Dạy kèm ở Phần Lan

Việc dạy kèm ở Phần Lan là chủ trương chung quốc gia, được các văn bản chính thức quy định, được thực hiện bên trong trường học, thường là trong giờ học chính thức. Như vậy, các kế hoạch dạy kèm là một phần của chương trình giáo dục quốc gia, một nhiệm vụ của giáo viên.

Dạy kèm ở Việt Nam gần như đồng nghĩa với việc dạy thêm học thêm. Nhưng việc dạy kèm có tiêu cực như nó vẫn bị công luận phê phán không? Với riêng tôi, dạy kèm có tiêu cực hay không là do cách tổ chức, chứ việc kèm một cá nhân hay một nhóm học sinh nhỏ, để các em tiến bộ thì không thể nào xấu về mặt phương pháp. Để chứng minh điều này, tôi xin kể chuyện dạy kèm ở Phần Lan, từ đó trở lại bình luận và so sánh với việc dạy kèm ở Việt Nam.

Ba mức độ dạy kèm

Trong chuyến nghiên cứu thực địa thuộc một dự án do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED tổ chức, tôi có dịp quan sát trực tiếp cách thức người Phần Lan giảng dạy. Trong Chương trình Cốt lõi Quốc gia về Giáo dục Cơ bản, Hội đồng Giáo dục Quốc gia thuộc Bộ Giáo dục nước này dành một phần lớn nói về cách thức giảng dạy, cách thức phối hợp giữa các tác nhân như giáo viên, học sinh, phụ huynh, chính quyền, tổ chức an sinh xã hội… để giúp học sinh phát triển tối đa về trí tuệ, đạo đức và thể chất.

Họ chủ trương vừa chung vừa riêng: chung là về chủ trương, mục tiêu giáo dục quốc gia, chương trình giảng dạy cốt lõi; riêng là trong cách thực hiện, triển khai làm sao để đến những mục tiêu chung đó, riêng không những với từng vùng, từng trường, từng lớp học mà còn với từng cá nhân học sinh.

Giáo viên phổ thông Phần Lan có nhiệm vụ nghiên cứu từng trường hợp học sinh trong lớp, từ đó, phối hợp với học sinh và phụ huynh để lên kế hoạch học tập cho từng cá nhân. Nói cách khác là lên kế hoạch “kèm” cho từng học sinh tùy theo nhu cầu, thể trạng và năng khiếu hay vấn đề của mỗi em.

Kế hoạch “dạy kèm” có ba mức: nếu học sinh khỏe mạnh, minh mẫn thì kế hoạch là phát triển tối đa những tố chất sẵn có, các em sẽ được kèm riêng hoặc theo từng nhóm nhỏ có chung đặc điểm; nếu học sinh trung bình, thì kế hoạch là “tăng cường”, giúp các em học giỏi lên, mạnh khỏe và phát triển mọi mặt hơn nữa; nếu học sinh có vấn đề về tâm lý hoặc thể chất, thì kế hoạch là “hỗ trợ đặc biệt”, có sự phối hợp với các chuyên gia, dịch vụ an sinh xã hội, y tế, các câu lạc bộ tại địa phương để thực hiện kế hoạch sao cho học sinh cảm thấy hạnh phúc nhất và phát triển mọi mặt tốt nhất. Và dù là kế hoạch nào thì học sinh cũng phải được đặt làm trung tâm, được chủ động trong việc phác thảo và thực hiện kế hoạch, chứ không phải theo áp đặt của người lớn.

Trong ngôi trường chúng tôi quan sát, lớp học đông nhất là 15 học sinh, có lớp chỉ 7 học sinh, cách giảng dạy của các giáo viên là giao việc cho học sinh tự làm1 (tự làm bài tập một mình hay theo nhóm, tự chấm điểm cho mình hoặc cho nhau, tự tổ chức thuyết trình, tự đọc chính tả cho nhau viết, tự đóng kịch, v.v, lớp học không mấy khi tật tự như ở Việt Nam). Quan sát nhiều lớp học, tôi thấy thầy cô giảng bài chung cho cả lớp tối đa 15 phút trong mỗi giờ dạy 45 phút, sau đó “kèm” riêng hoặc từng nhóm nhỏ học sinh nếu như các em có khúc mắc trong quá trình tự học. Như vậy, việc dạy chính quy tại lớp đã tựa như dạy kèm rồi.

Những học sinh gặp khó khăn trong tiếp thu bài sẽ được giáo viên sẽ lên kế hoạch kèm riêng sau buổi dạy– việc này do chính giáo viên, hoặc các chuyên gia “giáo dục đặc biệt” thực hiện. Giáo viên giáo dục đặc biệt chuyên kèm những học sinh yếu, mỗi tuần hai giờ, và lớp học không quá bốn học sinh.

Ở ngôi trường chúng tôi đến còn có bốn phụ giáo, các phụ giáo cũng đứng lớp với giáo viên chính nếu trong lớp có một hoặc một số học sinh có vấn đề về tâm lý hay thể chất. Hãy hình dung, một lớp học khoảng 14 học sinh, nhưng có đến hai, thậm chí ba giáo viên cùng dạy, thì đó quả là việc dạy kèm, chứ không phải kiểu giảng dạy đồng loạt.

Một vài bình luận so sánh

Nhìn trước nhìn sau, tôi thấy việc dạy kèm ở Việt Nam và Phần Lan chỉ giống nhau về mặt hình thức, đó là người dạy kèm từng nhóm nhỏ, hoặc từng cá nhân. Những gì còn lại đều khác biệt.

Việc dạy kèm ở xứ ta là tự phát, xảy ra bên ngoài trường học, ngoài giờ đến trường của học sinh, ngoài kế hoạch và sự kiểm soát của Nhà nước; trong khi việc dạy kèm ở Phần Lan là chủ trương chung quốc gia, được các văn bản chính thức quy định, được thực hiện bên trong trường học, thường là trong giờ học chính thức2 bởi giáo viên hay các trợ giảng. Như vậy, các kế hoạch dạy kèm là một phần của chương trình giáo dục quốc gia, một nhiệm vụ của giáo viên.

Việc dạy kèm ở Việt Nam là nguyên nhân của sự bất bình đẳng xã hội. Bởi lẽ, con nhà “có điều kiện” mới được kèm; còn con nhà nghèo, cha mẹ không đủ điều kiện thuê gia sư thì phải chịu thua thiệt trong học tập, sự thua thiệt này sẽ dẫn đến sự thua thiệt trong đời sống xã hội về sau. Học hành thay vì là phương tiện tạo cơ hội công bằng cho trẻ nhỏ thuộc mọi thành phần xã hội, lại trở thành phương tiện làm gia tăng sự bất bình đẳng xã hội.

Ngược lại, việc dạy kèm ở Phần Lan được quan niệm như một phương tiện tạo ra công bằng cơ hội giữa tất cả các học sinh, qua đó tạo công bằng xã hội về sau, vì việc dạy kèm luôn miễn phí và nhiều hay ít, cho cá nhân hay theo nhóm, là tùy vào nhu cầu của học sinh chứ không phải tùy vào túi tiền, địa vị hay mạng lưới quan hệ của phụ huynh.

Một sự khác biệt căn bản trong giáo dục nói chung và việc dạy kèm nói riêng nữa là, Phần Lan thực hiện tất cả những việc làm đó vì hạnh phúc, vì sự phát triển mọi mặt của trẻ nhỏ, kế hoạch thực hiện được xây dựng dựa trên kinh nghiệm, nhu cầu riêng của học sinh thông qua những trao đổi cộng tác, trong đó học sinh là trung tâm. Còn tại Việt Nam, mọi sự được thực hiện thường là theo nhu cầu của người lớn, được áp đặt từ người lớn và người lớn luôn là trung tâm, là tác giả của các kế hoạch.

1 Một ví dụ về giờ toán, học về số thập phân lớp 6: sau khi giáo viên gọi học sinh lên bảng cho ví dụ và một số học sinh khác xung phong cho đáp số (có sai có đúng), giáo viên viết lên bảng công thức và giải thích ý nghĩa từng con số trong số thập phân. Cô sử dụng ngay chính các ví dụ của học sinh làm trước đó để minh họa và giải thích tại sao lại đúng hoặc sai, trong khoảng 10 phút. Rồi cô phát cho mỗi học sinh một mẩu giấy trên đó in sẵn bài tập để các em tự làm – em nào làm xong thì tự đi đối chiếu với đáp án cô để ở góc lớp học; em nào làm sai thì tự nghiên cứu lại công thức và lý thuyết để tìm nguyên nhân, hoặc thảo luận với các bạn khác; nếu vẫn chưa hiểu hay khúc mắc gì thì mới đến gặp cô giáo. Lớp học nhộn nhịp ồn ào, tụm ba tụm bảy, nhưng tất cả đang làm việc theo cách của mình một cách thoải mái nhất.

2 Ở bậc giáo dục cơ bản, khối lượng bài tập/công việc của học sinh được điều chỉnh sao cho thời gian để các em nghỉ ngơi, sáng tạo và vui chơi phải nhiều hơn thời gian ngồi trên ghế nhà trường, đi lại từ nhà đến trường và làm bài tập về nhà” – Luật Giáo dục Phần Lan (phần 24 – điều 1).

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)