Châu Âu tăng đầu tư cho giáo dục*

Trong khi tiến hành phân bố ngân sách châu Âu giai đoạn 2014-2020, các chính phủ EU đã có quyết định thông minh là gia tăng đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu – họ chỉ làm như thế với hai lĩnh vực này mà thôi.

Châu Âu đang phải vật lộn với những thách thức cực kì to lớn – to lớn đến mức không nước nào có thể tự mình giải quyết đước. Đối mặt với khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp lan tràn, và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các nền kinh tế đang phát triển, châu Âu phải thích nghi với những cải tiến về công nghệ và cách làm việc mới – trong khi dân số đang già đi lại tạo ra những căng thẳng mới đối với ngân sách công vốn đã cạn kiệt rồi. Trong bối cảnh dễ đổ vỡ như thế, EU phải tập trung vào giáo dục nhằm nuôi dưỡng tài năng và tiềm lực của người dân và bằng cách đó thúc đẩy được sự phục hồi về kinh tế và xã hội.

Giáo dục nắm giữ chìa khóa không chỉ cho những công việc tốt hơn và tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ hơn mà còn cho sự phát triển văn hóa, chính trị và xã hội, tức là những điều kiện cần để bảo đảm rằng công dân được phát triển toàn diện và có nền tảng vững chắc để trở thành những người dẫn đầu cả ở địa phương, quốc gia và quốc tế. Bằng cách tập trung vào những chính sách đúng đắn, các nhà lãnh đạo EU có thể bảo đảm rằng nền giáo dục của châu Âu có thể giúp họ trở thành những công dân toàn cầu năng động và những tác nhân kinh tế đầy tiềm năng.

Có một tin vui là các nhà lãnh đạo châu Âu dường như đã công nhận giá trị của việc truy tầm tri thức. Trong khi tiến hành phân bố ngân sách châu Âu giai đoạn 2014-2020, các chính phủ EU đã có quyết định thông minh là gia tăng đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu – họ chỉ làm như thế với hai lĩnh vực này mà thôi. Sự cam kết với việc bảo vệ những khoản đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu như thế phải được thể hiện ở tất cả các cơ quan lập chính sách.

Hơn nữa, để đưa quá trình chuyển hóa của châu Âu vào trung tâm của quá trình sáng tạo mang tinh thần trách nhiệm và nền sản xuất lành mạnh về mặt đạo đức thì các nhà lập chính sách phải bảo đảm rằng các thiết chế giáo dục đại học phải trang bị cho sinh viên những kiến thức tiên tiến nhất và những kĩ năng có mức độ linh hoạt cao, đặt nền tảng trên những giá trị được cộng đồng cùng chia sẻ. Có nghĩa là phát triển những hệ thống giáo dục đa dạng, từ các trường dạy nghề đến các chương trình đào tạo tiến sĩ, và tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với kinh nghiệm quốc tế, điều đó có thể cung cấp cho họ những cơ hội bên ngoài đường biên giới quốc gia.

Thí dụ chương trình Erasmus (viết tắt của European Community Action Scheme for the Mobility of University Students – tạm dịch: Chương trình hành động của cộng đồng châu Âu về trao đổi sinh viên), tạo điều kiện cho sinh viên các trường đại học học tập và làm việc ở nước ngoài như là một phần của chương trình học tập, mở rộng tầm nhìn của người tham gia và gia tăng ước muốn cũng như khả năng đi đến bất cứ nơi nào có việc làm. Những chương trình như thế còn giúp làm giàu thêm kiến thức của các sinh viên địa phương và cung cấp cho các giáo sư hiểu biết sâu sắc đầy giá trị về truyền thống giáo dục đại học của những nước khác.

Hơn nữa, các nhà lãnh đạo châu Âu phải công nhận rằng công tác giảng dạy với chất lượng cao cũng quan trọng như những công trình nghiên cứu tiên phong. Có thể nói, trong khi tất cả mọi người đồng ý rằng các nhà nghiên cứu cần được đào tạo một cách bài bản thì những giả định đang giữ thế thượng phong: thầy giỏi là bẩm sinh và giảng dạy giỏi là ngẫu nhiên – là quan điểm đang đang cản trở nền giáo dục ở tất cả các cấp học.

Cải thiện chất lượng giảng dạy ở bậc đại học là điểm nhấn của Bản báo cáo thứ nhất trình Hội đồng châu Âu do Nhóm chuyên gia cao cấp của Cộng đồng châu Âu về hiện đại hóa giáo dục đại học của EU (tôi là Chủ tịch của Nhóm) thực hiện. Trong số 16 khuyến nghị của Báo cáo có khuyến nghị phát triển chất lượng giảng dạy thông qua quá trình huấn luyện nghề nghiệp bắt buộc thường xuyên và công nhận cũng như tưởng thưởng cho thành tích đã đạt được. Cách tiếp cận như thế sẽ cung cấp cho các nhà giáo dục những kĩ năng và động cơ mà họ cần nhằm tạo ra một hình thức giáo dục mà châu Âu cần.

Một vấn đề cực kì quan trọng khác và là chủ đề của bản báo cáo tiếp theo của nhóm liên quan đến những phương thức giáo dục mới, thí dụ như MOOCs (Massive Open Online Courses – tạm dịch: Các khóa học trực tuyến mở qui mô lớn). Trên thực tế, một số người tuyên bố rằng sắp xảy ra cuộc cách mạng về cách thức tìm kiếm và chuyển giao kiến thức và thông tin.

Trong khi những phương thức giáo dục mới này chắc chắn sẽ làm thay đổi nền giáo dục, nhất là giáo dục đại học, nhưng điều đang xảy ra có thể giống quá trình tiến hóa hơn là một cuộc cách mạng. Nói cách khác, thay vì đưa cách học theo lối truyền thống (brick-and-mortar) đến chỗ cáo chung, MOOCs và những cải tiến khác sẽ khuấy động quá trình chuyển tiếp đến cách học gọi là “trực tuyến và truyền thống” (click-and-mortar). Điều này ám chỉ rằng các khuyến nghị của nhóm trong lĩnh vực này sẽ bao gồm những cải tiến bổ xung cho các hệ thống chính thức và phi chính thức hiện có, cũng như những cơ chế nhằm phục hồi lại quá trình học tập suốt đời trong giáo dục đại học.

Đối với người học, nền tảng của thành công phải được xây dựng ngay từ sớm, bắt đầu từ mẫu giáo và tiểu học. Và các nhà lập chính sách phải nhận thức được nguy cơ của việc làm cho sự bất bình đẳng giữa các nhóm người trở thành vĩnh viễn, một sự bất bình đẳng có lợi cho những người vốn đã có lợi thế rồi. Ví dụ, các công trình nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn những người tham gia vào MOOCs – những khóa được ca ngợi vì khả năng tiếp cận của chúng – đều đã có bằng đại học. Các nhà lãnh đạo châu Âu phải làm việc để bảo đảm rằng những phương thức giáo dục mới sẽ chuyển thành những cơ hội tốt hơn cho những thành phần dân chúng rộng rãi hơn.

Bước đi và phạm vi của tiến bộ công nghệ làm cho việc dự đoán những phát triển đang diễn ra cũng như cách thức mà chúng sẽ tác động tới giáo dục trở thành hầu như bất khả thi. Nhưng, dù có công nghệ mới nào đi nữa thì giáo dục cũng rút lại để trở về với giáo viên và học sinh. Cung cấp phương tiện và cơ hội hỗ trợ cho sự phát triển vai trò của từng cá nhân là yếu tố cần thiết cho việc xây dựng lực lượng lao động có khả năng thích ứng với những tình huống đang thay đổi. Đấy chính là thách thức thực sự mà châu Âu đang phải đối mặt.

Mary McAleese, là cựu Tổng thống Ireland, hiện là Chủ tịch Nhóm chuyên gia cao cấp của Cộng đồng châu Âu về hiện đại hóa giáo dục đại học của EU.

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn:
http://www.project-syndicate.org/commentary/mary-mcaleese-offers-recommendations-for-improving-europe-s-education-and-training-systems

* Tiêu đề do Tia Sáng đặt lại

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)