Chăm học có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ gặp vấn đề tâm lý

Chăm chỉ nghĩa là cố gắng làm một việc gì đó để thu được kết quả tốt. Một đứa trẻ chăm học có thể hiểu là một đứa trẻ đặt việc học lên hàng đầu, làm đầy đủ bài tập được giao, chủ động tìm tòi bổ sung kiến thức bên ngoài và dành thời gian khắc phục các điểm yếu. Chăm học thường đi đôi với kết quả tốt. Trong mắt nhiều người lớn, một đứa trẻ chăm học dễ có khả năng đạt điểm cao và ngược lại, một đứa trẻ đạt điểm cao ắt hẳn phải chăm học. Tuy nhiên có những ngưỡng mà vượt qua chúng, sự chăm học trở thành dấu hiệu cảnh báo trẻ lo lắng quá mức về kết quả học tập.

Chăm chỉ vượt ngưỡng là khi nó ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cá nhân của trẻ một cách không cần thiết. Ví dụ, trẻ sẵn sàng thức thâu đêm suốt sáng để làm những bài tập ngoài chương trình đến mức ngày hôm sau thiếu tỉnh táo. Hoặc trẻ thu mình, từ chối đi chơi với bạn bè để chuẩn bị cho kỳ thi còn cách vài tháng trong khi điểm số vẫn ở top đầu lớp.

Những lý do khiến trẻ chăm học quá mức

Quá chăm thể hiện sự lo lắng và sự lo lắng về kết quả học tập thường xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Gia đình và nhà trường

Trẻ em chịu ảnh hưởng lớn từ gia đình và nhà trường. Những hành động như phạt trẻ khi trẻ nhận điểm thấp, chỉ vui vẻ với trẻ khi trẻ được điểm cao, áp đặt mục tiêu không thực tế và so sánh trẻ với người khác làm tăng áp lực của trẻ với việc học. Việc bố mẹ xuất sắc, thành công cũng có thể vô tình khiến con lo lắng.

Áp lực đồng lứa

Áp lực đồng lứa là khi trẻ tự so sánh với những bạn ngang tuổi và thấy mình không đạt được thành tích giống bạn. Ngày nay, mạng xã hội khiến trẻ mở rộng mạng lưới kết nối và biết nhiều hơn đến thành tích của người khác. Chưa kể, việc truyền thông thường xuyên đưa tin về những gương mặt đạt thành tích trong học tập, ví dụ như giành học bổng du học trị giá hàng tỷ đồng, củng cố niềm tin của trẻ rằng học giỏi mới có giá trị. Niềm tin này càng sâu sắc, trẻ càng chìm sâu vào áp lực.

Thất bại trong quá khứ

Thất bại liên quan đến việc học, ví dụ mất danh hiệu học sinh giỏi hay trượt trường chuyên, có thể trở thành cú sốc, thậm chí sang chấn với trẻ và khiến trẻ trở nên chăm chỉ quá mức lành mạnh. Đặc biệt, những thất bại liên quan đến học tập ở cấp 2 và cấp 3 ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của trẻ bởi ở thời điểm đó, trẻ đã nhận thức được nhiều hơn so với cấp 1 nhưng chưa đủ sâu sắc để tìm ra ý nghĩa của những thất bại đó. Cấp 2 và cấp 3 cũng là thời điểm trẻ bắt đầu đi tìm giá trị bản thân và trả lời câu hỏi “tôi là ai” nên những thất bại ở thời điểm này tấn công trực tiếp vào cách trẻ nhìn nhận chính mình.

Hệ quả

Hệ quả đầu tiên khi dành quá nhiều thời gian cho việc học là trẻ không còn thời gian cho các hoạt động khác, ví dụ như chơi thể thao, giải trí, hay đơn giản là đi ra ngoài với gia đình. Kể cả khi được yêu cầu tham gia vào những hoạt động khác đó, trẻ cũng khó cảm thấy thoải mái và tận hưởng bởi còn lo nghĩ về việc học.

Tiếp đến, sức khỏe thể chất của trẻ bị ảnh hưởng. Một đứa trẻ quá chăm, quá lo về việc học khó mà ngủ ngon, ăn ngon. Trẻ cũng có nguy cơ xuất hiện các vấn đề thể chất phát sinh do stress kéo dài như đau bụng, suy giảm hệ miễn dịch.

Bên cạnh sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của trẻ sẽ chịu tác động tiêu cực. Trẻ dễ cáu gắt hoặc buồn bã, thậm chí hoảng sợ. Trẻ có thể hình thành niềm tin sai lệch rằng cố gắng thế nào cũng không đủ, từ đó khắt khe với bản thân một cách không lành mạnh: không ghi nhận thành quả của bản thân (ví dụ, đỗ trường chuyên cũng không tự hào), không tiếp nhận được lời khen của người khác dù lời khen đó đúng, lúc nào cũng cảm thấy mình không đủ tốt và tự ép mình làm việc nhiều hơn nữa…

Hoặc sau một thời gian chăm chỉ quá mức mà không đạt kết quả như mong muốn, trẻ có nguy cơ rơi vào tuyệt vọng và chuyển sang trạng thái cực đoan khác là mất hứng thú, từ bỏ vì suy nghĩ có chăm chỉ cũng vô ích.

Nếu không được điều chỉnh, lo lắng quá mức trong thời gian dài có thể trở thành rối loạn lo âu, khiến trẻ khó kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ, liên tục căng thẳng, dẫn đến khó khăn trong cuộc sống cá nhân và trong các mối quan hệ với người khác.

Hỗ trợ khi trẻ quá lo lắng về học tập

Để trẻ vượt qua sự lo lắng thái quá về học tập, điều đầu tiên bố mẹ nên làm là chú ý đến biểu hiện và chủ động nói chuyện với trẻ. Trẻ có thể không chia sẻ trực tiếp với bố mẹ về áp lực điểm số của mình, nhưng chắc chắn sẽ bộc lộ thông qua hành động, cảm xúc, lời nói. Bố mẹ hãy để tâm đến cách con cư xử và phản ứng với những sự kiện hằng ngày, đặc biệt là những khoảng thời gian chuyển tiếp như năm đầu các cấp học, kể cả đại học. Ví dụ, nếu thấy con thức khuya hay chán ăn, bố mẹ hãy hỏi con điều gì khiến con như vậy và con có cần bố mẹ giúp đỡ gì không. Nếu trẻ chưa sẵn sàng chia sẻ, hãy kiên nhẫn và cho trẻ biết bố mẹ lúc nào cũng ở đây vì con.

Lưu ý, kể cả khi năm đầu cấp học của trẻ diễn ra suôn sẻ, bố mẹ cũng đừng chủ quan bởi trong một số trường hợp, các khó khăn dần dần mới bộc lộ. Ví dụ, năm lớp 6, trẻ học tốt nhưng đến năm lớp 7, chương trình học khó hơn khiến trẻ “đuối” hơn và áp lực hơn.

Thứ hai, bố mẹ hãy hướng dẫn con xây dựng giá trị cho bản thân. Đừng ngần ngại khen khi con làm được một điều gì đó tốt, thậm chí là những việc nhỏ như rửa bát, quét nhà, chăm thú cưng. Bên cạnh đó, gợi ý con tham gia các hoạt động ngoại khóa để con có thêm cơ hội khám phá thế mạnh của bản thân.

Bố mẹ cũng có thể cùng con sắp xếp lịch trình sinh hoạt một ngày sao cho hợp lý hơn. Cụ thể, hãy thử xem con đang làm gì quá ít hoặc làm gì quá nhiều, liệu như thế đã phù hợp chưa và làm thế nào để các công việc này cân bằng hơn.

Ngoài ra, bố mẹ cần giúp trẻ hiểu rằng con người có nhiều giá trị hơn việc học. Điểm số không đứng đầu, kết quả không xuất sắc không có nghĩa là con không đủ tốt.

Qua thực tế công việc của mình, chúng tôi nhận thấy không hiếm khách tham vấn tâm lý trẻ em có biểu hiện lúc nào cũng thấy mình chưa đủ chăm chỉ và phải cố thêm, và tình trạng này có xu hướng tăng. Đáng nói là các em và bố mẹ cho rằng chăm chỉ là tốt nên không nhận thấy vấn đề này cần được tham vấn trị liệu cho đến khi vấn đề bộc lộ ra nghiêm trọng.

Bởi vậy, trong trường hợp cảm thấy sự lo lắng của con về việc học đang ra khỏi tầm kiểm soát, bố mẹ hãy thẳng thắn gợi ý con đi tìm sự trợ giúp của các dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp. Việc sớm can thiệp sẽ giúp giảm gánh nặng cho cả trẻ lẫn gia đình.

Phạm Hài

Tác giả

(Visited 184 times, 1 visits today)