GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC – Từ góc nhìn triết học

Cho đến nay, xu hướng cơ bản, thậm chí độc tôn trong giáo dục là cải tiến cái hiện có (còn nói là cải cách, đổi mới, chấn hưng…), mà không hề biết đến giới hạn nguyên lý của mọi sự cải tiến.

Cải tiến cày chìa vôi mà thành máy cày ư? Cải tiến đèn dầu mà thành đèn điện ư? Họ cũng không biết quan hệ máu thịt giữa nền giáo dục và Cuộc sống thực: Cày chìa vôi là anh ruột của nền giáo dục “cày chìa vôi”; đèn dầu là anh ruột của nền giáo dục tù mù, chập chờn trước mỗi cơn gió thoảng; đèn điện là anh ruột của nền giáo dục vẫn sáng chói trước giông bão cuộc đời. Họ thấy sờ sờ bằng mắt trần, trong Cuộc sống thực, có cả cày chìa vôi lẫn máy cày, có cả đèn điện lẫn đèn dầu, thế mà họ vẫn cứ la làng lên rằng đèn điện phủ định sạch trơn đèn dầu, rằng máy cày phủ định sách trơn cày chìa vôi. Tôi biết, họ từng nghe nói vài thuật ngữ triết học như là “phủ định”, nhưng lại không hiểu mô tê ra răng, mới nói bừa rằng “phủ định sạch trơn”, chỉ để chứng tỏ rằng mình không hề biết một phạm trù triết học, gọi là “phủ định biện chứng”. Máy cày phủ định (biện chứng) cày chìa vôi. Đèn điện phủ định (biện chứng) đèn dầu. Và nhân thể xin nói luôn, nền giáo dục hiện đại phủ định (biện chứng) nền giáo dục hiện hành. Bằng phương thức “phủ định biện chứng”, lịch sử tạo ra cái mới, cái lần đầu tiên có, thực hiện “bước nhảy sinh mệnh” từ không sang , tạo ra sự phát triển.
Phạm trù phát triển của triết học biện chứng nêu lên sự chuyển hoá trong quá trình vận động, làm nảy sinh và hình thành cái mới, xác lập một trình độ phát triển của phạm trù người.
Phạm trù người được hình thành, tính từ khi người nguyên thuỷ biết lấy hòn đá sắc cạnh chặt một cành cây làm gậy khều, để kéo dài tầm thước tự nhiên của cơ thể trời cho, tức là biết lao động. Hegel rồi Marx đều nói rằng loài người tự sinh ra mình bằng lao động.
Lao động (quá trình lao động) ngay từ thuở nguyên sơ đã thực thi bằng Sức lao động và ngay từ đầu, sức lao động đã gắn với công cụ (hòn đá sắc cạnh) hay phương tiện (đòn bẩy). Bằng Sức lao động, loài người tạo ra sự phát triển của chính mình. Quá trình phát triển diễn ra theo chiều từ trừu tượng đến cụ thể. Bản thân sức lao động ban đầu ở điểm xuất phát, cũng còn là một thể đồng nhất trừu tượng (là sức lao động nói chung). Rời khỏi điểm xuất phát, bước phát triển đầu tiên có được từ sự phân hoá theo giới tính. Sự phân công lao động theo giới tính là dấu hiệu đáng tin cậy nhất về bản chất xã hội của sức lao động. Lịch sử càng khẳng định dứt khoát bản chất xã hội này, khi sức lao động phân hoá thành Sức lao động chân tay (vật chất) và sức lao động trí óc (tinh thần). Là kẻ sinh sau, sức lao động trí óc ngày càng trở nên nhân tố quyết định sự phát triển của phạm trù người. Sẽ không mắc một sai lầm nhỏ nào về lý thuyết, nếu đem sự phát triển của sức lao động trí óc gắn với sự phát triển của tư duy (trí khôn). Đến lượt mình, sự phát triển của tư duy tạo ra sự phân hoá mới, thành tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa và tư duy khoa học.
Tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa hình thành tự nhiên như phù sa lắng đọng tự nhiên, ngay trong cuộc sống thường ngày, trong những điều kiện ổn định, với phương thức thửsai. Cứ thử đi, có thể đúng, có thể sai. Sai thì làm lại cho đúng. Đúng lần này, lần sau lại có thể sai. Sai thì sửa cho đúng. Lao động bằng trí khôn kinh nghiệm chủ nghĩa đã sáng tạo và hoàn thiện các công cụ thủ công và đồ dùng sinh hoạt, cùng với các thao tác tay chân, tổng hợp lại thành các khái niệm kinh nghiệm chủ nghĩa: Khái niệm đũa – thao tác (dùng) đũa; khái niệm kéo – thao tác (dùng) kéo… Sống trong lòng cuộc sống của loài người, sống chung với người lớn, trong 5-6 năm đầu đời, trẻ em đã học được một số lượng khổng lồ các khái niệm kinh nghiệm chủ nghĩa đủ dùng suốt đời, chừng nào cuộc sống thực nói chung còn đồng nhất (trừu tượng) với cuộc sống thường ngày ở nhà. Lúc ấy, không cần đi học, người ta vẫn sống bình thường và họ vẫn còn sống bình thường, chừng nào sức lao động chỉ cần trí khôn kinh nghiệm chủ nghĩa và các thao tác tay chân (lao động chân tay) mà trẻ em có thể học tại chỗ, học ở nhà. Lúc ấy, quá trình lao động còn đầy bí hiểm, với những “bí mật tay nghề” mà các lão nông và thợ cả có thì có thật, nhưng không biết vì sao có, có bao nhiêu. Mãi sau này, Đại công nghiệp mới đủ trí khôn để xé toang bức màn che giấu “bí mật tay nghề”, bằng cách phân giải quá trình sản xuất ra các nhân tố cấu thành nó, ngay tại nó. Cách làm này đem lại hai hệ quả, một, tạo ra sự phân công lao động triệt để, đến tận từng cá nhân, như từng mắt khâu trong cả dây chuyền, buộc mỗi mắt khâu phải lấy sự tồn tại của cả dây chuyền làm lẽ sống của chính mình (mình vì mọi người); hai, hình thành một kiểu tư duy mới với một nguyên lý mới, tư duy khoa học.
Tư duy khoa học vừa là kẻ thực thi, vừa là sản phẩm của sức lao động trí óc, với công cụ và phương tiện là các khái niệm khoa học. Có thể nhận ra sự khác biệt về nguyên lý giữa tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa và tư duy khoa học bằng một ví dụ nước. Ai cũng biết chắc đó là nước, không nhầm với rượu, với dầu… nhưng không thể lý giải, vì sao đúng là nước. Còn tư duy khoa học thì phân giải nước, ngay tại nó, thành các nhân tố cấu thành nó, – hoá ra nước là hợp chất của hai chất khí dễ cháy: H2O. Với năng lực “phân giải” này, khoa học có thể chuyển thành công nghệ và bằng công nghệ làm ra sản phẩm tất yếu, mà khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Đã có khoa học – công nghệ làm ra những sản phẩm vật chất thì sớm muộn gì rồi cũng có, tất yếu phải có khoa học – công nghệ làm ra những sản phẩm tinh thần, thế nên, một khi thế kỷ XVIII đánh dấu sự thắng lợi dứt khoát của Đại công nghiệp (đối với tiểu nông – tiểu thủ công) thì cũng từ thế kỷ XVIII, đã xuất hiện một “anh hùng thời đại” của Phạm trù người, – Phạm trù cá nhân.
Là một “anh hùng thời đại”, Phạm trù cá nhân chi phối tất cả các phạm trù còn lại trong Cuộc sống thực hiện đại. Phạm trù cá nhân là cơ sở triết học của nền Dân chủ trong đời sống xã hội, tạo ra sự bình đẳng giữa mọi người (với tư cách cá nhân). Sự bình đẳng này có một hình hài vật chất trên Thị trường (giữa chợ) với tư cách Hàng hoá, – hàng hoá nào cũng là hàng hoá, không có bất cứ sự phân biệt nào về nguồn gốc xuất thân, về quốc tịch và dân tộc, về nơi sinh và nơi ở… Mỗi cá thể – hàng hoá tự khẳng định mình ngay tại mình bằng giá trị của chính mình. Giá trị này chẳng qua là giá trị của Sức lao động làm ra nó.
Từ thời hoang sơ, ở điểm xuất phát của lịch sử (cũng là của lôgic), bằng Sức lao động (chứ không phải bằng Lao động) loài người tự sinh ra mình với tư cách Loài, dưới hình thái triết học Phạm trù người, với một Sức lao động nói chung, trừu tượng. Càng đi xa điểm xuất phát, nhất là khi Sức lao động phát triển đạt đến sự phân hoá thành Sức lao động chân tay và Sức lao động trí óc, thì Sức lao động trí óc trở thành “anh hùng thời đại”, kẻ thai nghén, sinh ra và nuôi dưỡng Phạm trù cá nhân.

Lấy Sức lao động cá nhân làm tiêu chí, Phạm trù cá nhân xoá bỏ mọi đẳng cấp xã hội không trực tiếp gắn với quá trình sản xuất vật chất, rồi xác lập các đẳng cấp sức lao động.
Lấy Sức lao động làm căn cứ, có thể giải thích, vì sao trước đây 95% dân cư thất học mà vẫn sống bình thường, thế mà ngày nay chỉ để sống bình thường thôi, tất cả 100% dân cư phải đến trường. Thời nào cũng vậy, trong triết học, trong giáo dục hay trong đời, loài hay cá thể (cá nhân) đều lấy Cuộc sống thực làm nơi đi và nơi đến cho cả hành động lẫn tư duy. Bản thân Cuộc sống thực cũng là một thực thể sống, luôn luôn vận động và phát triển. Trước đây, khi Phạm trù người còn kém phát triển, cuộc sống thực của Trẻ em đồng nhất với Cuộc sống ở nhà. Ngày nay, khi Phạm trù người phát triển đến Phạm trù cá nhân thì Cuộc sống thực của Trẻ em phân hoá thành Cuộc sống ở nhà (như xưa) và Cuộc sống ở trường (hiện đại). Sự phát triển của cả hai Phạm trù đều phải cần đến sức mạnh thực có của Sức lao động. Thời nào cũng vậy, Cuộc sống thực phát triển đến trình độ nào cũng vậy, mỗi cá thể người phải tự tạo cho mình Sức lao động để sống (như tự tạo ra máu để sống). Sống cuộc sống thô sơ thì chỉ cần sức lao động thô sơ, khiến cho các cá nhân chênh nhau không đáng kể, đều hao hao nhau. Từ khi Sức lao động nói chung phân hoá thành Sức lao động chân tay và Sức lao động trí óc, thì kẻ sinh sau (Sức lao động trí óc) trở thành “anh hùng thời đại”, tạo ra sự khác biệt rất lớn giữa các cá nhân, đến nỗi mỗi cá nhân là một bản duy nhất trên đời.
Sinh ra, xét theo Phạm trù người, tất cả Trẻ em đều có 99,9% số gene giống nhau, tức là cùng là những thực thể trừu tượng như nhau ở ngay điểm xuất phát. Thế rồi, sống trong đời, càng phát triển thì mỗi Trẻ em càng trở thành một cá nhân có một không hai trên đời. Sự kiện đó, về mặt triết học, nói lên tiến trình từ Phạm trù người phát triển thành Phạm trù cá nhân, còn về mặt thực tiễn, sự kiện đó nói lên một cách thuyết phục nhất vai trò của giáo dục và tự giáo dục đối với mỗi cá nhân.
Từ xa xưa, xét theo Phạm trù người, loài người tự sinh ra mình bằng Sức lao động, còn xét theo Phạm trù cá nhân, mỗi cá nhân tự sinh ra mình bằng Sức lao động cá nhân.
Ngày nay, ở trình độ nền văn minh hiện đại, khi Phạm trù cá nhân là “anh hùng thời đại”, thì Sức lao động cũng có “anh hùng thời đại” của mình, là Sức lao động trí óc.
Sức lao động trí óc vừa là Lẽ sống vừa là Sức sống của cá nhân hiện đại, thì cũng là Lẽ sống và Sức sống của nền giáo dục hiện đại. Một, để có Sức lao động trí óc hiện đại, Trẻ em phải được hưởng nền giáo dục hiện đại. Hai, bằng CÁCH nào giáo dục làm cho em có được Sức lao động trí óc, thì cũng chính bằng CÁCH ấy em tự sinh ra mình, tự trở thành chính mình, thành một cá nhân duy nhất, có một không hai trong xã hội hiện đại.
Loài người tự sinh ra mình. Mỗi cá nhân hiện đại tự sinh ra mình. Đó là vấn đề cơ bản nhất về lý thuyết, định hướng cho tư duy giáo dục hiện đại và cho việc tổ chức các hoạt động thực tiễn giáo dục.

Hồ Ngọc Đại

Tác giả

(Visited 32 times, 1 visits today)