Đại học tự chủ

"Chỉ có tổ chức tự chủ trên nền của dân chủ mới có thể đào tạo ra những người trí thức tự chủ, nhận thức và tự nhận lãnh trách nhiệm của mình một cách tự giác, trí tuệ, sáng tạo và bản lĩnh trước xã hội, đất nước. Đó chính là chức năng của trường đại học.

Như vậy, muốn xây dựng một đại học tự chủ cần một năng lực tự chủ gồm giá trị chuyên môn, cơ chế tự chủ và con người tự chủ.

Chỉ khi chúng ta thực sự nhận thức đúng về tự chủ đại học và có đủ năng lực, phẩm chất để triển khai tự chủ đại học thì lúc đó đại học mới thật sự là đại học, trường đại học mới thực sự là trường đại học – nơi phát huy, đào tạo, triển khai trí tuệ và năng lực của người trí thức cho đất nước. Nếu không, chúng ta vẫn mãi là một cơ quan hành chính, một trường cấp ba “phẩy” và chỉ có thể đào tạo ra người lao động chỉn chu, ngoan hiền cho xã hội nhưng chưa chắc là những người chủ của tương lai”.

(PGS. TS Phan Thanh Bình, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).

Lời tựa trên được mượn từ câu trả lời của PGS.TS Phan Thanh Bình trước câu hỏi của phóng viên báo Tuổi Trẻ1: Muốn xây dựng một đại học tự chủ cần điều kiện gì? Chúng ta đang ở rất xa những gì trong câu trả lời của ông ấy …

Đã một thập kỷ trôi qua kể từ khi các trường đại học Việt Nam được trao cơ hội để trở thành tự chủ. Ba năm trước, tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã báo cáo về tình hình tự chủ đại học2. Ông đề cập cả những thách thức cần đối mặt, đặc biệt là những thách thức liên quan đến trách nhiệm và tài chính, và tiến bộ đã đạt được: hầu hết các đại học tham gia chương trình tự chủ đã có những đột phá trong đào tạo và nghiên cứu, thu hút được thêm nhiều giảng viên có bằng tiến sỹ, tuyển sinh được nhiều hơn, xây dựng thêm nhiều chương trình đào tạo và tăng số công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, mặc dù giáo dục đại học Việt Nam đã và đang được cải thiện, thì chất lượng nghiên cứu trong các trường đại học của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với các nước ASEAN. Vị đại diện của Ngân hàng thế giới đề xuất rằng khi đại học được trao quyền tự chủ, họ cần được trao trách nhiệm, nhất là trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Ngoài ra, Việt Nam cần tăng ngân sách cho giáo dục đại học lên khoảng 0,8% GDP: trong khi ngân sách cho giáo dục chiếm tới 20% GDP, giáo dục đại học chỉ nhận được 0,33%, một phần quá nhỏ bé3

Ngày 4/8 năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức một hội nghị tổng kết những tiến bộ đã đạt được4. Ông Hoàng Minh Sơn nhắc lại rằng hầu hết các trường đại học trong 23 trường tham gia chương trình tự chủ đã cải thiện được chất lượng đào tạo và nghiên cứu: tỷ lệ giảng viên và nghiên cứu viên có bằng tiến sỹ đạt 31% vào năm 2021; trong bốn năm tính từ 2018, thu nhập trung bình của giảng viên tăng khoảng 20%; tỷ lệ giảng viên có thu nhập hàng năm dưới 100 triệu đồng giảm còn 13% vào năm 2021, trong khi tỷ lệ có thu nhập trên 200 triệu đồng tăng lên 31%. Ngoài ra, các trường đại học này tuyển sinh được nhiều hơn, triển khai được thêm nhiều chương trình đào tạo, và có số nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế tăng gấp 10 lần, chiếm 45% số công bố quốc tế của cả nước. Ông cũng cho biết [tại thời điểm báo cáo] đã có 142 trong số 232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ.

Chỉ sao chép cách làm của nước khác, một điều thật không may khá phổ biến ở Việt Nam, là một cách xử lý vấn đề rất tệ, không hiệu quả và lãng phí. 

Trong khi đổi mới năng lực quản lý đại học, đặc biệt là quản lý nhân sự, bao gồm những nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện chất lượng và lương, được chấp nhận rộng rãi là thiết yếu, có ba thiếu sót chính cản trở tiến bộ, được cả các đại biểu tham dự hội thảo lẫn đại diện của chính phủ chỉ ra:

1. Sự sụt giảm ngân sách của nhà nước đối với giáo dục đại học dẫn đến hệ quả là gia tăng tỉ lệ học phí trong ngân sách của các trường đại học, lên đến khoảng 70-80%. Điều này trái ngược với các nước khác và tạo ra sự bất bình đẳng không thể chấp nhận được ở một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

2. Tự chủ phải trở thành thực tế trong quản lý đại học. Hiện nay, tự chủ vẫn được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Nhà nước và tuân theo pháp luật hiện hành, trong khi việc tối quan trọng với các trường đại học là phát triển các quy định riêng minh bạch, đặc biệt là về lương và thưởng, và phổ biến rộng rãi đến tất cả các bên liên quan; ngoài ra, ông nhận xét, theo quy định hiện hành, Chủ tịch Hội đồng trường phải là Bí thư Đảng ủy của trường đó.

3. Những quy định hiện tại còn chưa rõ ràng, thiếu nhất quán và mâu thuẫn là một trở ngại chính để tự chủ một cách hiệu quả. 

Chiều 15/8 vừa qua, tức hai năm rưỡi kể từ khi được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ các giảng viên, nhà quản lý và cán bộ nhân viên của các trường đại học và cao đẳng5. Hơn 200 ý kiến đã được gửi về, trong đó những vấn đề được đặc biệt quan tâm là vai trò của đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ông Nguyễn Kim Sơn lưu ý nhiều khó khăn gặp phải và đòi hỏi điều chỉnh những quy định hiện có, nhấn mạnh yêu cầu xóa bỏ những cách hiểu sai, và phát biểu: “Thời điểm này, các cơ quan từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tương đối thống nhất quan điểm: Tự chủ không phải là tự túc, không phải phó thác cho các trường tự lo kinh phí. Tự chủ vẫn cần đầu tư, nhưng đầu tư như thế nào, lúc nào, cách gì còn đang là câu chuyện cần tiếp tục kiến nghị chính sách trong thời gian tới.” Trả lời một ý kiến về việc ban hành quy hoạch chung, ông nói: “Quy hoạch đại học là nhiệm vụ rất lớn, rất khó và rất phức tạp, phải tính toán nguồn lực và định hướng chiến lược, trong đó có cơ cấu của các đại học quốc gia, các đại học vùng, đại học trọng điểm, mật độ, tỷ lệ sinh viên các đại học vùng, lĩnh vực ưu tiên đào tạo. […] việc quy hoạch giáo dục đại học chắc chắn sẽ cần nhiều trao đổi”.

Đầu tư công cho giáo dục đại học tính theo GDP ở Việt Nam và so sánh với các nước khác3.

Có phần nản khi nghe những người làm hết sức mình để thúc đẩy giáo dục đại học của đất nước thổ lộ về sự bất lực của mình. Tôi còn nhớ về những khó khăn mà Nguyên Ngọc và Nguyễn Thị Bình gặp phải khi muốn thành lập một trường đại học thực sự phi lợi nhuận thí điểm ở Hội An6; tôi nhớ hiệu trưởng Đại học Việt – Đức kể chuyện đấu tranh về việc ai có tiếng nói cuối cùng trong việc bổ nhiệm giáo sư, và khó khăn trong việc hòa giải những văn hóa học thuật khác nhau7. Những thông điệp Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi đến chúng ta không mấy khích lệ, cũng như thông điệp từ các nhà lãnh đạo, đồng ý thế nào không phải là tự chủ nhưng cần thêm thời gian để đồng ý thế nào là tự chủ.

Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến một bài đã viết cho Tia Sáng vào năm 20218. Sau khi giới thiệu qua bản báo cáo 2020 của Ngân hàng Thế giới về giáo dục đại học, tôi đã hồi tưởng lại rằng “Nhiều nhà trí thức Việt Nam đã kiến nghị đổi mới giáo dục đại học một cách quyết liệt. […] Họ kêu gọi đổi mới, trung thực, trí tuệ và đạo đức; hướng tới phát triển óc phản biện cho thế hệ trẻ thay vì biến họ trở thành những nhân viên chỉ biết vâng lời; đa dạng hóa các nguồn tri thức thay vì giới hạn trong những khuôn mẫu lạc hậu.” Khi đó tôi ca ngợi sự xứng đáng của giáo sư Nguyễn Kim Sơn, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, người hồi tháng tư mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo: “Với năng lực và uy tín của một học giả đã được thừa nhận, ông đáng được lắng nghe và ủng hộ. […] Ông nhìn nhận nhiệm vụ của mình theo định hướng chung mà Thủ tướng đã nêu: ‘Học thật, thi thật, nhân tài thật’. […] Ông kiên trì đề nghị sự ủng hộ, không chỉ từ các giáo viên mà cả những người trong các ngành khác. […]  Ông thực lòng trong lời nói của mình, […] đề cập nhiều vấn đề mấu chốt cho thực trạng giáo dục ngày nay: tầm quan trọng của việc đánh giá đạo đức (đặc biệt là nạn đạo, nhái, tham nhũng, lạm quyền); mức lương bổng quá thấp cho giảng viên và người làm nghiên cứu; đưa giảng dạy gần gũi hơn với thực tế, đáp ứng những gì cần thiết về kỹ năng và tài năng để phát triển đất nước; bổ nhiệm và thăng cấp nhân sự đúng với năng lực, đặc biệt với những vị trí chịu trách nhiệm; sự cần thiết khuyến khích tư duy phản biện để hình thành những công dân có trách nhiệm.” Và tôi đã kết luận: “Chúng ta nhìn thấy ở đây một tia hy vọng: hãy đừng bỏ lỡ cơ hội này”.

Chúng ta cần sự ủng hộ của chính quyền, theo hai cách khác nhau: thứ nhất, họ cần động viên thay vì ngăn chúng ta chung sức giúp giáo dục đại học Việt Nam phát triển; thứ hai, họ cần nói rõ nhu cầu quốc gia về giáo dục đại học là gì, cả ngắn hạn lẫn tương lai dài hạn.

Tất nhiên, tôi biết chính phủ rất khó khăn để đưa Việt Nam đi lên trong một thế giới luôn thay đổi chóng mặt; năm mươi năm chiến tranh và đau thương đã để lại những vết thương cần nhiều thế hệ để chữa lành, nhưng những vết sẹo vẫn còn với chúng ta. Chỉ trích thì dễ, đưa quốc gia đi đúng đường mới khó. Sẽ là hợm hĩnh và lạc lõng nếu lên giọng kẻ cả làm như mình biết phải làm gì và chỉ thắc mắc vì sao nó không xảy ra. Nhưng chúng ta không thể thỏa mãn chỉ bằng việc thừa nhận những phát biểu của ông Phan Thanh Bình được trích ở đầu bài viết. Chúng ta phải hành xử như “những người trí thức tự chủ, nhận thức và tự nhận lãnh trách nhiệm của mình một cách tự giác, trí tuệ, sáng tạo và bản lĩnh trước xã hội, đất nước”: đó chính là những người mà, theo ông ấy, các trường đại học phải đào tạo ra; là học giả, chúng ta phải là những tấm gương. Nhưng để làm được như vậy, chúng ta cần sự ủng hộ của chính quyền, theo hai cách khác nhau: thứ nhất, họ cần động viên thay vì ngăn chúng ta chung sức giúp giáo dục đại học Việt Nam phát triển; thứ hai, họ cần nói rõ nhu cầu quốc gia về giáo dục đại học là gì, cả ngắn hạn lẫn tương lai dài hạn. Tôi sẽ giải thích ngắn gọn về hai điều này, bắt đầu với ý thứ hai.

Liên tiếp nhiều năm, các khoa khoa học cơ bản ngày càng khó tuyển dụng. Ảnh minh họa: Dân trí.

Như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhận xét rất đúng, quy hoạch đại học là nhiệm vụ rất lớn, rất khó và rất phức tạp, và trước khi hiểu tự chủ cần gì, chúng ta cần hiểu chúng ta kỳ vọng gì ở các trường đại học. Chúng ta cần biết những đặc trưng của đất nước, cả về nhu cầu lẫn về những ràng buộc cần tuân theo. Chỉ sao chép cách làm của nước khác, một điều thật không may khá phổ biến ở Việt Nam, là một cách xử lý vấn đề rất tệ, không hiệu quả và lãng phí. Chúng ta cần phân biệt rõ trường đại học theo cách hiểu của ông Phan Thanh Bình với các trường chuyên nghiệp, như ngân hàng hay kinh doanh. Tự chủ có ý nghĩa gì đối với họ, vai trò của Nhà nước và tư nhân trong quản lý trường, khả năng tiếp cận các nguồn tài chính tư nhân, tất cả những điều này có hình thức rất khác nhau giữa hai trường hợp. Chúng ta cần hiểu những hệ quả của việc tuân theo đồng thời các giá trị xã hội chủ nghĩa và các giá trị thị trường9, đặc biệt là cần dành mức độ ưu tiên nào cho việc trao cơ hội tiếp cận giáo dục đại học bình đẳng giữa thành viên của các tầng lớp xã hội và dân tộc khác nhau. Chúng ta cần biết nguồn nhân lực đất nước cần trong mỗi ngành như y tế, giáo dục, quốc phòng, kỹ thuật, v.v. và các mức độ ưu tiên cho đào tạo của ngành đó. Phải chăng chúng ta đang đào tạo quá nhiều chuyên gia cho cái gọi là quản lý, tiếp thị và ngân hàng, ở một trình độ quá thấp? Chúng ta cần hiểu mức độ ưu tiên nào có thể được dành cho đào tạo ở những lĩnh vực như khoa học cơ bản, là những lĩnh vực quan trọng đối với tương lai lâu dài của đất nước, nhưng hầu như không có ảnh hưởng ngắn hạn. Chúng ta cần hiểu những ràng buộc địa chính trị10, hay những nguyên tắc chung nào nên định hướng sự hợp tác của chúng ta với các nước khác về giáo dục và nghiên cứu. Trong những lĩnh vực như khoa học xã hội, chúng ta cần hiểu tác động của những ràng buộc chính trị lên những gì được nói và nghiên cứu – một vấn đề rất nhạy cảm, được nhiều nước xem là một chướng ngại lớn để đến với tự do học thuật và, hơn thế nữa, tự chủ đại học. Chúng ta cần biết kế hoạch của chính phủ để làm giảm và dần dần ngăn chặn rồi đảo ngược thảm họa chảy máu chất xám mà đất nước đang phải chịu. Chúng ta muốn biết chính phủ sẵn sàng áp đặt mức độ đạo đức và liêm chính nào để đảm bảo đạo đức khoa học và ngăn chặn gian lận, tham nhũng.

Sự ủng hộ tiếp theo chúng ta cần từ chính quyền là khuyến khích chung sức giúp đưa giáo dục đại học Việt Nam đi lên. Những khó khăn gặp phải trong quá trình hình thành tự chủ ở các trường đại học Việt Nam được nghiên cứu rất nhiều, với nhiều ý kiến và đề xuất uyên bác11; nhưng có vẻ như chúng vẫn thường là những sáng kiến độc lập, không được tiếp tục ở cấp cao. Ở các nước phát triển, người ta thường nhờ vào các nhóm làm việc và nhóm nghiên cứu để lập ra những gợi ý, đề nghị, đề xuất cho những người quyết định; ở Việt Nam, cách làm này hầu như bị bỏ qua, và mỗi lần cố gắng vận động, tôi lại thất bại. Tôi hiểu rằng ở trạng thái phát triển hiện nay, Việt Nam cần một chút kiểm soát nào đó đối với những gì được nói ra. Nhưng sự kiểm soát đó cần biết rằng những ai gọi dạ bảo vâng thì vô dụng, và cần phân biệt được những người muốn giúp chính quyền với những người muốn chống lại.□

Nguyễn Hoàng Thạch dịch 

—–

Chú thích

1 https://tuoitre.vn/de-dai-hoc-khong-la-truong-cap-ba-phay-20221222081604628.htm 

2 https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dai-hoc/Pages/default.aspx?ItemID=7095

3 https://documents1.worldbank.org/curated/en/347431588175259657/pdf/Improving-the-Performance-of-Higher-Education-in-Vietnam-Strategic-Priorities-and-Policy-Options.pdf 

4 https://baochinhphu.vn/tu-chu-dai-hoc-cuoc-cach-mang-doi-moi-giao-duc-dai-hoc-102220804101158725.htm 

5 https://dangcongsan.vn/giao-duc/nang-cao-nhan-thuc-ve-tu-chu-dai-hoc-644254.html

6 https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/nguyen-ngoc-van-vung-buoc-tren-duong-xa

7 https://www.timeshighereducation.com/news/vietnams-german-university-struggles-loosen-government-grip 

8 https://tiasang.com.vn/giao-duc/giao-duc-dai-hoc-nhung-tia-hy-vong-28635/ 

9 https://www.cambridge.org/core/journals/asian-journal-of-comparative-law/article/from-marx-to-market-the-debates-on-the-economic-system-in-vietnams-revised-constitution/449F3150A77AA316F57822479E219650 

10 https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/24761028.2021.1932018 

11 Ba ví dụ:

https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/0309877X.2021.1986475
https://www.sggp.org.vn/phat-huy-hieu-qua-thuc-chat-cua-tu-chu-dai-hoc-post686728.html

http://lyluanchinhtri.vn/home/en/index.php/cadre-training/item/611-university-autonomy-is-inevitable-for-the-fundamental-and-comprehensive-innovation-of-education-in-vietnam.html  

Tác giả

(Visited 212 times, 1 visits today)