Cốt lõi vật chất của giải pháp giáo dục

Sự sống, sức sống của 100% dân cư hiện đại được bảo lãnh bởi sức lao động của chính họ. Các đẳng cấp xã hội cha truyền con nối ngàn đời của xã hội cổ truyền nay thay bằng các đẳng cấp sức lao động của mỗi cá nhân tự mình tạo ra trong đời. Nền giáo dục cho 100% dân cư hiện đại phải cấp cho từng cá nhân sức lao động, từ nấc thang thấp nhất đến nấc thang cao nhất, sao cho mỗi cá nhân có thể sống bình thường.  

I. Định hướng lý thuyết

1. Marx xuất phát từ công thức nguyên thuỷ: H – T – H. Mang hàng ra chợ bán – lấy tiền – mua hàng đáp ứng nhu cầu sống của mình.

2. Marx nhận xét, nhà tư bản đã đánh tráo thứ tự trên, thành T – H – T’. Việc mua bán vẫn theo nguyên tắc ngang giá, thế mà T’>T. Vì sao?

Phân tích sự kiện đó, Marx phát hiện ra, H chứa trong bản thân mình bí mật của chủ nghĩa tư bản.

T’>T tức là T’ = T + ∆t. Quá trình tiêu dùng H đã tạo ra ∆t.

Hai kết luận Marx rút ra:

Một, T được chuyển nguyên vẹn sang T’: Tư bản là sức lao động quá khứ. Tư bản tự nó không thể sinh lời.

Hai, ∆t là do H sinh ra. Chỉ có sức lao động sống mới tạo ra lợi nhuận (giá trị thặng dư).

3. Làm thế nào để có sức lao động sống và bản thân sức lao động sống đã hình thành và phát triển như thế nào trong lịch sử?

Đó là vấn đề mấu chốt để tư duy giáo dục nhận ra sứ mệnh của giáo dục trong mọi thời đại: tạo ra sức lao động sống cấp cho thời đại mình.

4. Sức lao động sống có từ lúc nào?

– Hái lượm của có sẵn giữa trời đất, việc này động vật cũng làm được. Lịch sử chưa có khái niệm lao động và sức lao động.

– Lao động – Sức lao động nảy sinh và hình thành từ khi loài người biết chế tạo công cụ dùng để lao động, rồi dùng để “định nghĩa” một nền sản xuất:

Cày chìa vôi – Nền sản xuất tiểu nông.

Máy hơi nước – Nền sản xuất đại công nghiệp.

Máy tính – Nền sản xuất hiện đại.

5. Giáo dục có thể được “định nghĩa” bằng cách tạo ra sức lao động sống cấp cho nền sản xuất đương thời:

Cày chìa vôi – Nền giáo dục Bút lông.

Máy cày – Nền giáo dục Bút sắt.

Máy tính – Nền giáo dục Máy tính.

Nền giáo dục Bút lông gắn với nền sản xuất tiểu nông.

Nền giáo dục Bút sắt là đứa em sinh sau của nền sản xuất đại công nghiệp.

Nền giáo dục hiện đại được sinh ra và nuôi lớn bằng Máy tính.

Từ Bút lông sang Bút sắt là một cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

Từ Bút sắt sang Máy tính là một cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

6. Lịch sử là lịch sử tự nhiên (Marx). Năng lượng vật chất cấp cho sự phát triển tự nhiên của lịch sử là sức lao động sống.

Gia đình và đời sống tự nhiên hằng ngày đem đến cho thế hệ trẻ sức lao động chân tay, thực thi bằng cơ bắp và kinh nghiệm.

Nhà trường xuất hiện để đáp ứng nhu cầu mới của lịch sử, nhu cầu về sức lao động trí óc, không có sẵn trong kinh nghiệm.

Thầy Khổng Tử, người đầu tiên mở trường tư, sống bằng nghề dạy học, thu học phí ngang giá với sản phẩm làm ra: sức lao động trí óc. Học trò mua nó về dùng để làm quan. Chỉ cần 5% dân cư làm quan là đủ. 95% còn lại không đi học vẫn sống bình thường.

Ngày nay, tất cả các sản phẩm hiện đại đều là sản phẩm của sức lao động trí óc, với các trình độ khác nhau. Để sống bình thường trong nền văn minh toàn cầu, tất cả 100% dân cư phải đi học.

Sự biến đổi căn bản và toàn diện trên thực tiễn toàn cầu đã tạo ra một cuộc sống bình thường chưa hề có. Do đó, cần một nền giáo dục chưa hề có cho cuộc sống mới ấy.

Thời Khổng Tử mở trường, cả 100% dân cư đều đi bộ (cưỡi ngựa, đi xe ngựa cũng là đi bộ). Lịch sử có nền giáo dục “đi bộ”. Thầy trước – Trò sau dắt nhau đi bộ.

Ngày nay, đi bộ vẫn còn, nhưng chỉ để đi từ phòng ngủ ra chỗ để xe. Sức mạnh cơ bắp chỉ còn là phần phụ rất nhỏ trong việc đi lại. Tình hình tương tự lặp lại trong giáo dục. Chữ nghĩa sách vở của Thánh hiền, phương pháp giảng dạy cổ truyền … nay chỉ còn là phần phụ trong nền giáo dục hiện đại.

II. Giải pháp thực tiễn

1. Lấy sức lao động trí óc hiện đại làm cơ sở, làm cốt lõi vật chất, làm nơi xuất phát và nơi đi đến của nền giáo dục hiện đại.

Đời sống xã hội hiện đại, nền sản xuất hiện đại, các mối quan hệ hiện đại trong các lĩnh vực vật chất và tinh thần đều bị chi phối bởi sức mạnh vật chất của sức lao động trí óc hiện đại.

Sự sống, sức sống của 100% dân cư hiện đại đều được bảo lãnh bởi sức lao động của chính họ. Các đẳng cấp xã hội cha truyền con nối ngàn đời của xã hội cổ truyền nay thay bằng các đẳng cấp sức lao động của mỗi cá nhân tự mình tạo ra trong đời.

Nền giáo dục cho 100% dân cư hiện đại phải cấp cho từng cá nhân hiện đại sức lao động, từ nấc thang thấp nhất đến nấc thang cao nhất, sao cho mỗi cá nhân có thể sống bình thường (trước đây 95% dân cư không đi học vẫn sống bình thường).

2. Nội dung giáo dục phải song hành, hỗ trợ, tạo ra sức mạnh vật chất cấp cho từng cá nhân hiện đại, đưa vào hai dòng: Phát triển / Trưởng thành.

Nét đặc trưng cơ bản của giáo dục nhà trường hiện đại là tạo ra sự phát triển tinh thần cho từng cá nhân, tương ứng với sự phát triển sức lao động cá nhân, trong nền văn minh đương thời.

Sức lao động cá nhân hiện đại, dù ở nấc thang nào, cũng thuộc phạm trù sức lao động trí óc hiện đại.

Giáo dục nhà trường hiện đại trở thành một nhân tố hữu cơ làm nên cuộc sống cá nhân hiện đại, cho cả 100% dân cư, do đó, phải rất thực, rất vững chắc, không thể may rủi, lại càng không phù phiếm chữ nghĩa.

3. Bậc học (cấp học) là một đoạn cắt ra từ dòng phát triển tự nhiên của Trẻ em hiện đại, theo nhu cầu sức lao động mà cá nhân cần có, để sống bình thường (và hy vọng sẽ sống tốt hơn). Việc học hiện đại đối với cả 100% dân cư là việc thiết thân, sống còn, đừng phủ lên nó những ảo tưởng mơ hồ, những thua được sấp ngửa trong phòng thi, những trò chơi trí tuệ trong cuộc sống.

Nhân tài là đặc sản cá nhân. Giáo dục đại trà chỉ cấp cho cá nhân những tri thức và kĩ năng cơ bản bắt buộc, tối thiểu, không thể không có.

Phân chia bậc học theo hai tiêu chí:

1. Sự phát triển tự nhiên của Trẻ em hiện đại qua các lứa tuổi.

2. Nhu cầu sức lao động của cá nhân trong nền sản xuất hiện đại.

4. Hệ thống giáo dục phổ thông 11 năm.

Xét theo hiện trạng sức lao động cấp cho nền sản xuất hiện đại và đặc trưng của tuổi trẻ hiện đại lần đầu tiên hình thành trong lịch sử, tôi đề nghị:

1. Sáu năm Tiểu học.

2. Ba năm Trung học cơ sở bắt buộc.

3. Hai năm trung học phổ thông tự chọn.

Vì sao 6 năm tiểu học?

– Giữ trẻ 12 tuổi trong vòng tay gia đình và nhà trường thì an toàn hơn thả sớm 1 năm (11 tuổi) như hiện nay.

Vì sao 3 năm Trung học cơ sở?

– Chỉ cần bổ sung vào tiểu học một số tri thức và kĩ năng cơ bản cần cho sức lao động phổ biến, chiếm tuyệt đại đa số trong nền sản xuất hiện nay.

Vì sao 2 năm Trung học phổ thông?

– Chỉ cần 2 năm cho ai muốn học lên, vào Đại học hay Cao đẳng.

17 tuổi ra khỏi trường phổ thông, ở nền văn minh hiện đại, là vừa. Nán lại thêm 1 năm (18 tuổi) là thừa, tốn kém, và có thể có hại về tâm lý đối với thanh niên hiện đại.

Lời cuối

• Lấy sức lao động trí óc cần cho nền sản xuất đương thời và lấy sự phát triển đặc trưng của Tuổi trẻ hiện đại làm “cốt lõi vật chất” cho Giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

• Nếu dựa trên cơ sở vật chất vững chắc, tường minh là sức lao động trí óc (chứ không phải một năng lực mơ hồ nào đó), thì có thể tổ chức và kiểm soát quá trình đổi mới an toàn và vững chắc.

Hà Nội, ngày 23 – 7 – 2013

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)