GATS VÀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM: VẤN ĐỀ VÀ GIẢI PHÁP

GATS – tên viết tắt của General Agreement on Trade in Services (Hiệp định chung về thương mại dịch vụ) là một Hiệp định thuộc Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ra đời năm 1995 nhằm quy định các nguyên tắc về thương mại dịch vụ trên phạm vi toàn cầu. Các nguyên tắc trong Hiệp định này được áp dụng bắt buộc đối với tất cả các nước thành viên WTO về thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, nghĩa vụ cụ thể của mỗi nước thành viên trong việc mở cửa thị trường dịch vụ của nước mình được nêu trong Biểu cam kết dịch vụ riêng của nước đó, là kết quả của đàm phán mở cửa thị trường dịch vụ của nước đó khi gia nhập WTO. Theo danh mục phân loại ngành dịch vụ của GATS, có tất cả 12 ngành (sector): Kinh doanh, Thông tin, Xây dựng, Phân phối, Giáo dục, Du lịch, Môi trường, Tài chính, Y tế, Văn hóa-Thể thao-Giải trí, Vận tải, và các dịch vụ khác. Những ngành này được chia nhỏ thành 155 phân ngành (sub-sector), ví dụ ngành Giáo dục bao gồm các phân ngành: Tiểu học, Trung học, Đại học, Người lớn, và các dịch vụ khác (chẳng hạn đào tạo ngoại ngữ, thi-kiểm tra, …).

Theo qui định của GATS, mỗi quốc gia thành viên trong WTO có quyền đưa ra lộ trình mở cửa đối với mỗi ngành dịch vụ, đối với những phân ngành, cũng như đối với các phương thức cung cấp dịch vụ (được trình bày ở phần sau). Đồng thời GATS cũng cho phép mỗi quốc gia thành viên của WTO xây dựng những chính sách, qui định riêng của quốc gia về mỗi ngành và phân ngành dịch vụ được mở cửa, miễn sao chúng phù hợp với những qui định chung của GATS (Knight, 2006). Cho đến tháng 3/2007, mới chỉ có 47 nước trong tổng số 150 nước thành viên WTO cam kết thực hiện GATS trong dịch vụ giáo dục, chủ yếu là các nước thuộc khối OECD với tư cách là các nước xuất khẩu giáo dục (Phạm, 2007).

Kể từ khi chính thức gia nhập WTO vào ngày 11/1/2007, Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện GATS trên tất cả 11 ngành dịch vụ và 110 phân ngành (VCCI). Theo lộ trình đã cam kết đối với ngành giáo dục, kể từ 1/1/2009 các cơ sở đào tạo có 100% vốn đầu tư nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam. Đối với giáo dục đại học (GDĐH), Việt Nam đã chấp nhận mở cửa trong khu vực tư thục đối với hầu hết các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, nghiên cứu và quản lý doanh nghiệp, kinh tế, kế toán, ngôn ngữ và luật quốc tế, và chấp nhận cả bốn phương thức cung cấp dịch vụ.

GATS quy định bốn phương thức cung cấp dịch vụ đối với tất cả các ngành: Cung cấp qua biên giới (Cross-border Supply), Tiêu dùng ngoài lãnh thổ (Consumption Abroad), Hiện diện thương mại (Commercial Presence), và Hiện diện thể nhân (Presence of Natural Persons). Knight (2006) đã giải thích các phương thức này và đồng thời cho một số ví dụ, nhận xét về qui mô và tiềm năng của mỗi phương thức trong lĩnh vực GDĐH như sau:

 

Phương thức

Giải thích

Ví dụ trong GDĐH

Qui mô/tiềm năng của thị trường

1. Cung cấp qua biên giới

Dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của một nước này sang lãnh thổ của một nước khác (không bao gồm sự di chuyển xuyên biên giới của khách hàng)

      Giáo dục/đào tạo từ xa

      Học tập trên mạng

      Các trường ĐH “ảo” (Virtual universities)

      Thị trường hiện ở qui mô nhỏ

      Có tiềm năng phát triển lớn dựa vào sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên khó quản lý chất lượng.

2. Tiêu dùng ngoài lãnh thổ

 

Khách hàng của một nước di chuyển sang nước khác để tiêu dùng dịch vụ

Du học sinh

Hiện là phương thức phổ biến nhất và đang tiếp tục phát triển

3. Hiện diện thương mại

 

Nhà cung cấp dịch vụ của một nước thiết lập các hình thức hiện diện trên lãnh thổ của một nước khác để cung cấp dịch vụ

      Chi nhánh hoặc cơ sở đào tạo vệ tinh ở nước ngoài

      Liên kết đào tạo

      Nhượng quyền thương hiệu cho cơ sở đào tạo tại chổ

      Ngày càng được quan tâm và có tiềm năng phát triển lớn

      Là phương thức gây nhiều tranh cãi nhất liên quan đến việc xác lập các qui định về đầu tư nước ngoài

4. Hiện diện thể nhân

 

 

Người của một nước di chuyển sang nước khác để cung cấp dịch vụ

Giảng viên, nghiên cứu viên làm việc ở nước ngoài

Là phương thức có nhiều tiềm năng

Theo Varghese (2007), trong số các phương thức nêu trên, phương thức thứ ba (hiện diện thương mại) đang và sẽ có nhiều tiềm năng nhất đối với thị trường GDĐH tại Việt Nam với việc thiết lập các chi nhánh hoặc cơ sở đào tạo vệ tinh và triển khai các chương trình đào tạo (CTĐT) liên kết với nước ngoài.

Phần sau đây giới thiệu các vấn đề thường gặp trong lĩnh vực GDĐH đối với các quốc gia tham gia GATS. Nội dung các giải pháp tương ứng đối với GDĐH Việt Nam do tác giả của bài viết này đề xuất.

         Cấp phép hoạt động:

Hầu hết các nước đều yêu cầu các chi nhánh hoặc cơ sở đào tạo vệ tinh của nước ngoài đều phải được thiết lập bởi những trường đại học đã được công nhận chất lượng thông qua kiểm định tại nước họ, đồng thời phải được nước sở tại đồng ý cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, thực tế áp dụng tại nhiều nước đã bộc lộ những vấn đề sau:

§        Chi nhánh hoặc cơ sở đào tạo vệ tinh của nước ngoài chưa hẳn đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kiểm định chất lượng như cơ sở chính của trường họ, chẳng hạn về các yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thư viện (Verbik and Jkivirta, 2005).

§        Nhiều trường đại học ở nước ngoài đã được kiểm định và công nhận chất lượng cấp trường nhưng chưa được kiểm định cấp chương trình, trong đó có những chương trình được tổ chức đào tạo hoặc liên kết đào tạo với nước sở tại.

Trong bối cảnh nở rộ các CTĐT liên kết với nước ngoài hiện nay ở Việt Nam, việc sớm xác lập những chủ trương để sàng lọc các cơ sở đào tạo và CTĐT liên kết là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi lâu dài của người học, ví dụ:

§        Yêu cầu chi nhánh hoặc cơ sở đào tạo vệ tinh của nước ngoài cung cấp những tài liệu chứng minh chi nhánh hoặc cơ sở đào tạo vệ tinh đã được mô tả trong báo cáo tự đánh giá của trường gửi cơ quan kiểm định của nước họ và kết quả đánh giá ngoài.

§        Với những CTĐT được thực hiện hoàn toàn bởi đối tác nước ngoài, có thể yêu cầu trường đại học cung cấp những tài liệu chứng minh các CTĐT đã được các cơ quan kiểm định ngành công nhận chất lượng (chẳng hạn kết quả kiểm định của ABET đối với các chương trình khoa học ứng dụng, máy tính, kỹ thuật, và công nghệ)

         Công nhận bằng cấp:

Hầu hết các CTĐT có liên kết với nước ngoài (theo các cấu trúc năm đào tạo 1+3, 2+2, 3+1, …) đều được các trường nước ngoài cấp bằng. Để đảm bảo giá trị của văn bằng, nhiều nước yêu cầu các trường cấp bằng phải chứng minh được bản thân các trường và các CTĐT liên quan đã được kiểm định và công nhận chất lượng.

Đối với Việt Nam, sự thất bại của chương trình liên kết giữa Taiwan Asian International  University (AIU) với Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội vào năm 1995 (Le & Ashwill, 2004) là một ví dụ về sự thiếu chặt chẽ trong khâu kiểm tra chất lượng đối với trường đối tác. Gần đây, Bộ GD&ĐT đã có “Qui định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp” (Ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007). Theo Qui định này, một trong các trường hợp được Việt Nam công nhận văn bằng là:

Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng (trích Điều 3, mục 1c).

Thực tế ở nhiều nước (đặc biệt là Hoa Kỳ) cho thấy nhiều trường đại học được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó (ví dụ Bộ giáo dục của một bang thuộc Hoa Kỳ) cho phép thành lập và được phép cấp bằng nhưng bản thân các trường này cũng như các CTĐT của họ chưa được kiểm định hoặc thậm chí không đạt yêu cầu của kiểm định chất lượng tại nước họ. Đối với các chi nhánh hoặc cơ sở đào tạo vệ tinh của các trường thuộc loại này cũng như các CTĐT liên kết với họ, Bộ GD&ĐT nên từ chối cấp phép hoạt động ngay từ đầu hoặc yêu cầu họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định trường/chương trình của Việt Nam. Kinh nghiệm của Malaysia trong trường hợp này là rất đáng để nghiên cứu, học hỏi (xem Middlehurst & Woodfield, 2004).

         Tính độc lập trong hoạt động:

Một số quốc gia (chẳng hạn Trung Quốc) không cho phép các trường đại học nước ngoài mở chi nhánh hoặc cơ sở đào tạo vệ tinh dưới hình thức hoạt động độc lập tại nước họ mà phải liên kết với một trường đại học sở tại với lý do hình thức hoạt động như vậy không đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở GDĐH trong nước Varghese (2007).

Đối với Việt Nam, đến nay mới chỉ có RMIT (Úc) là trường đại học nước ngoài duy nhất hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức hoạt động độc lập (tính đến thời điểm tháng 1/2006, Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên cho phép thành lập trường đại học với 100% vốn nước ngoài). Sự hiện diện của các chi nhánh như của RMIT đã góp phần xây dựng một hình mẫu chất lượng cao về GDĐH tại Việt Nam và đáp ứng một phần nhu cầu du học tại chỗ. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc nâng cao năng lực đào tạo của các trường đại học Việt Nam thông qua các hình thức liên kết với nước ngoài, Bộ GD&ĐT cũng nên hạn chế về số lượng các chi nhánh đào tạo nước ngoài thuộc dạng này và chỉ cấp phép đối với các trường đại học có uy tín cao trên thế giới.

         Chuẩn đầu vào:

Ở nhiều nước, chuẩn đầu vào đối với các trường đại học chi nhánh và các CTĐT liên kết với nước ngoài thường thấp hơn so với yêu cầu của các trường đại học công lập của nước sở tại. Tại Việt Nam, rất nhiều CTĐT bậc đại học liên kết với nước ngoài chỉ yêu cầu người học tốt nghiệp phổ thông trung học và có trình độ ngoại ngữ nhất định (thường là tiếng Anh). Sự mở rộng đầu vào như trên đã tạo điều kiện thuận lợi để nhiều học sinh phổ thông có thể tiếp cận với GDĐH. Tuy nhiên, để đảm bảo một mặt bằng chất lượng chung, Bộ GD&ĐT nên xây dựng lộ trình để đạt đến một chuẩn tối thiểu của đầu vào đại học chung cho tất cả các loại hình trường và CTĐT, chẳng hạn qui định về điểm tốt nghiệp trung học phổ thông tối thiểu để được xét/thi tuyển vào các trường đại học.

         Ngành và chương trình đào tạo:

Các trường đại học chi nhánh và các CTĐT liên kết với nước ngoài thường tập trung đào tạo các ngành không đòi hỏi chi phí đầu tư cao hoặc chủ yếu đáp ứng nhu cầu học tập trong giai đoạn hiện tại. Điều này có thể góp phần dẫn đến sự mất cân đối về mặt chuyên môn của nguồn nhân lực trong tương lai ở nước sở tại. Tại Việt Nam, các CTĐT của chi nhánh nước ngoài cũng như liên kết với các trường đại học trong nước đang tập trung chính vào các ngành “thời thượng” như kinh tế, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, tiếng Anh, … Để chuẩn bị cho một đội ngũ nhân lực trình độ cao tương đối đồng đều ở các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, Bộ GD&ĐT nên tạo sự ưu tiên nhất định đối với các CTĐT liên kết thuộc các ngành kỹ thuật, công nghệ.

Về nội dung đào tạo, các CTĐT của các trường đại học chi nhánh và các CTĐT liên kết với nước ngoài thường tập trung chủ yếu vào các môn học chuyên ngành, mang tính định hướng nghề nghiệp cao. Cách làm này một mặt dễ thu hút người học, mặt khác giúp người học sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của công việc. Tuy nhiên, việc xem nhẹ các môn học đại cương thuộc khối xã hội nhân văn như Chính trị, Pháp luật, Tâm lý, … có thể làm người học sau khi tốt nghiệp thiếu đi một nền tảng giáo dục vững chắc giúp họ hoàn thiện nhân cách và ý thức học tập suốt đời. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cũng cần có qui định về các môn học đại cương thuộc khối xã hội nhân văn trong các CTĐT liên kết với nước ngoài.

         Ngôn ngữ giảng dạy:

Ngôn ngữ giảng dạy và học tập của các trường đại học chi nhánh và các CTĐT liên kết với nước ngoài thường là các ngôn ngữ có tính quốc tế cao như tiếng Anh, tiếng Pháp. Điều này thực sự có ích cho người học về mặt nâng cao kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và khả năng tiếp cận các tài liệu nước ngoài, cơ hội được học nâng cao. Tuy nhiên, sự hạn chế của người học về khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ là điều khó tránh khỏi. Ở Việt Nam, chúng ta hay than phiền về năng lực ngoại ngữ của SV tốt nghiệp nhưng lại ít quan tâm đến khả năng sử dụng tiếng Việt của họ trong thực tế công việc. CTĐT của nhiều trường đại học trong nước đã có các môn học như Tiếng Việt, Tiếng Việt thực hành, Kỹ năng xây dựng văn bản tiếng Việt, … để hoàn thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ cho người học nhưng tính hiệu quả của các môn học này cũng còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Bên cạnh việc hoàn thiện môn học về tiếng Việt trong các CTĐT đại học, có lẽ cũng cần có chủ trương thống nhất về việc bố trí môn học này đối với các CTĐT liên kết với nước ngoài.

         Cháy máu chất xám:

Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các quốc gia khác từ lâu đã trở thành một nội dung chiến lược quan trọng ở nhiều nước phát triển và ngày càng có tính cạnh tranh cao trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và sự cam kết thực hiện GATS của các quốc gia thành viên thuộc WTO. Knight (2009) đã có một tổng kết đáng chú ý khi bàn về hiện tượng chảy máu chất xám dưới những tác động của toàn cầu hóa trong lĩnh vực giáo dục:

Mục tiêu ban đầu của việc giúp đở SV các quốc gia đang phát triển có cơ hội học tập lên cao ở quốc gia khác và sau đó quay trở về nước để cống hiến đang mờ nhạt nhanh chóng bởi sự cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các quốc gia.

Đối với Việt Nam, số học sinh ra nước ngoài học tập trong những năm gần đây đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt đối với nhóm du học sinh tự túc. Theo thống kê của Viện Giáo dục quốc tế (IIE), số SV Việt Nam tại các trường đại học Mỹ đứng hàng thứ 13 trong năm 2008, song được ghi nhận là tăng nhanh nhất trong vài năm gần đây so với các nước khác: trong năm 2008 là 8.769 SV, 2007 là 6.036, 2006 là 4.597, 2005 là 3.670, 2004 là 3.165, 2003 là 2.722… (Trần, 2009). Đối với một số quốc gia có nền giáo dục phát triển khác như Anh, Úc, Nhật, Singapore,… số du học sinh Việt Nam đến học cũng đang tăng lên không ngừng. Sự gia tăng này tất yếu dẫn đến sự gia tăng về tỷ lệ đội ngũ trí thức ở lại sinh sống và làm việc ở nước ngoài, và vì vậy vấn đề làm sao để có nhiều người trong số đội ngũ này tự nguyện trở về Việt Nam làm việc lâu dài là một bài toán cần sớm có lời giải một cách căn cơ.

Đối với nhiều người, “chảy máu chất xám” là một “vấn nạn”, và vì vậy Nhà nước cần có những chính sách kịp thời để ngăn chặn. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng sự dịch chuyển của lực lượng lao động từ nước này sang nước khác là hiện tượng bình thường và tất yếu trong nền kinh tế hội nhập ở qui mô toàn cầu, và vấn đề là làm sao cân bằng được hai “dòng chảy” này. Nhận xét của TS. Nguyễn Quang A (Nguyễn, 2007) có thể xem là tiêu biểu đối với nhóm ý kiến này:

Trong nền kinh tế toàn cầu, thị trường lao động cũng ngày càng mang tính toàn cầu. Và một nước muốn phát triển cũng cần có chiến lược, chính sách nguồn nhân lực khôn khéo của mình. Như thế đâu cần phải ngăn “chảy máu chất xám”. Chất xám chảy đi, nhưng cũng có thể chảy lại, tất cả chỉ phụ thuộc vào hiểu biết, vào cách ứng xử của chúng ta.

Mỗi nước, nhất là các nước đang phát triển, đã và đang có những giải pháp riêng cho mình về vấn đề này. Quyết tâm của Malaysia hướng đến không những giảm dần chi tiêu ngoại tệ cho việc ra nước ngoài học của người dân mà còn biến đất nước này trở thành một điểm đến của khu vực về giáo dục (Regional Education Hub) có thể được xem là một mô hình đáng để chúng ta học hỏi (xem Sirat, 2005). Việc Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng bốn trường đại học mới có tầm cỡ quốc tế với tổng chi phí ước tính ban đầu là 400 triệu USD (Quỳnh, 2008) có thể được xem là một tín hiệu cho thấy chúng ta đang từng bước đi theo con đường này mặc dù là khá chậm. Các trường đại học với cơ sở vật chất hiện đại là yếu tố quan trọng để thu hút du học sinh và trí thức Việt kiều trở về Việt Nam làm việc, nhưng quan trọng hơn là việc xây dựng và triển khai có hiệu quả những chính sách đãi ngộ để đội ngũ trí thức Việt Nam, dù đang sống ở trong hay ngoài nước, đều cảm thấy họ được thật sự trọng dụng và cần thiết cho đất nước.

Để kết thúc bài viết này, tác giả xin được trích dẫn một phát biểu của TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến: “Việc tham gia GATS tự nó không làm cho giáo dục của một nước tốt lên hay xấu đi. Nó chỉ mở ra các cơ hội mới cùng các thách thức mới (Phạm, 2007). Hy vọng chúng ta sẽ sớm có những chủ trương và cách làm hợp lý để biến những thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục trở thành những động lực để phát triển GDĐH của nước nhà.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Knight, J. (2006). Higher education crossing borders: A Guide to the Implications of the General Agreement on Trade in Services (GATS) for Cross-border Education. A Report prepared for the Commonwealth of Learning and UNESCO. Retrieved at: http://unesdoc.unesco.org/images/0014/001473/147363E.pdf

Knight, J. (2009). Internationalization: Unintended consequences? International Higher education, Number 54. Retrieved at: http://www.bc.edu/bc_org/avp/soe/cihe/newsletter/Number54/p8_Knight.htm

Le, M.N. & Ashwill, M. (2004). A look at non-public higher education in Vietnam. Retrieved at: http://www.bc.edu/bc_org/avp/soe/cihe/newsletter/News36/text009.htm

Middlehurst, R. & Woodfield, S. (2004). The role of transnational, private, and for-profit provision in meeting global demand for tertiary education: Mapping, regulation and impact. Report commissioned by the Commonwealth of Learning and UNESCO. Retrieved at: http://portal.unesco.org/education/en/files/30721/10848830391Transnational_Summary_Report.pdf/Transnational%2BSummary%2BReport.pdf

Nguyễn, Q. A (2007). Đừng ngăn chảy máu chất xám. Lao Động Online. Truy cập tại: http://www.laodong.com.vn/Home/Dung-ngan-chay-mau-chat-xam/20076/39856.laodong

Phạm, Đ. N. Tiến (2007). Phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh mới. Tạp chí Cộng sản,  số 773 (3/2007). Truy cập tại: http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/xemtin.asp?idcha=1681&cap=3&id=4051

Quỳnh, Lan (2008). Bốn trường đại học có mục tiêu vào top 200 thế giới. VnEconomy Online. Truy cập tại: http://www.vneconomy.vn/20081213043912487P0C11/4-truong-dai-hoc-co-muc-tieu-vao-top-200-the-gioi.htm

Sirat, M. (2005). Transnational higher education in Malaysia: balancing benefits and concerns through regulations. Institut Penyelidikan Pendidikan Tinggi Negara. Retrieved at: http://jpt.mohe.gov.my/PENYELIDIK/penyelidikan%20IPPTN/Research%20Paper%20on%20Transnational%20Higher%20Education%20in%20Malaysia%20Balancing%20Benefits%20and%20c%20oncerns%20through%20Regulations/1.pdf

Trần, Thắng (2009). Sinh viên Việt Nam du học Mỹ tăng nhanh. Thanh Niên Online. Truy cập tại: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200910/20090302232515.aspx

Varghese, N.V. (2007). GATS and higher education: The need for regulatory policies. Retrieved at: http://unesdoc.unesco.org/images/0015/001506/150689e.pdf

VCCI (Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam). Hiệp định GATS và biểu cam kết dịch vụ. Truy cập tại: http://chongbanphagia.vn/beta/down.php?file=files/1-10%20Gats.pdf

 

Tác giả

(Visited 51 times, 1 visits today)