Giải pháp giáo dục cho đầu thế kỷ XXI

Thời chúng ta đang sống là thời nào đây? Có phải tất cả người lớn lẫn trẻ em đang sống một thời đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, thời mà từ thế kỉ XIX, Marx đã dự đoán: lịch sử vận động với tốc độ một ngày (hiện đại) bằng 20 năm (cổ truyền), nhiều cái chưa kịp mới thì đã cũ. Trẻ em là con đẻ rứt ruột của thời đại mình. Trẻ em hiện đại là nhân vật lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử. Những em sinh năm 2001, năm đầu tiên của thế kỉ XXI, đến năm học 2007 – 2008 thì vào lớp Một, tất cả 100% đều vào lớp Một và từ năm 2019 tất cả 100% ấy đều là cử tri đi bầu đại biểu Quốc hội. Vậy là từ năm 2019, toàn thể công dân Việt Nam ta, không kể nguồn gốc xuất thân và nơi sinh sống, tất cả 100% đều là sản phẩm chính thức, chính thống, chính cống của nền giáo dục đầu thế kỉ XXI: Nền giáo dục cho 100% dân cư.




1.Nền giáo dục đại trà hiện hành, về bản chất, vốn là nền giáo dục cho 5% dân cư. Vì phải chịu tác động bằng sức mạnh vật chất của cuộc sống thực, người ta buộc phải tìm cách “đổi mới” để thích nghi. Ngặt nỗi, với cách làm ấy, dù có gọi là gì gì đi nữa: đổi mới, cải cách, chấn hưng… thì quanh đi quẩn lại chỉ nhằm cải tiến cái hiện có, theo cách cải tiến cày chìa vôi. Dẫu có làm bắp cày bằng vàng ròng, lưỡi cày bằng ti-tan thì cũng không hề động chạm đến khái niệm (bản chất) của nó, vẫn chỉ là cày chìa vôi. Một sự sang trọng  tốn tiền vô ích.

2. Đã vào sâu thế kỉ XXI, đâu còn ở thế kỉ XVIII, mà cứ chần chừ hỏi đi hỏi lại, liệu có nên thay cày chìa vôi bằng máy cày. Ở thế kỉ XXI, chỉ có máy cày mới đáp ứng được nhu cầu sống của cuộc sống thực.

Ở thế kỉ XVIII, 95% dân cư không đi học vẫn sống bình thường, nhưng chỉ để được sống bình thường ở thế kỉ XXI thì cả 100% dân cư phải đi học.

Nền giáo dục cho 5% dân cư thì (theo triết lý): Nhà trường là nơi chuẩn bị cho học sinh vào đời, cụ thể là chuẩn bị làm quan hay tìm cơ hội ngoi lên, thoát khỏi cuộc sống thực của chính mình.

Nền giáo dục cho 100% dân cư thì (theo triết lý): Nhà trường là nơi học sinh đang sống cuộc sống thực của chính mình, sống với những hạnh phúc thực, sống với những đau khổ thực, sống với những hạnh phúc hay đau khổ ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay.

 

 

3. Thời trước chỉ có 5% dân cư đi học, nếu chẳng may cả 5% ấy thất bại (ví dụ, thi trượt) thì 95% còn lại vẫn làm ăn sinh sống bình thường, họ tự nuôi sống mình và nuôi không số 5% kia.

Nay nền giáo dục cho 100% thất bại thì còn trông cậy vào ai? Cả dân tộc sẽ khốn đốn, đất nước sẽ lụn bại.

Cải tiến nền giáo dục hiện nay giống như nống ra, cơi nới ngôi nhà trệt cổ truyền, thì thành một ngôi nhà không phù hợp với bất cứ khái niệm nào, một vật dị dạng. Nếu nhất thiết phải xây dựng nền giáo dục cho 100% dân cư hiện đại thì phải căn cứ vào hệ thống khái niệm của chính nó mà thiết kế và thi công, giống như xây dựng ngôi nhà tầng hiện đại.

4. Làm một cái chưa hề có chẳng qua là cách đáp ứng một nhu cầu chưa hề có của cuộc sống thực. Theo Marx, một khi nảy sinh nhu cầu mới thì trong lòng cuộc sống thực đã có điều kiện vật chất để thoả mãn nó. Xin lưu ý, cái chưa hề có này chứa trong bản thân mình nhân tố chính trị – xã hội, kẻ đề ra nhiệm vụ bất khả kháng, và nhân tố nghiệp vụ, kẻ phải thực thi nhiệm vụ ấy. Stalin cho tôi một ví dụ đích đáng. Ông mời ba nhà vật lý học đến giao nhiệm vụ làm bom nguyên tử. Vì sao ông không giao cho Bộ trưởng Quốc phòng, người giàu kinh nghiệm làm hàng triệu triệu quả bom thường? Riêng một ví dụ này cũng đủ nói lên cơ chế phân công – hợp tác trong nền văn minh hiện đại. Không còn nữa tính “toàn diện” thời trước, một lão nông thất học có thể tự mình làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh (hạt thóc), rồi ỷ thế quyền gia trưởng mà ra lệnh độc đoán, can thiệp vào việc của người khác. Ngày nay, mỗi cá nhân hiện đại chỉ có thể làm ra một sản phẩm bộ phận, thì mỗi người phải là người giỏi nhất làm việc của mình.

5. Theo cơ chế phân công – hợp tác, để xây dựng nền giáo dục hiện đại cho 100% dân cư, thì:

Một. Đảng và Nhà nước bảo đảm về mặt xã hội – chính trị: Ai cũng được học. Toàn thể 100% Trẻ em, không phân biệt nguồn gốc xuất thân và nơi sinh sống, cả 100% đều được học.

Hai. Các chuyên gia giáo dục phải giỏi nghiệp vụ: Ai cũng học được. Nền giáo dục cho 5% dân cư thì có thể phập phù may rủi, “học tài thi phận”. Nền giáo dục cho 100% dân cư không được phép “đặt cược phần trăm may rủi”, mà phải học gì được nấy, học đâu chắc đấy. Lại xin lưu ý, mỗi học sinh không phải là 1% trong số 100 em, mà mỗi học sinh là 100% đối với chính em ấy, đối với gia đình em, đối với ba họ nhà em. Chỉ với nền giáo dục hiện đại mới có phép toán kì lạ này:

100% (học sinh toàn quốc) = 100% em A + 100% em B + …

…+ 100% em N +…

6. Nền giáo dục thời nào cũng gắn liền máu thịt với cung cách làm ăn đương thời.

Nền giáo dục cho 5% dân cư thì gắn với nền sản xuất tiểu nông. Cả hai đều phập phù may rủi, trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm, đâu dám trông vào chính mình!

Nền giáo dục cho 100% dân cư là anh em ruột cùng cha cùng mẹ với nền sản xuất đại công nghiệp, làm ra sản phẩm tất yếu: làm gì được nấy, làm đâu chắc đấy.

CÁCH LÀM (nghiệp vụ sư phạm) là nhân tố quyết định thành bại trên thực tiễn sư phạm.

CÁCH LÀM của Nền giáo dục cho 5% dân cư:

Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ

CÁCH LÀM của Nền giáo dục cho 100% dân cư:

Thầy thiết kế – Trò thi công

Nghiệp vụ sư phạm hiện đại đưa ra Nguyên tắc vàng: Học sinh tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, nhờ vậy mà trở thành chính mình, thành một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này!

Nguyên tắc vàng ấy cấm đưa đến cho học sinh những sản phẩm làm sẵn, rồi bắt học sinh ghi nhớ.

Mỗi CÁCH LÀM (phương pháp) đặc trưng cho một trình độ phát triển lịch sử. Marx nói rằng các nền kinh tế khác nhau không phải sản xuất ra CÁI gì, mà sản xuất bằng CÁCH nào. Hegel thì cho rằng toàn bộ triết học thâu tóm vào phương pháp.

7. Phương pháp tôi nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm trong 40 năm qua có thể thâu tóm vào Công nghệ giáo dục và từ năm 2000, tách ra cái cốt lõi vật chất (là khái niệm) thì có công nghệ học.

Năm 1976, trên diễn đàn trước các viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ tâm lý học Liên Xô, trong Hội đồng chấm luận án tiến sĩ khoa học, tôi nói rằng phương pháp của tôi có thể trao tận tay cho từng giáo viên đứng lớp. Nay, năm 2010, tại diễn đàn này, tôi xin nói lại: Phương pháp của tôi (công nghệ học/ công nghệ giáo dục) có thể trao tận tay cho từng em học sinh. Chứng cứ: Học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, ở nơi hẻo lánh nhất của “ba Tây” (Tây Bắc – Tây Nguyên – Tây Nam Bộ), những em chưa biết tiếng Việt, thậm chí còn chưa ra khỏi bản làng, học theo Công nghệ học thì chỉ sau một năm học đã đọc thông viết thạo, nắm vững luật chính tả và không thể tái mù.

8. Rút cục, mọi câu chuyện phải thâu tóm vào Giải pháp.

Một Giải pháp theo đúng khái niệm của nó phải là khả thi. Các văn bản to nhỏ cao thấp hay dở vẫn còn ở bên này tinh thần, rất có thể chỉ là giấy lộn, nếu không sang được bờ kia thực tiễn, làm nên máu thịt của Cuộc sống thực.

Từ Nền giáo dục cho 5% dân cư sang Nền giáo dục cho 100% dân cư, về mặt triết học, là từ nguyên lý lỗi thời sang nguyên lý mới, còn về mặt lịch sử, là một bước nhảy sinh mệnh (chữ của Marx), quyết định số phận của toàn thể 100% dân cư: Xin đừng làm liều, phải đảm bảo an toàn sinh mệnh của cả dân tộc! NGHĨ như vậy, tôi LÀM một chiếc cầu bắc qua hai nền giáo dục, nối hai bờ nguyên lý, gọi ước lệ là Đề cương 9 điểm: Đi 3 bước – Làm 3 việc – Phân công cho 3 nhân vật.

Đề cương có ba hàng và ba cột:

Ba bước: Trung ương – Địa phương – Đại trà

Ba việc: Nghiên cứu – Đào tạo – Chỉ đạo

Ba nhân vật: Học sinh – Thầy giáo – Cha mẹ và các nhân vật thứ ba khác.

Xin bắt đầu từ cột đầu tiên: Trung ương – Nghiên cứu – Học sinh.

a. Học sinh là nhân vật số 1. Hai nhân vật còn lại cũng chỉ vì nhân vật số 1 này, xoay quanh nhân vật số 1 này, lấy nhân vật số 1 này làm chuẩn, làm nơi đi và nơi đến, làm sự sống, sức sống và lẽ sống của chính mình. Nói rộng ra, toàn bộ sự nghiệp giáo dục chỉ vì một nhân vật Học sinh.

Nói đến Học sinh thì nói đến CÁI gì?

– LỢI ÍCH.

Lợi ích là một phạm trù triết học, hiện thân thành các thực thể trực quan cảm tính trong cuộc sống thực. Lợi ích của Học sinh gồm có: Trưởng thành tự nhiên về cơ thể và Phát triển tự nhiên về tinh thần. Cả hai làm nên dòng chuẩn cho nền giáo dục uốn theo.

b. Nghiên cứu khoa học về sự phát triển tự nhiên bằng phương thức thực nghiệm trên Trẻ em bình thường, nhằm xác lập Mô hình giáo dục, là  một sáng tạo của Tâm lý học nửa sau thế kỷ XX.

c.  Làm ra một Mô hình giáo dục giống như làm ra một quả bom nguyên tử: Làm được một thì sẽ làm thêm được cả trăm, ngàn, vạn quả bom nữa. Việc sống chết như vậy phải giao cho những chuyên gia giỏi nhất làm ở cấp Trung ương.

d. Giải pháp giáo dục phải bắt đầu từ cấp Trung ương, bắt đầu từ nghiên cứu khoa học và bắt đầu từ Học sinh. Chừng nào mà sự “bắt đầu” từ cột 1 đáng tin cậy thì mới chuyển sang tìm Giải pháp cho cột 2: Địa phương – Đào tạo – Thầy giáo.

Từ cột 1 sang cột 2 là việc chuyển giao công nghệ.       

Lập Mô hình là xác lập một công nghệ. Công nghệ này tuy đã xác lập ở Trung ương, nhưng để đảm bảo an toàn, còn phải kiểm nghiệm kỹ hơn, lần này kiểm nghiệm bằng số nhiều ở cấp Tỉnh, đồng thời triển khai việc đào tạo ở trường Sư phạm và bồi dưỡng giáo viên đang đứng lớp.

Dừng lại một nhịp ở cấp Tỉnh để chờ cho an toàn giáo dục đạt độ tin cậy cao hơn. Lấy gì để đo độ an toàn này?

– LỢI ÍCH của Học sinh.

Nền giáo dục hiện đại nếu đã coi Nhà trường là nơi Học sinh đang sống cuộc sống thực của chính mình thì Học sinh phải được hưởng LỢI ÍCH cơ bản nhất: Đi học là hạnh phúc, mà Học sinh có thể tự mình cảm nhận được: Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui!

Hạnh phúc đi học và Niềm vui đi học “làm ra” từ LỢI ÍCH của cá nhân. Bất cứ LỢI ÍCH nào cũng phải hiện thân ở các vật thể ở bên ngoài đầu óc, mà trong giáo dục là ở các sản phẩm do Học sinh tự làm ra cho chính mình, vậy nên phải có CÁCH học, sao cho học gì được nấy, học đâu chắc đấy, ví dụ, học theo công nghệ học.

Công nghệ học (cho học sinh) phải là cốt lõi của nghiệp vụ sư phạm hiện đại, dùng để đào tạo (ở trường Sư phạm) và bồi dưỡng (giáo viên đứng lớp).

e. Công nghệ học/Công nghệ giáo dục đã được kiểm định bằng số nhiều ở cấp tỉnh, cho đến khi đạt độ an toàn tin cậy (không được phép “đánh cược” với số phận của số đông) thì mới chuyển sang cột 3: Triển khai đại trà.

Sang bước 3 này, cha mẹ học sinh (và các nhân vật thứ ba khác) phải vào cuộc và cùng vào cuộc cả bộ phận chỉ đạo (quản lý).      

Sang bước 3 – triển khai đại trà – tức là đã sang được bên này, – nền giáo dục hiện đại cho 100% dân cư, xây dựng theo nguyên lý mới, chưa hề có.

g. Tìm CÁCH làm ra cái CÓ mang năng lượng vật chất cấp cho bước chuyển từ Nền giáo dục cho 5% dân cư sang Nền giáo dục cho 100% dân cư là sứ mệnh của một Cơ quan nghiên cứu khoa học – Công nghệ giáo dục.

Nhân đây xin lưu ý: Một tổ chức nghiên cứu khoa học (nói chung) tự “định nghĩa” bản thân mình bằng một Hướng đi mới về khoa học và một Cách làm mới về công nghệ. Không có công nghệ mới thì nói hiện đại hoá chỉ là nói suông, thậm chí còn giả dối nữa! Lịch sử tồn tại và phát triển bằng sức mạnh vật chất, bằng những cái CÓ, do đó, vấn đề then chốt của một giải pháp (trong bất cứ lĩnh vực nào) là ở công nghệ làm ra cái CÓ, sản phẩm có thực.

h. Vấn đề then chốt của Giải pháp giáo dục là phải đáp ứng được LỢI ÍCH của Học sinh hiện đại.

LỢI ÍCH của Học sinh hiện đại, đương nhiên, có cả LỢI ÍCH của học trò thuộc 5% dân cư trước đây, nhưng then chốt của Giải pháp hiện đại là ở LỢI ÍCH lần đầu tiên có và đem đến cho cả 100% Trẻ em hiện đại.

LỢI ÍCH hiển hiện một cách trực quan cảm tính tại các thực thể gọi là CÁI. Để có được LỢI ÍCH đích đáng nhất, học sinh phải thực có CÁI gì? Câu hỏi này bao hàm cả câu hỏi thứ hai: bằng CÁCH nào để có CÁI đó? Vậy là, rút cục, Giải pháp giáo dục thâu tóm vào hai chữ: CÁI/CÁCH.

Cả CÁI lẫn CÁCH đều mới, đều là những cái CÓ chưa hề có trong quá khứ, không thể tổng kết kinh nghiệm từ những cái CÓ và KHÔNG của nền giáo dục cho 5% dân cư mà xác lập được CÁI / CÁCH của nền giáo dục cho 100% dân cư, giống như không thể tổng kết kinh nghiệm làm hàng triệu quả bom thường mà làm ra được một quả bom nguyên tử!

Với nền giáo dục hiện đại, một CÁCH làm mới, gọi là công nghệ giáo dục/công nghệ học, chỉ có thể ra đời và hình thành trong hoàn cảnh lịch sử của chính nó, từ nửa sau thế kỷ XX.

y.. Giải pháp hai chữ CÁI/ CÁCH dựa trên những thành tựu tâm lý học nửa sau thế kỷ XX, khi đã nhận ra một cách tường minh quá trình chuyển vào trong và còn nhận thức cụ thể hơn các giai đoạn chuyển vào trong. Tôi mô tả các thành tựu ấy bằng công thức giản đơn: A → a.

A ở bên ngoài đầu óc học sinh

a ở trong đầu học sinh

→ quá trình chuyển vào trong.

Về bản chất, các thực nghiệm giáo dục từ năm 1960 đến nay đều triển khai theo công thức ấy.

Chọn A vì LỢI ÍCH của học sinh hiện đại, trong đó có cả A cổ truyền với tư cách một nhân tố trong A hiện đại. Ví dụ, chúng tôi đưa hệ đếm và phép toán đại số vào lớp Một, để học sinh thấy được hệ thập phân chỉ là một, chứ không phải duy nhất, còn các phép tính số học chỉ là các biểu hiện cụ thể trên vật liệu số của phép toán. Cũng tương tự, chúng tôi lấy cấu trúc ngữ âm của Tiếng làm A cho Môn Tiếng Việt lớp Một, còn chữ chỉ là một vật thay thế.

Chọn CÁI A chưa hề có, xác lập CÁCH → chưa hề có, để có được a trong đầu mỗi em học sinh, đấy là cốt lõi vật chất của Giải pháp giáo dục. Cả ba thành tố của công thức đều phải được làm ra thì trước hết hãy làm bằng phương thức thực nghiệm trên học sinh bình thường, đấy là sự sống, sức sống và lẽ sống của Trường thực nghiệm.

Trường thực nghiệm như một chiếc van an toàn lắp vào Giải pháp giáo dục: Dựa trên số nhỏ học sinh trường Thực nghiệm có thể thiết lập một Mô hình giáo dục cho hàng triệu học sinh cả nước.

Vì tình yêu vô hạn dành cho Trẻ em,

Vì tin rằng lớp lớp trẻ em hiện đại sẽ làm rạng danh đất nước Việt Nam ta, làm rạng danh các thế hệ ông cha từng được nhân loại coi là trí tuệ và lương tâm của thời đại,

Vì muốn cho Trẻ em hiện đại được hưởng hạnh phúc và niềm vui đi học, hưởng một nền giáo dục xứng đáng, tôi còn sức còn làm tiếp những việc dang dở, rồi phải tìm một mảnh đất mới để

– mở trường Thực nghiệm mới,

– lập cơ quan nghiên cứu khoa học mới.

Tháng 5 năm 2009, chúng tôi đã thành lập Viện Công nghệ giáo dục, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam.

Viện Công nghệ giáo dục do tôi làm viện trưởng vẫn đi theo Hướng ấy, vẫn làm theo Cách ấy và dùng Đề cương 9 điểm để thiết kế một Giải pháp giáo dục cho đầu thế kỉ XXI.

Cuối cùng, xin thưa cùng các bạn, Hồ Ngọc Đại chỉ là cái tên ước lệ để tiện nhận mặt những sản phẩm làm ra bằng công sức và tấm lòng của cán bộ, giáo viên, nhân viên, cộng tác viên, của học sinh, của cha mẹ học sinh, ở Hà Nội và ở các địa phương khắp ba miền đất nước. Một cá nhân sao có thể xây lên toà tháp đồ sộ đến thế, thế mà tháp ấy người ta vẫn gọi ước lệ là tháp Eiffel đấy thôi !

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)