Đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi Toán: Đã đi chệch hướng
Giáo viên và học sinh Việt Nam lần đầu tiên tham gia kì thi Olympic Toán quốc tế – IMO năm 1974. Ảnh: A0.com
Trong một báo cáo vừa qua của nhóm nghiên cứu độc lập Trắc lượng khoa học Việt Nam Scientometrics for Vietnam, số lượng công bố ISI (Web of Science) ngành Toán ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, thành tích này các nhà Toán học Việt Nam đã đạt được từ năm 2015, sau khi vượt qua Singapore. Cũng tính theo các con số này thì vị trí của Toán học Việt Nam ở khoảng từ 30-40 trên thế giới. Nếu đánh giá sâu hơn về chất lượng công bố, về tầm ảnh hưởng của các nghiên cứu, theo ý kiến cá nhân tôi, chúng ta chưa bằng Singapore, nhưng có thể tự tin rằng thực sự đã hơn các nước còn lại trong khu vực không chỉ về lượng mà cả về chất. (Trường hợp Singapore cũng khá đặc biệt, nhờ sức mạnh về kinh tế nên họ có thể thu hút được các nhà khoa học xuất sắc tới làm việc, khác với Việt Nam, khi thành tích chúng ta đạt được hoàn toàn do nội lực và hợp tác quốc tế bình đẳng).
Thành tích này của ngành Toán không phải là ngẫu nhiên, mà có cơ sở từ hơn 70 năm trước. Rất đáng ngạc nhiên là trong những sắc lệnh và nghị định đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) cuối năm 1945 có một tỷ lệ rất lớn văn bản về giáo dục. Chẳng hạn, trong số 50 sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ lâm thời VNDCCH, có 10 sắc lệnh liên quan tới giáo dục. Rất tiếc là người Pháp không muốn cho chúng ta một nền độc lập nên cuộc kháng chiến chống Pháp bắt buộc phải nổ ra làm gián đoạn công cuộc giáo dục. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn rất quan tâm đến giáo dục và đào tạo. Cuối năm 1946, ông Nguyễn Văn Huyên được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục Quốc dân và đảm nhiệm vị trí này trong suốt thời kỳ kháng chiến. Là một nhà khoa học thực thụ, ông đã cùng nhiều trí thức khác không ngừng xây dựng nền giáo dục Việt Nam. Có lẽ đây là một điều khá đặc biệt và hy hữu trong lịch sử, khi một chính quyền coi dốt nát cũng là một loại giặc, ngang với giặc ngoại xâm.
Có lẽ là một sự tình cờ khi có khá nhiều “yếu nhân” trong ngành giáo dục thời kỳ đầu của VNDCCH là các nhà toán học hoặc có hiểu biết sâu rộng về toán học: Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, ngoài ra có thể kể đến Nguyễn Xiển, Nguyễn Thúc Hào. Năm 1965, Chính phủ ra Quyết định số 165 về việc “mở một số lớp cấp 3 phổ thông dạy học sinh có năng khiếu về toán”, với mục tiêu “khuyến khích học sinh có năng khiếu về toán có điều kiện học lên cao”. Lớp toán đầu tiên như vậy được đặt ở Khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Quyết định do Phó thủ tướng Phạm Hùng ký ngày 14/9/1965. Đây là xuất phát điểm cho mô hình các trường chuyên sau này, được mở rộng ra trên cả nước và không chỉ đối với riêng môn Toán mà cả nhiều môn học khác bao gồm Văn, Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh và các môn ngoại ngữ.
Tuy nhiên, trong tương lai, chúng ta sẽ mất đi vị thế của mình trong ngành Toán học (và có thể nhiều ngành khác nữa) nếu tiếp tục duy trì cách thức đào tạo học sinh giỏi như hiện nay.
Mô hình trường chuyên hiện nay
Năm 2010 Chính phủ phê d
uyệt Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên 2010-2020 (Quyết định số 959/QĐ-TTg). Mục tiêu chung của đề án được xác định là xây dựng hệ thống trường THPT chuyên để “phát hiện những học sinh có tư chất thông minh… để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.” Trong số các mục tiêu cụ thể của Đề án, theo tôi mục tiêu quan trọng nhất, hướng tới mục tiêu chung nói trên là “Tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường trung học phổ thông chuyên với việc đào tạo ở đại học; lựa chọn những học sinh có năng khiếu nổi bật vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học chất lượng cao trong nước và các trường đại học có uy tín ở nước ngoài để tiếp tục đào tạo, phát triển năng khiếu.” Với các yêu cầu rất cụ thể: “Đến năm 2015, có khoảng 30% học sinh các lớp chuyên đã tốt nghiệp trung học phổ thông được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học trong nước và tại các trường đại học có uy tín ở nước ngoài và đạt 50% vào năm 2020.”
Lễ kỷ niệm 50 năm Trường THPT chuyên KHTN, ĐHQG HN. Ảnh: Trường THPT chuyên KHTN.
Như vậy, về mặt mục tiêu, Đề án này là sự mở rộng, nối dài của Quyết định của Chính phủ năm 1965 về việc thiết lập hệ thống trường chuyên. Quan điểm là thống nhất: phát hiện tài năng và tiếp tục bồi dưỡng để các em có thể học lên cao hơn.
Vấn đề cần bàn là phải xây dựng nội dung giảng dạy ở trường chuyên như thế nào. Điều này về cơ bản không được đề cập đến trong Đề án, ngoài những câu từ chung chung như: “Chương trình giáo dục trong trường trung học phổ thông chuyên xây dựng theo hướng hiện đại, tiếp cận với trình độ tiên tiến khu vực và thế giới; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục thể chất và bồi dưỡng nhân cách người học; tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện, chuyên sâu một lĩnh vực, giỏi tin học và ngoại ngữ; phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; kỹ năng thực hành, tăng khả năng hoạt động thực tiễn”.
“Biên soạn khung tài liệu chuyên sâu giảng dạy các môn chuyên; tài liệu hướng dẫn phát triển chương trình các môn chuyên; tài liệu phục vụ cho việc thực hiện giảng dạy bằng tiếng Anh các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học; tài liệu về tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm bồi dưỡng năng khiếu theo lĩnh vực chuyên như: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, quản lý…”
Chương trình bị bỏ quên
Theo tôi, nội dung chương trình học tại các trường THPT chuyên mới là cốt lõi của vấn đề. Từ năm 2010 tới năm 2020, giáo dục Việt Nam đã, đang và sẽ trải qua rất nhiều thay đổi lớn. Nhưng câu hỏi, dạy gì cho các học sinh chuyên thậm chí chưa hề được đặt ra. Ngược lại, do ảnh hưởng tiêu cực của mô hình thi trắc nghiệm hai năm vừa qua, cũng như do khuynh hướng du học nước ngoài ngày càng phát triển, chất lượng sinh viên ưu tú tại các trường đại học lớn ngày càng giảm sút – tôi được nghe những lời phàn nàn trực tiếp từ các giảng viên đứng lớp. Đây là một điều hết sức đáng buồn, bởi vì ngay trước khi chất lượng giảm sút thì chất lượng học sinh chuyên cũng không được như mong muốn. Ở đây cần làm rõ một vấn đề về thuật ngữ, khi nói tới “chất lượng học sinh” tôi muốn đề cập đến hiểu biết kiến thức, khả năng tiếp thu kiến thức và giải quyết vấn đề, phương pháp học tập, tư duy, chứ không đề cập đến tư chất của mỗi học sinh. Nói cách khác, mặc dù các trường chuyên về cơ bản vẫn lựa chọn được những học sinh có tư chất thông minh, nhưng việc đào tạo bồi dưỡng cho các em chưa tốt.
Thực trạng diễn ra ở các trường THPT chuyên, với môn Toán, như sau. Khi được chọn vào lớp, các em là những học sinh có tư chất tốt, có đam mê với môn học. Tuy nhiên, niềm đam mê đó của đa số các học sinh thường không kéo dài quá năm lớp 10. Sau đó chỉ còn một số học sinh tiếp tục theo đuổi môn toán, mà mục tiêu cũng chỉ là theo đuổi các kỳ thi học sinh giỏi (một số tham gia do có sự động viên, thuyết phục, thậm chí thúc ép của các thầy cô). Đa số các học sinh, sau sự hăm hở bước đầu tập trung toàn lực cho việc thi đại học. Tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với các lớp chuyên toán, khi mà hình thức thi tốt nghiệp THPT (và dùng kết quả để xét tuyển đại học) chuyển sang 100% trắc nghiệm. Học sinh vì phải luyện quá nhiều kỹ năng, mẹo mực phi khoa học để có thể trả lời được số lượng lớn câu hỏi khó trong thời gian rất ngắn, đã hoàn toàn không được dạy về phương pháp tư duy toán học. Rất tiếc, phương pháp tư duy là nội dung quan trọng nhất khiến cho việc học toán trở nên có ích.
Ngay cả đối với các học sinh tiếp tục theo đuổi môn toán, với mục đích chủ yếu là giành giải tại các kỳ thi học sinh giỏi, việc tập trung quá nhiều thời gian vào việc giải quyết các bài toán quá rắc rối, hình thức giảng dạy nhồi nhét kiến thức mà thiếu sự định hướng một cách khoa học cũng là một sự lãng phí thời gian đối với các em. Cần nhìn nhận rằng các học sinh này thực sự là tinh hoa của đất nước, và xứng đáng được hưởng một chương trình giáo dục tốt hơn, không chạy theo thành tích.
Theo hiểu biết của tôi, việc biên soạn tài liệu bồi dưỡng học sinh chuyên như đề cập đến trong Đề án đến bây giờ vẫn chưa được thực hiện. Tôi không hề biết đến một bộ sách thực sự nghiêm túc nào bằng tiếng Việt dành cho học sinh chuyên toán. Việc giảng dạy ở các trường chuyên vì thế hoàn toàn không được định hướng một cách khoa học. Qua nhiều lần tiếp xúc với học sinh chuyên toán từ nhiều trường THPT chuyên trên cả nước, tôi thấy các em đa phần rất yếu về phương pháp tư duy. Điều đáng buồn nhất là rất nhiều em thiếu ý thức chủ động suy nghĩ, thường là chờ lời giải của thầy giáo.
Trên nền của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó thay thế cách tiếp cận nội dung bằng cách tiếp cận năng lực, rất cần có một bộ sách giáo khoa đầy đủ cho học sinh chuyên và có thể dùng làm tài liệu tham khảo quan trọng cho các học sinh giỏi nói chung cũng như cho giáo viên. Việc biên soạn cần được tổ chức bài bản, có sự tham gia không chỉ của các giáo viên dạy chuyên mà rất cần sự góp mặt của giảng viên đại học, nhất là từ các trường thuộc khối kỹ thuật, kinh tế, tài chính, y học.
Chẳng hạn, với môn Toán, yêu cầu cao nhất đối với bộ sách này theo quan điểm của tôi, là phải giúp cho các học sinh giỏi tự tìm hiểu, khám phá được các kiến thức toán học căn bản, tự hoàn thiện được cho mình phương pháp tư duy toán học, hiểu được ý nghĩa của môn học đối với khoa học và đối với cuộc sống.
Không liên kết với đại học
Khó khăn căn bản của mô hình trường chuyên các năm qua là yếu tố động cơ. Như đã phân tích ở trên, học sinh chuyên toán sẽ bị điều khiển bởi một trong hai động cơ, thi đỗ đại học với số điểm cao hoặc xin học bổng đi học nước ngoài hoặc đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi, cuối cùng cũng để vào được đại học hay có học bổng đi học nước ngoài. Điểm mấu chốt ở đây là chẳng ai quan tâm tới việc các em sẽ học đại học như thế nào. Hiện tại đang có một sự vênh quá lớn giữa nội dung giảng dạy THPT và nội dung giảng dạy tại các trường đại học, đặc biệt là với môn Toán. Học sinh chuyên được luyện để giải quyết những bài toán hết sức phức tạp, trong số đó cũng có những bài toán hay, dù tỷ lệ không nhiều, nhưng việc dạy và học chủ yếu tập trung vào việc “biết một lời giải và nhớ nó”. Trong khi đó, các kiến thức cơ bản nhưng lại rất quan trọng của toán học hầu như không được đề cập đến, học sinh không được học một cách bài bản về phương pháp tư duy, không có được hình dung toán học là gì và để làm gì (ngoài việc giải các bài tập mà thầy giao cho – như một trò chơi). Điều này khiến cho nhiều học sinh, kể cả học sinh giỏi cũng gặp khó khăn lớn khi vào đại học, nơi mà toán học được dạy theo cách hoàn toàn khác. Nhiều kiến thức mà các giảng viên đại học cho rằng học sinh đã nắm vững trong chương trình THPT thực ra không phải, điều này ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu và kết quả học tập của các em ở bậc đại học.
Đây là một điều rất đáng tiếc, nhất là đối với các học sinh giỏi. Yếu tố tích cực của việc học chuyên thì ít mà sự lãng phí lại nhiều hơn, trước tiên là lãng phí thời gian, tuổi trẻ của các em. Tai hại hơn, nội dung giảng dạy ở trường chuyên, vì được coi là hình thức giảng dạy ưu việt, còn được mở rộng ra đối với các lớp chất lượng cao trong các trường phổ thông, ảnh hưởng tới cả việc ra đề tại các kỳ thi. (Đề thi trắc nghiệm năm 2018, môn Toán, có những câu hỏi khó tới mức, một giáo sư đầu ngành về toán, có nhiều năm kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, bản thân cũng đã từng là học sinh chuyên toán, phàn nàn với tôi là anh không sao giải được – giải được theo nghĩa đúng đắn của nó, chứ không phải lựa chọn được đáp án đúng bằng cảm tính hoặc mẹo mực). Trong khi đó những học sinh này, vì quá tập trung vào việc chọn phương án đúng bằng các giải pháp mẹo mực, dựa dẫm hoàn toàn vào máy tính cầm tay trong việc giải bài, hoàn toàn hổng kiến thức cơ sở khi lên đại học.
Để mô hình trường chuyên trở nên thực sự có ích, nhất thiết phải xây dựng được một mối quan hệ chặt chẽ và hợp lý giữa các trường THPT chuyên và các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học tốp đầu với các chương trình đào tạo chất lượng cao của họ, như đã được đề cập tới trong Đề án 959 nói trên. Cần xác định mối quan hệ ở đây như là mối quan hệ cung-cầu, các trường đại học là khách hàng mà sản phẩm họ đi tìm và đánh giá chất lượng là học sinh các trường chuyên (cùng với tất cả các học sinh tốt nghiệp THPT khác). Việc các trường đại học có thể tự đưa ra phương án tuyển sinh đang tạo ra cơ hội tốt để xây dựng mô hình này. Các trường đại học cần đưa ra yêu cầu về chuẩn kiến thức kỹ năng và các trường chuyên sẽ xây dựng chương trình của mình để đào tạo ra học sinh đáp ứng các tiêu chí đó. Việc đánh giá chất lượng đào tạo ở trường chuyên sẽ không chỉ dựa trên số lượng học sinh đỗ vào đại học mà còn trên cả thành tích học tập của các học sinh đó tại các trường đại học.
Cũng cần xây dựng một cơ chế giảng dạy liên thông cho phép và yêu cầu các giảng viên đại học tham gia giảng dạy, bồi dưỡng tại các trường chuyên góp phần vào việc mở mang hiểu biết khoa học, phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu khoa học và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Ngược lại, tạo cơ hội, khuyến khích thậm chí yêu cầu các giáo viên chuyên không chỉ học lên thạc sỹ như trong Đề án trình bày, mà tham gia tích cực hơn vào các hoạt động học thuật tại các trường đại học để mở mang kiến thức. Một người thầy với kiến thức sâu, rộng luôn có khả năng truyền đạt nhiều kiến thức, cảm hứng và niềm say mê học tập hơn cho học sinh.
Kỳ thi học sinh giỏi không phải là cứu cánh
Về mô hình của trường chuyên có lẽ nên có một số thay đổi để phù hợp với thực tế. Hiện nay các lớp chuyên được chia ra theo môn học, khiến cho tính chuyên ngành rất cao. Như thế, ví dụ, học sinh chuyên toán về căn bản sẽ coi thường tất cả các môn khác vì ở trong lớp, giỏi toán mới được xác định là giỏi. Trong thực tế, có rất ít học sinh chuyên toán sau này sẽ tiếp tục theo đuổi Toán học như là một nghề nghiệp. Vì thế, đối với các học sinh chuyên toán, việc các em được bồi dưỡng một cách cẩn thận về các nội dung khác như Vật lý, Tin học là rất có ích cho tương lai sau này (tất nhiên không kể đến ngoại ngữ, là yêu cầu không thể thiếu). Ngoài ra, cơ hội được học tập với các bạn giỏi hơn trong cùng một lớp cũng sẽ đóng góp tích cực vào kết quả học tập của mỗi học sinh. Vì vậy có thể cân nhắc việc gộp chung một số môn trong các lớp chuyên, ví dụ lập các lớp chuyên Toán-Tin-Lý, Hóa-Sinh, Văn-Sử-Địa hoặc Sử-Địa. Đối với môn ngoại ngữ nên tổ chức giảng dạy tối thiểu 2 ngoại ngữ cho mỗi học sinh chuyên. Trên nền các lớp chuyên đó tổ chức các nhóm chuyên đề theo từng môn, dành cho các học sinh thực sự có năng lực và nguyện vọng.
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hiện đang là cứu cánh cho sự tồn tại của nhiều trường chuyên. Thành tích tại các kỳ thi học giỏi được coi là thành tích quan trọng nhất không chỉ của trường mà thậm chí ngành giáo dục trong tỉnh. Các trường chuyên vì thế phải chịu sức ép về chuyện có giải tại các kỳ thi này. Điều này góp phần tạo sức ép lên chính các kỳ thi. Các ưu tiên đối với học sinh được giải cũng góp phần tạo thêm sức ép cho kỳ thi. Các yếu tố này góp phần làm cho kỳ thi mất đi ý nghĩa của một kỳ thi dành cho những người yêu toán mà trở thành một cuộc chạy đua đầy tốn kém.
Như đã nói ở trên, toán học Việt Nam, nếu tính theo số công bố ISI đứng vào ví trí 30-40 trên thế giới, thấp hơn nhiều so với vị trí thường xuyên xung quanh tốp 10 của đội tuyển Việt Nam tại kỳ thi Olympic toán học thế giới dành cho học sinh THPT (IMO). Nhưng nếu không có những chính sách phù hợp đối với đào tạo học sinh chuyên, và đặc biệt là đào tạo đại học, khó có thể đảm bảo toán học cũng như các khoa học khác giữ được vị thế hiện nay của mình trong vòng hai, ba chục năm tới. Ảnh hưởng của giáo dục luôn là lâu dài và mỗi thế hệ phải có trách nhiệm đối với các thế hệ sau. Cho đến bây giờ, Toán học Việt Nam vẫn đang thừa hưởng những thành quả do các bậc tiền bối như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy và nhiều người khác dày công xây đắp.