Đại học Thành Tây: Lộ trình từ số không trở thành tổ chức nghiên cứu uy tín
Trong xu hướng các tập đoàn lớn đầu tư vào giáo dục đại học ở Việt Nam, ông Hồ Xuân Năng, chủ tịch tập đoàn Phenikaa, người vừa trở thành cổ đông chi phối của Trường Đại học Thành Tây muốn làm nhiều hơn thế. Ông kỳ vọng Trường Đại học Thành Tây, với xuất phát điểm gần như là trường dạy nghề không mấy tên tuổi, sẽ trở thành đại học nghiên cứu.
Ông Hồ Xuân Năng. Ảnh: Hảo Linh
Ông có thể cho biết vì sao mình lại quan tâm đến giáo dục, cụ thể là việc mua lại Trường Đại học Thành Tây hay không?
Không phải là bây giờ mà trước đây gần chục năm, tôi đã ấp ủ dự định thành lập hoặc đầu tư vào một trường đại học. Tôi là dân Bách khoa (Đại học Bách khoa Hà Nội), tốt nghiệp năm 1986. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường năm 1991, năm 1992 tôi ở lại làm cán bộ giảng dạy. Do gặp một số khó khăn, năm 1993 tôi không ở lại trường nữa mà chuyển sang công tác tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản – Bộ NN&PTNT, nhưng vẫn trăn trở với ước mơ muốn làm khoa học, làm giáo viên. Nhưng thực sự mà nói, cơ chế nghiên cứu lúc bấy giờ không cho phép tôi làm điều mình thực sự mong muốn. Vì vậy, tôi chuẩn bị hồ sơ và nội dung nghiên cứu định sang Châu Âu để làm post doc nhưng không xin được chỉ tiêu, học bổng. Sau hai năm, cảm thấy nghiên cứu cũng không giải quyết được gì, tôi nghĩ cần làm cái gì đó khác cho mình và cho đất nước.
Trong gần bốn năm, kể từ năm 1995, tôi đi làm cho Tập đoàn ô tô Ford tại Việt Nam, nhưng vẫn tham gia đào tạo nghiên cứu sinh. Sau đó, tôi làm trợ lí Chủ tịch hội đồng quản trị của Vinaconex trong vòng năm năm, cho đến khi nhà máy đá ốp lát cao cấp của công ty trên Hòa Lạc ở bên bờ vực phá sản. Lúc đó, tôi chuyển sang làm giám đốc nhà máy với sứ mệnh nặng nề là bằng mọi giá phải cứu được nó để Vinaconex không bị ảnh hưởng; vì lúc đó vốn sở hữu của Vinaconex chỉ có 99 tỉ, trong khi nguyên dự án đó tính ra tiền Việt là hơn ba trăm tỉ.
Năm 2008- 2009, khi công ty rất phát triển, tôi dự định đầu tư vào một trường Đại học, nhưng lúc đó khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, công ty lại đang đầu tư vào thị trường Mỹ, nên tôi đành gác lại dự định này. Năm 2015-2016, tôi mới quay trở lại để thực hiện ước mơ đó, nhưng mới chỉ mua được 35% cổ phần của Trường Đại học Thành Tây. Đến cuối năm 2017 tôi mới kiểm soát hoàn toàn được Trường Đại học Thành Tây.
Làm thế nào để ông có thể thu hút những người tài năng về các viện, trường của mình?
Kinh nghiệm đầu tiên của tôi là khi thấy người tài thì đừng lờ đi. Phải ngay lập tức để mắt đến người ta, còn thu hút được người ta hay không là chuyện khác. Nhưng dứt khoát phải để mắt vào, phải thể hiện sự tôn trọng và cho người ta thấy rằng mình cần họ, nếu không sẽ thất bại. Ngay doanh nghiệp cũng thế mà!
Với những người muốn về với mình, chúng tôi xác định phải cung cấp cho họ một môi trường làm việc tốt với đầy đủ trang thiết bị cho họ thỏa sức nghiên cứu, sáng tạo, và vấn đề quan trọng thứ hai là đảm bảo cuộc sống cho họ để họ yên tâm nghiên cứu. Xác định con người là quan trọng nên tôi sẵn sàng dành ra một khoản kinh phí lớn cho việc này. Nhưng đó không phải là khoản đầu tư trong một lúc, mà là một nguồn lực được bồi đắp và phân phối theo thời gian, không chỉ để trả lương mà còn để khuyến khích, tài trợ nghiên cứu.
Cho đến bây giờ, bộ khung đội ngũ lãnh đạo của trường mới đạt được 70%. Bộ máy nghiên cứu tuy còn rất khiêm tốn, nhưng thành công bước đầu là trong thời gian ba tháng, chúng tôi đã thu hút được một số nhà khoa học có uy tín, là hạt giống để nhân tiếp. Từ giờ đến cuối năm, đội ngũ này sẽ có thêm khoảng ba mươi nhà khoa học từ nước ngoài trở về.
Đối với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu tư thục ở Việt Nam, việc xác định mục đích “vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận” vẫn còn mơ hồ và gây nhiều tranh cãi vì những mâu thuẫn thường trực giữa hội đồng trường và rất nhiều cổ đông góp vốn. Vậy ông đặt ra và triển khai định hướng tổ chức của mình như thế nào?
Đầu tư vào giáo dục đại học có hai mặt. Nếu đầu tư vào giáo dục đại học chỉ vì lợi nhuận trước mắt, đa phần người chủ sẽ không chú trọng đầu tư nhiều cho trường, cho chất lượng học, mà chỉ cốt tuyển sinh cho nhiều để thu học phí. Thực sự phải nói như vậy là ít có trách nhiệm với giáo dục… Nếu đầu tư một cách thực chất thì chưa chắc đã có lợi nhuận. Người ta sẽ bảo là mình viển vông, làm không có lợi nhuận thì làm làm gì.
Chính ở trong Trường Thành Tây, một số ít cổ đông cũng nói là, ông Năng làm doanh nghiệp, làm gì có chuyện ông ấy đầu tư không có lợi nhuận? Nhưng tôi ít nhiều xuất thân từ nhà giáo, nhà khoa học nên suy nghĩ của tôi khác. Tôi thấy mình cần làm được gì đó có ích cho xã hội.
Lễ ra mắt đại học Thành Tây. Nguồn ảnh: Trang cá nhân của PGS. TS. Đỗ Vân Nam
Khi đầu tư vào đại học, điều quan trọng là mình phải xác định mình muốn cái gì trong tương lai. Nếu chỉ nghĩ từ ba đến năm năm để có nguồn thu, thì tôi thừa sức làm được. Nhưng tạo ra một trường đại học có tầm vóc là một chuyện khác, đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Và bài toán tài chính không phải là vấn đề lớn đối với Tập đoàn Phenikaa.
Như ông đã biết, hoạt động nghiên cứu và giáo dục đại học không trực tiếp phục vụ cho lợi ích doanh nghiệp, hơn nữa lại rủi ro và rất có thể là không có lợi nhuận. Điều chúng tôi rất quan tâm là ông làm thế nào để dung hòa giữa hai thái cực này, tạo không gian và sự tự do cho nhà khoa học?
Đúng, câu hỏi ấy phải đặt ra vì phải có nguồn tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên tôi cho rằng, nếu đảm bảo uy tín và chất lượng đào tạo, sinh viên tốt nghiệp có khả năng làm việc độc lập, hiệu quả tích cực của đào tạo là không cần bàn cãi; và do đó, đào tạo đại học dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học là cách làm duy nhất và bền vững để dung hoà, hơn thế nữa sẽ thừa sức tài trợ ngược lại nghiên cứu khoa học. Vấn đề là cần có tầm nhìn và chiến lược dài hạn. Do vậy, Trường Đại học Thành Tây xác định có thể năm năm đầu không có lãi, nhưng dứt khoát năm thứ 6 trở đi phải có lãi để đầu tư quay trở lại và phát triển tiếp.
Năm năm đầu là thời điểm chúng tôi xây dựng cơ sở vật chất, thu hút nguồn nhân lực và đầu tư các trang thiết bị nghiên cứu cho các nhà khoa học làm việc. Với một nhà nghiên cứu lý thuyết thì họ không cần nhiều, họ chỉ cần một nơi làm việc, một cái máy tính, một cái server để họ lưu trữ dữ liệu, kinh phí dành cho họ chủ yếu là để trả lương. Còn với những nhà nghiên cứu có định hướng ứng dụng như khoa học vật liệu chẳng hạn, thì chi phí trang thiết bị thí nghiệm cho mỗi người sẽ vào khoảng 200-300 nghìn USD. Tuy nhiên, những thiết bị đó không chỉ phục vụ cho riêng nhà khoa học, mà cho cả sinh viên, nghiên cứu sinh nên thực chất số tiền đầu tư đó không phải là nhiều.
Đầu tư nhiều nhất phải kể đến trang thiết bị cho sinh viên thực hành. Ví dụ, đào tạo ngành kĩ thuật ô tô phải đầu tư khoảng 4-5 triệu USD vào cơ sở vật chất, thì mới có thể thu hút được người học. Tuy nhiên, ở trong ngành nên tôi biết, nếu khai thác tốt các thiết bị đó, vẫn có thể đủ tiền để trả lương, thưởng và nghiên cứu khoa học.
Tôi được biết là ông còn thành lập viện nghiên cứu ứng dụng trực thuộc Phenika là PRATI và viện nghiên cứu cơ bản TIAS trực thuộc trường Đại học Thành Tây. Hai đơn vị này sẽ vận hành như thế nào và hỗ trợ Trường Đại học Thành Tây ra sao?
Viện PRATI được thành lập trên cơ sở Trung tâm R&D của Tập đoàn, do đó sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng, sẽ nghiên cứu những gì có thể ra được patent, từ đó tập đoàn sẵn sàng đầu tư triển khai. Kinh nghiệm về ảnh hưởng của R&D đối với Tập đoàn Phenikaa là rất rõ nét và đã được phản ánh thông qua hiệu quả hoạt động của Tập đoàn, trong những năm vừa qua đã giúp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng chi phí.
Mục tiêu quan trọng khác của PRATI là hợp tác với Trường Đại học Thành Tây cả về nghiên cứu và đào tạo. PRATI sẽ là nơi các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Đại học Thành Tây đến thực tập, nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ; những công trình nghiên cứu, bài báo công bố của PRATI vì vậy cũng sẽ là kết quả của Trường Đại học Thành Tây. Còn viện TIAS thuộc Trường Đại học Thành Tây thì nghiêng về nghiên cứu cơ bản, kết hợp với PRATI sẽ hỗ trợ tích cực để Trường Đại học Thành Tây hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trường đại học đa ngành hàng đầu của Việt Nam dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thực hành. Bây giờ nhóm nghiên cứu nào trở về từ nước ngoài mà chưa kịp đăng ký đề tài, thì tôi sẽ cấp tiền cho họ làm. Chúng tôi định hướng Trường Đại học Thành Tây, trong vòng một thập niên nữa phải là một đại học có hàm lượng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cao.
Tiêu chí của Đại học Thành Tây khi mở ra các ngành học là gì? Căn cứ vào nhu cầu đang thịnh hành của thị trường hay đặt mục tiêu vì sự phát triển học thuật ban đầu? GS. Pierre Darriulat đã từng viết nhiều trên Tia Sáng rằng, lĩnh vực vật lý thiên văn là lĩnh vực chiếm nhiều giải Nobel nhất và năng động nhất trong ngành vật lý. Hơn nữa, nó cũng không đòi hỏi quá nhiều cơ sở vật chất tốn kém vì có thể dùng dữ liệu mở từ đài thiên văn quốc tế. Nhưng Việt Nam chưa hề có ngành này, nghiên cứu sinh từ ngành này bảo vệ ra cũng không được cấp mã ngành.
Phenikaa đã từng hợp tác với GS. Trần Vĩnh Diệu (ĐH Bách khoa Hà Nội) để nghiên cứu cải tiến nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Nguồn ảnh: Phenikaa
Nếu một nhà khoa học rất giỏi như bác Pierre Darriulat có mong muốn mở và đào tạo ngành thiên văn tại trường, dù Bộ chưa có mã ngành thì chúng tôi cũng sẵn sàng tiên phong. Cũng như ngành trí tuệ nhân tạo, chúng tôi đang gửi hồ sơ cho Bộ GD&ĐT để được mở ngành đào tạo này ở trường. Vì đây là một ngành cực “hot” trong những năm tới, các nước trên thế giới đã đào tạo rất nhiều rồi, mà Việt Nam vẫn chưa có mã ngành đó.
Với một ngành mới, chúng tôi sẵn sàng mở nếu đạt được hai điều: 1) nếu nó đang là một ngành “hot”, một xu hướng ở Việt Nam 2) Nếu nó không là ngành “hot” nhưng nó góp phần khai phá nền khoa học Việt Nam, tạo nền móng để thu hút các nhà khoa học tài năng và sau này tạo ra lớp sinh viên mới, hội nhập với thế giới thì chúng tôi sẽ làm. Có tốn kém chúng tôi cũng sẵn sàng làm. Cái chính là cần có đội ngũ nhân sự các nhà khoa học chuyên ngành có năng lực và đạo đức để phát triển những ngành đào tạo mới đó.
Có hai vấn đề khiến cho nhiều viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam trở nên bảo thủ và thiên kiến, thứ nhất là họ không có đánh giá độc lập, tự mình khen mình và thứ hai là tình trạng “cận huyết” – chỉ tuyển những người do chính cơ sở đó đào tạo về làm việc, ít giao lưu, luân chuyển với các cơ sở bên ngoài. Vậy ông làm thế nào để tránh được những nguy cơ này?
Ở hai viện nghiên cứu và Trường Đại học Thành Tây, mỗi nơi chúng tôi đều có ba hội đồng đánh giá. Một là hội đồng tư vấn quốc tế độc lập với đội ngũ nhân sự hoàn toàn riêng rẽ, không giữ chức vụ cụ thể gì trong viện, trường. Mỗi viện PRATI và TIAS đều có từ 10-12 giáo sư trong hội đồng tư vấn quốc tế độc lập, một vài trong số họ cũng có mặt trong hội đồng tư vấn quốc tế của trường. Riêng viện PRATI, trong hội đồng tư vấn quốc tế độc lập còn có những CEO và lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn đến từ Pháp, Đài Loan, Hàn Quốc. Còn lại là hai hội đồng tư vấn và khoa học của viện, bao gồm cả những cán bộ cơ hữu trong viện và những cộng tác viên bên ngoài, thường xuyên xem xét những hoạt động khoa học và quản lý khoa học của viện.
Với việc hợp tác, luân chuyển, Trường Đại học Thành Tây có cách làm như thế này: Chúng tôi sẽ thiết lập các trung tâm hợp tác giữa trường với các trung tâm nghiên cứu trên thế giới. Hiện nay chúng tôi đã có trung tâm như vậy đặt tại Mỹ, tiến tới có thể sẽ có ở Hà Lan, Nhật, Hàn Quốc và một nước Châu Âu. Các trung tâm này sẽ có hai cơ sở, một ở Thành Tây, một ở đơn vị nước ngoài. Sau này, kết quả nghiên cứu của hai bên sẽ chia sẻ với nhau, nhân viên, cán bộ nghiên cứu sẽ đi lại, trao đổi, hợp tác theo các chương trình kéo dài 3-6 tháng chẳng hạn. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải trang bị đầy đủ tất cả các phòng thí nghiệm, sao cho người nước ngoài sang đây làm việc cũng được đảm bảo điều kiện y như nhà khoa học của mình sang bên đó. Song song với việc này, chúng tôi cũng sẽ thành lập một tạp chí khoa học của Thành Tây, với mục tiêu hướng tới được xếp hạng trong các cơ sở dữ liệu của thế giới như ISI, Scopus. Nếu làm được cả hai việc, trong vòng 10 năm nữa, mục tiêu để Thành Tây lọt vào top 10 trường đại học trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam là không khó.
Hảo Linh thực hiện