Chuyện học và thi
Một điều đáng mừng là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có tiến bộ nhiều. Sau hàng chục năm, lần đầu tiên mới có một kỳ thi trung thực, nghiêm túc. Song mừng vui cũng chỉ mới được một nửa. Vì sao?
Bộ GD và ĐT có kế hoạch vài năm tới sẽ hợp nhất hai kỳ thi THPT với tuyển sinh ĐH, CĐ thành một, nhưng theo tôi thi tuyển vào ĐH thì dù thi riêng hay thi chung với THPT cũng bất cập. Dựa theo kinh nghiệm các nước, tôi đã nhiều lần đề nghị chỉ nên có một kỳ thi sơ tuyển nhẹ nhàng để loại bớt những người quá kém, sau đó việc xét tuyển vào đại học giao cho từng đại học quyết định, dựa trên kết quả điểm số trong kỳ thi sơ tuyển, kết hợp với xem xét học bạ ba năm cuối THPT. Trên thế giới phần lớn đại học không tổ chức thi tuyển sinh, chỉ trừ những trường rất danh tiếng ở một số nước thì phải thi vào, nhưng thi của họ cũng không giống mình. Kỳ thi sơ tuyển ở Mỹ như SAT chỉ chủ yếu kiểm tra năng lực diễn đạt, phân tích, suy luận lôgíc, rất cần thiết để học đại học. Vượt qua được kỳ thi đó không có nghĩa đã trúng tuyển vào đại học, mà cùng với kết quả tốt ở kỳ thi SAT còn phải có học bạ tốt ở phổ thông, đáp ứng được yêu cầu của trường thì mới được nhận. Cách làm như thế ít tốn kém mà chọn được người học đúng yêu cầu đào tạo hơn là thi tuyển.
Vừa qua thi THPT nghiêm túc là một dịp bộc lộ rõ thực trạng yếu kém của giáo dục. Nhớ lại những năm trước, hiện tượng đáng xấu hổ phao rải trắng sân trường sau mỗi buổi thi, còn trong khi thi thì quang cảnh nhốn nháo, người dân bắc thang qua tường, trèo tường, ném bài giải vào phòng thi. Để ngăn chặn cảnh đó năm nay có nơi như Hà Tây xây tường rất cao quanh một số trường thi, làm cho các trường trông giống nhà tù hay trại tập trung hơn là trường học. Tốn kém xây bức tường có nơi lên tới cả mấy trăm triệu đồng. Thật kỳ quái, chống tiêu cực thi cử bằng biện pháp xây tường cao cũng chẳng khác nào thời bao cấp chống nạn ăn cắp thìa trong các quán ăn mậu dịch bằng cách đục lỗ tất cả các thìa. Để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc chẳng lẽ phải trả bằng cái giá hạ thấp văn hóa như thế ư?
Với phần đông thí sinh, 12 năm đèn sách được kết quả gì? Đề thi dễ thế mà cũng chỉ 2/3 đỗ, nhiều người đánh giá nếu đề thi thật sự nghiêm túc thì tỉ lệ đỗ có lẽ chỉ khoảng 30 đến 40%. Như vậy một nửa số thí sinh đươc cấp bằng tốt nghiệp không xứng đáng với tấm bằng. Cái ý tốt cấp bằng xứng đáng cuối cùng chỉ mới thực hiện nửa vời.
Không biết kỳ thi lần II sắp tới sẽ như thế nào nhưng khi đã đặt thêm một kỳ thi tốn kém thì chắc người ta cũng phải hy vọng vớt thêm được một số đáng kể thí sinh nữa. Thực ra đấy cũng là cách làm rất hình thức. Đề thi lần I dễ như vậy mà không qua nổi, làm sao chỉ học thêm vài tháng mà khá được.
Đã lâu quá rồi chúng ta quen cho lên lớp thoải mái, thi cử lấy lệ, không nghiêm túc. Bây giờ sít chặt thì đúng, nhưng cũng chỉ mới nghiêm túc ở đoạn cuối. Khác nào một qui trình sản xuất gồm nhiều công đoạn mà chỉ đến khi ra thành phẩm mới kiểm tra chất lượng thì hết sức lãng phí. Dẫu sao cái tốt là bây giờ thấy rõ chất lượng tồi tệ của giáo dục. Điều này trước đây cũng đã có nhiều người cảnh báo, nhưng nhiều vị lãnh đạo, nhiều quan chức cấp cao, cứ một mực khẳng định thành tựu tuyệt vời, thành tựu vĩ đại của giáo dục, cho nên mới đến nông nỗi này. Âu cũng là bài học.
Đương nhiên tình trạng này không thể chấn chỉnh một sớm một chiều. Khi chúng ta đã vô trách nhiệm để chất lượng sút kém kéo dài tích lũy qua nhiều năm, thì bây giờ có hậu quả đó, cần phải nghĩ cách khắc phục cho hợp lý, chứ không nên đổ hết tai họa lên đầu học sinh và cha mẹ các em. Đối với cả hệ thống quản lý, đương nhiên phải chấn chỉnh nghiêm túc ngay từ lớp 1. Chúng ta nói hai không rất hay nhưng thiếu kiểm tra ráo riết mọi khâu mà chỉ tập trung lo cho kỳ thi nghiêm túc, trong khi đáng ra phải theo dõi chỉ đạo việc học tập thường xuyên trong từng trường theo tinh thần nghiêm túc ngay từ đầu năm, ngay từ lớp dưới. Việc tổ chức thi kỳ II xuất phát từ ý tốt, song sẽ tốn kém, căng thẳng, mà kết quả có thể nhìn thấy trước sẽ chẳng bao nhiêu, trừ khi lại ra đề thật dễ để vớt hết đa số. Bấy nhiêu vấn đề phức tạp, căn bản đều do vẫn cố bám những quan niệm cũ kỹ về học và thi. Vì vậy, tuy những cải tiến vừa qua rất đáng trân trọng, nhưng thật lòng tôi vẫn cảm thấy chưa ổn. Trong thời buổi hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu chúng ta cứ mải mê luyến tiếc những cái cũ kỹ, lỗi thời, không chịu bứt ra để có những đột phá lớn thì bao giờ mới theo kịp thiên hạ. Còn nhớ cách đây khoảng 8, 9 năm có vị ở bộ giáo dục còn lớn tiếng tuyên bố thi cử như chúng ta làm là tối ưu rồi ! Không hiểu các vị ấy giờ đây nghĩ thế nào. Muốn thật sự chấn hưng giáo dục thì trước hết lãnh đạo cấp cao phải có quyết tâm thay đổi tư duy, xác định lại quan niệm về dạy, học, thi cử cho hợp với xu thế thời đại và yêu cầu phát triển của đất nước. Người ta đi nhanh thì ít ra mình cũng phải cố chạy, đừng ai nghĩ trong cuộc chạy đua này người ta đều là thỏ con ham chơi, còn mình là rùa già kiên nhẫn bò từng bước chắc ăn.
Đối với số học sinh thi trượt cả lần II nghe nói sẽ có thể có ba giải pháp: hoặc là cho học lại lớp 12, hoặc chuyển qua học ở các trường bổ túc, hoặc tập trung lại để dạy thêm (bao lâu ?). Song giải pháp nào là tốt nhất không phải là vấn đề chính. Căn bản là quan niệm học hành và thi cử như thế nào, từ đó mới có hướng xử lý đúng đắn các vấn đề cụ thể. Còn trong khuôn khổ hiện tại, giải quyết mấy vấn đề trên theo cách này hay cách khác, nếu có tốt hơn thì cũng chỉ tốt hơn một tí chút chứ chẳng có ý nghĩa gì lớn. Đề thi dễ thế mà không qua được tức là đã mất cơ bản rồi, dù có học lại phổ thông hay bổ túc thêm môt năm cũng chẳng mấy hy vọng, tốt hơn nên để các em ấy học nghề rồi ra làm việc, sau này khi đủ điều kiện và nếu muốn vẫn còn có cơ hội học thêm lên đại học qua các hình thức đào tạo liên thông hoặc giáo dục thường xuyên. Khó khăn ở đây là không có đủ trường dạy nghề đàng hoàng. Lẽ ra trong một đất nước như ta, phải chăm lo phát triển từ sớm để có được những trường dạy nghề hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Học nghề để có nghề vững vàng giúp ích cho xã hội còn tốt hơn nhiều lần học đi học lại phổ thông để cố vào đại học, trở thành những ông cử ông nghè dỏm.
Mặc dù tất cả những điều không hay nói trên, tôi vẫn mừng rằng từ một năm nay ngành giáo dục đã có một số chuyển biến rõ, nhờ người lãnh đạo năng nổ và có tinh thần phụ trách. Tuy nhiên vẫn còn quá nhiều cái đáng lo. Muốn thay đổi mạnh theo hướng đúng đắn còn quá nhiều việc phải làm, nhiều quan niệm phải xác định lại, nhiều tổ chức phải sửa đổi, nhiều chức trách phải thay người, chỉ sợ một mình ông bộ trưởng khó kham nổi, nếu thiếu sự hỗ trợ tích cực và đầy đủ từ cấp lãnh đạo cao nhất. Tôi tin rằng trước xu thế hội nhập, muốn hay không giáo dục phổ thông rồi cũng phải sớm ổn định và đi vào quỹ đạo đúng đắn. Mối lo lớn nhất hiện nay tập trung vào dạy nghề và đại học gắn liền với nghiên cứu mà xem ra ta đang có nguy cơ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển quý báu.