Điều kiện nào cho cải cách giáo dục?*

Đề xuất các giải pháp cho sự đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đại học Việt Nam là điều mà tôi, hay bất kỳ ai khác, chỉ có thể làm sau một thời gian dài nghiên cứu và suy nghĩ, chứ rất khó mà có thể thực hiện trong vài ngày hay trong vòng một tuần. Do vậy tôi đến đây chỉ để chia sẻ với quý vị một số câu hỏi đang ám ảnh chính bản thân tôi, trong tư cách là một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục.


Câu hỏi bao trùm nhất là : Để thực sự có cải cách giáo dục cần những điều kiện nào?

Từ câu hỏi này, nảy sinh ra một loạt các câu hỏi khác:

1. Có thể tiến hành cải cách giáo dục không, nếu như không thực sự có mong muốn cải cách ở tất cả mọi thành viên của bộ máy giáo dục? Ở đây tôi muốn nói đến cái mong muốn thực sự, nó sẽ trở thành động lực thúc đẩy các hành động và chọn lựa các phương pháp, chứ không phải cái mong muốn chỉ được bộc lộ trên công văn và trên tham luận. Nếu không có cái mong muốn thực sự đó để biến ý tưởng thành hành động, thì dù hàng núi sách về cải cách giáo dục có được viết ra, học trò vẫn sẽ càng học càng dốt, bạo lực học đường, tỉ lệ tự tử, tình trạng tội phạm ở học sinh sinh viên vẫn sẽ cứ gia tăng, chất lượng giáo dục vẫn cứ tồi tệ, mua bán bằng cấp và tham nhũng giáo dục vẫn sẽ phát triển như thường. Cải cách không phải là một câu thần chú, chỉ cần hô lên trên giấy hay trên micro là có thay đổi. Cải cách là một quá trình tác động tới thực tiễn đòi hỏi những nhận thức, những phương pháp hành động và các chương trình hành động không dễ thực hiện. Nếu không có mong muốn thực sự thì cải cách sẽ mãi mãi chỉ là những hô hào không có kết quả. Vì nếu không có mong muốn thực sự thì rất dễ xảy ra trường hợp: các phương pháp và các chương trình hiệu quả sẽ bị loại bỏ, còn các phương pháp lạc hậu và các chương trình kém hiệu quả, lãng phí, sẽ được lựa chọn; vì trong trường hợp đó, tiêu chí của sự lựa chọn không phải là để phát triển giáo dục, mà là để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Rất nhiều sự vụ hiện nay cho thấy rằng không phải chúng ta thiếu tiền, chúng ta chỉ thiếu cái mong muốn sử dụng tiền một cách hiệu quả cho các lợi ích công mà thôi.

2. Có thể tiến hành cải cách giáo dục không nếu những người làm giáo dục, ở mọi vị trí, không đối diện với sự thật, không tìm hiểu và khảo sát kỹ lưỡng thực trạng, không thừa nhận các nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của nền giáo dục? Chúng ta muốn trường học là nơi ươm mầm các tài năng. Nhưng đại học và giáo dục nói chung đang là môi trường làm cùn mòn tài năng của người thầy thì làm sao nó còn có thể là nơi ươm mầm tài năng cho học sinh sinh viên? Làm sao có nhu cầu cải cách giáo dục nếu nơi nơi đều ngự trị sự hài lòng với các thành tích: huân chương, bằng khen, giấy khen, số lượng GS, PGS, số lượng tiến sĩ, thạc sĩ… được đào tạo?

3. Có thể tiến hành cải cách giáo dục không nếu duy trì chế độ đãi ngộ hiện hành? Chúng ta nói tới việc xây dựng đại học nghiên cứu và việc nâng cao chất lượng giáo dục, trong khi một tiến sĩ giáo dục học được đào tạo tại một trường rất có uy tín về giáo dục học ở Mỹ vừa nộp đơn từ bỏ ĐH KHXH&NV-TP.HCM để về làm việc cho một trường phổ thông quốc tế tại Sài Gòn. Trước đó bao nhiêu tiến sĩ khác đã rời khỏi hệ thống đại học. Và tới đây còn bao nhiêu người nữa sẽ ra đi? Vậy chúng ta sẽ cải cách giáo dục như thế nào nếu không đối diện với thực tại đó ?

4. Có thể tiến hành cải cách giáo dục không nếu giáo dục chỉ là một phương tiện tiến thân, một cách thức mở rộng túi tiền cá nhân, hay chỉ là một phương kế để tồn tại?

5. Có thể tiến hành cải cách giáo dục không nếu những người làm giáo dục không có nhu cầu hiểu biết về công việc của mình: những người quản lý không cần tìm hiểu công việc quản trị giáo dục, những người đứng lớp không cần tìm hiểu và phát triển chuyên môn, những nhân viên văn phòng không biết cách soạn thảo một văn bản hành chính…?

6. Có thể tiến hành cải cách giáo dục không khi thiếu những con người sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục? Howard Gardner đã nhận xét như thế này về những người sáng tạo: “Người sáng tạo nổi bật về khí chất, cá tính và lập trường. Họ luôn không hài lòng với công việc hiện tại, những tiêu chuẩn hiện tại, những câu hỏi cũng như câu trả lời hiện tại. Họ nghĩ ra những hướng đi khác thường và thích – hay ít ra là chấp nhận – sự khác biệt so với những người còn lại”1.

Trong khi đó nếu ta chấp nhận nhìn thẳng vào thực tế của chúng ta thì phải thấy rằng môi trường giáo dục hiện nay không tạo điều kiện cho những người sáng tạo tồn tại, và làm triệt tiêu khả năng sáng tạo của những người vốn dĩ có khả năng đó. Chính những người sáng tạo là những người có khả năng đổi mới, vì sáng tạo chính là làm thay đổi, là đem lại cái mới. Sự vận hành của hệ thống đại học theo cách thức hiện hành sẽ đẩy những người sáng tạo ra khỏi quỹ đạo của nó, và kìm hãm khả năng sáng tạo của những người ở lại. Bởi vì, cách thức vận hành hiện tại của bộ máy giáo dục nói riêng và bộ máy xã hội nói chung thường chỉ chấp nhận và trọng dụng những ai tuân thủ các cơ chế, chính sách và chủ trương áp đặt từ trên xuống, tuân thủ các chương trình đã được vạch sẵn, tuân thủ cách thức làm việc đã trở thành quen thuộc, tuân thủ, chấp nhận và không đặt câu hỏi, không đặt lại vấn đề và biết cách hài lòng với hiện tại.

Những “phẩm chất” đó trái ngược hoàn toàn với những gì mà một quá trình đổi mới đòi hỏi. Vậy sự đổi mới sẽ được thực thi bởi lực lượng nào?

7. Có thể tiến hành cải cách giáo dục không, khi mà không có cả tự do giảng dạy lẫn tự do học tập? Một giáo viên giỏi văn ở phổ thông cơ sở nói rằng cô cũng rất cố gắng để truyền cảm hứng và đam mê cho học trò, nhưng rút cuộc thì cả cô và trò đều mệt mỏi, rã rời, chán nản vì phải cố mà thực hiện cho được các đáp án được quy định sẵn, phục vụ cho các đề thi được soạn sẵn của Sở giáo dục. Nếu không làm như vậy thì học trò của cô sẽ không qua được kỳ thi. Một sự kiểm soát chặt chẽ như vậy đã giết chết mọi cảm xúc tích cực, mọi đam mê và yêu thích, trò càng học càng ghét học, cô thì muốn bỏ nghề nếu có thể tìm được một nghề khác để sống. Đấy là trong trường hợp người giáo viên còn có trách nhiệm với học trò và với công việc của mình. Còn với đa số giáo viên chấp nhận sự kiểm soát đó như là điều hiển nhiên thì làm sao còn đòi hỏi họ có thể truyền được điều gì khác cho học sinh ngoài sự chán ghét và khả năng học thuộc lòng như vẹt ? Càng học thuộc lòng học sinh càng dốt và càng ghét môn học của mình. Đó là một trong những nguyên nhân căn bản, cộng với áp lực gia đình, khiến cho năm học vừa rồi chỉ có 6% thí sinh thi vào các khối ngành xã hội.

8. Có thể có cải cách giáo dục không nếu không có các nghiên cứu cơ bản về giáo dục học, tâm lý học, xã hội học, chính trị học…? Bởi lẽ giáo dục không phải là một hiện tượng đơn lẻ, không tồn tại một cách biệt lập với toàn bộ hệ thống xã hội. Các nhà cải cách giáo dục cần phải trả lời nhiều câu hỏi : mô hình xã hội nào cho phép thực hiện các cải cách ? Mô hình xã hội nào làm triệt tiêu không chỉ các khả năng mà cả các mong muốn cải cách? Cách thức quản lý điều hành xã hội nào sẽ khuyến khích hay kìm hãm cải cách giáo dục? v.v…

9. Có thể tiến hành cải cách giáo dục không nếu không có những chương trình nghiên cứu sâu và rộng nhằm xác định thực trạng một cách đầy đủ và chính xác, để nhận diện được bản chất của vấn đề và để đi tới đề xuất các giải pháp hữu hiệu? Những chương trình đó phải được thực hiện trong vòng nhiều năm và phải được tiến hành bởi các chuyên gia có trình độ chuyên môn, và đặc biệt phải có tâm huyết và đạo đức. Làm sao có thể cải cách giáo dục khi không có các chiến lược quốc gia về giáo dục ? Làm sao có các chiến lược quốc gia về giáo dục nếu không có các chương trình nghiên cứu chất lượng và hiệu quả? Làm thế nào có thể cải cách giáo dục chỉ với các hội thảo được tổ chức vội vã và với các tham luận được viết ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi ? Làm thế nào có thể cải cách giáo dục với những hội thảo được tổ chức để cho có hội thảo, và các tham luận được viết ra để cho có tham luận?

Đấy là những câu hỏi, theo tôi, cần phải trả lời, để có thể tiến hành những cải cách có hiệu quả thực sự.

———–

* Bài tham dự hội thảo «Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học” – ĐHQG-TPHCM, ngày 13/4/2012

** Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED)

1 5 tư duy cho tương lai, Howard Garder, bản dịch tiếng Việt của Đặng Nguyễn Hiếu Trung & Tô Tưởng Quỳnh, NXB Trẻ – Dtbooks, 2012, tr. 134.Nguyễn Thị Từ Huy

Tác giả

(Visited 35 times, 1 visits today)