Đại học nghĩa thục

Dưới những quy định hiện hành của Nhà nước, vô hình trung các trường đại học tư trong nước được coi tựa như một công ty trách nhiệm hữu hạn, còn các trường đại học tư nước ngoài thì được coi tựa như một dự án FDI.

 

Qua những ý kiến tại cuộc hội thảo “Mô hình đại học tư thục ở Việt Nam” vừa tổ chức tại Hà Nội ngày 25/4, có thể thấy trong tư duy của các nhà làm chính sách ở Việt Nam, khái niệm xã hội dường như chỉ bao gồm hai khu vực – Nhà nước và kinh doanh – mà gần như không có chỗ cho xã hội dân sự, nên khi việc chuyển giao trách nhiệm được thực hiện thì các đại học tư thục nghiễm nhiên trở thành một bộ phận của khu vực kinh doanh. Kết quả là trường đại học, thông qua các chính sách và hệ thống pháp lý của Nhà nước đã bị biến thành các công ty tư nhân, điều mà trong một số trường hợp nằm ngoài mong muốn của những người sáng lập trường.

Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có quy chế về trường đại học không vì mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy, tất cả các trường đại học tư thục ở Việt Nam đều được quản lý như thể chúng hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận – tức là tựa như một công ty tư nhân. Cụ thể là theo Quyết định 61/2009/QĐ-TTg thì trong các trường đại học tư thục cũng có góp vốn, có cổ đông, cổ tức, hội đồng quản trị, và cũng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp! Cũng theo Quyết định này, hội đồng quản trị của trường tư thục hoạt động theo cơ chế đối vốn, tức là người càng có nhiều tiền thì tiếng nói càng có trọng lượng trong những vấn đề quan trọng của trường, bao gồm cả việc bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng khoa cũng như xác định phương hướng phát triển của trường.

Không những thế, theo quy định của pháp luật hiện hành, người sáng lập trường phải là người góp vốn cổ phần. Điều này có nghĩa là những trí thức tinh hoa dù có kiệt xuất đến đâu nhưng nếu không có tiền góp vốn thì cũng không được phép tham gia hội đồng sáng lập trường. Quy định này thậm chí còn “chặt chẽ” hơn so với quy định áp dụng cho các công ty tư nhân, theo đó chủ tịch hội đồng quản trị của các công ty tư nhân không nhất thiết phải là người góp vốn nhiều nhất, thậm chí không cần có sở hữu tại công ty. Như vậy, dưới những quy định hiện hành của Nhà nước, vô hình trung các trường đại học tư trong nước được coi tựa như một công ty trách nhiệm hữu hạn, còn các trường đại học tư nước ngoài thì được coi tựa như một dự án FDI.

Theo cách hiểu hiện nay ở Việt Nam, “tư nhân” đồng nghĩa với “vì lợi nhuận”, và do vậy đại học tư thục cũng đồng nghĩa với đại học vì mục tiêu lợi nhuận. Thậm chí dư luận xã hội còn cho rằng đại học tư thục hiện nay là một hình thức kinh doanh “siêu lợi nhuận”.

Trên thế giới, không phải là không có những trường đại học tư, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, trong danh sách những trường đại học hàng đầu thế giới đa số là trường tư thục ở các nước tư bản nhưng lại không vì mục đích lợi nhuận như Harvard, Yale, hay Stanford ở Mỹ. Ở những trường này không có cổ đông, không chia lợi nhuận, và khoản thặng dư ngân sách nếu có sẽ được tái đầu tư toàn bộ cho các hoạt động của trường.

Để đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng lên về giáo dục đại học và để khắc phục phần nào sự mất cân đối về cung – cầu, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích sự tham gia của xã hội, trong đó có mô hình đại học tư nhưng không vì mục tiêu lợi nhuận, có thể gọi là đại học nghĩa thục. 

Để đảm bảo sự ổn định về tài chính, Nhà nước có thể đưa ra một số biện pháp khuyến khích cho các trường nghĩa thục này, chẳng hạn như Nhà nước đồng tại trợ, cung cấp một số đầu tư ban đầu, hay đấu thầu các dự án nghiên cứu và phát triển. Đặc biệt là cần có chính sách miễn thuế thu nhập hoàn toàn đối với các trường nghĩa thục, đồng thời miễn thuế thu nhập cho những cá nhân và tổ chức tài trợ cho các trường nghĩa thục.

Đồng thời, trách nhiệm giải trình của trường nghĩa thục cũng có thể được đảm bảo thông qua khuôn khổ pháp lý của Nhà nước, các quy chế thích hợp của hội đồng trường, hoạt động kiểm toán của Bộ Tài chính cùng các cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan và sự giám sát của toàn xã hội.

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)