Đổi mới giáo dục: 9 hay 12 năm?

Phần lớn ý kiến tại cuộc tọa đàm về đổi mới giáo dục do Tạp chí Tia Sáng và ĐH FPT tổ chức sáng nay, 9/10, đều nghiêng về hướng rút gọn bậc học phổ thông để bậc học này gọn nhẹ và linh hoạt hơn. 

Cuộc tọa đàm Hướng tới một nền giáo dục thật sự đổi mới có sự tham gia của các nhà nghiên cứu và nhà giáo dục lão thành như GS Hoàng Tụy, GS Hồ Ngọc Đại, GS Văn Như Cương, nhà nghiên cứu Phạm Toàn…

Diễn giả chính của tọa đàm là TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, tác giả bài viết “Hướng tới một nền giáo dục thực sự đổi mới”* đăng trên Tia Sáng mới đây và thu hút được mối quan tâm của độc giả qua những đề xuất của ông đối với đổi mới cấu trúc hệ thống giáo dục đào tạo và mô hình tài chính sao cho gia đình nào cũng có thể yên tâm đầu tư giáo dục cho con cái.

Trình bày báo cáo đề dẫn, TS Lê Trường Tùng một lần nữa nhấn mạnh giáo dục là một dịch vụ xã hội đặc biệt, Nhà nước nên cung cấp một mô hình giáo dục hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên theo ông, với điều kiện của Việt Nam hiện nay, nguồn ngân sách của Nhà nước không đủ để làm điều đó, vì vậy, trách nhiệm của Nhà nước là tập trung nhiều vào hệ thống giáo dục phổ thông, còn lại xã hội hoá bậc giáo dục đại học một cách triệt để để thu hút đầu tư. Ở bậc đại học, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ cho những nhân tài, sinh viên nghèo và một số ngành đặc thù khó thu hút doanh nghiệp tư nhân như công đoàn, lao động, các lĩnh vực xã hội…

TS Lê Trường Tùng cũng đưa ra một phương án mới với bậc học phổ thông chỉ còn 9 năm (5 năm tiểu học và 4 năm trung học), thay vì 12 năm. Sau khi học xong trung học, học sinh có thể vào cao đẳng hoặc vào thi vào đại học. Bậc cao đẳng cũng được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu tương đương với bằng trung cấp hiện nay.

Bằng cách nhìn hệ thống, GS Hoàng Tụy cho rằng, trước tiên, để đổi mới hệ thống giáo dục, phải đổi mới tư duy về sứ mệnh của giáo dục và hội nhập với hệ thống giáo dục của thế giới. “Chúng ta không thể ôm khư khư mãi cách làm giáo dục như bao nhiêu năm về trước, một nền giáo dục lạc hậu có thể khắc phục được nếu tăng tốc, nhưng một nền giáo dục lạc hướng so với thế giới thì mãi mãi không thể hội nhập được, không phát triển được… không nên coi giáo dục là một phương tiện để đào tạo ra những con người phục vụ xã hội theo một tư tưởng định trước”.

Theo ông, nên giảm số năm trong bậc học phổ thông, sau 9 năm học phổ thông, học sinh có thể vào cuộc sống hoặc dự bị lên đại học. Còn hệ thống giáo dục đại học, ông cho rằng nên học theo hệ thống giáo dục đại học hiện đại, tiên tiến của nước Mỹ.

Đồng ý với quan điểm cần cấu trúc lại bậc học phổ thông cho gọn nhẹ và xã hội hóa các bậc học cao hơn, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng phải chia giáo dục phổ thông thành hai giai đoạn. Giai đoạn một có 6 năm, Nhà nước chi toàn bộ, kể cả tiền sách vở và “thiết thân với trẻ em như nước, như ánh sáng, như không khí”. Giai đoạn hai có 3 năm, nhà nước và cha mẹ học sinh cùng chia sẻ kinh phí. Hết bậc học phổ thông, người học phải tự đóng học phí.

Ở một khía cạnh khác, GS Văn Như Cương cho rằng cần lược bớt các kiến thức thừa và nên chú trọng giáo dục nhân cách cho học sinh để khắc phục tình trạng học sinh thiếu kỹ năng sống, kỹ năng lao động như hiện nay. “Lỗ hổng rất lớn của giáo dục hiện nay là chưa dạy được thế nào là trung thực, thế nào là giả dối cũng như học sinh thiếu kiến thức thực tế”.

Cùng có cách nhìn kiến trúc lại hệ thống giáo dục quốc gia, nhưng GS Trần Xuân Hoài lại đề xuất giữ nguyên số năm học phổ thông như hiện nay, và học sinh chỉ phải thi một lần khi hết bậc học phổ thông. Học sinh tốt nghiệp sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình học.

Hướng tới một nền giáo dục “đào tạo ra những con người tự do”, nhà giáo Phạm Toàn cho rằng không nên lên kế hoạch hay bất kỳ mục tiêu khiên cưỡng nào, mà nên tập trung xây dựng phương pháp dạy học cung cấp kiến thức, kỹ năng tốt và một môi trường học tập tự do, tạo điều kiện cho người học lựa chọn nghề nghiệp hay con đường học vấn. Ông cho rằng, các bậc cha mẹ hãy tập làm quen, chấp nhận khả năng học sinh học hết phổ thông  không vào được đại học, hoặc khả năng tốt nghiệp đại học rồi nhưng vẫn thất nghiệp, coi đó như một trải nghiệm giúp chúng trưởng thành và tìm ra con đường “sống” đích thực của mình.

* http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5511

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)