Doanh nghiệp và Nhà trường: Mô hình liên kết hiệu quả?
Rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn là yêu cầu cấp bách giúp sinh viên thích ứng nhanh hơn với công việc. Nhưng cần làm gì kéo gần hơn doanh nghiệp đến với nhà trường? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Giáp Văn Dương - người có nhiều năm làm việc trong môi trường đại học ở nước ngoài, và gần đây đã trở về Việt Nam xây dựng cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà GiapSchool.org.
Đúng là có thực trạng này. Nhiều bạn bè làm doanh nghiệp cũng kêu ca với tôi về chuyện phải đào tạo lại. Không phải một lần mà rất nhiều lần. Lý do thì có nhiều, nhưng lý do được đưa ra nhiều nhất, và tôi cho rằng đúng, là chương trình đào tạo đại học quá lạc hậu, quá lệch lạc và mất cân đối. Thời gian học các môn không cần thiết, không liên quan đến nghề nghiệp quá nhiều. Còn các môn chuyên ngành thì không chỉ lạc hậu, mà thời gian cũng chỉ đủ để “cưỡi ngựa xem hoa”. Trang thiết bị thực hành cũng thiếu, nên nhiều khi chỉ đào tạo chay. Ngoài ra, trong thời gian qua, số lượng sinh viên tăng rất nhanh mà biên chế giảng viên của các trường gần như vẫn giữ nguyên, nên thầy cô không đủ thời gian để sát sao chuyện thực hành và cải tiến chương trình. Ngay cả luận văn tốt nghiệp của nhiều ngành kỹ thuật, lẽ ra phải là nơi đưa ra lời giải cho một bài toán công nghệ cụ thể, thì nhiều khi chỉ dừng ở mức tổng quan tài liệu.
Hệ thống thi cử và đánh giá thực sự có vấn đề. Học để thi chứ không phải để làm việc. Lối học đối phó, học chỉ để thi mà không để làm gì khác, đã thành quán tính trong nhà trường, từ phổ thông lên đại học. Tư duy phản biện không có hoặc rất hạn chế. Sinh viên năm cuối rồi mà vẫn ôn thi theo đề cương, học thuộc lòng rồi trả bài, xong là phải tìm cách quên ngay để còn học thuộc và trả bài môn khác. Điều này tạo ra một thói quen học để thi, xong rồi phải quên ngay lập tức để nhồi nhét môn học khác, rất phản giáo dục.
Sự trung thực trong học đường cũng mai một rất nhiều, nên cứ học cứ thi, học kém cũng thi qua bằng cách này hay cách khác, rồi nhận bằng tốt nghiệp, nhưng rất nhiều sinh viên ra trường mà vẫn không thể viết được một đơn xin việc.
Ngoài ra, sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng rất hạn chế. Lý do là Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có nền công nghiệp mạnh, nên không có nhu cầu nhận sinh viên thực tập nhiều. Sinh viên muốn tìm được một nơi thực tập nhiều khi rất vất vả. Do quy mô nền kinh tế còn nhỏ, nên các doanh nghiệp cũng nhỏ và chưa đủ mạnh, chưa có nhu cầu đầu tư để phát triển công nghệ, vì thế không cần gắn kết với nhà trường.
Điều này dẫn đến chuyện mạnh ai nấy làm. Nhà trường thì đào tạo theo chương trình đã được phê duyệt, cũng do nhà trường trình lên. Người duyệt chương trình đó cũng xuất thân từ trường mà ra, không có gắn kết gì với doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp gần như đứng ngoài cuộc, thì chỉ biết kêu ca và lên chương trình đào tạo lại.
Nói thì dài dòng như vậy, nhưng nếu phải kết một câu thì trong nhà trường hiện nay, quan niệm giỏi mới dừng ở mức học giỏi thi giỏi, chứ chưa phải là làm giỏi. Tinh thần thực học thực nghiệp vẫn chưa có được chỗ đứng trong nhà trường, nên việc đào tạo, và cả việc học, trong nhà trường còn xa rời yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Tại sao “cái bắt tay” hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp còn dè dặt, phải chăng vấn đề này đang gặp phải những rào cản gì, thưa tiến sĩ?
Cái bắt tay giữa nhà trường và doanh nghiệp không phải là dè dặt, mà là hờ hững vì chưa thực sự có nhu cầu. Chẳng ai cấm họ phải hợp tác với nhau, thậm chí xã hội còn khuyến khích, nên chẳng có gì làm cho họ phải dè dặt cả. Nhưng nhu cầu chưa đến mức đẩy họ phải bắt tay nhau. Nói rõ hơn là cái bắt tay đó chưa mang lại lợi ích sống còn cho cả nhà trường và doanh nghiệp. Cho nên họ không bắt tay vì họ không thực sự muốn. Còn vì sao không thực sự muốn? Vì điều đó không mang lại lợi ích sống còn cho bản thân họ.
Doanh nghiệp thì đa số thích đầu tư theo kiểu chụp giật, mà ít chú trọng đến phát triển bền vững lâu dài, nên không có nhu cầu nhiều cho đầu tư nghiên cứu và đào tạo. Các tổng công ty lớn hay các doanh nghiệp nhà nước thì đã có bầu sữa ngân sách. Lỗ bao nhiêu đã có nhà nước lo. Còn nhà trường thì đào tạo theo chương trình tự mình đã lên khung trước mà không cần phải thay đổi. Vì sao? Vì không có đủ động lực nào để thay đổi do không có cạnh tranh. Cứ giậm chân tại chỗ như vậy thì đã gạt ra không hết, vì cánh cửa đại học rất hẹp, mà số người muốn học lại quá nhiều, nên chẳng việc gì phải thay đổi cho mệt.
Như vậy, sự hờ hững hợp tác trong đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp có nguyên nhân sâu xa ở cơ cấu nền kinh tế bất hợp lý, và rộng hơn là cách thức tổ chức xã hội, trong đó có cách thức tổ chức nền kinh tế và hệ thống giáo dục, không phù hợp.
Nhưng nay tình thế đã khác đi. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đã làm cho các doanh nghiệp phải tư duy lại mô hình phát triển của mình. Thay vì đầu tư theo kiểu chụp giật, thì nhu cầu phát triển bền vững dựa vào sản xuất, dịch vụ chất lượng và công nghệ tiên tiến là có thật. Như vậy, quả bóng đang nằm ở phía nhà trường. Nhưng nhà trường chỉ chuyển động khi cả hệ thống chung đều phải chuyển động. Mà muốn như vậy thì một sự thay đổi căn bản về cơ chế vận hành hệ thống cần phải được thực hiện trước hết.
Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cần làm gì để công tác liên kết đào tạo thêm chặt chẽ, thực sự hiệu quả, thưa tiến sĩ?
Rất khó để ép buộc sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp khi họ không thực sự có nhu cầu. Không cần hợp tác, họ – hay đúng hơn là các nhà quản lý của các cơ sở đó – vẫn sống khỏe. Vậy thì cần gì phải hợp tác cho mệt xác?
Vậy nên, thay vì “ép duyên” nhà trường và doanh nghiệp, thì cơ quan quản lý nhà nước nên thay đổi cơ chế và cách thức quản lý để nhà trường và doanh nghiệp được tự chủ nhiều hơn. Khi đó nhà trường sẽ được tự quyết định chương trình đào tạo của mình sao cho bắt nhịp được với chương trình của thế giới và nhu cầu của nhà tuyển dụng; còn nhà tuyển dụng, đặc biệt là các cơ quan công quyền, sẽ được tự do lựa chọn nguồn lao động chất lượng. Hai bên sẽ tự bắt tay nhau vì lợi ích sống còn của chính mình.
Tuy nhiên, với vai trò kết nối của mình, cơ quan quản lý có thể đứng ra tổ chức các sân chơi, các diễn đàn để nhà trường và doanh nghiệp gặp nhau, như sàn giao dịch công nghệ, hay gặp gỡ nhà trường – doanh nghiệp, chẳng hạn. Nói nôm na là cơ quan quản lý hãy bớt quản lý đi và tập trung giúp đỡ nhà trường và doanh nghiệp nhiều hơn, thực chất hơn.
Hãy để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên. Nhưng cần thiết kế các điều kiện sao cho mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên nhưng đạt hiệu quả cao nhất, theo chiều hướng bền vững và nhân văn.
Ở mức vĩ mô hơn thì nhà nước cần thay đổi cơ chế vận hành của hệ thống, bao gồm cả hệ thống kinh tế và chính trị, sao cho mọi thành phần của hệ thống đều phải cạnh tranh một cách minh bạch và bình đẳng, thì nhu cầu tự hoàn thiện mình, hợp tác để gia tăng giá trị cho mình, trong đó có hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, mới có thể tiến hành được hiệu quả.
Rất mong tiến sĩ chia sẻ những kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới trong công tác phối hợp đào tạo nghề nghiệp?
Ở những nơi tôi đã học và làm việc, như Hàn Quốc, Áo, Anh, Singapore, thì tinh thần thực học thực nghiệp rất cao. Hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề, được thiết kế trên tinh thần này, nên sinh viên ra trường đáp ứng được rất tốt đòi hỏi của nhà tuyển dụng.
Nhiều trường còn xây dựng những vườn ươm công nghệ, trung tâm hợp tác với doanh nghiệp, những phòng thí nghiệm chung, để tận dụng điểm mạnh của cả hai phía. Chẳng hạn, ở Đại học Liverpool nơi tôi từng làm việc, có một trung tâm chuyên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghiệp. Khi doanh nghiệp muốn phát triển sản phẩm mới, họ có thể đến đây để làm nghiên cứu chung với các giáo sư trong khoa. Sinh viên sẽ được tham gia các dự án đó, nên am hiểu về cách vận hành của công nghiệp rất sớm.
Các đề tài nghiên cứu khoa học của các giáo sư cũng được khuyến khích liên kết, và ưu tiên các đề tài có sự tham gia của doanh nghiệp, nên có sự trao đổi thường xuyên giữa những người làm doanh nghiệp và những người nghiên cứu, giảng dạy trong nhà trường. Khi đã có sự trao đổi như thế, hai bên đã nói chuyện được với nhau thì sẽ hiểu nhau và điều chỉnh hoạt động của mình sao cho đáp ứng được yêu cầu của cả hai phía.
Nhưng suy cho cùng thì động cơ chính để nhà trường và doanh nghiệp ở các nơi này hợp tác với nhau là vì lợi ích của họ gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhà trường cần doanh nghiệp và doanh nghiệp cần nhà trường. Nếu Việt Nam không giải quyết được việc này, thì hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, dù có hô hào đến mấy đi chăng nữa, cũng vẫn chỉ là hình thức.
Nhưng làm sao có được điều này? Có cách nào khác hơn là phải thiết kế lại cơ chế vận hành của cả hệ thống quản lý, đồng thời xiển dương tinh thần thực học thực nghiệp trong toàn xã hội?
Xin cảm ơn tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!
Khúc Hồng Thiện (thực hiện)