Đổi mới phương pháp giảng dạy môn Toán trong các chương trình đào tạo KHXH

Hiện nay, chương trình giảng dạy của các ngành khoa học xã hội chưa được thiết kế để người học nhận thức được tầm quan trọng của Toán và các phân tích toán trong lĩnh vực của mình, cho dù rất nhiều kiến thức được giảng dạy đều dựa trên các thành tựu của nghiên cứu định lượng.

Khóa học “Sử dụng phần mềm thống kê và khoa học dữ liệu STATA đánh giá tác động trong nghiên cứu kinh tế xã hội” trong khuôn khổ hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy môn Toán trong lĩnh vực khoa học xã hội” do TS. Đường Hải Long (Future Proof Technologies ) hướng dẫn. Ảnh: Quang Ngọc

Từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, các ngành khoa học xã hội khác nhau dần dần được lượng hóa, thể hiện ở việc các phương pháp nghiên cứu chủ đạo chuyển từ quan sát, suy luận triết học sang đo lường. Đi cùng với nó là các hiện tượng xã hội bắt đầu được lượng hóa thành các con số. Một lý do quan trọng về mặt lịch sử cho việc toán học hóa các kiến thức khoa học xã hội là ‘Toán học’ gắn liền với tính chính xác và tính khách quan. Đây được cho là hai yêu cầu mà bất kỳ ngành khoa học nào cũng phải đáp ứng, và do đó, việc toán học hóa các ngành khoa học xã hội được coi là một bước quan trọng cần phải thực hiện để biến các ngành khoa học xã hội thành khoa học thực sự.

Tuy vậy, trong quan niệm thông thường ở Việt Nam, toán học được coi là ít quan trọng trong các ngành khoa học xã hội. Các học sinh trung học phổ thông chọn thi các khối tập trung vào các môn Văn, Sử, Địa, Anh, thường được định hướng theo học các ngành khoa học xã hội ở bậc đại học. Chương trình giảng dạy của các ngành khoa học xã hội cũng chưa được thiết kế để người học nhận thức được tầm quan trọng của Toán và các phân tích toán trong lĩnh vực của mình, cho dù rất nhiều kiến thức được giảng dạy đều dựa trên các thành tựu của nghiên cứu định lượng.

Để góp phần thay đổi thực trạng này, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) và Trường Đại học Hà Nội (HANU) đã tổ chức hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy môn Toán trong lĩnh vực khoa học xã hội” vào ngày 3 và 4/11 tại Hà Nội nhằm thiết lập mạng lưới các nhà nghiên cứu toán ứng dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội và các chuyên gia có kinh nghiệm trong việc sử dụng công cụ toán trong nghiên cứu và giảng dạy. 

Thực trạng dạy Toán trong các chương trình đào tạo kinh tế, kinh doanh

Khảo sát hơn 80 chương trình quản trị kinh doanh ở các trường đại học Việt Nam của TS. Phạm Hiệp (Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức, Trường Đại học Thành Đô) cho thấy, trước khi Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 được ban hành, các môn toán thuần túy trong chương trình của các trường này chiếm 5,58% tổng số tín chỉ các môn học, còn các môn liên quan tới toán (có chứa hàm lượng toán trên 50%) chiếm 2,25%. Sau thời điểm Nghị quyết 77/NQ-CP ra đời, các tỉ lệ này có sự thay đổi – lần lượt là 4,29% và 7,01 – cho thấy xu hướng chú trọng hơn các môn toán liên ngành, mà cụ thể ở đây là toán kinh tế/kinh doanh, trong giáo dục đại học.

TS. Đỗ Ngọc Kiên (Trưởng Bộ môn Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương) mang tới một phân tích trường hợp về Điều chỉnh chương trình Kinh tế đối ngoại theo định hướng nâng cao năng lực tư duy mô hình toán và phân tích dữ liệu tại Trường Đại học Ngoại thương. TS. Kiên nhận định, việc thiết kế khung chương trình là một rào cản lớn trong việc nâng cao dạy và học toán trong các lĩnh vực khoa học xã hội. Chẳng hạn, Học phần Lý thuyết xác suất và Thống kê toán trong chương trình Kinh tế đối ngoại được xếp là học phần tự chọn, không được kỳ vọng đóng góp vào một nhóm kiến thức cụ thể. Cùng với đó, áp lực giảm số tín chỉ khiến những người xây dựng chương trình gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ thời lượng cho các môn học về toán. 

Từ góc độ của nhà tuyển dụng, ThS. Đặng Khánh Duy (Ngân hàng Techcombank) cũng công nhận tầm quan trọng của kiến thức toán, thống kê trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là trong quá trình xây dựng chiến lược – từ đánh giá thực trạng, dự báo cho tới ra quyết định. Ngoài chuyên môn về ứng dụng khoa học dữ liệu vào công việc, anh cho rằng việc trau dồi kiến thức và kỹ năng toán học có phần tương quan với khả năng tự học, hai yếu tố cũng vô cùng quan trọng để phát triển nghề nghiệp. Trong khi đó, từ trải nghiệm thực tế của mình, anh nhận thấy các sinh viên từ khối ngành Kinh tế còn yếu trong mảng này so với các sinh viên đến từ các khối ngành kỹ thuật. 

Nỗ lực đổi mới dạy và học Toán trong các chương trình đào tạo khoa học xã hội

Bên cạnh những thảo luận về khó khăn và rào cản đối với việc triển khai dạy và học môn toán trong các chương trình đào tạo khoa học xã hội, các trình bày tại Hội thảo còn cho thấy nhiều nỗ lực đáng được ghi nhận của các nhà giáo dục. 

Trong tham luận “Đổi mới giảng dạy Toán tại Trường Đại học Hà Nội”, PGS. TS. Đào Thị Thanh Bình (Khoa Quản trị Kinh doanh – Du lịch, Trường Đại học Hà Nội) cho biết các giảng viên của Khoa đã giới thiệu tầm quan trọng của môn Toán tới sinh viên, và không ngừng cập nhật những học liệu chất lượng và mới nhất về toán thống kê và xử lý dữ liệu cho các học phần về Toán học. Chị cũng cho biết Khoa Quản trị Kinh doanh – Du lịch đang nỗ lực đề xuất giảm số tín chỉ tiếng Anh để cân bằng lại chương trình học sao cho có thể tăng cường tín chỉ các môn về Toán. Ngoài ra, chị còn giới thiệu Nhóm Thống kê Ứng dụng – VIASM và Nhóm nghiên cứu Quản trị công ty và tài chính số – hai nỗ lực nhằm kết nối các giảng viên và nhà nghiên cứu về toán học và kinh tế, đồng thời hướng tới đào tạo nâng cao năng lực cho giảng viên. Trong đó, Nhóm nghiên cứu Quản trị công ty và tài chính số là sáng kiến của HANU; còn Nhóm Thống kê Ứng dụng – VIASM do VIASM chủ trì và có sự tham gia của nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu từ các cơ sở giáo dục đại học.

Mặc dù gặp phải nhiều áp lực trong việc đổi mới chương trình đào tạo, TS. Đỗ Ngọc Kiên cùng các đồng nghiệp đã bước đầu tạo ra được những bước thay đổi trong chương trình Kinh tế đối ngoại tại Đại học Ngoại thương. Cụ thể, năm 2021, Bộ môn Kinh tế và Quản lý do anh phụ trách đã tiến hành điều chỉnh rốt ráo chương trình Kinh tế đối ngoại, dựa trên nguyên tắc sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế đối ngoại phải được trang bị các công cụ hỗ trợ gồm Toán cao cấp, Xác suất – Thống kê, Tin học và các công cụ phân tích gồm phương pháp nghiên cứu, công cụ quản lý dữ liệu, công cụ phân tích dữ liệu. Với nguyên tắc căn bản này, đội ngũ giảng viên và thiết kế chương trình có thể bổ sung các chuỗi học phần chú trọng ứng dụng Toán trong kinh tế, bổ sung các môn học về dữ liệu, đưa các học phần về Toán – Thống kê từ học phần tự chọn lên thành học phần bắt buộc. 

Bên cạnh việc công nhận tầm quan trọng của thiết kế chương trình đào tạo sao cho tăng thời lượng các môn toán thuần túy và toán ứng dụng, các diễn giả còn có những lưu ý về phương pháp giảng dạy, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tiếp cận giảng dạy phân hóa (differentiated instruction) để truyền tải kiến thức Toán học tốt nhất tới sinh viên khối ngành khoa học xã hội. Cụ thể, theo TS. Phạm Hiệp, cần linh hoạt điều chỉnh mục tiêu đầu ra và phương pháp giảng dạy phù hợp với trình độ của sinh viên. Cùng quan điểm này, TS. Trần Thiện Vũ (Đại học Đà Nẵng) bổ sung thêm từ kinh nghiệm giảng dạy cá nhân rằng, với những sinh viên không có nền tảng toán tốt, mục tiêu và nội dung bài giảng chỉ cần dừng ở mức đọc hiểu bài toán, việc phân tích dữ liệu có thể dựa vào phần mềm. Với những sinh viên có nền tảng tốt hơn, có thể đặt mục tiêu sinh viên tự giải được bài mà không phụ thuộc vào công cụ; và với các sinh viên có nền tảng tốt hơn nữa, có thể yêu cầu sinh viên tìm hiểu bản chất bài toán. 

Về nội dung giảng dạy, TS. Trần Thiện Vũ đề xuất một mô hình tổng quan về kiến thức toán cần thiết cho khối ngành kinh tế – kinh doanh với hai trụ cột là Xác suất – Thống kê và Vận trù học. PGS. TS. Lê Minh Hà (Giám đốc điều hành VIASM) nhận định, mặc dù các khối ngành khoa học xã hội đã phần nào chú ý tới mảng kiến thức về Xác suất – Thống kê, khối kiến thức về Vận trù học vẫn còn chưa được đề cập nhiều. 

Đặc biệt, PGS. Lê Minh Hà cho rằng, cần đưa ra một định nghĩa về môn Toán trong khoa học xã hội, nhất là trong bối cảnh toán ứng dụng, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo cũng như xu hướng nghiên cứu liên ngành ngày càng phổ biến. 

Ở bài phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. Lê Minh Hà khẳng định, chính “toán học cũng chỉ có thể mạnh lên nếu được ứng dụng trong các lĩnh vực khác” chứ không chỉ được nghiên cứu như một dạng toán thuần túy. Xét theo nghĩa đó, đổi mới dạy và học Toán học trong lĩnh vực khoa học xã hội không chỉ vì một nền khoa học xã hội phát triển hơn, và còn vì một ngành Toán học ngày càng mạnh hơn.

Linh Chi

(Bài đăng ở Báo Khoa học và Phát triển số 45)

Tác giả

(Visited 43 times, 1 visits today)