CEO@Faculty: Đưa ngành công nghiệp lại gần trường đại học
Chương trình CEO@Faculty đã đưa trường đại học và ngành công nghiệp ở Malaysia tới gần nhau hơn thông qua việc tăng cơ hội chia sẻ, hướng dẫn từ các CEO cho các sinh viên và giảng viên.
Nguồn: CEO@Faculty Program.
Hãy luôn khám phá các cơ hội khác khi chúng đến với bạn thay vì lặp lại những gì người khác đã làm. Sau vụ đánh bom ở Bali năm 2002, mọi người đều sợ đến đây du lịch và các hãng hàng không phải loại bỏ chặng này. Nhưng tôi lại thấy đây là cơ hội vàng, do đó đã đưa ra khuyến mãi 5.000 chỗ ngồi miễn phí. “Mánh” quảng cáo này không chỉ giúp bán sạch vé các chuyến bay tới Bali mà còn khiến mọi người quên đi vụ tai nạn.” Đây là những gì Tony Fernandes, CEO AirAisa, hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới, chia sẻ trong buổi giảng tại Universiti Putra Malaysia (UPM).
Đây không phải lần đầu tiên Fernandes diễn thuyết, nhưng lần này ông xuất hiện ở UPM với tư cách giảng viên kiêm nhiệm. Fernandes đã tham gia vào chương trình CEO@Faculty (CFP), một sáng kiến của Bộ Giáo dục Đại học Malaysia, thuộc Pha 2, mang tên “Tài năng xuất sắc” của Kế hoạch Giáo dục Malaysia 2015 – 2025.
Học từ người chuyên nghiệp
Ý tưởng thiết lập CFP xuất phát từ một thực tế là các chương trình đào tạo hiện nay của Malaysia chưa đáp ứng được các yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp của ngành công nghiệp. Theo số liệu năm 2015, chỉ một nửa số sinh viên Malaysia tốt nghiệp được tuyển dụng ngay sau khi rời giảng đường, và trong 6 tháng tiếp theo, vẫn có đến một phần tư tổng số sinh viên chưa có việc làm. TS. Noorul Ainur Mohd Nur, Tổng thư ký Bộ Giáo dục Đại học cho rằng: “Nền học thuật của chúng ta tốt. Nhưng để ra thực tế, bạn cần học hỏi từ những người chơi thực thụ [trên thị trường]”. Vì vậy, CFP đã được khởi động, với mục tiêu chính là tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp từ ngành công nghiệp như một phần của hệ thống giáo dục đại học qua việc chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn của các nhà lãnh đạo đầu ngành. Đây cũng là cơ hội để các sinh viên tự tiếp thị bản thân đến những nhà lãnh đạo ngành công nghiệp, chuẩn bị cho mình một vị trí sau khi tốt nghiệp.
Kể từ năm 2015, CFP bắt đầu đưa các CEO từ cả khu vực quản lý công (Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Nội thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông,…), doanh nghiệp tư (AirAsia, Huawei, Samsung, Shell, Nestle,..) và doanh nghiệp Nhà nước, tới làm giảng viên kiêm nhiệm tại các trường đại học như Universiti Utara Malaysia, Universiti Putra Malaysia,… Mỗi CEO cam kết sẽ dành tối thiểu 30 giờ/năm để làm cố vấn cho sinh viên, giảng viên, thậm chí là nêu những vấn đề quan trọng cho các trường đại học như cách phát triển khung chương trình đảm bảo liên quan đến ngành công nghiệp. Trong năm đầu tiên, chỉ có 24 CEO tham gia vào chương trình nhưng sang năm 2016, con số này đã là 60. Đến hết năm 2017, tổng số CEO tham gia là 72 người, trong đó có 12 lãnh đạo các cơ quan nhà nước, 22 CEO các doanh nghiệp quốc doanh và và 38 CEO khu vực tư nhân. Tính đến năm 2017, hơn 1500 giờ giảng dạy, 200 bài giảng đã được tổ chức. Hơn 96.000 sinh viên và đội ngũ giảng viên, nhân viên trường đại học đã được hưởng lợi từ CFP.
Không chỉ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, các CEO còn dạy cho sinh viên cách tự nhìn lại mình, tham vọng, trách nhiệm và tiềm năng của họ. Đa số những cái nhìn của các CEO đều độc đáo, dựa trên kinh nghiệm sống của họ – trong buổi chia sẻ tại Universiti Institut Teknology Mara (UiTM), Syed Zainal Abidin, nguyên CEO Proton, đã tổng kết những yếu tố dẫn đến thành công: “Làm việc chăm chỉ, kỷ luật, kiến thức, không làm tắt và không bỏ cuộc.” Những chia sẻ này đã được truyền lại tới 4.000 sinh viên có mặt trực tiếp trong khi 26.000 sinh viên khác xem trực tuyến tại các cơ sở khác của (UiTM), đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ.
Đặc biệt, việc các CEO trực tiếp chia sẻ những câu chuyện thành công của bản thân thông qua những buổi trao đổi trực tiếp như vậy, có sức truyền cảm hứng mãnh liệt hơn hẳn với việc để cho sinh viên đọc chúng trên báo chí. TS. Noorul Ainur Mohd Nur khẳng định: “Những câu chuyện thành công đó cần được nhấn mạnh tới các sinh viên. Mọi người đều có một xuất phát điểm bình thường, thậm chí là thấp, nhưng với việc xác định rõ ràng và tri thức đúng, ai cũng có thể trở nên vĩ đại. Chúng tôi muốn sinh viên trở thành những người giỏi cả trên lớp và trong cuộc sống thường nhật.”
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học Idris Jusoh đánh giá: “Những hiểu biết và kinh nghiệm của các CEO đã giúp sinh viên có được cơ hội hiểu những trải nghiệm thực tế từ vị trí một người trong ngành. Điều này là quan trọng bởi nó sẽ cho thấy sự khác biệt giữa những điều sinh viên học trong sách vở và trong các lớp học từ ngành công nghiệp thực sự.”
Huấn luyện bởi người chuyên nghiệp
CFP đã thành công ngoài mong đợi, một số CEO thậm chí còn làm nhiều hơn thay vì giới hạn trong lời kêu gọi của chương trình. Sau lần diễn thuyết tại UPM, Air Asia đã đánh dấu việc hợp tác với trường này theo một cách độc đáo – lần đầu tiên trên thế giới, logo một trường đại học được sơn lên thân máy bay. Trong tương lai, hình ảnh sinh viên của các chương trình đào tạo của UPM sẽ được dán trên tường khoang hành khách. Việc lên ý tưởng và thực hiện sẽ do chính các khoa trong trường đảm nhận; qua đó cung cấp một nền tảng thực hành cho các khối ngành thiết kế, sáng tạo và nghệ thuật của trường. Trong khi đó, Samsung lại kết hợp với Universiti Teknikal Malaysia Melaka (UTeM) triển khai Học viện Công nghệ thông tin UTeM Samsung, nhằm đào tạo và cung cấp cơ hội thực hành về phát triển phần mềm và phần cứng; tính đến nay, có khoảng 100 sinh viên và hơn 50 giảng viên được hưởng lợi từ dự án. Yasmin Mahmood, CEO của Tập đoàn Kinh tế số Malaysia đã tập hợp được các công ty CNTT hàng đầu như Oracle, Microsoft, VADs, TM, HILTI tham gia vào chương trình đào tạo “Kỹ sư dữ liệu” của UTeM được thực hiện theo hình thức 2u2i – 2 năm lên lớp, 2 năm làm việc thực tế trong ngành công nghiệp.
CFP cũng đã củng cố mối quan hệ giữa công nghiệp và học thuật. Các buổi đào tạo ở trường không đơn giản chỉ là việc CEO đến – giảng – và đi, nó là một cơ hội làm việc giữa đội ngũ trong trường đại học và ngành công nghiệp. Từ đây, nhiều mối quan hệ đã được xây dựng và mở ra khả năng hợp tác cũng như chuyển giao công nghệ trong tương lai giữa hai bên. Ngoài ra, một số CEO còn nhìn xa hơn và thấy khả năng đào tạo những sinh viên, giảng viên tiềm năng trở thành những doanh nhân xuất sắc trong tương lai. Irwan Serigar Abdullah, Tổng thư ký Kho bạc, sau khi tham gia CFP, đã mở chương trình cố vấn “Masterclass Entrepreneur” tại Universiti Kebangsaan Malaysia – một khóa học tự chọn, lựa chọn gắt gao những sinh viên đại học và sau đại học của trường để đào tạo họ trở thành những doanh nhân trẻ, đầy tham vọng, thông minh và xuất sắc. Irwan là người hướng dẫn chính trong suốt khóa học kéo dài 14 tuần, với sự hỗ trợ từ Trung tâm Sáng tạo và Đổi mới toàn cầu của Malaysia.
Những kết quả trên là cơ sở để CFP triển khai pha 2 – CFP 2.0 với tên gọi: “Coach by the Pro” vào năm 2017, trong đó các CEO trở thành những người huấn luyện và cố vấn cho những tiến sĩ tuổi từ 30 đến 40, tiềm năng trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai. Họ sẽ tới văn phòng của các CEO trong 6 tháng để học, hiểu và nắm bắt văn hóa doanh nghiệp trong việc quản lý một công ty cao cấp. Những kinh nghiệm học hỏi từ đây cùng với sự hướng dẫn liên tục với các CEO ngành công nghiệp, sẽ góp phần trao quyền để những học giả trẻ tham gia vào vai trò lãnh đạo cao cấp khác nhau trong trường đại học. Đây cũng là cách thức xây dựng và tăng cường mối quan hệ bền vững giữa học thuật và công nghiệp, bằng cách bồi dưỡng những người hiểu về cả hai lĩnh vực.
Thanh Trúc tổng hợp
Nguồn:
https://www.pressreader.com/malaysia/the-star-malaysia/20180506/282553018867103
http://ceo.myain.my/ceo
http://www.thestar.com.my/opinion/online-exclusive/whats-your- status/2016/11/25/my-university-lecturer-and-mentor-the-ceo/