Dạy được chính mình, là học
Học, khó hơn dạy. Học, là đích đến của dạy. Dạy được chính mình, là học.
Riêng tôi nghĩ, “học cái gì”, vẫn là điều căn bản nhất, và điều đó phải dõi theo được sự tiến hóa của tri thức, của lý tưởng tự do.
Các Khổng sĩ thời xưa có thể mài văn rất sắc sảo, cô đọng, ngữ nghĩa điển tích trùng điệp, vần vần đối đối hóc búa tuyệt tác… Nhưng để rồi họ chỉ quanh quẩn trong cái sứ mệnh truyền tải cái đạo vua tôi nô lệ cực đoan. Theo một nghĩa nhất định, họ bị tê liệt về tư duy, họ không thể tư duy, họ chỉ biết kể lại vanh vách, và làm theo, với chút “sáng tạo”. Học như thế, rốt cuộc cũng chỉ để ngu được mình, và qua đó ngu được quan, ngu được dân.
Cái học của ngày hôm nay phải dứt khoát đi ra khỏi được cái vũng lầy ngàn năm ấy.
Vũng lầy ngàn năm ấy là gì?
Vũng lầy ngàn năm ấy từng thống trị trên toàn thế giới, cả ở đông, cả ở tây. Vũng lầy ấy là, học đường bị ý thức hệ tôn giáo đương thời ngự trị, học đường mang một sứ mệnh căn bản nhất là đào tạo ra được các giáo sĩ để củng cố cái ý thức hệ tôn giáo đương ngự trị tinh thần của xã hội. Cuộc cách mạng thực sự của giáo dục, là giải phóng các trường học khỏi sự chuyên chế của ý thức hệ tôn giáo đang ngự trị tinh thần xã hội, cùng các thể chế tổ chức của nó. Từ đó mới nhen dần lên được một nền học thuật tự do, mới nhen dần lên được những con người tự do, những công dân tự do của một xã hội tự do. Nền tự do của giáo dục phải bắt đầu từ nội dung của nó, và cùng với điều đó, thấm đẫm dần qua các cách thức tổ chức, cùng các phương pháp học tập-giảng dạy. Những cánh cổng của trường học phải là những cánh cổng của các pháo đài của tự do của tinh thần. Trường học phải là các điểm sáng đang ngày càng thắp sáng dần toàn xã hội. Không có cách nào khác để đi lên.
Câu chuyện trên đây là câu chuyện của cả xã hội, của mỗi người trong xã hội, mỗi ai cũng cần suy nghĩ về nó.
Bây giờ nếu hạ cánh xuống những điều cụ thể nhất, nhưng có lẽ cũng thật căn yếu, tôi ước muốn các học sinh được hưởng ngay lập tức hai điều rất căn bản sau đây, và làm được ngay, ngày càng mạnh mẽ theo thời gian.
Thứ nhất, môn tiếng Việt phải là một môn thật trọng yếu trong suốt giáo dục phổ thông. Sao cho người đi học trở thành một con người làm chủ điêu luyện tiếng Việt, để tư duy, để trình bày, để trao đổi, để luận cứ, để thuyết phục, để cất cánh tinh thần. Bộ môn này phải là một hạt nhân trung tâm, nó tích hợp các bộ môn về các khoa xã hội, văn chương, nghệ thuật, triết học vào nó, làm thành một tổng thể.
Thứ hai, môn tiếng Anh phải là một môn thật trọng yếu trong suốt giáo dục phổ thông. Các bộ môn khoa học chính xác, công nghệ, kĩ thuật là những bộ môn chính yếu để phát triển năng lực sử dụng tiếng Anh, được giảng dạy-học tập bằng song ngữ Anh-Việt.
Có quyết sách, có lộ trình, là làm được. Các chương trình nặng quá? Rút bỏ bớt đi. Làm thế nào để hai điều mong mỏi “học cái gì” này thực hiện được, đời sống giáo dục tự do sẽ tự tìm ra con đường cho mình, từ tốn nhưng vững chãi. Rất nhiều xứ sở khác đã làm được điều đó, và họ đã vươn lên tầm cao đầy kinh ngạc.
Để những thế hệ con người Việt mới sẽ giàu bản lĩnh văn hóa xứ sở, sẽ mạnh bản lĩnh hội nhập thế giới, sẽ xác tín đi về tự do.
Dạy được chính mình, là học.