thể tự phát triển ý thức về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân cũng như các kỹ năng thực tiễn và tri thức về giao tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm, cũng như  thể hiện một năng lực áp dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn đời sống. Muốn vậy, họ cần có kiến thức về các môn xã hội và nhân văn. Điều đó tạo ra sự khác biệt về năng lực trí tuệ của một người tốt nghiệp đại học với một người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp hay một trường nghề. Sản phẩm của nền đào tạo này không dễ dàng bị những giá trị giả tạo của chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa tiêu dùng mua chuộc, họ biết trân quý và giữ gìn các giá trị và văn hóa truyền thống, cái làm nên hồn cốt của dân tộc họ, đất nước họ. Và cũng vì thế, trường đại học mới có thể là nơi dẫn đầu những phát kiến làm thay đổi sản xuất, kinh doanh, thói quen tiêu dùng; mới có thể trở thành trụ cột tinh thần của xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội như sứ mệnh của bất kỳ trường đại học bình thường nào trong thế giới văn minh.

Những kiến thức và kĩ năng đó chính là những gì một người cần có để kết hợp nghệ thuật thiết kế với các yếu tố kĩ thuật để tạo ra những chiếc xe ô tô, quần áo, điện thoại, và các thứ đồ dụng điện tử và dân dụng khác đủ sức cạnh tranh và mang lại giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm, nâng cao năng suất lao động. Những kiến thức và kĩ năng ấy sẽ chuẩn bị cho họ đối diện với nhiều khía cạnh luôn biến động của đời sống trong nền kinh tế thị trường.

Luật cần làm rõ giải quyết mâu thuẫn trên như thế nào trong 5-10-20 năm tới, và tạo ra hành lang pháp lý đủ rộng cho các tư tưởng đổi mới này?

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)