Chính sách phổ cập giáo dục tiểu học: Lợi ích dài hạn và liên thế hệ
Được áp dụng từ năm 1991, chính sách phổ cập giáo dục tiểu học tại Việt Nam không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho cá nhân trực tiếp đi học mà còn giúp lan tỏa giá trị khác về sức khỏe và phát triển đến với các thành viên khác của gia đình, bao gồm con cái và cha mẹ lúc tuổi già.
Mở rộng tiếp cận giáo dục tiểu học cho trẻ em luôn được xem là công cụ chính sách hữu hiệu giúp xóa đói, giảm nghèo, cải thiện phúc lợi và giảm bất bình đẳng xã hội ở các quốc gia kém phát triển. Một trong tám hành động cốt lõi cho phát triển bền vững và hướng tới tương lai của Chương trình Mục tiêu Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals) của Liên Hiệp Quốc là phổ cập giáo dục tiểu học ở các nước đang phát triển. Nhưng bằng cách nào chúng ta đánh giá được tác động của nó với chính người được hưởng thụ chính sách và tác động rộng hơn với toàn xã hội? Những chuyển động xã hội trong vòng 30 năm qua là cơ hội để chúng ta có thể nhìn nhận lại gần như toàn bộ giá trị mà chính sách này đem lại cho Việt Nam.
Chính sách phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991
Giáo dục tiểu học đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với trình độ giáo dục cuối cùng trong cuộc đời một con người vì hầu hết các kỹ năng cơ bản như đọc, viết, tư duy, nhận thức đều được trang bị trong giai đoạn này. Hoàn thành cấp tiểu học tạo tiền đề cho các bậc học cao hơn cũng như cơ sở tạo ra sự thành công trong công việc và cuộc sống của một người trưởng thành sau đó.
Những năm trước 1990, tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học ở Việt Nam tương đối thấp ở nông thôn và các vùng sâu, vùng xa khoảng dưới 65%, trong khi tỷ lệ đó ở đô thị là trên 90%. Tình trạng này tạo nên sự bất bình đẳng vùng miền về tiếp cận giáo dục tiểu học. Năm 1991, Chính phủ Việt Nam tiến hành chính sách phổ cập giáo dục tiểu học khi bắt buộc trẻ dưới 14 tuổi phải hoàn thành cấp tiểu học trước khi tiếp tục bậc học cao hơn hay tham gia thị trường lao động. Để đạt được mục tiêu chính sách, chính phủ đã dành nguồn lực đầu tư vào hệ thống giáo dục tiểu học như xây dựng thêm nhiều trường và mở thêm nhiều lớp học ở khu vực nông thôn và miền núi, vùng sâu, vùng xa, và đào tạo thêm giáo viên. Trẻ em ở vùng khó khăn được động viên đến trường và tạo điều kiện thông qua hỗ trợ học bổng. Chính sách này cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ như Ngân hàng Thế giới.
Về cơ bản chính sách phổ cập giáo dục 1991 ở Việt Nam đã rất thành công trong mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới đến những năm đầu thế kỷ 21, tỷ lệ trẻ em học tiểu học ở Việt Nam đạt 98%2. Nếu đặt Việt Nam trong tương quan so sánh với mức phát triển thì có thể thấy tỉ lệ này ở mức rất cao.
Tuy nhiên, đánh giá mức độ thành công của một chính sách không chỉ đơn giản nhìn vào những con số cơ bản ở trên. Bởi những con số ấy chỉ cho thấy kết quả tức thời, trong khi tác động của một chính sách giáo dục lên cuộc đời mỗi con người rất lâu dài, thậm chí liên thế hệ, và lan tỏa đa chiều. Đó là lý do chúng tôi đo lường, đánh giá tác động lan tỏa của chính sách giáo dục quan trọng, đã bao phủ lên hàng chục triệu người này.
Sử dụng dữ liệu điều tra dân số năm 2009 và dữ liệu điều tra hộ gia đình Việt Nam 2010-2014, nghiên cứu gần đây của tôi và giáo sư Thomas Cornelissen tại Đại học Essex, Anh quốc1 đã cho thấy chính sách này giúp làm tăng tỷ lệ hoàn thành tiểu học ở nhóm trẻ ở vùng nông thôn lên đến gần 10%. Như minh họa trên Đồ thị 1, nếu tỷ lệ hoàn thành tiểu học ở nhóm không bị ảnh hưởng bởi chính sách (những người sinh trước 1977 ở vùng nông thôn) ở mức 65% thì tỷ lệ hoàn thành tiểu học của nhóm thụ hưởng chính sách (những người sinh từ năm 1981 trở đi ở vùng nông thôn) đã lên vượt quá 75%. Hoàn thành tiểu học ở nông thôn càng tăng lên ở nhóm sinh sau so với nhóm sinh trước đó giúp xóa bỏ khoảng cách về giáo dục tiểu học giữa thành thị và nông thôn cho nhóm trẻ sinh từ cuối thập niên 1990.
Lợi ích dài hạn cho người đi học
Về mặt cá nhân, lợi ích trực tiếp đầu tiên mà chính sách phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991 ở Việt Nam đem lại là cải thiện vốn con người. Khả năng hoàn thành cấp học cao hơn trung học cơ sở của nhóm thụ hưởng chính sách tăng khoảng 11% và tăng tổng số năm đi học gần một năm khi so với nhóm hoàn toàn nằm ngoài tác động của chính sách. Thông qua những cải thiện đáng kể về vốn con người, chính sách đã tạo ra nhiều tác động tích cực đến thành tựu kinh tế cho nhóm được thụ hưởng chính sách. Khi trưởng thành, họ có thiên hướng năng động hơn khi tìm việc làm trên thị trường lao động, thường làm việc ở các khu vực kinh tế có kỹ năng cao và mức lương trung bình cao hơn trên 20% so với nhóm không được thụ hưởng chính sách.
Cuộc sống gia đình của họ cũng tốt hơn hẳn, chính sách này còn giúp họ cải thiện phúc lợi cuộc sống gia đình thông qua việc ổn định nơi ở (tăng 6,8% với nữ và 2,7% với nam giới), tăng tỷ lệ kết hôn (tăng 4% với nữ và 11,9% với nam giới) và tăng trình độ học vấn của bạn đời (tăng xấp xỉ nửa năm với cả hai giới). Hiệu quả của chính sách còn thể hiện một cách rõ nét ở chính những người phụ nữ hoàn thành tiểu học nhờ chính sách này, đó là họ sinh con ít hơn (giảm 0,04 con) nhưng lại tăng khả năng có ít nhất một đứa con (8,3%) và con của họ cũng khỏe mạnh hơn bởi tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là con của họ cũng thấp hơn so với con của phụ nữ không hoàn thành phổ cập tiểu học 9,2%. Như vậy nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy chính sách phổ cập giáo dục tiểu học đã đem lại nhiều lợi ích cho cá nhân người đi học.
Lợi ích lan tỏa liên thế hệ
Một câu hỏi quan trọng khác cần đặt ra là liệu chính sách phổ cập giáo dục có đem lại những lợi ích khác, lan tỏa từ người trực tiếp được hưởng lợi đến nhóm hưởng lợi thụ động không? Trên thực tế thì một chính sách giáo dục thường có tác động lan tỏa và lâu dài hơn là chỉ tác động “khu trú” lên một cá nhân, hay một thế hệ. Chúng ta có thể thấy là một người học học giỏi và thành đạt có thể tạo nền tảng cho con cái họ, nuôi dưỡng, chăm sóc con cái tốt hơn và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già. Trong nghiên cứu kinh tế, hiện tượng này được khái niệm hóa bằng thuật ngữ tác động liên thế hệ (intergenerational effects). Do vậy nếu tính các lợi ích lan tỏa liên thế hệ, lợi ích của phổ cập giáo dục tiểu học sẽ còn vượt xa hơn nữa, so với việc nhìn tập trung vào lợi ích trực tiếp của người đi học.
Chúng tôi đã tìm ra bằng chứng về tác động liên thế hệ của chính sách phổ cập giáo dục tiểu học 1991 ở Việt Nam. Con cái của những người nhận được ảnh hưởng của chính sách phổ cập giáo dục đã nhận được nhiều nguồn lực đầu tư vào giáo dục hơn hẳn so với con cái của những người không được hưởng lợi từ chính sách. Bình quân, đầu tư của hộ gia đình vào giáo dục cho con cái trong độ tuổi đến trường tăng thêm 20% (bao gồm chi tiêu cho học phí, mua sách, vở, tài liệu, và dụng cụ học tập, tiền học thêm). Đầu tư của hộ gia đình vào sức khỏe cho trẻ em cũng tăng lên nhờ chính sách phổ cập giáo dục. Chi tiêu bình quân cho thực phẩm có lợi cho sự phát triển của trẻ em trong hộ gia đình theo đầu người tăng 23%, chi tiêu mua bảo hiểm tự nguyên để chăm sóc sức khỏe tăng hơn 14%, và tỷ lệ nhập viện trẻ em giảm đi 2.6 %. Ngoài ra chính sách còn giúp làm giảm tình trạng lao động trẻ em ở con cái của những người được hưởng lợi bởi chính sách. Những đứa trẻ nhận nhiều đầu tư hơn vào học vấn và sức khỏe được kỳ vọng sẽ thành công hơn trên thị trường lao động và sức khỏe tốt khi trưởng thành. Như vậy, nhìn tổng thể, chính sách phổ cập giáo dục tiểu học giúp mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ con cái của những người được thụ hưởng trực tiếp từ chính sách.
Chính sách giáo dục tốt đẹp không chỉ mang lại tác động một chiều, có tính di truyền cho thế hệ sau mà còn có tác động tích cực liên thế hệ ở chiều ngược lại. Cha mẹ của những người được hưởng lợi từ chính sách phổ cập giáo dục có sức khỏe tuổi già tốt hơn so với cha mẹ không có con ảnh hưởng bởi chính sách. Chính sách phổ cập giáo dục tiểu học giúp cha mẹ của những người được hưởng lợi từ chính sách ít bị bệnh hơn 10 ngày trong một năm và tăng khả năng cảm nhận sức khỏe tốt của bản thân. Để lý giải tác động tích cực đến sức khỏe thể chất của thế hệ cha mẹ, chúng tôi tìm thấy bằng chứng về mối liên hệ giữa giáo dục của con và việc nâng cao điều kiện tài chính và tiện ích cuộc sống cha mẹ (có nhiều tiền tiết kiệm hơn, sở hữu nhiều tài sản hơn, cảm thấy thỏa mãn hơn với tình trạng tài chính, và có bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tư nhân). Ngoài ra, giáo dục của con còn giúp cha mẹ có lối sống lành mạnh hơn như việc giảm tần suất uống rượu bia. Những cơ chế tiềm năng này hoàn toàn dễ hiểu trong xã hội Việt Nam khi mà con cái thường có mối tương tác gần gũi với cha mẹ lúc về già. Trình độ giáo dục của con sẽ giúp cải thiện sự tương tác đó, qua đó làm cho sức khỏe cha mẹ tốt hơn. Như vậy, tác động liên thế hệ của chính sách phổ cập giáo dục tiểu học không chỉ xảy ra ở chiều cá nhân/con cái của họ (downward intergenerational spillovers) mà còn theo chiều ngược lại cá nhân/cha mẹ của họ (upward intergenerational spillovers).
Lợi ích tiềm năng khác cho xã hội
Mặc dù nghiên cứu của chúng tôi chỉ tập trung đo lường lợi ích trực tiếp của cá nhân người đi học và lợi ích gián tiếp lan tỏa đến các thành viên khác trong gia đình nhưng nhìn rộng ra, chính sách phổ cập giáo dục tiểu học 1991 có thể đem lại các tác động tích cực khác đến xã hội ở phạm vi địa phương hay cả ngân sách quốc gia. Ở phạm vi địa phương, chính sách này có thể tạo ra nguồn cung lao động có kỹ năng cao hơn giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế ở địa phương. Ví dụ như một xã ở vùng sâu vốn có tỷ lệ hoàn thành giáo dục tiểu học thấp và nhờ chính sách này mà cải thiện giáo dục tiểu học nói riêng và trình độ giáo dục nói chung cho con em. Chính các em này sẽ tham gia vào lực lượng lao động ở địa phương với kỹ năng cao hơn và nhờ đó góp phần giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở địa phương. Bên cạnh đó, chính các em với trình độ giáo dục cao hơn sẽ chủ động tạo ra các hoạt động kinh tế, thương mại và sản xuất ở địa phương một cách hiệu quả hơn.
Dưới góc độ ngân sách quốc gia, chính sách phổ cập giáo dục có thể gián tiếp tiết kiệm ngân sách quốc gia thông qua việc hộ gia đình tăng đầu tư cho giáo dục trẻ em hay chi tiêu cho sức khỏe người già. Như đã thảo luận ở trên những người thụ hưởng chính sách chi nhiều hơn cho giáo dục con cái họ và giúp cải thiện sức khỏe cha mẹ họ. Nếu không có những tác động lan tỏa cá nhân này thì gánh nặng về ngân sách cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe người già sẽ càng lớn hơn, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhà nước có thể tiếp kiệm ngân sách nhờ những tác động lan tỏa này và phân bổ nguồn lực cho nhóm yếu thế khác hay để thực thi các chính sách quan trọng khác trong xã hội.
Di sản của một chính sách đúng
Thông thường, các nhóm có thu nhập thấp và ở vùng nông thôn kém phát triển thường bị hạn chế cơ hội tiếp cận giáo dục nói chung và tiếp cận giáo dục tiểu học nói riêng. Trong bối cảnh đó, vai trò của nhà nước cực kỳ quan trọng để giúp gia tăng tiếp cận cơ hội đi học cho trẻ thuộc các nhóm yếu thế trong xã hội, qua đó xóa bỏ khoảng cách về tiếp cận giáo dục giữa thành thị và nông thôn. Hãy thử tưởng tượng nếu không có sự can thiệp từ chính sách của nhà nước, con cái của gia đình nghèo sẽ khó có cơ hội đến trường và vòng luẩn quẩn “nghèo đói-ít học-nghèo đói” cứ mãi duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong một xã hội như thế, học vấn và trí thức chỉ thường dành cho một nhóm dân số nhất định ở thượng tầng trong phân bố thu nhập chứ không dành cho toàn bộ dân số. Chính sách can thiệp của nhà nước như một lưỡi dao cắt đứt vòng luẩn quẩn “nghèo đói-ít học-nghèo đói” liên thế hệ, tạo điều cho con em của nhóm yếu thế đi học và cải thiện vị thế kinh tế sau đó.
Các can thiệp chính sách như vậy sẽ giúp đạt được mục tiêu phát triển bao trùm “không bỏ ai lại phía sau” trong tiến trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Chính sách cải cách giáo dục tiểu học 1991 ở Việt Nam đã thành công trong việc đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học thấp trước khi thực hiện chính sách. Không những thế, chính sách đã tạo ra nhiều lợi ích kinh tế và phi kinh tế, không chỉ cho người trực tiếp đi học mà còn lan tỏa lợi ích đến với các thành viên trong gia đình. Thảo luận thành công này không thể không nhắc đến vai trò thực thi chính sách hiệu quả của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cố Bộ trưởng Giáo dục Trần Hồng Quân trong giai đoạn này. Di sản mà các lãnh đạo này để lại thông qua chính sách mà họ thực hiện có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển xã hội trong dài hạn và tác động tích cực đến nhiều thế hệ.
Tóm lại, những kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, thông qua cả những tác động lâu dài đối với thế hệ thụ hưởng trực tiếp và những tác động lan tỏa trong gia đình đối với thế hệ tiếp con cái và thế hệ cha mẹ, đầu tư giáo dục phổ cập mang lại lợi ích xã hội rất lớn. Do vậy, nhà nước cần tăng chi tiêu vào giáo dục, cụ thể là giáo dục phổ cập ở vùng đặc biệt khó khăn, là một hàm ý chính sách quan trọng. Việt Nam ngày nay, về cơ bản đã đạt được mục tiêu phổ cập ở bậc tiểu học, cần hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục, qua đó giúp tạo ra một thế hệ con người mới có trình độ thích ứng với bối cảnh thay đổi của nền kinh tế tri thức và cạnh tranh toàn cầu. Đây chính là một cơ chế hiệu quả giúp chính phủ đạt được mục tiêu bao trùm xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững. □
——-
Tham khảo
[1] Cornelissen, T., & Dang, T. (2022). The multigenerational impacts of educational expansion: Evidence from Vietnam. Labour Economics, 78, 102243.
[2] World Bank (2023). Data Bank: Millennium Development Goals. Tiếp cận tại địa chỉ: https://databank.worldbank.org/source/millennium-development-goals/Series/SE.PRM.NENR#