Estonia có là Phần Lan mới?
Với việc tập trung vào đảm bảo sự công bằng trong giáo dục, quốc gia nằm phía Bắc châu Âu này từng bước gia nhập hàng ngũ các nền giáo dục xuất sắc của toàn cầu.
Ở Estonia, giáo dục được xây dựng trên yếu tố công bằng. Nguồn: Estonian World.
Hầu hết các nhà giáo dục và hoạch định chính sách có thể đưa ra danh sách các cường quốc giáo dục quốc tế như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Phần Lan. Nhưng Estonia lại không mấy được chú ý, dù năm 2012, các học sinh tuổi 15 của Estonia xếp hạng 11 về toán và kỹ năng đọc hiểu, hạng 6 về khoa học trong số trong số 65 quốc gia tại cuộc thi quốc tế so sánh các hệ thống giáo dục trên khắp thế giới PISA. Estonia đã vượt qua nhiều quốc gia phương Tây như Pháp, Đức và ngay cả Phần Lan… về toán và khoa học, đặc biệt số lượng học sinh yếu về toán, kỹ năng đọc hiểu (10%), khoa học (5%) của họ cũng thấp nhất châu Âu.
Quốc gia vùng Baltic này có sự phức tạp về văn hóa, những ảnh hưởng kinh tế, xã hội từ thời Xô viết… ví dụ phải đến 1/5 học sinh trong các trường phổ thông đến từ nhiều gia đình nói tiếng Nga1. Khi Estonia tách ra khỏi Liên bang Xô viết và trở thành quốc gia độc lập 25 năm trước, tiếng Estonia là ngôn ngữ chính thức và được dùng trong trường học.
Công bằng trong môi trường giáo dục
Marc Tucker, chủ tịch Trung tâm Giáo dục quốc gia ở Washington đã tới Estonia năm 2015 để tìm hiểu họ đã làm những gì để có được kết quả này. Ông cho rằng sau khi Liên Xô tan rã, nhiều quốc gia vệ tinh của Xô viết khác như Hungary và Czech đã chuyển tiếp giáo dục sang một hệ thống phù hợp với yêu cầu của giới tinh hoa còn Estonia lại cố gắng giữ những cơ hội bình đẳng cho mọi học trò từ mọi thành phần xã hội. Tucker nói: “Những gì chúng tôi thấy ở Estonia không phải là một hệ thống giáo dục mới, nó vẫn là cái cũ. Bởi sau khi Liên Xô tan rã, họ không thay đổi hệ thống này… Thật ngạc nhiên là họ vẫn tiếp tục nhận được thành công”.
Điều mà Marc Tucker cho là “cái cũ” ấy chính là sự công bằng. Ý tưởng công bằng trong giáo dục là điều còn sót lại từ truyền thống giáo dục Estonia dưới thời Xô viết và là một trong những điều Estonia vẫn cố giữ vững ngay cả khi họ vẫn phải vật lộn với việc hiện đại hóa trường học và rút ngắn hơn nữa khoảng cách điểm số giữa các học trò. Thời kỳ những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, việc áp dụng phổ cập chương trình học phổ thông 7 năm (1949) và 8 năm (1958-1963) đã tạo điều kiện cho các thế hệ sinh sau chiến tranh đều được đến trường, không giới hạn hoàn cảnh xuất thân, không có trường hợp biệt lệ nào. Trong estonica.org – trang web bách khoa toàn thư về Estonia do Viện nghiên cứu Estonia ở thủ đô Tallinn khởi xướng, đã nhận định giáo dục phổ thông đều miễn phí và ai cũng có thể dễ dàng đăng ký học. Bất chấp tình trạng nghèo đói, số lượng học sinh đến lớp không ngừng tăng lên. Sau đạo luật giáo dục được ban hành vào năm 1970 thì tới những năm 1980, 90% thanh niên dưới 18 tuổi trên toàn đất nước đều học trung học phổ thông.
Sự công bằng tiếp tục trở thành một trong những yếu tố cốt lõi của giáo dục thời “hậu Xô viết” khi các nhà giáo dục cố gắng đem lại những trải nghiệm tương đồng cho học sinh trong mọi ngôi trường, dẫu các em từ nhiều nền tảng văn hóa và từ nhiều gia đình có thu nhập khác nhau. Nhờ vậy, Estonia đã tạo dựng được một hệ thống giáo dục trên cơ sở sự công bằng.
Estonia vẫn có được kết quả tốt ở PISA, mặc dù lượng học trò nghèo chiếm một phần đáng kể trong số học sinh nước này. “Chúng tôi luôn luôn giữ cho giáo dục trở nên công bằng”, Jürgen Ligi – Bộ trưởng Bộ Giáo dục Estonia, cho biết. Tại cuộc kiểm tra môn toán PISA 2012, hơn 1/3 học trò từ các gia đình thu nhập thấp của Estonia có kết quả tốt nhất đất nước mình. Trong các quốc gia Khối OECD, khoảng cách về điểm số giữa học sinh “nhà giàu” và học sinh “nhà nghèo” của Estonia ở mức thấp nhất. Học sinh “nhà nghèo” Estonia có điểm số tương đương học trò thuộc nhóm gia đình có thu nhập cao thứ nhì ở Mỹ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công của Estonia ở PISA, không chỉ từ việc tập trung vào sự bình đẳng. Ở trường phổ thông giáo viên được trao quyền tự chủ rất cao và họ có thể theo học trò từ một đến ba lớp – thi thoảng tới 6 lớp, điều đó khiến giáo viên có thể tạo ra mối quan hệ sâu sắc và bền chặt với học trò. Nhiều viên chức và nhà giáo dục cho biết, các giáo viên rất giỏi trong việc hỗ trợ học sinh học tập và sẵn sàng “can thiệp” nếu học sinh chệch khỏi quỹ đạo chung. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo dục cho rằng, việc trao cho mọi học trò một trải nghiệm giáo dục tương đồng mới đóng vai trò trung tâm. “Chúng tôi cố gắng thực hiện đúng điều này để cho các em đều bình đẳng trong học tập. Dù xuất thân từ gia đình nào thì các em vẫn có thể thành công”, Karin Lukk, giáo viên trường Tartu Kivilinna Kool – một ngôi trường có các lớp từ 1 đến 9 tại Tartu, thành phố lớn thứ nhì Estonia, cho biết.
Cách tiếp cận này đã được áp dụng ngay từ thời điểm bọn trẻ bắt đầu đi học. Mỗi đứa trẻ đủ 18 tháng đến nhà trẻ đều không phải đóng học phí (tính từ khi kết thúc kỳ nghỉ thai sản của mẹ hoặc thời gian nghỉ của cha) và bữa trưa cũng miễn phí (thầy cô cũng tham dự bữa trưa này để có cái nhìn công bằng, không phân biệt học sinh “nhà giàu”, “nhà nghèo”). Bọn trẻ được hưởng chế độ miễn học phí này đến hết bậc trung học phổ thông, học sinh “nhà nghèo” và “nhà giàu” vẫn thường học chung lớp. Mặc dù trường tư bắt đầu xuất hiện ở Estonia nhưng đây chỉ là một lát cắt nhỏ trong toàn bộ hệ thống giáo dục.
Tìm triết lý giáo dục mới
Năm 1984, Liên bang Xô viết tái cấu trúc chương trình phổ thông và việc áp dụng nó vào Estonia khiến quốc gia này phải tăng thêm một lớp ở cấp tiểu học nhưng lại bớt đi một lớp ở cấp trung học phổ thông, do đó phải cắt giảm chương trình văn học, lịch sử và địa lý, vốn đã phải chịu sự áp đặt của tư tưởng Xô viết về nội dung. Làn sóng phản đối trong cộng đồng giáo viên và khoa học Estonia cuối cùng làm chương trình phổ thông tăng thêm một năm học nữa.
Về tổng thể, điều này dường như không ổn với Estonia. Vào năm 1987, Hội nghị giáo viên Estonia trở thành một sự kiện đột phá cho giáo dục nước này. Các giáo viên chỉ trích những vấn đề tồn tại trong cấu trúc giáo dục phổ thông và đòi hỏi sự độc lập của giáo dục Estonia. Trung tâm thảo luận là sự cần thiết của một chương trình học chuẩn cho cấp trung học phổ thông (kết thúc bậc học này, học sinh sẽ quyết định học phổ thông trung học ba năm để chuẩn bị vào đại học hay đến các trường dạy nghề để có được một nghề cụ thể cho tương lai). Cuối cùng dự án tìm giáo trình chuẩn thông qua một cuộc thi mở đã được thông báo. Tháng 6/1987, mọi thành viên trong xã hội – tất cả những ai quan tâm đến giáo dục như nhà khoa học, nhà triết học, nhà văn, giảng viên đại học, giáo viên phổ thổng, thậm chí cả học sinh, đều tham gia dự án và bỏ phiếu chọn chương trình phù hợp. Trong hai năm 1987 và 1988, các thành viên hội đồng thẩm định xem xét các chương trình mới và kết quả là năm 1989, trường học Estonia áp dụng chương trình mới.
Sau khi Estonia tách ra khỏi Liên bang Xô viết và tuyên bố độc lập, các nhà giáo dục trên khắp đất nước Estonia không ngừng vật lộn với những triết lý và ý tưởng giáo dục mới, cố gắng để nó tương thích với hệ thống giáo dục quá cứng nhắc mà họ mới trải qua. Hệ thống giáo dục truyền thống trên nền tảng giáo dục Xô viết của Estonia vẫn nghiêng về mô hình lấy giáo viên làm trung tâm và nhấn mạnh đến việc học hỏi kiến thức hơn là phát triển các kỹ năng mềm. Về tổng thể, nó chỉ “làm đẹp” hình ảnh đất nước qua các cuộc thi, vì vậy nó không tương thích với việc thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục. Katrin Libe, cô giáo dạy tiếng Anh ở Konguta Kool – trường tiểu học ở một ngôi làng nhỏ cách thành phố Tartu một giờ ô tô, nêu băn khoăn: “Vấn đề là liệu chúng tôi có thể giữ được các kết quả thi thử nghiệm trước sức ép sáng tạo hay không? Nó sẽ dẫn đến một số xung đột về quan điểm giáo dục chăng?”
Trên khắp đất nước, những nhà hoạch định chính sách và các nhà giáo dục đối thoại về nhu cầu đào tạo ra những học sinh có khả năng làm được nhiều điều hơn việc chỉ làm tốt một kỳ kiểm tra, có lẽ hướng tới trở thành thương gia hay những nhà lãnh đạo có xu hướng đổi mới sáng tạo. Cần thay đổi triết lý giáo dục Estonia và thực tế là nó đang thay đổi nhằm phát triển tư chất cá nhân của học sinh và để giáo viên hướng dẫn các em nhiều hơn chứ không dừng ở việc giảng dạy trên lớp, nhiều nhà giáo dục cho biết.
Dĩ nhiên thật khó để giáo viên có thể từ bỏ phương pháp giáo dạy truyền thống, vì thế giáo dục Estonia đặt mục tiêu thu hút người mới có trình độ cao, dù nước này vẫn thuộc nhóm các quốc gia có mức lương thấp nhất châu Âu. Trước khi bước vào giảng dạy, họ đều trải qua những khóa bồi dưỡng tại trường đại học Tartu để có thể dẫn dắt các em chú trọng vào lối tư duy phản biện và nâng cao khả năng giao tiếp hơn là lượng kiến thức, tuy vậy các nhà quản lý giáo dục cho biết cũng phải mất một thời gian thì phương thức giảng dạy này mới phát huy được hiệu quả.
Dù các trường phổ thông Estonia vẫn được hưởng lợi từ việc tận dụng ưu điểm của hệ thống giáo dục cũ thì những thay đổi mới cũng từ từ được áp dụng. Họ tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu những phương pháp giáo dục mới cho giáo viên để họ có thể lựa chọn áp dụng ở trường của mình, ví dụ hội nghị với diễn giả là một nhà tâm lý nêu việc giáo dục sớm nên tập trung nhiều hơn đến các kỹ năng xã hội và cảm xúc hơn là vội thiết lập nền tảng kiến thức học thuật.
Để phát huy sự cởi mở trong tư duy và sự hào hứng trong tiếp thu kiến thức, ở những trường học lớn, học sinh đều có thể tự chọn lấy một lĩnh vực để theo học, ví dụ như khoa học và toán hoặc xã hội nhân văn, theo ý thích chứ không phải trên cơ sở điểm số. Bên cạnh đó, học sinh vẫn tham gia các khóa học chung để đảm bảo là có đủ kỹ năng cơ bản trong mọi lĩnh vực. Mỗi trường đều có cách để học sinh có được kỹ năng chung. Konguta Kool đã đạt được một số kết quả nhất định bằng nỗ lực của mình, dù thiếu giáo viên. Các học sinh lớp 5 của trường có thể sử dụng máy tính xách tay trong phòng máy tính của trường để học toán. Quan sát một tiết học như vậy, nhà báo Sarah Butrymowicz của The Atlantic đã ngạc nhiên thấy “màn hình của một học sinh nữ bắt đầu với bài toán cơ bản 1+1. Chỉ trong vòng 2 phút, em đã nâng độ khó với phép tính 2589 + 1233”. Nhà trường đã áp dụng cách này để học sinh rèn kỹ năng tính nhẩm. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cố gắng soạn các bài giảng có sự kết nối toán học với các vấn đề của cuộc sống thực, ví dụ cầu thang dẫn đến các lớp học được đánh dấu bằng các con số âm theo cấp độ giảm dần – trong suốt mùa đông chúng được dùng để ghi nhiệt độ, hay trường dành hẳn một bức tường để dán những thứ bọn trẻ thích: kết quả cuộc “bỏ phiếu” loại bánh mì yêu thích hay đếm được bao nhiêu loài chim khác nhau quan sát thấy trong vườn trường.
Cô giáo Katrin Libe cho biết, học sinh của trường đều làm tốt bài kiểm tra trong kỳ thi quốc gia vào cuối lớp 6. Dẫu vậy thì điểm số cũng không cần công khai; thường cứ ba năm một lần, học sinh Estonia đều có một kỳ kiểm tra và thứ bậc học sinh chỉ công khai một lần duy nhất vào cuối năm lớp 12.
***
Theo kết quả các cuộc điều tra của PISA, thật bất ngờ Estonia là một trong số các quốc gia có tỷ lệ học sinh hạnh phúc thấp nhất khối OECD (2/3), trong khi đó gần 80% học sinh Mỹ cảm thấy hạnh phúc. Gunda Tire, điều phối viên PISA ở Estonia, cho biết, bản tính tự nhiên của người Estonia là không dễ bằng lòng nên họ phản ứng khác nhau trước câu hỏi về hạnh phúc. Chính quan điểm văn hóa truyền thống đó đã tạo động lực cho người Estonia không ngừng cải thiện chất lượng trường học. “Không bao giờ là đủ tốt cả. Không ai có thể cho là hệ thống trường học đã được vận hành tốt”, Tire nhận xét.
Các trường phổ thông Estonia đều được nối mạng internet vào năm 1999. Chương trình khiến người dân Estonia tiếp cận công nghệ dễ hơn. Thậm chí để đạt điều này, chính phủ còn yêu cầu các trường học phải giữ cho phòng máy tính được mở cửa để mọi người có thể cùng sử dụng. Cùng thời điểm đó, chính phủ lập các điểm nối mạng internet ở các không gian công cộng như thư viện, tòa thị chính các thành phố để tạo điều kiện cho mọi người có thể truy cập internet một cách dễ dàng. Hiện Estonia là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người sử dụng internet cao nhất thế giới (97,7% dân số).
Để chương trình hiệu quả, Ilves nêu 2 bí quyết: chính phủ yêu cầu các trường học phải đóng một nửa chi phí mua máy tính để “‘biến’ các trường học thành người sở hữu”; dù thiếu giáo viên tin học nhưng mục tiêu đầu tiên của “Tiigrihüpe” là khơi gợi sự tò mò về công nghệ cho trẻ em trước khi hướng tới những vấn đề phức tạp hơn bởi “hãy tin học sinh, chúng sẽ tính toán được tất”.
Ngày nay, ở Estonia, trẻ em 7 tuổi đã được học các kiến thức lập trình máy tính cơ bản. “7 tuổi là có tư duy logic cơ bản để làm được điều đó”, ông Ilves nhận xét. Năm 2012, đất nước này bắt đầu dạy lập trình và robotic ở tất cả các cấp, từ thiết kế game, phim hoạt hình dạng đơn giản ở cấp tiểu học đến ngôn ngữ lập trình như Python ở trung học phổ thông.
Không chỉ có vậy, thành công của “Tiigrihüpe” còn dẫn đến việc mở ra nhiều sáng kiến liên quan đến kỹ năng máy tính khác, ví dụ như Quỹ Look@World vào năm 2001 nhằm phát triển năng lực sử dụng máy tính cho người lớn tuổi (và đến nay vẫn tiếp tục).
Thanh Nhàn tổng hợp
Nguồn:
https://www.theatlantic.com/education/archive/2016/06/is-estonia-the-new-finland/488351/
http://www.estonica.org/en/Education_and_science/
https://govinsider.asia/innovation/exclusive-inside-estonias-edtech-revolution/
—-
1.Các em có thể theo học các chương trình tiếng Estonia và tiếng Nga ở bậc phổ thông nhưng bậc đại học thì chỉ có chương trình tiếng Estonia.