Gia đình và thị trường giáo dục

Quyền tự do lựa chọn trường lớp của các gia đình là một tác nhân quan trọng giúp lành mạnh hóa thị trường giáo dục.

Theo Georges Felouzis (2011)1, khái niệm ba cụm tác nhân chính trong giáo dục – bao gồm Nhà nước với các chính sách giáo dục, nhà trường với các chiến lược cạnh tranh và gia đình với hành động lựa chọn trường lớp cho con cái họ – là công cụ mới mẻ nhất trong nghiên cứu giáo dục, giúp so sánh các nền giáo dục trên thế giới cũng như giúp suy nghĩ về các hình thái giáo dục khác nhau trong bối cảnh riêng của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam. Bài viết này sẽ đi sâu bàn về vai trò của gia đình – người học trong việc tự do lựa chọn trường lớp.

Gia đình và quyền tự do chọn trường cho con em

Trong bài viết “Libre choix des écoles – Libre choix de quoi et par qui?” có thể dịch là Tự do chọn trường – Tự do chọn gì và chọn bởi ai?, Karin Muller (2011)2 cho thấy trên thế giới có ba mức độ tự do trong việc chọn lựa trường lớp: thứ nhất là không có chọn lựa, tức là Nhà nước quy định gia đình nào ở đâu, thì con cái học ở đó theo kế hoạch của Nhà nước như tại Pháp trước đây hay Việt Nam hiện tại trong giáo dục phổ thông; thứ hai là chọn lựa giữa các trường công, tức là các gia đình chỉ có quyền chọn  lựa giữa các trường công, nếu chọn trường tư thì Nhà nước không tài trợ như ở Anh; và cuối cùng, các phụ huynh có quyền chọn bất kỳ trường công hay trường tư, Nhà nước đều tài trợ, hoặc tài trợ cho trường như tại Phần Lan, Hà Lan, Ðan Mạch, hoặc tài trợ trực tiếp cho gia đình như tại Thụy Sĩ. 

Tại các nước mà người dân không có quyền chọn lựa, các trường không bị áp lực phải cạnh tranh với nhau vì người dân có đánh giá trường cao hay thấp đều không ảnh hưởng gì mấy. Ngược lại, tại những nước mà quyền chọn lựa trường lớp của người dân càng được mở rộng, sự cạnh tranh của các trường càng gay gắt bởi quyết định chọn lựa của các gia đình định đoạt số phận của các trường.

Tại các nước mà chủ nghĩa tự do kinh tế (liberalisme econonomique) thống trị thường ưu tiên cho những tự do cá nhân và chú ý đến tính hiệu quả nơi sản phẩm đào tạo, nên thường mở rộng tối đa quyền lựa chọn cho các gia đình, và sử dụng việc này như là đòn bẩy thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các trường. Về ngân sách, Nhà nước kêu gọi tư nhân đóng góp với Nhà nước. Tuy nhiên cũng có những nước như Hà Lan, Ðan Mạch, quyền tự do chọn lựa trường của các gia đình được quy định trong hiến pháp do các đặc điểm lịch sử xã hội hơn là do tác động của chủ nghĩa tự do kinh tế.

Tại các nước đề cao tính công lý xã hội (la justice sociale) lại chú ý đến tính liên đới và công bình xã hội mà nhà trường được xem phải có trách nhiệm gánh vác, Nhà nước thường can dự vào các trường, ưu tiên cho các gia đình khó khăn nhằm đảm bảo tính công bình xã hội. Nhà nước trong các quốc gia này thường là bên đầu tư chính yếu ngân sách dành cho giáo dục.

Ðể kết nối giữa những dòng ý thức hệ đang thống trị các xã hội và mức độ tự do chọn lựa trường lớp, hình thức đầu tư tài chính, mức độ can dự của Nhà nước vào trường học, Karin Muller đưa ra một khung phân tích (bảng dưới đây).

Xu hướng thị trường hóa giáo dục để tăng tự chủ và quyền tự do lựa chọn

Khuynh hướng chung hiện nay là hướng về mô hình thị trường hóa giáo dục bằng cách tăng quyền tự quyết cho các trường, tăng quyền tự do lựa chọn, và đối tượng lựa chọn cho các gia đình nhằm kích thích sự cạnh tranh giữa các trường. Ngay cả với những nước có truyền thống đề cao tính liên đới xã hội như đa số các nước châu Âu. Pháp chẳng hạn, đã bắt đầu mềm hóa các “kế hoạch giáo dục” ở cấp học phổ thông, cũng như đã và đang thực hiện cải cách theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường, nhất là các đại học. Phần Lan và Thụy Ðiển đang hướng đến thị trường hóa giáo dục trong chính sách tái định hướng giáo dục gần đây của họ.

Chúng ta cần phân biệt ở đây khái niệm thị trường hóa giáo dục và khái niệm thương mại hóa giáo dục kiểu thuận mua vừa bán vốn xem giáo dục cũng như một loại hàng hóa có thể trao đổi trên thị trường. Trong khi phải tránh để giáo dục bị thương mại hóa, thì chúng ta vẫn phải thấy sự tích cực của thị trường hóa giáo dục và tìm cách học hỏi làm theo. Thứ nhất, đây là cách làm hướng về người học và các phụ huynh, đặt họ làm trung tâm trong phương cách quản lý điều hành giáo dục, cũng như trong quan hệ sư phạm giữa thầy và trò. Kế nữa, cách làm này kích thích các trường cạnh tranh và buộc các trường phải đặt chất lượng, đặt nhu cầu của xã hội lên hàng đầu trong các chiến lược phát triển của mình. Sau hết, thị trường hóa giáo dục không ảnh hưởng gì đến sứ mệnh và vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền học hành, tạo sự công bằng về cơ hội học tập của người  dân. Nhà nước vẫn có thể làm điều này thông qua các chính sách xã hội trong giáo dục, đặc biệt là đầu tư ngân sách cho các trường có nhiều con em người nghèo, những trường hợp cá biệt trong xã hội, v.v.

Phù hợp với nguyện vọng tự do lựa chọn của người dân

Hành động chọn lựa trường lớp hiện diện trên tất cả mọi quốc gia, kể cả những quốc gia mà luật pháp không quy định quyền này của các gia đình. Tại Việt Nam, vấn đề này có lẽ đang trở thành một hiện tượng ngày càng rõ nét. Hành động lựa chọn trường lớp của các gia đình thể hiện qua việc di chuyển chỗ ở, việc gửi con cái từ nông thôn lên các thành thị, hay việc gửi con cái ra nước ngoài học tập mà có người miêu tả đang trở thành một trào lưu như là một hình thức “tị nạn giáo dục”3. Lý do thực hiện hành động này có lẽ cũng không chỉ là vì chuyện chất lượng giáo dục mà còn liên quan đến môi trường xã hội trong và ngoài ngôi trường ảnh hưởng lên nhân cách người học sinh,  những điều mà Xavier Dumay (2011) gọi là những “tác động của sự cấu thành”4 v.v.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, hành động lựa chọn của các gia đình không những quyết định số phận của một trường mà có thể còn ảnh hưởng mạnh trên sự nghiệp giáo dục một quốc gia. Giáo dục trở thành một lĩnh vực mang lại lợi nhuận cho quốc gia mà Hoa Kỳ và các nước Tây Âu khác đang dẫn đầu trong khi Việt Nam đã nghèo lại đang “chảy máu”, trở thành nguồn thu của họ. Việc gửi con cái đi du học nước ngoài là một hành động lựa chọn hợp lý của người dân vốn luôn mong muốn một sự tốt đẹp với con cái họ trong tương lai, mặc dầu có thể họ phải thắt lưng buộc bụng để đầu tư cho con cái du học. Ðây cũng có thể là một cách thể hiện của truyền thống hiếu học nơi người Việt luôn quan tâm đến chuyện học hành của con cái, nhưng cũng nói lên sự không đồng tình, không chấp nhận hiện trạng giáo dục trong nước của người dân.

Trở lại với khung phân tích ở trên, chúng ta thấy hành động lựa chọn của các gia đình liên quan trực tiếp tới những điều nằm ngoài nhà trường như kinh tế, văn hóa, chính trị, vv, chẳng hạn tại các nước có ý thức hệ thống trị là chủ nghĩa kinh tế tự do, thì càng có xu hướng ưu tiên cho tự do lựa chọn trường lớp của người dân, chú ý đến tính hiệu quả nơi sản phẩm đào tạo, tạo điều kiện và thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các trường.

Hạn chế ở Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay, chưa rõ liệu quan niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” có phải là một cố gắng gạch nối giữa hai dòng chảy ý thức hệ chủ nghĩa kinh tế tự do và chủ nghĩa đề cao công lý xã hội hay không. Chưa ai thực sự tìm cách đối chiếu theo một cách nào đó không khập khiễng, giữa nền giáo dục với tính chất: “ là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”5, so với các nền giáo dục khác trên thế giới.

Tuy nhiên, dù không cần đi sâu vào một cơ sở lý luận cho nền tảng giáo dục, chúng ta vẫn có thể thấy mô hình quản lý giáo dục tại Việt Nam không giống với bất kỳ mô hình nào trên khung phân tích. Nếu nhà trường trong các xã hội đề cao “công lý xã hội” bị Nhà nước can dự, thì cũng chỉ nên can dự thông qua chính sách tài chính và thủ tục hành chính, còn Nhà nước ở Việt Nam lại rất tập quyền trong quản lý giáo dục trên mọi khía cạnh như một bài viết trước đây của tác giả trên Tia Sáng đã đề cập6. Nguyên nhân của hình thức quản lý tập quyền này có lẽ là từ một nếp nghĩ trì trệ từ lâu đã thống trị trong xã hội, từ các yếu tố lịch sử văn hóa dân số đặc thù, hay từ một yếu tố nào khác.

Chúng ta sẽ cần những nghiên cứu chuyên sâu nhằm định dạng nền tảng lý luận và thực tiễn giáo dục của chúng ta đang thực sự ở đâu, liệu chúng ta có thể hội nhập với thế giới và tạo ra được những sản phẩm giáo dục chất lượng với chuẩn mực quốc tế khi chúng ta có những dị biệt như vậy, để từ đó tìm ra một hướng cải cách giáo dục đúng đắn.

—————————-

* Viện Nghiên Cứu Phát Triển Giáo Dục – IRED

1. Xem Georges Felouzis. (2011). Les marchés scolaires et l’éducation comparée. Éducation comparée/ Nouvelle série. Số 6/ 2011, tr. 10 – 11.

2. Éducation comparée / Nouvelle série. Số 6/ 2011, tr. 29 – 48.

3. Xem bài của nhà văn Dạ Ngân đăng trên Việtnamnet, hiện đang lưu tại:  http://www.baomoi.com/Ti-nan-giao-duc-Con-di-nhieu-di-trong-rong-di-het/5/4315994.epi

4. La concurrence entre écoles accroît-elle les effets de composition ? Éducation comparée / nouvelle série, số °6, tr. 49-68

5. Luật Giáo Dục 2005, chương 1, điều 3.

6. “Khái niệm thị trường giáo dục và vai trò các tác nhân” đăng trên Tia sáng online ngày 29/12/2011

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)