Dạy học theo mô hình flipped classroom

Mô hình dạy học flipped classroom được áp dụng ở Mỹ khoảng mười năm nay. Năm 2015, mô hình này được bầu chọn trong top 5 những xu hướng trong công nghệ giáo dục Mỹ. Bài viết này giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển, tính ưu việt và các hạn chế của mô hình này qua ý kiến của các nhà giáo dục Mỹ. Và từ thực tế nghiên cứu và những áp dụng ban đầu ở Việt Nam, tôi đưa ra các bình luận và giải pháp cho vấn đề đó.


Mô hình Flipped classroom là gì?

Flipped classroom (lớp học đảo ngược) là một mô hình dạy học mới ra đời khoảng 10 năm nay ở Mỹ và được áp dụng rộng rãi trong nhiều trường học, từ các lớp tiểu học, trung học đến những năm đầu đại học, đã làm đảo ngược cách tổ chức dạy học theo truyền thống. Hình thức của flipped classroom, trong sự so sánh với lớp học truyền thống, được thể hiện bằng minh họa dưới đây.

Trong mô hình dạy học này, giáo viên (GV) có nhiều cơ hội hơn trong quan sát, tiếp xúc để hướng dẫn, đánh giá từng học sinh (HS). Mô hình cũng tạo không gian để HS năng động hơn trong việc thu nhận kiến thức, hợp tác với bạn bè và có thể đánh giá được kết quả học tập của bản thân.

Cơ sở của mô hình lớp học đảo ngược dựa trên sáu bậc thang đo nhận thức của Bloom, từ thấp đến cao là: ghi nhớ, thông hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá. Trong lớp học truyền thống, thời gian ở lớp bị giới hạn, là một hằng số, GV chỉ có thể hướng dẫn HS nội dung bài học ở ba mức độ đầu của nhận thức là ghi nhớ, thông hiểu và vận dụng. Để đạt đến các mức độ sau, HS phải nỗ lực tự học tập và nghiên cứu ở nhà và đó là một trở ngại lớn với đa số HS. Mô hình mới “đảo ngược” mô hình truyền thống, ba mức độ đầu được HS thực hiện ở nhà nhờ những băng ghi hình hướng dẫn của GV. Thời gian ở lớp, GV và HS sẽ cùng làm việc nhằm đạt ba bậc thang sau của nhận thức như mình họa qua sơ đồ dưới.

Sơ lược về lịch sử

Năm 1993, Alison King xuất bản công trình “From sage on the stage to guide on the side” (Từ nhà thông thái trên các tượng đài thành người đồng hành bên cạnh bạn). Trong đó, King đặc biệt chú trọng vào việc GV cần sử dụng thời gian ở lớp để tổ chức cho HS tìm hiểu ý nghĩa của bài học hơn là truyền đạt thông tin. Mặc dù chưa đưa ra khái niệm flipped classroom nhưng công trình của King thường được các nhà giáo dục trích dẫn như là sự thúc đẩy và cách tân cho phép dành không gian lớp học vào các hoạt động học tập tích cực. Đến năm 2000, các tác giả Lage, Platt và Treglia xuất bản công trình “Đảo ngược lớp học- cánh cửa dẫn đến sự sáng tạo môi trường học tập trọn vẹn”, trong đó giới thiệu các nghiên cứu về lớp học đảo ngược tại các trường cao đẳng.

Đặc biệt, người có công lớn cho mô hình flipped classroom là Salman Khan. Năm 2004, Khan bắt đầu ghi hình bài giảng của mình thành các video để phụ đạo cho em họ sống ở một bang khác. Những video này được đưa lên YouTube và rất được yêu thích. Từ đó Salman Khan thành lập học viện Khan, cho đến nay đã có khoảng 2200 video bao gồm tất cả các môn học, từ những kiến thức đơn giản nhất như thực hiện phép toán số học của tiểu học đến các bài giải tích vector trong chương trình đại học. Mỗi tháng có một triệu người học dùng trang web của Khan, với số lượt xem khoảng 100 đến 200.000 lượt mỗi ngày1. Khẩu hiệu mà học viện Khan đưa ra đầy hấp dẫn. “Bạn chỉ cần biết một điều: bạn có thể học mọi thứ, miễn phí, cho mọi người, mãi mãi!”2


Mùa xuân năm 2007, Jonathan Bergmann và Aaron Sams, hai giáo viên hóa học trường THPT Woodland Park, ghi lại những bài giảng của mình và cung cấp cho HS vì nhiều lý do khác nhau đã không đến lớp một cách đầy đủ để theo kịp chương trình, qua đó họ đã xây dựng mô hình flipped classroom, làm thay đổi hoàn toàn cách dạy của GV, cách học của HS. Jonathan và Aaron đã nhận được phần thưởng của tổng thống vì những thành công trong mô hình flipped classroom.

Những ưu điểm của mô hình flipped classroom

Với mô hình flipped classroom, các nhà giáo dục đưa ra bốn “trụ cột” sau:

Thứ nhất, đó là môi trường học tập linh hoạt. Flipped classroom cho phép HS lựa chọn cách thức, nơi chốn, thời gian học tập phù hợp với điều kiện của cá nhân. Hơn nữa, GV cũng linh hoạt hơn cả trong đánh giá việc học tập của HS.


Thứ hai, mô hình này tạo nên văn hóa học tập mới cho HS. Trong các lớp học truyền thống, GV là trung tâm của thông tin. Nếu HS thảo luận câu hỏi thì tất cả đều xoay quanh những ý kiến chủ đạo của GV. Ngược lại, mô hình flipped classroom buộc phải lấy HS làm trung tâm trong quá trình dạy học. Thời gian ở lớp được dành cho việc thảo luận các kiến thức sâu hơn, tạo ra những cơ hội học tập phong phú hơn cho HS.


Thứ ba, flipped classroom cung cấp nội dung chương trình học tập một cách có định hướng. Thông qua nội dung này mà tối ưu hóa thời gian ở lớp. GV xác định rõ nội dung và mục đích bài học cho HS, từ đó HS chủ động khám phá, lĩnh hội.


Thứ tư, mô hình này đòi hỏi GV phải là những nhà sư phạm chuyên nghiệp. Vai trò một nhà sư phạm chuyên nghiệp với các lớp flipped classroom thậm chí còn khắt khe hơn trong các lớp học truyền thống. Trong thời gian ở lớp, GV liên tục quan sát HS của mình, cung cấp cho các em những phản hồi thích hợp vào đúng thời điểm cần thiết, đánh giá các bài làm của HS. GV suy nghĩ về thực tế, kết nối mỗi thành viên trong lớp học để nâng cao việc học tập của các em. Các GV cộng tác với nhau, cùng suy nghĩ và chịu trách nhiệm trong việc biến đổi thực tiễn của mình.

Những hạn chế của flipped classroom

Trong thực tế, khi triển khai mô hình flipped classroom, các nhà giáo dục đối mặt với nhiều trở ngại, thách thức, từ cả GV và HS. Nhà giáo dục Lisa Nielsen, sau một thời gian nhiệt thành ủng hộ, qua thực tế áp dụng, đã đưa ra một số lý do khiến bà không hoàn toàn tán đồng mô hình này.

Trở ngại đầu tiên cho HS là không phải gia đình tất cả các em đều có cơ sở hạ tầng về truyền thông đồng đều. Không phải tất cả HS đều dễ dàng truy cập, lấy được bài giảng của GV để làm việc; tiếp theo là “một số lượng ngày càng nhiều các phụ huynh và nhà giáo dục không tin rằng chúng ta cần đánh cắp thời gian ở nhà của trẻ em bằng các bài tập về nhà bắt buộc. Với các em, thời gian ở nhà cần thiết dành cho những đam mê riêng, cho sự kết nối với bạn bè và gia đình, để vui chơi hoặc tham gia các hoạt động xã hội, thể thao…” Ngoài ra, do chưa hiểu thấu đáo về flipped classroom, nhiều GV sẽ đưa ra những biện pháp “sư phạm tồi”, như lời của Nielsen thuật lại. “Khi tôi chia sẻ ý tưởng về flipped classroom cho một nhà quản lý, bà lập tức phấn khích nói lại với tôi: thật tuyệt vời! Chúng tôi sẽ có nhiều thời gian hơn ở lớp học để chuẩn bị cho HS giải các đề thi”. Không phải các trường đều sẵn sàng để HS học tập theo một nhịp độ hợp với sự phát triển của từng HS. Các trường có nhận thức được rằng không phải ai cùng một lứa tuổi cũng cần phải đồng thời ở cùng một giai đoạn như nhau về nhận thức?


Nếu tổ chức không cẩn thận, chỉ mang tính hình thức thì flipped classroom cũng là một dạng của lớp học truyền thống. Tuy nhìn qua thì mô hình này có vẻ hiện đại, mới mẻ nhưng bản chất vẫn là GV đưa ra bài giảng của mình và HS theo đó để thực hiện.


Giáo dục Việt Nam với mô hình flipped classroom

Để áp dụng mô hình này vào thực tế dạy học ở Việt Nam, dù ở mức độ thực nghiệm, chúng ta cũng đối diện với nhiều khó khăn và thách thức.

Những khó khăn

– Ở Việt Nam, mô hình flipped classroom vẫn chưa được Bộ GD&ĐT “chính thức thừa nhận”. Không thấy những thông tin, bài viết trên các báo giáo dục, Một vài giáo viên áp dụng mô hình này một cách tự phát, rời rạc, không có sự kết nối, không có môi trường để lan tỏa.

– Các nhà khoa học giáo dục hình như vẫn đang đứng ngoài cuộc. Chúng tôi vẫn chưa đọc được những khảo cứu công phu về flipped classroom mà chỉ thấy những bài viết mang tính giới thiệu, biên dịch một cách sơ lược.


– Cơ sở hạ tầng” về công nghệ thông tin ở Việt Nam rất khác biệt do hoàn cảnh kinh tế và vùng miền khác nhau của HS.


– Nếu có điều kiện về vật chất, các HS chưa có thói quen vào mạng học bài. Nếu không có sự giám sát và tinh thần kỷ luật cao, các em dễ sa đà, mất thời gian vào các kênh hấp dẫn khác trên internet.


– Mô hình này cần có sự đồng thuận lớn từ phụ huynh và gia đình HS.


– Khi bắt tay vào xây dựng mô hình này, các GV Việt Nam không có thuận lợi như ở các nước nói tiếng Anh, vốn được thừa hưởng một kho tài liệu khổng lồ từ học viện Khan hay tổ chức Ted3.


– Với GV, mô hình này buộc họ phải dành rất nhiều thời gian, tiền bạc và năng lực công nghệ đầu tư cho các sản phẩm gửi đến HS.


Giải pháp


Điều chúng ta cần nhất là sự liên kết. Mô hình muốn thành công, các GV không thể hoạt động riêng lẻ. Họ cần đến những diễn đàn để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm. Mạng lưới flipped classroom ở Mỹ có đến 22.000 GV và các nhà giáo dục tham gia.4


Các bộ phận quản lý ở trường học và các cấp phòng, sở và Bộ GD cần có những khuyến khích, tạo “không gian thông thoáng” cho những GV tâm huyết có điều kiện làm việc, thử sức và cống hiến. Ngay tại Mỹ, dù đã có nhiều thử nghiệm, flipped classroom vẫn đang là vấn đề thời sự của giáo dục Mỹ.


Để bắt tay xây dựng hiệu quả mô hình flipped classroom, các GV cần lắng nghe lời khuyên các chuyên gia để có thể tạo được những video hiệu quả (Thời gian cho mỗi video khoảng 3-5 phút).


Nếu chúng ta thực tâm muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy học và hội nhập với quốc tế thì lý thuyết và các kế hoạch triển khai mô hình flipped classroom cần được đặt trên bàn các nhà giáo dục tâm huyết. Không thể khác được.

——
* ThS, Trường Đại học Khánh Hòa. Email: [email protected]
1https://www.ted.com/talks/salman_khan_let_s_use_video_to_reinvent_education/transcript?language=en#t-40916
2https://www.khanacademy.org/
3https://www.ted.com/
4http://flippedclassroom.org/

TÀI LIỆU THAM KHẢO
*http://www.slu.edu/cttl/resources/teaching-tips-and-resources/flipped-classroom-resources
* http://nextgenerationextension.org/ 2013/10/01/blooms-and-the-flipped-classroom/
*http://www.thedailyriff.com/articles/how-the-flipped-classroom-is-radically-transforming-learning-536.php
*http://theinnovativeeducator.blogspot.ca/2011/10/five-reasons-im-not-flipping-over.html
* http://www.uq.edu.au/teach/flipped-classroom/how-to-start.html

Tác giả

(Visited 186 times, 1 visits today)