Dạy văn, học văn…

Điều quan trọng của việc dạy văn là đánh thức ở học sinh khả năng cảm thụ cái đẹp của tác phẩm văn học, để qua đó giúp các em hiểu (chứ không phải nhớ thuộc lòng) tính nhân văn ẩn chứa sau từng bài thơ, áng văn. Vì vậy cần thiết kế chương trình dạy văn và tiếng Việt một cách khoa học, đồng thời kết hợp việc dạy văn với việc dạy các môn học xã hội nhân văn khác.

Trong thời kỳ hiện đại hoá, công nghiệp hoá, thời kỳ mà con người như bị cuốn hút vào cơn cuồng phong của đồng tiền, cơn vũ bão của vật chất, văn chương chữ nghĩa gần như trở thành một trang sức tầm thường, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Người ta lạ hoá văn chương, huyền bí hoá văn chương, biến văn chương thành cái gì đó thật xa vời, thật mông lung, nhưng không phải để tôn thờ văn chương mà là để biến nó thành một thứ “rẻ như bèo”. Hiếm người nhận thức ra giá trị đích thực của văn chương để đưa ra những phương cách phát huy hiệu quả việc dạy văn, những chương trình dạy văn hợp lý và những phương pháp dạy văn thích hợp.
Nói như Maxim Gorki, “Văn học là nhân học”. Còn theo Jean-Paul Sartre, trong cuốn Văn học là gì? (1948), “Về nguyên tắc, nhà văn hướng tới tất cả mọi người”, “Về bản chất, văn học là tính chủ quan của một xã hội luôn luôn vận động”. Văn học là cái gì đó rất đỗi gần gũi với con người, giúp phát triển nhân cách con người, giúp người hiểu người hơn. Văn học xuất phát từ con người, và dù nó có bay cao, bay xa, dù có thăng hoa đến đâu cũng hướng đến con người. Thế nhưng bây giờ, một thanh, thiếu niên Việt Nam nào đó được hỏi về văn học, hẳn sẽ lắc đầu nguầy  nguậy mà bảo: “Văn khó quá, mà học văn để làm gì, sau này có xin được việc đâu”. Sở dĩ học sinh, sinh viên “chối” với việc học văn là vì trên hết tất cả họ không có đam mê, họ chưa nhận thức được giá trị đích thực của văn chương… Bất cứ ai muốn thành công trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống cũng cần có vốn sống và vốn ngôn ngữ mà văn chương mang lại. Vì lý do đó, theo tôi, việc “giải huyễn” (démystification) văn chương là việc cần làm ngay để kéo văn chương trở về với cuộc sống, để học sinh, sinh viên quan tâm nhiều hơn đến văn chương.

“Trong văn học cũng như trong nghệ thuật, chúng ta phải bám vào tác phẩm. Việc cảm thụ tác phẩm văn chương, nghệ thuật là vô bờ bến và bất định, không ai có thể khẳng định mình đã khai thác hết nội dung hay đã xác định hình thức tác phẩm. Điều này có nghĩa là văn học không phải là đối tượng của kiến thức (object de savoir): Văn là ôn, văn là thị hiếu, là đam mê. Chúng ta không biết văn, chúng ta không học văn: Chúng ta luyện văn, trau văn, yêu văn.”
  Gustave Lanson

Một trong những sai lầm khiến cho môn văn càng ngày càng bị học sinh, sinh viên xem nhẹ và cũng khiến cho các nữ sinh, nam sinh học kém môn này, đó là người ta thường vô tình hay hữu ý tách văn ra khỏi ngữ. Văn chương và ngôn ngữ là hai khái niệm của một phạm trù. Thế nhưng, thực tế cho thấy rằng ở nước ta, tuy tỷ lệ mù chữ thuộc loại thấp so với mặt bằng thế giới nhưng trình độ viết tiếng Việt của thanh niên Việt Nam cực kỳ kém. Tôi đoán chắc rằng phần lớn các giáo viên dạy văn chưa chú trọng đúng mức đến việc rèn luyện tiếng Việt cho học sinh thông qua việc dạy văn. Một người có trình độ tiếng Việt tồi thì làm sao có thể cảm thụ văn chương và viết được những áng văn hay? Việc dạy văn không thể tách rời việc dạy ngữ. Thế nhưng có những người nghĩ mình là người Việt thì cần gì phải học tiếng Việt. Đáng sợ nhất là ai cũng nghĩ là mình biết tiếng Việt! Thêm vào đó, việc dạy tiếng Việt chưa nhận được sự kết hợp nhuần nhuyễn với các môn học khác. Tôi để ý thấy người ta ít đề cập đến tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ trong việc học tiếng Việt, đặc biệt là các ngoại ngữ như tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, vốn là những ngôn ngữ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển của tiếng Việt. Đã thế hai ngoại ngữ này đang có nguy cơ bị loại khỏi chương trình đào tạo từ bậc tiểu học cho đến cao học!
Văn học là một nghệ thuật. Khi nói đến nghệ thuật người ta phải nói đến thẩm mỹ, phải nói đến hình thức. Trong văn học, hình thức là các thể loại văn chương, các thủ pháp nghệ thuật và ngôn ngữ. Lâu nay, có hai định kiến mà cá nhân tôi đều không đồng tình, đó là “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”. Theo thiển ý, nghệ thuật chính là nhân sinh và nhân sinh chính là nghệ thuật. Jean-Paul Sartre không phải là không có lý khi khẳng định, trong cuốn sách đã nêu, rằng văn phong bổ sung cho nội dung, chứ không đi trước nội dung. Ở nước ta, nhiều người lấy cớ “nghệ thuật vị nhân sinh” để hạ thấp giá trị chân chính của nghệ thuật, bằng cách hoặc là áp đặt nội dung, hoặc bắt người học phải nhớ nội dung và bỏ rơi, hoặc xem nhẹ giá trị nghệ thuật. Tôi lấy thí dụ đề thi ngữ văn tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2009. Trong đề thi này, không có câu nào đả động đến phương diện nghệ thuật của văn học (thể loại, thủ pháp nghệ thuật, ngôn ngữ v.v…) Chưa kể đến việc người ra đề quá tham lam: Với thời lượng 150 phút mà thí sinh phải giải quyết quá nhiều vấn đề, phải viết quá nhiều bài văn với những chủ đề khác nhau. Với số lượng như thế thì làm sao thí sinh có thể cho ra những bài văn, câu viết chất lượng? Trong khi một nhà phê bình văn học chuyên nghiệp cũng phải mất ít nhất vài ba ngày mới viết xong một bài viết vài ba trang để công bố cho độc giả. Có nhìn nhận vấn đề dưới góc độ này chúng ta mới thông cảm cho cô hoa hậu tội nghiệp nào đó đã phải nhận điểm ba cho môn thi này! Gustave Lanson, trong cuốn Lịch sử văn học Pháp (1894) có nói: “Trong văn học cũng như trong nghệ thuật, chúng ta phải bám vào tác phẩm. Việc cảm thụ tác phẩm văn chương, nghệ thuật là vô bờ bến và bất định, không ai có thể khẳng định mình đã khai thác hết nội dung hay đã xác định hình thức tác phẩm. Điều này có nghĩa là văn học không phải là đối tượng của kiến thức (object de savoir): Văn là ôn, văn là thị hiếu, là đam mê. Chúng ta không biết văn, chúng ta không học văn: Chúng ta luyện văn, trau văn, yêu văn”. Điều quan trọng của việc dạy văn là đánh thức ở học sinh khả năng cảm thụ cái đẹp của tác phẩm văn học để qua đó giúp các em hiểu (chứ không phải nhớ thuộc lòng) tính nhân văn ẩn chứa sau từng bài thơ, áng văn. Văn học là cảm nhận, là trừu tượng nên không có đáp án cụ thể. Người chấm văn chỉ nên chấm bằng cảm nhận chứ không bị trói buộc bởi một đáp án có sẵn nào đó.
Trong một bài viết bằng tiếng Pháp, nhà văn – dịch giả Bửu Ý có nói: “l’alittérature ne tue pas, elle enterre vivant” (tạm dịch: Phi văn học không giết người, nó chỉ chôn sống mà thôi). Nếu như chúng ta không quan tâm đúng mức đến việc thiết kế chương trình dạy văn và tiếng Việt một cách khoa học, có phương pháp, nếu chúng ta không kết hợp việc dạy văn với việc dạy các môn học xã hội nhân văn khác, nếu chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước sự thờ ơ của học sinh, sinh viên trước văn chương, nghệ thuật thì e rằng, một ngày nào đó, tâm hồn Việt Nam sẽ trở nên khô cứng, con người Việt Nam sẽ trở nên lạnh lùng, dân tộc Việt Nam sẽ trở nên thực dụng. Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ thu mình trong góc, và ca dao sẽ bật khóc mà thôi.
———–
* Tiến sĩ văn học – ĐHQG Hà Nội

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)