Có học thì có thi hoặc Có học thì có giỏi

Ý kiến bỏ thi bậc Phổ thông Trung học vừa đưa ra, lập tức có những phản ứng mạnh mẽ và tức thời. Dĩ nhiên đó là phản ứng của … những quyền lợi bị đụng chạm vì việc bỏ thi. Dám cam đoan là vậy.

Người ta đưa ra như một nguyên lý đã được xác lập bất biến: có học thì có thi. Các thí sinh và những bậc mẹ cha lếch thếch theo chân con đi thi nghe vậy mà phát khiếp; biết thế không đẻ; biết thế không cho đi học! Các chủ quán trọ đủ kiểu, các ông bà cò đủ kiểu và các ông bà chủ các lò luyện thi cũng đủ kiểu thì mỉm cười nhìn nhau và vỗ tay thầm. Thi muôn năm! Mình mất gì đâu?

Thế là có câu hỏi sau: sao những nhà giáo dục tài danh khả kính không đưa ra một nguyên lý khác, chẳng hạn có học thì có giỏi? Là nói cái giỏi thực sự ấy, chứ không phải cái giỏi để chỉ cần tốt nghiệp Phổ thông Trung học và chỉ cần lọt vô Đại học. Con ơi muốn nên thân người … Nên thân người cái nỗi gì mà lớn tồng ngồng vẫn không dám lên tỉnh đi thi một mình? Nên ái thân người gì mà lấy hai ba bằng đại học vẫn không biết cách tự nuôi sống, vẫn ăn lương phụ huynh?  

Cần có những khảo sát tử tế để trả lời cho xã hội về chuyện bỏ thi, xem đó là đúng hay sai, là cần thiết hay không cần thiết.

Nhưng người viết bài này lại ủng hộ một giả định là, nếu nền Giáo dục vận hành dựa trên nguyên lý Có học thì có giỏi thì hình như là nên bỏ thi, hoặc là có thể bỏ thi, và đừng ai nghi ngờ chuyện bỏ thi là kiến nghị của một trí khôn đột biến. Nói đảo lại: nên bỏ thi, có thể bỏ thi, nếu tổ chức lại công cuộc Giáo dục dựa trên nguyên lý Có đi học thì nhất thiết sẽ học giỏi.   

Và cũng đừng nói gọn lỏn bỏ hay giữ, mà ta sẽ nói như sau: cần thiết có một lộ trình bỏ thi tốt nghiệp Giáo dục Phổ thông dựa trên việc tổ chức lại cách học và cách dạy, để con em muốn nên thân người không phải là nhăm nhe một mảnh bằng, mà là được tham gia vào một công cuộc tự học – tự giáo dục, sao cho não trạng của cả dân tộc được cải tạo lại từ khi “dân tộc” còn là tấm bé.  

Xin nhắc lại để khỏi hiểu nhầm là viết nhịu: tổ chức lại cách học và cách dạy! Bậc tiểu học phải được là bậc học phương pháp học. Bậc Trung học phải là bậc dùng phương pháp đã sở hữu để tự tìm đến những điều cần cho cuộc đời mỗi thanh thiếu niên. Cuộc đời ấy không phải là cuộc chạy đua kiếm mảnh bằng. Đó là cuộc đời làm mà học – học mà sống. Làm mà học giả định là một công cuộc tự tìm ra thức ăn cho trí tuệ của mình. Không phải cái thức ăn do thày cô giáo bón cho từng thìa với đầy lòng nhân ái và tình thày trò mà cứ mỗi lần tới ngày 20 tháng 11 lại chợt nhớ ra và thường rưng rưng xúc động.

Nhờ cái thức ăn cho trí tuệ được tự tìm ra (nói vậy thôi: ngành Giáo dục phải có trách nhiệm tổ chức được chương trình, nội dung tạo ra được CÁCH HỌC như thế) và do đó con em sẽ có nhiều ngả đi trong đời. Làm sao học hết lớp 9 là đủ để tự sống, tự nâng cao tay nghề để sống đỡ vất vả hơn. Hoặc giả là lên Trung học bậc Chuyên khoa, là nơi tập nghiên cứu sao cho khi vào đại học không dừng bài giảng của giáo sư để “cho em còn kịp ghi”. Sao cho bậc đại học phải là bậc tập độc lập nghiên cứu để bậc sau đại học không còn là bậc của những hành khất nghiên cứu sinh chìa tay xin “thày có đề tài gì cho em làm”…

Nhờ cái thức ăn cho trí tuệ được tự tìm ra (nói vậy thôi: ngành Giáo dục phải có trách nhiệm tổ chức được chương trình, nội dung tạo ra được CÁCH HỌC như thế) và do đó con em sẽ có nhiều ngả đi trong đời. Làm sao học hết lớp 9 là đủ để tự sống, tự nâng cao tay nghề để sống đỡ vất vả hơn. Hoặc giả là lên Trung học bậc Chuyên khoa, là nơi tập nghiên cứu sao cho khi vào đại học không dừng bài giảng của giáo sư để “cho em còn kịp ghi”. Sao cho bậc đại học phải là bậc tập độc lập nghiên cứu để bậc sau đại học không còn là bậc của những hành khất nghiên cứu sinh chìa tay xin “thày có đề tài gì cho em làm”…

Liệu có cần phải đợi đến khi nghiên cứu xong một cách học và một cách tổ chức việc học (xin lưu ý, tác giả không dùng chữ cách dạy nữa), đợi khi đó mới bỏ thi tốt nghiệp bậc giáo dục phổ thông? Xin lưu ý tiếp: đến đây, tác giả không dùng chữ tốt nghiệp Trung học Phổ thông mà dùng chữ tốt nghiệp bậc Giáo dục Phổ thông.

Vậy là, ai cấm có những bài kiểm tra nhẹ nhàng mà rất cao ở cuối bậc Phổ thông Trung học (Trung học chuyên khoa)? Những cuộc kiểm tra ít ra cũng ganh đua được với kỳ thi Tú tài năm 2013 ở Pháp, mà chỉ đọc đề thi đã thấy mừng cho con người.

Và cũng chẳng ai cấm việc cuối bậc Giáo dục Phổ thông nhà trường mở hội trao tặng mỗi học sinh một tấm kỷ niệm chương, kèm một thư của Bộ trưởng cám ơn bạn đã đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục quốc dân trong suốt 12 năm qua, và chỉ thế thôi đã quá long trọng?

Còn lại vấn đề nữa: chất lượng vào đại học sẽ ra sao? Sẽ chẳng có gì khó khăn nếu lại thả nốt quyền tự chủ cho trường đại học. Cũng chẳng cần thi nhập học. Chỉ cần đăng ký vào học, và trong quá trình học sẽ lọc dần lấy những sinh viên đủ trình độ theo học. Mỗi trường đại học, do được tự chủ, cũng sẽ có khoa Dự bị của riêng mình, chẳng phải xin phép ai hết, để giải quyết những bất cập lúc giao thời.

Như vậy, quyền tự chủ đại học dẫn tới tự do đóng góp theo sức của mình – ở một vế bên kia sẽ là sự dân chủ tiếp nhận của xã hội. Quy luật của cuộc sống thực sẽ có tiếng nói cuối cùng cả với cá nhân từng công dân-học sinh sinh viên và cả với thiết chế giáo dục, anh nào có chất lượng và đi đúng hướng chấn hung đất nước thì anh ấy sẽ làm nên.

Nên nhớ, hơn hai trăm năm trước, trường đại học Harvard sau bốn năm đầu chỉ có dưới một chục sinh viên tốt nghiệp, và một nửa tài sản mục sư hiệu trưởng John Harvard tặng trường chỉ có vài trăm cuốn sách và vài trăm đô-la.

Công cuộc Có học có thi hoặc Có học có giỏi cần bao nhiêu năm hoặc bao nhiêu chục năm để định đoạt số phận nhau, cũng là định đoạt nền giáo dục của dân tộc này có chấn hưng được hay không?

Còn lại điều cuối cùng: Bộ Giáo dục hiện thời hay tổ chức nào, người nào sẽ đứng ra tổ chức những thay đổi để cái nguyên lý Có học có thi sẽ được thay bằng nguyên lý khác Có học có giỏi?

Hà Nội, 5 tháng 8 năm 2013

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)