Để có sách giáo khoa hay

Có được sách hay cho việc học là điều mong muốn của mọi học sinh, phụ huynh học sinh và giáo viên. Nhưng làm sao để có được các sách hay? Tôi xin trình bày ở đây một số suy nghĩ của mình về việc này.


Sách hay là mong muốn của mọi học sinh. Nguồn ảnh: Báo GD&TĐ.

Thứ nhất là vấn đề đầu tư

Muốn làm được sách tốt, hay bất cứ cái gì tốt, cũng cần có đầu tư thích đáng.

Mỗi quyển sách giáo khoa ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn hay thậm chí hàng triệu học sinh, tính ra về mặt kinh tế sẽ là nhiều tỷ đồng. Vì vậy nếu bỏ ra vài trăm triệu đồng cho việc làm nội dung của một quyển sách giáo khoa thì không phải là quá nhiều.

Vấn đề của chúng ta trong nhiều năm là chi phí bỏ ra cho đội ngũ trực tiếp làm sách (và cho những người trực tiếp thiết kế chương trình  khung) còn quá ít, và hệ quả tất yếu là khó kiếm được người vừa giỏi vừa thật sự dành nhiều nhiệt huyết cho việc làm sách. Có những khi, có vị rất oách đứng tên chủ biên, nhưng người làm thực sự lại là người trình độ còn non yếu.

Một hướng giải quyết là cho phép tư nhân đầu tư vào việc làm sách, họ sẽ tự lo liệu giữa chi-thu, nhà nước chỉ phê duyệt sách đủ chất lượng, chứ không độc quyền làm sách giáo khoa nữa. Rất may, đây là xu hướng đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét.

Thứ hai là môi trường cạnh tranh

Không phải ai viết sách cũng sẽ hay, dù là tư nhân hay nhà nước. Bởi vậy cần có môi trường cạnh tranh lành mạnh để đào thải các sách chất lượng kém.
Cần tránh để xảy ra trường hợp học sinh và giáo viên bị ép dùng sách dở, chương trình dở  (ví dụ như đã xảy ra trong chương trình VNEN), không được lựa chọn sách hay hơn, chương trình hợp lý hơn. Có như vậy thì sách hay mới lấn át được sách dở, và các đơn vị làm sách mới phải liên tục cố gắng cải thiện chất lượng sách của mình nhằm có được chỗ đứng trên thị trường.

Thứ ba là chương trình khung và hệ thống thi cử

Sách giáo khoa phải tuân theo chương trình khung, bởi vậy muốn có sách thật hay thì bản thân chương trình khung phải được làm tốt.

Nếu chương trình khung dở thì người viết sách dù tài đến mấy cũng bị “trói chân trói tay” bởi chương trình khung, khó mà viết thật hay được.

Một số biểu hiện của chương trình khung và hệ thống thi cử dở là:
– Không tương thích giữa các môn với nhau và các năm học với nhau.
– Xếp đặt kiến thức một cách tủn mủn và thiếu lô-gic, ví dụ như cho học sinh học thống kê nhưng chỉ học một mẩu con con không ăn nhập vào đâu và không dùng để làm gì.
– Quá cứng nhắc và giáo điều, ví dụ như bắt sử dụng đúng một loại máy tính bỏ túi nào đó, bắt buộc tiết nào phải dạy cái gì theo đúng một trình tự duy nhất, không cho phép có nhiều lựa chọn.
– Kiểu thi khiến học sinh học tủ học vẹt mới đạt điểm cao, còn học lấy kiến thức thực sự vừa mệt hơn vừa có điểm thi không tốt bằng. Khi đó thì sách hay (theo nghĩa truyền đạt tốt kiến thức cơ bản) sẽ bị các sách kiểu học đối phó cho các kỳ thi lấn át, và việc đầu tư vào sách học cơ bản bị giảm đi là tất yếu.

Thứ tư là bộ tiêu chí để đánh giá, thẩm định

Người dùng chính là người đánh giá cuối cùng. Sách nào được người dùng công nhận là hay thì là sách hay. Nhưng trong quá trình viết và thẩm định, cần có bộ tiêu chí tốt để dựa vào đó mà đánh giá, mà chỉnh cách viết sao cho thích hợp.

Trong tháng 11/2016, tôi được TS Chu Cẩm Thơ mời làm một báo cáo seminar về đánh giá sách giáo khoa tại ĐH Sư phạm Hà Nội, với rất nhiều người tham dự, trong đó có cả đại diện của các nhà xuất bản liên quan tới giáo dục và những người từng viết sách giáo khoa. Mọi người bàn luận rất sôi nổi về việc làm sao để có sách giáo khoa hay, và về các tiêu chí đánh giá sách.

Trên thế giới có nhiều bộ tiêu chí, khác nhau về chi tiết (có bộ chỉ có một chục tiêu chí, có bộ ba bốn chục tiêu chí), nhưng khá giống nhau về định hướng. Ví dụ của Hồng Kông:
http://www.edb.gov.hk/en/curriculum-development/resource-support/textbook-info/SelectionCriteria.html.
Việt Nam cũng có thể tạo ra những bộ tiêu chí cho mình dựa trên kinh nghiệm của thế giới (và đã có những người làm chuyện này).

Tiêu chí có thể tự học bằng sách là một trong những tiêu chí quan trọng nhất, đặc biệt trong điều kiện giáo viên còn thiếu thốn (cả về số lượng và chất lượng).

Thứ năm là người viết sách

Không phải ai cứ có cái máy tính, đã học qua cái gì là có thể viết được sách về cái đó. Trên thực tế, tỷ lệ những người viết được sách hay không cao. Phải hội tụ được nhiều yếu tố, và thêm nữa phải có “duyên” viết sách.

Ngay cả các nhà khoa học tài giỏi nhất, viết sách chưa chắc đã hay. Một ví dụ là nhà toán học vĩ đại Kolmogorov, khi viết sách toán cho phổ thông thì bị nhân dân kêu trời vì sách của ông quá hình thức. Những cái ông coi là hiển nhiên, dễ hiểu thì các học sinh bình thường không thấy hiển nhiên, dễ hiểu chút nào.

Tất nhiên nếu bản thân kiến thức nắm còn chưa vững thì viết sách sẽ giáo điều, sẽ không biết được đâu là những điểm chính điểm phụ, cái nào quan trọng cái nào không, không thể hay được.

Một người dù đã viết nhiều sách, nhưng theo lối mòn quen thuộc và không nắm được đủ các tiêu chí của sách hay, không thay đổi cải tiến được theo thời đại, thì tất nhiên cũng khó viết được ra sách mới hay.

Tính cách và thái độ của người viết cũng rất quan trọng. Một bệnh kinh niên mà không ít người Việt mắc phải là làm ẩu làm liều. Chẳng hạn như khi cần ví dụ thực tế minh họa cho sách, thì sẽ bịa số liệu thành ví dụ, thay vì lấy một ví dụ thực sự từ thực tế. Với tính cách như vậy, thì dù có được đầu tư nhiều cũng khó thành sách hay. Trong khi đó, người nước ngoài thường làm việc cẩn thận nghiêm túc hơn nhiều, nên sản phẩm làm ra ắt cũng tốt hơn.

Một số ví dụ sách hay sách dở

Để làm ví dụ tiêu biểu về sách giáo khoa viết hay, có thể lấy bộ sách “Hình học sơ cấp” của Kiselev (sẽ viết tắt là HHSC, gồm hai phần Hình học phẳng và Hình học không gian, đã được dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, trong Tủ sách Sputnik). Không phải vô cớ mà nó được nhiều chuyên gia đánh giá là bộ sách giáo khoa hình học phổ thông hay nhất trên thế giới được viết trong một thế kỷ qua. Thử điểm qua các tiêu chí đối với sách này:

Về tiêu chí 1, tất nhiên là HHSC thích ứng với chương trình học về hình ở phổ thông. Nó được dùng làm SGK chính thức ở Liên Xô (cũ) trong nhiều thập kỷ. Nó bao phủ toàn bộ chương trình phổ thông hiện tại của Việt Nam về hình học, và còn chứa thêm nhiều kiến thức cũng sơ cấp và hay ho mà học sinh Việt Nam không được học. Nó hoàn toàn có thể dùng thay thế các SGK khác nếu giáo viên và học sinh muốn. Nó cũng có thể dùng để tự học (tiêu chí 25), và trên thực tế nhiều bạn phản hồi là tự học theo sách này rất thích. Nó được các chuyên gia đánh giá là rất chính xác, đơn giản, gọn gàng, và am hiểu vấn đề (các tiêu chí 2, 3, 6, 7, 12). Đặc biệt là độ chính xác về mặt khoa học (ví dụ về việc định nghĩa thế nào là độ dài và diện tích của các hình cong) cao hơn hẳn so với nhiều sách khác.  Các bài tập trong đó giúp đánh giá kiến thức (tiêu chí 17), và cơ bản chứ không mẹo mực, nói chung là không quá khó (tiêu chí 10), v.v. Cách trình bày của sách cũng khuyến khích quan sát và suy nghĩ (tiêu chí 24), ví dụ như phần trình bày song song hai bên giữa các tính chất của đường phân giác và các tính chất của đường trung bình, v.v. Nếu như sách có một “điểm yếu” nào đó, thì có lẽ là sự thiếu vắng các ví dụ từ thực tế hiện đại, vì sách được viết từ cách đây khá lâu (nhưng không có nghĩa là sách không có ví dụ minh họa, và tất nhiên nhiều ví dụ kinh điển cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị).

Ví dụ về sách viết dở, và đi ngược lại một số tiêu chí cơ bản trong các tiêu chí trên, thì rất nhiều. Chẳng hạn như có sách tập đọc mà bắt học sinh lớp một đánh vần toàn những từ vô nghĩa (như vậy là trái với các tiêu chí 5, 10 và 14, vì các từ vô nghĩa đó hoàn toàn xa vời với học sinh, chẳng quen thuộc ngay cả đối với người viết, và làm cho việc học trở nên phức tạp hơn cần thiết). Hay như có sách toán viết: “căn bậc hai của a bình phương thì bằng trị tuyệt đối của a, căn bậc hai của A bình phương bằng trị tuyệt đối của A” (Hai câu giống hệt nhau, chỉ thay a nhỏ bằng A to). Viết như vậy là trái ngược với tiêu chí 7 về sự gọn gàng, làm phức tạp hóa vấn đề (ngược với tiêu chí 6), gây nghi ngờ về sự am hiểu vấn đề của tác giả (tiêu chí 12), có xu hướng khuyến khích học vẹt lặp đi lặp lại thay vì suy nghĩ (tiêu chí 24), v.v. Những sách viết sai mục đích chính của môn học, ví dụ như thay vì dạy “tiếng Anh” (làm sao cho người ta sử dụng được tiếng Anh) thì lại dạy “về tiếng Anh” (mà nhóm Cánh Buồm từng mắc phải: học cao siêu cứ như một nhà nghiên cứu, nhưng học xong vẫn không nói được), thì tất nhiên chẳng thể hay được.

Sách học không chỉ có sách giáo khoa

Có một điểm quan trọng khác mà tôi muốn được mọi người chú ý, đó là sách học không chỉ gồm sách giáo khoa và sách bài tập, mà còn cần được tiếp xúc nhiều hơn nữa các thể loại sách giáo dục khác, ví dụ như: những sách truyện có nội dung khoa học để gợi mở cảm hứng khoa học, sách về ứng dụng của khoa học trong cuộc sống, sách về lịch sử khoa học, sách về các trò chơi và các hoạt động thực hành liên quan đến các môn học, v.v. Trong bài viết trên tạp chí “Tin tức hội toán học châu Âu” (Newsletter of the EMS) số tháng 12/2016 nhan đề “Mang sách toán hay đến cho trẻ em” (Bringing good math books to school chidren), tôi đã nhấn mạnh điểm này, và giới thiệu về Sputnik Education đã cố gắng mang các sách tham khảo hay đến cho học sinh như thế nào. (Xem: http://www.ems-ph.org/journals/newsletter/pdf/2016-12-102.pdf, trang 35-37)

Một ví dụ về sách tham khảo (mà có thể dùng làm sách học lịch sử) rất hay là cuốn “Lịch sử thế giới” (A little history of the world) của E.H. Gombrich, được viết khi ông ta mới 26 tuổi, và về sau in hàng triệu bản trên thế giới. Rõ ràng là ông ta có tài viết sách, biết một cách “bản năng” là cần viết thế nào cho hay, ngay cả các nhà lịch sử học kỳ cựu cũng không được bằng.

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)