Đại học Đông Dương: Khái quát một lịch sử thăng trầm (phần 1)

Đại học Đông Dương khi ra đời đã hứng chịu không biết bao nhiêu búa rìu dư luận và có lúc phải đóng cửa.


Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ Đông Dương (1908). Ảnh: La Dépêche coloniale illustrée, 15.05 1908

Đại học Đông Dương chỉ là cái mặt tiền, dùng để đánh lừa dư luận chính quốc”.2 Nhận định này được đưa ra công chúng vào năm 1925, thời điểm toà nhà chính của Đại học Đông Dương tại Hà Nội vừa mới hoàn thành.  

Tại sao lại có nhận định như vậy? Tiếp theo và đồng hành cùng bước chân quân viễn chinh xâm lược Đông Dương3, người Pháp đã từng bước xây dựng tại đây một hệ thống giáo dục dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức, trong đó có dạy tiếng bản địa (tiếng Việt, tiếng Campuchia, tiếng Lào, tùy theo từng nơi), để thay thế dần cho hệ thống giáo dục bản xứ. Hệ thống này gồm các trường tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học. Bên cạnh đó còn có các trường dạy nghề. Trong các báo cáo, các tài liệu của chính quyền Pháp tại Đông Dương và tại chính quốc thời kỳ trước 1945 về giáo dục tại Đông Dương thường dùng hai từ để chỉ giáo dục cao đẳng và đại học (sau trung học), 1 là từ “Université”, 2 là từ “Enseignement supérieur”. Trong các tài liệu này, những trường như Y Hà Nội, Sư phạm Đông Dương, Mỹ thuật Đông Dương, Luật Đông Dương, Khoa học Đông Dương được xếp vào nhóm giáo dục đại học mà nguyên văn tiếng Pháp là “Enseignement supérieur”. Các trường này lại được tập hợp lại trong một trường gọi là “Université de l’Indochine” (hoặc “Université indochinoise”, hoặc “Université d’Hanoi”). Từ thời Pháp, đã có tác giả Việt Nam dịch “enseignement supérieur” là giáo dục đại học và Université indochinoise là Trường Cao đẳng Đông Dương4 (thực ra Université là Trường Đại học). Trong tài liệu này, chúng tôi gọi chung là giáo dục đại học khi dịch từ “enseignement supérieur” từ tiếng Pháp qua tiếng Việt, còn từ Université là (Trường) Đại học. Tuy nhiên khi đi vào cụ thể từng trường (école – trường học nói chung), từng giai đoạn, tuỳ theo tính chất và trình độ đào tạo cụ thể mà có thể coi là đại học hay cao đẳng.

Từ Trường Y Hà Nội 1902 đến Đại học Đông Dương 1906

Trong báo cáo gửi về Bộ Thuộc địa, ký ngày 22/3/1897, Toàn quyền Paul Doumer đã nhận định như sau: 

“Vào thời điểm hiện tại, tình hình chính trị toàn Đông Dương không đáng lo ngại hay thực sự tồi tệ ở bất cứ đâu”… “các quan lại, phụ tá của chúng ta, phần lớn chân thành hợp tác với sự nghiệp Pháp”5.

Trong bối cảnh được mô tả như vậy, Toàn quyền Paul Doumer, Tổng thống tương lai của nước Pháp, đã nghĩ đến việc thành lập một trường y tại Đông Dương. Sau khi nghiên cứu những điều kiện cần thiết, Trường Y Hà Nội đã được thành lập chính thức bởi Nghị định ký ngày 8/1/1902.6 Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước khởi đầu của giáo dục đại học theo mô hình hiện đại phương Tây ở Đông Dương. Như vậy đã phải đợi tới 40 năm sau khi chiếm Nam Kỳ, biến đây thành thuộc địa, và sau 18 năm thiết lập chế độ bảo hộ ở Bắc Kỳ, lần đầu tiên một cơ sở giáo dục bậc cao đẳng mới được thành lập tại Đông Dương bởi chính quyền Pháp.

Vào cuối thế kỷ 19, nhìn chung những cuộc khởi nghĩa yêu nước chống Pháp của người Việt Nam đã bị đàn áp. Nhật Bản, một đất nước đồng văn, đồng chủng Á châu, đã thành công trên con đường hiện đại hoá và giành được thắng lợi trong cuộc chiến 1904-1905 với một cường quốc châu Âu khi đó là Nga. Tấm gương Nhật Bản đã ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam và gợi cho các nhà nho yêu nước ý tưởng tìm kiếm một sự giúp đỡ từ bên ngoài cho mục tiêu giành lại độc lập dân tộc. Toàn quyền Paul Beau khi đó đã bình luận sự kiện này như sau:

“Chiến tranh Nga-Nhật đã làm xuất hiện ở một số người dân được chúng ta bảo hộ tia hi vọng về chấm hết sự đô hộ của chúng ta”.

Vào năm 1906, Phan Bội Châu, bậc đại nho yêu nước và những đồng chí của cụ đã hướng đến Nhật Bản, gửi tới đây những thanh niên để học về khoa học.8 Chính quyền Pháp tại Đông Dương cũng đã nhận thấy có một số lượng nhỏ những người An Nam mà họ gọi là “những người được họ bảo hộ” hiện đang ở Nhật Bản.9 Trước hoạt động yêu nước này, Hội đồng Hoàn thiện giáo dục bản xứ, trong kỳ họp đầu tiên vào tháng 4/1906 đã ra một đề xuất: 

“Thiết lập tại Đông Dương, dưới tên gọi Đại học (Université), một khóa giảng dạy bậc cao dành cho các sinh viên thuộc địa và những nước lân cận. Mục đích của cơ sở giáo dục này là phổ biến ở vùng viễn đông, nhất là nhờ thông qua tiếng pháp, những kiến thức khoa học và phương pháp châu âu. Đại học này đặt dưới quyền trực tiếp của Toàn quyền”10.

Đáp lại đề xuất này, Toàn quyền Paul Beau đã quyết định thành lập Đại học Đông Dương, đặt tại Hà Nội, bằng Nghị định số 1514a ký ngày 16/5/1906.11 Chúng tôi cho rằng đây là một giải pháp chính trị để thu hút dân chúng bản địa, đặc biệt là để đối phó với phong trào Đông Du đưa thanh niên sang Nhật học về khoa học kỹ thuật. Dù với động cơ nào, thì đây cũng là sự kiện đánh dấu một bước tiến triển của giáo dục đại học ở Đông Dương thuộc Pháp.

Theo các Nghị định ký ngày 24/9/1907 liên quan đến Đại học Đông Dương, 22 khóa học tại Đại học Đông Dương đã được ấn định, chia làm 3 ban, đó là:

  1. Ban Khoa học: toán học, cơ học và vũ trụ học, vật lý, hóa học đại cương; hóa học và công nghệ, động vật học, thực vật học, địa chất, sinh lý và vệ sinh;
     
  2. Ban Văn học: ngôn ngữ Pháp, văn học Pháp, lịch sử đại cương, lịch sử Đông Dương và Viễn Đông, lịch sử so sánh triết học, sư phạm tổng quát, sư phạm thực tiễn và tổ chức trường học, địa lý đại cương, địa lý của Đông Dương và Viễn Đông;
     
  3. Ban Pháp lý: luật pháp Pháp, luật An Nam, luật pháp và hành chính của người An Nam, kinh tế chính trị và luật thương mại.

Phụ trách các khóa học gồm 15 người được chọn ra trong số các lãnh đạo các sở, quan tòa, kỹ sư công chính, bác sĩ quân đội, các nhà quản lý dân sự, v.v. Các lớp ở Hà Nội khai giảng vào ngày 4/11/190712; có 94 sinh viên và 74 dự thính viên tự do. Nếu tính đầy đủ, phải kể thêm 37 sinh viên năm thứ nhất của Trường Y, những người này tham gia các khóa học khoa học. 

Các lớp học được tổ chức vào buổi tối để các viên chức bản địa có thể theo học. Trên thực tế, trong số các sinh viên, phần lớn là các viên chức hành chính và giáo dục. Một vài sinh viên  đến từ lĩnh vực kinh doanh. Những dự thính viên tự do, trong số đó có vài gương mặt người âu và giới thượng lưu bản địa, đến học đơn thuần chỉ để hoàn thiện học vấn chung của họ.

Hội đồng hoàn thiện Đại học đã ra Nghị quyết trong phiên họp ngày 8/10/1907 về quy chế nội bộ. Đại học Đông Dương sẽ tiếp nhận đều đặn các sinh viên. Họ sẽ được cấp cho quyền thực hành và đăng ký đọc sách tại thư viện. Họ phải có bằng trung học cơ sở Pháp-Việt hoặc bằng trung học Sư phạm hoặc một văn bằng tương đương. Những sinh viên có thể chỉ cần tham dự kỳ kiểm tra cuối năm và kỳ kiểm tra ấn định theo ban tương ứng. Các dự thính viên tự do phải được sự chấp thuận của các giảng viên. Họ không được quyền đăng ký quá 3 lớp. Đại học được đặt tại Hà Nội, trong tòa nhà từng là khách sạn của Toàn quyền.

Chính sách học đường của Antony Klobukowski 

Sau quyết định thành lập Đại học Đông Dương, Toàn quyền Paul Beau hứng chịu nhiều chỉ trích. Theo C.Mus, nguyên Hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Đông Dương13, ở chính quốc và nhất là ở thuộc địa, dư luận chung không có sự thống nhất về quyết định của Toàn quyền Beau. Quyết định của ông bị so sánh giống như “đặt cái cày phía trước con bò” bởi vì vào thời điểm thành lập Đại học Đông Dương “không có một khoá dạy nào về nông nghiệp trong các trường tiểu học, nhưng ngược lại, những bài học dài về các khái niệm của Descartes hoặc của Kant lại được đem đến cho sinh viên Đại học Đông Dương”.14 Nhưng theo Mus, những chỉ trích này là không có cơ sở bởi vì Henri Goudon, Giám đốc Nha Học chính Đông Dương khi đó và Paul Beau đã thành lập cơ sở giáo dục này chỉ cao hơn giáo dục phổ thông và phù hợp với năng lực học sinh và khả năng thực hành căn bản. Vả lại, đã có những phương án cần thiết để tránh dẫn đến việc đào tạo ra những cá nhân kiêu căng, mất gốc15 (mất gốc ở đây, theo chúng tôi, có thể hiểu là quên ơn nước Pháp).

Năm 1908, Toàn quyền Antony Klobukowski thay thế Paul Beau, đã đánh dấu thời kỳ ảm đạm của giáo dục bậc cao ở Đông Dương. Thật vậy, dưới thời của ông, Đại học Đông Dương đã bị đóng cửa mà không có lời giải thích nào của chính quyền, ngoại trừ Trường Y thành lập từ năm 1902 vẫn tiếp tục được hoạt động.

“Đại học Đông Dương bị xóa bỏ mà không hề có tuyên bố chính thức nào. Trường phải dừng hoạt động sau năm học đầu tiên. Ngày 15/6/1907, những lớp học đã hoàn thành để bước vào kỳ nghỉ hè. Rồi sau đó nó không bao giờ được mở lại. Một ngày kia người ta thông báo rằng Trường sẽ được thay thế bằng những lớp học bình dân, nhưng những lớp học này cũng không bào giờ được tổ chức. Không có khoản kinh phí nào dự trù cho năm 1909, những sách của thư viện bị chuyển đến Trường Viễn Đông Bác cổ, rồi được phân tán ra những nơi như Trường trung học Paul Bert và Trung học Bảo Hộ (Trường Bưởi). Những bộ sưu tập bị phân phát đi, phòng thí nghiệm mới được thành lập phải chuyển đến Bảo tàng Lịch sử tự nhiên. Đại học Đông Dương chỉ còn là một kỷ niệm mà thôi”.16

Đâu là lý do Đại học Đông Dương không được hoạt động chỉ sau một năm học? Vì không có một lời giải thích chính thức nào từ phía chính quyền nên không thể biết chính xác đâu là nguyên nhân thực sự.17 Dưới đây là giải thích cuả C.Mus:

“Klobukowski, tân Toàn quyền Đông Dương, con rể của Paul Bert, đã không do dự thực hiện chính sách phản tự do. Ông tiếp tục quan tâm đến phát triển giáo dục tiểu học và trung học. Nhưng ông cho rằng vẫn còn chưa chín muồi để triển khai giáo dục đại học ở đây. Cần phải chờ đợi để trang bị cho Đông Dương một trường Đại học, trong lúc đó thì phải chuẩn bị đào tạo những học sinh tốt hơn để sẵn sàng đón nhận giáo dục đại học”.18

Sau khi Đại học Đông Dương bị ngừng hoạt động, giáo dục sau trung học chỉ còn Trường Y được tiếp tục hoạt động, nhưng số sinh viên đầu vào phải giảm xuống còn 6 thay vì 20 như trước đó. Theo chúng tôi, Klobukowski đã có những quyết định như vậy là để tránh những áp lực chỉ trích giống như Paul Beau đã phải chịu và ông cũng không muốn mạo hiểm với số phận chính trị của mình. 

Đại học Đông Dương được mở cửa trở lại vào năm 1917 thời Toàn quyền Albert Sarraut 

A.Saraut được mô tả là một chính trị gia khôn ngoan. Ông luôn biết thực hiện chính sách ở thuộc địa sao cho có lợi nhất  đối với nước Pháp nhưng lại hạn chế được những bất mãn của người dân bản địa. Đến Hà Nội vào năm 1916 để đảm nhiệm chức Toàn quyền Đông Dương vào thời điểm Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đang căng thẳng ở châu Âu, Albert Sarraut đã từng bước làm cho giáo dục đại học ở đây tạm thời kết thúc tình trạng ảm đạm. Đó là một trong những chính sách để lấy lòng dân Đông Dương đang bị huy động sức lực cho chiến tranh bên Pháp.

Ban Học chính cao đẳng được thành lập theo Nghị định ngày 8/7/1917 thuộc Phủ Toàn quyền. Ban có chức năng nhiệm vụ là tổ chức chế độ học tập và hoàn thiện chương trình đào tạo. Những trường cao đẳng, đại học sẽ được mở cửa tại Đông Dương cho sinh viên Pháp và sinh viên bản địa. Đại học Đông Dương được mở cửa trở lại vào năm học 1917-1918, bao gồm có sáu trường thành viên: Trường Y; Trường Thú y, Trường Pháp chính (Pháp luật và Hành chính); Trường Sư phạm; Trường Nông Lâm; Trường Xây dựng công (Công chính).19

Tháng 12/1917, A.Sarraut đã ký ban hành bộ Học chính tổng quy.20 Đây được coi như văn bản pháp lí chung cho việc tổ chức giáo dục ở Đông Dương và cho cuộc cải cách giáo dục bắt đầu từ thời điểm đó. Lần cải cách này, giáo dục nho học, nền giáo dục truyền thống hàng trăm năm ở Việt Nam chính thức bị bãi bỏ khỏi hệ thống giáo dục chính quy. Giáo dục đại học trở thành một phần trong hệ thống giáo dục bằng tiếng pháp ở Đông Dương. Ngày 28/4/1918, những nhân vật cao cấp nhất của Đông Dương khi đó là vua Khải Định, Toàn quyền Sarraut, Bác sĩ Cognac – người đứng đầu Học chính Đông Dương cùng có mặt tại Hà Nội, tại Trường Y để khánh thành Đại học Đông Dương. Đại học Đông Dương lúc này đã có thay đổi so với Đại học Đông Dương thành lập năm 1906 dưới thời toàn quyền P. Beau. Cụ thể là ban khoa học và văn chương không còn nữa, thay vào đó là một số trường kỹ thuật và ứng dụng.


Đại học Đông Dương (1907-1908). Nguồn: La Dépêche coloniale illustrée, 15/05/1908

 

Việc khai giảng trở lại Đại học Đông Dương dưới thời Sarraut như mũi tên hướng nhiều đích. Đại học Đông Dương sẽ thay thế cho giáo dục bậc cao trong hệ thống giáo dục truyền thống nói chung ở Đông Dương và nho học nói riêng ở Việt Nam để đào tạo ra những tinh hoa ưu tú bản địa phục vụ cho đường lối chính trị cộng tác Pháp-Việt (Pháp -Việt đề huề). Đại học Đông Dương sẽ chuẩn bị nhân lực phụ tá có trình độ tốt cho công cuộc khai thác thuộc địa một khi chiến tranh thế giới kết thúc. Đây cũng là giải pháp chính trị khôn khéo để xoa dịu sự bất bình của người dân Đông Dương. Thật vậy, chiến tranh thế giới nổ ra năm 1914, Đông Dương đã phải huy động rất nhiều nguồn lực vật chất và con người để giúp Pháp trong cuộc chiến mà họ tham dự. Theo Hoàng Ngọc Phách, người từng là sinh viên Cao Đẳng Sư phạm Đông Dương khoá 1919-1922 (khoá 3): 

Đối với thanh niên trí thức thì Xa-rô (Sarraut) mở trường cao đẳng để mơn trớn mua chuộc, nói cách khác là nhốt họ vào cái ‘lồng son ống sứ’ để họ ngồi yên, không quấy rối và để họ ca tụng chế độ thực dân, nhất là lúc chiến tranh đương kịch liệt và Pháp đương thua to.21

Và cuối cùng, đó là mục tiêu làm giảm đi số lượng thanh niên tìm đường sang Pháp và ra nước khác học tập vì chính quyền lo ngại rằng “đường  đến nước Pháp là đường chống lại nước Pháp”, đường ra nước ngoài học tập cũng là đường chống lại nước Pháp. Chính Sarraut đã giải thích rõ việc này như sau:

“Trước chiến tranh, những người cách mạng Annam tạm trú ở Hồng Kong ở Tàu, Nhật và học ở các trường Đại học Nhật Bản hay Anh … Khi ta hỏi họ tại sao không theo học ở Đông Dương, họ trả lời: Thực dân không làm gì để dạy dỗ họ, vì chúng chỉ mở một thứ học chính thấp lẹt tẹt, “cho nên tôi đã mở những lycée (ly-xê, trường trung học phổ thông), trường cao đẳng cho người Annam để không còn đứa nào được quyền nhắc lại câu trên và trốn khỏi Đông Dương để đi học những bài dạy làm loạn ở chỗ khác”.22 (Còn tiếp)

—–

1 Thông điệp bằng chữ Latinh trong giảng đường lớn Đại học Đông Dương. Xem kỹ các tấm ảnh và các tư liệu về giảng đường Đại học Đông Dương trước 1945 và một số tài liệu liên quan, có thể khẳng định rằng nguyên văn dòng chữ latin này là : ALMA MATER EX TE NOBIS DIGNITAS UBERTAS FELICITAS,  (Dòng chữ này nằm giữa phía bên dưới của bức tranh tường của họa sĩ Victor Tardieu. Tranh được phục dựng năm 2006, nhưng những chữ trên thì tính tới thời điểm này (2021) vẫn chưa được khôi phục lại.

2 Nguyên văn tiếng Pháp là “L’Université indochinoise n’est qu’une façade, destinée à tromper l’opinion publique métropolitaine” xem  Georges Grandjean “Ère Nouvelle”, du 6 au 10 mars 1925 et Félicien Challage, “Cahiers de la Ligue des Droits de l’Homme”, du 10 mars 1925). Tác giả Bùi Quang Chiêu trích lại câu này trong bài viết của ông có tên: France d’Asie. L’Indochine moderne. Être ou ne pas être. Vers le dominion. (1925).

3 Chữ Đông Dương dùng chỉ 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, phía đông là biển (dương), mang tính chất chỉ vị trí địa lý. Nhưng chữ Indochine (dịch  ra là  Đông Dương), ban đầu người Pháp viết là Indo-Chine, đó là từ ghép của 2 từ : Indo, tức Inde- Ấn Độ và Chine-Trung Quốc. Từ Indochine này có sắc thái cả về địa lý và văn hoá, tức là chỉ vùng lãnh thổ nằm trong khu vực bị bao bọc bởi Ấn Độ phía tây và Trung quốc phía bắc, bên cạnh đó cũng là vùng chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa lớn này.

4 Báo Thanh Nghị, “Trường Cao đẳng Đông Dương hiện tại và tương lai”, số tháng octobre 1941 (số 5).

Paul Doumer, Situation de l’Indochine française de 1897 à 1901, Éd. Schneider (Hanoï), p.1,2.

6 Bulletin officiel de l’Indochine française, N°4, avril 1902, Arrêté du 8 Janvier 1902, créant à Hanoi d’une École de Médecine, p.39.

7 Paul Beau, Situation de l’Indochine de 1902 à 1907, tome 1, Imr Marcellin Rey, Saigon, 1908, p.162

8 Cụ Phan đã mời hoàng thân nhà Nguyễn là Kỳ ngoại hầu Cường Để, đích tôn của Hoảng tử Cảnh, làm minh chủ phong trào Đông Du. Khi đọc hồi kỳ của cụ Nguyễn Thức Canh, một nhân vật thuộc phong trào Đông Du, được đưa sang Nhật để học, đã giải đáp rằng: cụ Phan sở dĩ làm như vậy là vì cụ thấy khi ấy ở Việt Nam tư tưởng Cần Vương còn phổ biến, người Nhật thời ấy yêu chuộng trung quân, cho nên trong phong trào Đông Du cũng cần có một người hoàng gia Việt Nam để thu hút người Việt, và tạo được sự ủng hộ của người Nhật. (Xem Hồi Ký Trần Trọng Khắc, tức Nguyễn Thức Canh tức: Trần Trọng Khắc tự truyện, Năm mươi bốn năm hải ngoại, Tài liệu lịch sử cách mạng Việt Nam, trang 14.15)

9 Paul Beau, Situation de l’Indo-Chine de 1902 à 1907, tome 1, op.cit, p.162

10 Gouvernement général de l’Indochine, Conseil de perfectionnement de l’enseignement indigène, première session, Hanoi, avril 1906, imp L.Gallois, Hanoi, 1906, p.62

11 Archives Nationales d’Outre-Mer (ANOM), Fonds Gouverneur général de l’Indochinne, No dosssier: 48042.

12 Paul Beau, Situation de l’Indochine française de 1902 à 1908, tome 2, Éd: Schneider (Hanoï), 1908, p.321.

13 C Mus, La première Université indochinoise, impr G.Taupin & Cie, Hanoi, 1927.

14 C Mus, La première Université indochinoise, op.cit, p.10.

15 C Mus, La première Université indochinoise, op.cit, p.10,11.

16 C Mus, La première Université indochinoise, op.cit, p.10.

17 C Mus, La première Université indochinoise, op.cit, p.10.

18 C Mus, La première Université indochinoise, op.cit, p.10, 11.

19 Gouvernement général de l’Indochine, Rapportsau Conseil de gouvernement, (tome 2), 1917, p.117.

20 Inspection générale de l›instruction publique, Règlement général de l’instruction publique, Impr. Extrême-Orient, Haiphong, 1918.

21 Hoàng Ngọc Phách, Tuyen tap,(recueil par Nguyen Hue Chi) Ed. Van Hoc, Hanoi, 1989, p.181.

22 Nguyễn Văn Trung dịch và trích trong “Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam, thực chất và huyền thoại” t1- Văn hoá và Chính trị,  Nxb Nam Sơn, Sài Gòn 1963 , tr.131.

Tác giả

(Visited 281 times, 1 visits today)