Đổi mới cách đào tạo tiến sĩ trên thế giới
Dưới đây Nature điểm qua một số cách tiếp cận mới trong đào tạo tiến sĩ được mạnh dạn tiến hành bởi một số cá nhân và tổ chức nghiên cứu.
Michael Lenardo, một nhà miễn dịch học phân tử tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) ở Bethesda, bang Maryland, cho rằng: Trong bối cảnh có quá nhiều tiến sĩ được đào tạo ra và có quá ít các vị trí công việc học thuật mà họ có thể được tuyển vào, thì các chương trình đào tạo tiến sĩ chỉ nên nhận đào tạo những nghiên cứu sinh có khả năng thành công cao nhất và phải cung cấp cho họ tất cả các kĩ năng cần thiết. Nhưng ngay cả các học viện của Hoa Kỳ hay Anh đều chưa làm được điều này. Ở Anh, các nghiên cứu sinh thường ít khi mất hơn 4 năm để lấy bằng tiến sĩ, và không phải học viện nào cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố được một bài nghiên cứu. Lenardo coi đây là một nhược điểm của chương trình nghiên cứu sinh ở Anh. Trong khi đó, nghiên cứu sinh các ngành khoa học ở Mỹ thường bắt buộc phải là tác giả đứng đầu của một vài công bố khoa học trước khi được trao bằng tiến sĩ, nhưng thời gian nghiên cứu lên tới hơn 7 năm.
Năm 2001, Lenardo tạo ra Chương trình học NIH Oxford-Cambridge kết hợp những yếu tố tốt nhất từ hai hệ thống đào tạo nghiên cứu sinh của Anh và Mỹ nhằm đào tạo những tiến sĩ xuất sắc. Chương trình này chỉ nhận 12 nghiên cứu sinh mỗi năm trong số 250 – 300 hồ sơ đăng ký. Chương trình đề cao tính tự lập – nghiên cứu sinh phải tự lên kế hoạch cho luận án của mình, bắt đầu viết luận án ngay từ khi mới vào học và có thể bỏ qua các môn chung, nhưng yêu cầu bắt buộc là phải có các công bố khoa học. Nghiên cứu sinh có một nửa thời gian nghiên cứu tại Hoa Kỳ và nửa còn lại tại Anh, có ít nhất hai người hướng dẫn và ít nhất một người ở Anh, một người ở Mỹ (thường là ở hai lĩnh vực khác nhau). Do không có người hướng dẫn nào có sự chi phối toàn diện nên các nghiên cứu sinh phải học cách tổ chức sao cho hiệu quả, Lenardo nói. Việc phải di chuyển từ nước này sang nước khác khiến càng đòi hỏi nhiều hơn sự tự lập này và đảm bảo rằng các nghiên cứu sinh được làm việc với những người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ. Qua mười năm thành lập chương trình, hơn 60 học viên đã tốt nghiệp, trung bình mỗi người mất nhiều hơn 4 năm một chút và công bố được 2,4 công bố từ những kết quả nghiên cứu khi làm PhD. 80% học viên tốt nghiệp được làm việc trong lĩnh vực học thuật, và một số được làm việc ở vị trí nghiên cứu viên chính.
Nêu cao tính ứng dụng
GS Animesh Ray là một trong một số các nhà quản lý và nghiên cứu đang cố gắng thay đổi phương thức đào tạo sau đại học.15 năm trước ông nhận thấy rằng chỉ một số rất ít nghiên cứu sinh của ông theo đuổi học thuật sau khi lấy được bằng tiến sĩ, còn đa số bỏ nghiên cứu khoa học. Ông cũng nhận thấy nhiều tiến sĩ thiếu kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng quản lý. Nhưng ông cũng nhận ra rằng chương trình đào tạo Thạc sĩ Khoa học chuyên nghiệp (Professional Science Master’s – PSM) ở nhiều viện nghiên cứu để đáp ứng đòi hỏi của các công ty cũng có thể hạn chế cơ hội của nghiên cứu sinh. Những thạc sĩ tốt nghiệp PSM thường làm tốt công việc quản lý với vai trò một cố vấn hoặc quản lý cho các công ty, nhưng vô hình chung họ lại rời xa khoa học.
Vì vậy, Ray cùng với đồng sáng lập David Galas và Chủ tịch Học viện sau ĐH Keck (KGI) Sheldon Schuster ở Claremont, California phát triển một chương trình đào tạo tiến sĩ, trong đó cung cấp cho học viên những hiểu biết về doanh nghiệp và ngành công nghiệp, đồng thời cung cấp cả kỹ năng nghiên cứu khoa học. Để hoàn thành khóa đào tạo tiến sĩ Ứng dụng Khoa học Sự sống tại KGI, đầu tiên học viên phải học thạc sĩ, sau đó làm nghiên cứu ban đầu trong 3 – 4 năm với ít nhất một cố vấn từ các công ty. Các nghiên cứu sinh không chỉ được học phương pháp nghiên cứu mà còn phải học cách viết kế hoạch kinh doanh và giới thiệu nó tới các nhà đầu tư, và có những am hiểu kỹ lưỡng về luật bảo vệ bằng sáng chế.
Từ khi chương trình Thạc sĩ PSM KGI bắt đầu vào năm 2000, gần như tất cả 300 học viên tốt nghiệp đã tìm được việc làm phù hợp. Và có những học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo tiến sĩ (bắt đầu mở ra từ 2006) đã có việc làm với thu nhập trung bình hơn 73.000 USD. Đó là một kết quả mà Ray gọi là “đáng kinh ngạc”.
Kiến thức liên ngành
Marc Jacofsky là một tiến sĩ nhân học thể chất chuyên nghiên cứu về các loài khỉ tại Đại học bang Arizona (ASU), nhưng anh quan tâm tới cả các ngành kỹ thuật, toán, khoa học máy tính, vận động học và thậm chí là cả sinh lý học thần kinh. Anh đang theo học một chương trình đào tạo mới, được xây dựng bởi các cán bộ giảng dạy của ASU, trên cơ sở kết hợp nhiều khoa khác nhau nhằm đi xa hơn cả những nghiên cứu liên ngành, thay vào đó tạo ra các khoa, ngành hoàn toàn mới. Hầu như mọi chương trình đào tạo tiến sĩ mới của ASU đều được thiết kế theo xu hướng liên ngành. Chương trình của Jacofsky và một số khoa khác nhận tài trợ từ Dự án Giáo dục tích hợp sau ĐH và đào tạo thực tập sinh (IGERT) của Quỹ Khoa học quốc gia. IGERT tài trợ 3 triệu USD cho các học viện của Hoa Kỳ trong 5 năm để phát triển các chương trình nhằm giúp học viên có kỹ năng nghề nghiệp và giải quyết các vấn đề trong thực tế.
Từ năm 1998, IGERT đã tài trợ cho gần 5000 nghiên cứu sinh tốt nghiệp. Một khảo sát độc lập đã chỉ ra rằng các nghiên cứu sinh của IGERT có kỹ năng tốt hơn các đồng nghiệp khác trong làm việc nhóm đa ngành và trong khả năng trao đổi thông tin với những người không có kiến thức chuyên ngành. Thậm chí một số chỉ báo cho thấy nghiên cứu sinh của IGERT dễ dàng tìm kiếm công việc hơn.
Các chương trình đào tạo liên ngành tương tự đang bắt đầu được hình thành ở các quốc gia khác. Chính phủ Canada đã có một sáng kiến là Chương trình Hợp tác nghiên cứu và đào tạo thực tế; Ấn Độ có một khóa nghiên cứu sinh mới đào tạo liên ngành cho các kĩ sư, nhà hóa học, các nhà khoa học máy tính và các nhà vật lý – dạy họ cách sử dụng các công cụ của vật lý học để giải quyết các vấn đề sinh học.
Tuy vậy, kiến thức chuyên ngành vẫn quan trọng nhất bởi mục đích của đào tạo tiến sĩ là mang lại hiểu biết sâu sắc trong một lĩnh vực cụ thể. Ngay cả việc nghiên cứu liên ngành cũng luôn đòi hỏi các nhà khoa học phải đóng góp những kỹ năng chuyên biệt trong lĩnh vực riêng của họ.
Nhưng việc mở rộng phạm vi ngành học có một lợi thế là cung cấp cho nghiên cứu sinh những lựa chọn khác nhau. Trước đây khi mới làm nghiên cứu sinh, dự định của Jacofsky là đến một ngày sẽ dạy nhân chủng học ở một trường đại học nào đó. Nhưng thay vào đó, ngày nay anh trở thành phó chủ tịch về nghiên cứu và phát triển của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Y học Chỉnh hình, một tổ chức nghiên cứu do anh đồng sáng lập ở thành phố Phoenix, Arizona.
Đào tạo trực tuyến
Một số nghiên cứu sinh tiềm năng không thể thu xếp học toàn thời gian hoặc làm việc tại một phòng thí nghiệm. Và đào tạo trực tuyến ra đời nhằm cho phép nhiều người được hưởng chế độ đào tạo phù hợp, ngay cả ở bậc tiến sĩ. Nhà trường mở một lớp học trực tuyến, hàng tuần các giảng viên đưa các bài giảng lên và nghiên cứu sinh phải hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như tham gia vào các cuộc thảo luận trong suốt tuần. Các giảng viên kiểm tra hòm thư, trả lời câu hỏi của sinh viên ít nhất một lần một ngày. Đến cuối chương trình, học viên sẽ có một chuyến thực tập trực tuyến, trong đó họ làm các dự án nhóm cho các công ty, nhà đầu tư – ví dụ như điều tra đối thủ cạnh tranh bằng công nghệ mới và nộp một bản báo cáo 100 – 200 trang. Khi cần thiết, học viên có thể tiến hành làm thí nghiệm ở một phòng thí nghiệm nào đó gần nơi mình sinh sống, và nộp các dữ liệu qua internet. Rất nhiều học viên trực tuyến là người nước ngoài, thậm chí có một số thành viên đang trong quân đội, đóng quân tại Afghanistan và Iraq.
Bảo Nguyên lược dịch theo
http://www.nature.com/news/2011/110420/full/472280a.html