Đại học Thái Nguyên: Một mô hình tốt của đại học vùng

Chỉ trong vòng năm năm nay, Đại học (ĐH) Thái Nguyên có hơn 400 công bố ISI/Scopus và hàng chục đăng ký sở hữu trí tuệ. Điều đó cho thấy sự phát triển nhanh chóng của một đại học vùng theo xu hướng ĐH định hướng nghiên cứu trên thế giới.


Đại học Thái Nguyên

Quyết liệt và linh hoạt

Ngay từ trước năm 2015, ĐH Thái Nguyên đã có số lượng công bố trong nước khá tốt, nhưng nhà trường vẫn chưa thể bằng lòng với những gì đạt được so với mục tiêu đặt ra của một đại học công hàng đầu trong vùng là phải có nhiều công bố quốc tế. Vì vậy, lãnh đạo ĐH Thái Nguyên đã xây dựng một kế hoạch phát triển mới theo định hướng ĐH nghiên cứu, “ĐH phải đứng vững bằng ‘hai chân’: công bố quốc tế và sản phẩm có bản quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ, được chuyển giao cho sản xuất”, theo PGS.TS. Trần Thanh Vân, Trưởng ban KHCN& Môi trường, ĐH Thái Nguyên.

Từ đó, ĐH Thái Nguyên quy định, mỗi đề tài nghiên cứu đều phải trả lời được câu hỏi cụ thể: nghiên cứu ứng dụng thì có thể đăng ký sở hữu trí tuệ, chuyển giao cho sản xuất hoặc có thể công bố quốc tế trong danh mục ISI/ Scopus không? Có thể hỗ trợ đào tạo nghiên cứu sinh không? Với giảng viên, ĐH đặt chỉ tiêu: hàng năm, mỗi phó giáo sư phải có hai bài công bố, mỗi tiến sĩ phải có một bài (nhóm ngành khoa học tự nhiên bắt buộc phải có công bố quốc tế, nhóm ngành KHXH&NV được chấp nhận công bố trong nước ở các tạp chí tính điểm công trình do Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước quy định) mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ. Trên đây là những tiêu chí cứng được đặt ra, còn quá trình thực hiện hoàn toàn phụ thuộc vào sự linh hoạt trong điều kiện tiềm lực của từng trường ĐH thành viên. Việc phân bổ kinh phí cho nghiên cứu khoa học trong nội bộ các trường thành viên của ĐH Thái Nguyên cũng không được đặt ra theo một khung phân bổ ngân sách cứng, mà hoàn toàn linh hoạt dựa trên mục tiêu, kết quả nghiên cứu của từng đơn vị trực thuộc. Chẳng hạn như, ở Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên, lãnh đạo nhà trường sẽ thường xuyên xếp hạng kết quả nghiên cứu của các khoa, “khoa nào có thành tích nghiên cứu của năm trước tốt nhất thì sẽ nhận được kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học nhiều nhất, mặc dù sự chênh lệch giữa các khoa không quá lớn, nhưng điều đó sẽ khích lệ được các khoa cùng phấn đấu”, GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên cho biết. ĐH Thái Nguyên chỉ trực tiếp can thiệp đối với những vấn đề bức thiết, ví dụ “khi nhận thấy công bố quốc tế của ĐH đang có kết quả khá tốt, nhưng đăng ký bản quyền và sở hữu trí tuệ đang là khâu yếu nhất, khiến chuyển giao công nghệ gặp bất lợi khi so sánh cạnh tranh, chúng tôi đề ra nhiệm vụ là các trường ĐH thành viên và ĐH Thái Nguyên phải hỗ trợ kinh phí và thủ tục cho đăng ký bản quyền và sở hữu trí tuệ”, PGS.TS Trần Thanh Vân nói. Ví dụ, trong năm 2017, ĐH Thái Nguyên tập trung hỗ trợ để thúc đẩy thương mại hóa, đăng ký sở hữu trí tuệ cho hai nhóm nghiên cứu đang có sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao là: Nghiên cứu, phát triển phiên bản két sắt cơ điện tử theo hướng nâng cao tùy chọn bảo mật và bảo vệ của cá nhân người dùng và Nghiên cứu phát triển hệ thống thông minh phục vụ đo lường tự động tại các nhà máy nước.

Nhờ những chiến lược quyết liệt nhưng linh hoạt đó, cho đến nay, ĐH Thái Nguyên đã lọt vào top 8 ĐH của Việt Nam theo xếp hạng của Webometrics, hệ thống uy tín đánh giá xếp hạng ĐH dựa trên mức độ số hoá và xuất bản quốc tế. ĐH Thái Nguyên cũng xếp thứ bảy trong số 10 trường có nhiều công bố quốc tế nhất ở Việt Nam. Nếu so sánh giữa các ĐH công lập theo các vùng miền ở Việt Nam thì trong năm học 2016-2017, ĐH Thái Nguyên đang là đơn vị dẫn đầu về số lượng công bố ISI.

Vướng mắc vì chưa thể thành lập doanh nghiệp KHCN

Để tiếp tục phát triển trên nền tảng đó, ĐH Thái Nguyên còn phải có định hướng giải quyết các nhiệm vụ KHCN dựa trên liên kết các trường thành viên, chứ không chỉ dựa trên sự phát triển “cộng gộp” của từng trường ĐH thành viên riêng lẻ. Do đó, ĐH Thái Nguyên đề ra chiến lược phát triển các nhóm nghiên cứu liên ngành và đã đã thành lập hội đồng khoa học bao gồm các chuyên gia đầu ngành trong ĐH để tư vấn về định hướng hoạt động KH&CN thường niên, trung hạn và dài hạn đồng thời xây dựng các nhóm chuyên gia liên ngành. Hiện nay ĐH Thái Nguyên có 14 nhóm chuyên gia liên ngành hỗ trợ tư vấn, tham gia xây dựng thuyết minh để đấu thầu đề tài/nhiệm vụ/dự án KH&CN nhằm giải quyết những vấn đề cần sự tác động đa ngành của địa phương, khu vực thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Chẳng hạn, “chương trình hợp tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ KH&CN đến năm 2020 với kinh phí là 100 tỷ mà ĐH Thái Nguyên đang thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề bức thiết về phát triển kinh tế xã hội theo ‘đặt hàng’ của tỉnh Thái Nguyên là minh chứng cho sự phối hợp khoa học liên ngành từ các trường ĐH thành viên”, PGS.TS Trần Thanh Vân nói.

Tuy nhiên, nền tảng học thuật mới chỉ là một “chân” giúp ĐH tự chủ vững chắc. Một chân còn lại là chuyển giao các ứng dụng công nghệ trong nhà trường, dù vẫn đang được thực hiện và đem lại nguồn kinh phí cho cá nhân các nhà khoa học trong các trường ĐH thành viên, nhưng còn đang tồn tại một vướng mắc rất lớn. Theo PGS.TS. Trần Thanh Vân, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chuyển giao công nghệ, thì cần có các doanh nghiệp KHCN trong nhà trường – một cầu nối để chuyển giao. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp KH&CN được thai nghén sinh ra và nuôi dưỡng bởi các cơ sở giáo dục ĐH thì … lại phải thuê người ngoài đứng tên. “Các quy định hiện nay đang rất ‘trói’ chúng tôi. Tại sao nhà trường có sản phẩm KH&CN, mà lại không thể thành lập doanh nghiệp KH&CN và không thể sống được nhờ đó?”, PGS.TS Trần Thanh Vân nói.

Trong thế khó đó, các trường ĐH chỉ được phép mở trung tâm ươm tạo công nghệ, nhưng trung tâm này không có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, nghĩa vụ thuế như một doanh nghiệp và sẽ gây nhiều khúc mắc về thủ tục giấy tờ khi chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. Nhiều nhà khoa học của ĐH Thái Nguyên đều phải… nhờ một công ty khác đứng tên giải quyết các thủ tục giấy tờ để chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm, cách làm này ẩn chứa rủi ro và không minh bạch, rất có thể mất quyền sở hữu công nghệ và ít nhiều vi phạm pháp lý. “Chính sách hiện nay tăng tự chủ cho các trường ĐH là rất tốt, nhưng cần sớm có những quy định cụ thể về việc thành lập các doanh nghiệp KH&CN trong nhà trường, phải ‘mở bung’ ra ngay, thì mới gắn giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất, cơ sở giáo dục ĐH phải đi bằng hai chân mới đủ khả năng sống khỏe và tự chủ được”, PGS.TS Trần Thanh Vân kiến nghị.

Trong giai đoạn 2011 – 2016, ĐH Thái Nguyên đã có một số kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng rất ấn tượng. Cụ thể, số lượng công bố quốc tế lên tới 396 bài ISI, 23 bài Scopus, hơn hai trăm lượt báo cáo hội thảo quốc tế và hơn 3200 bài tạp chí trong nước. Các sản phẩm KH&CN được đăng ký bản quyền và sở hữu trí tuệ: 11 sản phẩm được công nhận bản quyền tác giả; 7 giống cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bằng bảo hộ 20 năm; chỉ tính riêng năm 2016 có 8 sản phẩm được cấp bằng độc quyền sáng chế.

Tác giả

(Visited 45 times, 1 visits today)