Giai thoại

"Hiệu ứng Pauli" và "siêu hiệu ứng Pauli"

Các đồng nghiệp của Wolfgang Pauli luôn muốn nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng này tránh xa các thiết bị thí nghiệm của họ. Bởi vì, theo như họ kể lại, chỉ cần Pauli xuất hiện trong phòng thí nghiệm thì y như rằng phải có ít nhất một cái gì đó trở nên hỏng hóc: điện sẽ mất, các ống chân không sẽ bị rò, các dụng cụ sẽ đổ vỡ hoặc trục trặc… Thành ra, những hiện tượng lạ mà liên quan đến Pauli như vậy được các nhà thực nghiệm gọi là “hiệu ứng Pauli”.
Có một ngày, những thiết bị thí nghiệm quan trọng ở phòng thí nghiệm của giáo sư James Frank thuộc Viện Vật lý Đại học Gottingen bỗng nhiên tan tành hết cả mà không rõ lý do. Nhưng lúc ấy thì Pauli đang trên đường đến Đan Mạch, và vấn đề là ở chỗ ông đã không hề bước vào phòng thí nghiệm. Về sau người ta mới phát hiện ra rằng, chính xác vào thời điểm mà thảm họa xảy ra với phòng thí nghiệm của Frank thì chuyến tàu trở Pauli từ Zurich đến Copenhagen đã dừng lại ở nhà ga Gottingen để đón khách. Đúng là “siêu hiệu ứng” !
Bài tập về nhà của Einstein

 

Einstein đã dành cả hai chục năm cuối đời để theo đuổi mục tiêu dung hòa vật lý lượng tử và lý thuyết tương đối. Tuy nhiên ông đã không đạt đến được cái gọi là “Lý thuyết Trường Thống nhất”, nó đã từng là một giấc mơ lớn của ông. Có lần ông đã tình cờ nói với một đồng nghiệp rằng ông đang gần chạm tay vào “một khám phá vĩ đại nhất từ trước tới giờ”, nhưng chỉ hai tuần sau ông đã phải nói chữa lại rằng, “cái công việc ấy đã chẳng nên cơm cháo gì cả”.
Một ngày trong những năm cuối đời buồn bã, Einstein nhận được một bức thư của một cô bé 15 tuổi nhờ ông giải hộ bài tập về nhà. Cô bé đã mau chóng nhận được một sự trả lời vô cùng kỳ lạ: một trang giấy toàn những hình vẽ khó hiểu, cùng với một lời an ủi: “Cháu đừng nên lo lắng về những khó khăn trong môn toán của mình”, Einstein nói với cô bé, “bác đảm bảo với cháu rằng, những khó khăn của bác còn lớn hơn những khó khăn của cháu nhiều”.

Hội chứng giao hưởng số chín

 

Người ta đã thống kê như thế này: cả Beethoven, Schubert, Dvorak và Vaughan Williams (cũng như nhiều nhà soạn nhạc khác) đều qua đời sau khi sáng tác giao hưởng số chín.
Các nhà âm nhạc học cũng đã có rất nhiều điều để kể về “hội chứng giao hưởng số chín” này: Mahler, vì quá mê tín với số chín nghiệt ngã nên đã cố gắng hoàn thành thật nhanh bản giao hưởng số mười – nhưng dường như không thể thoát khỏi định mệnh – ông đã mất ngay khi đó. Bruckner, mặc dù đã cố gắng tránh “lời nguyền về con số chín” bằng cách đánh số hai giao hưởng đầu tiên của mình là 00 và 0, nhưng ông cũng đã qua đời ngay trong khi đang viết bản giao hưởng thứ chín của mình. Còn Sibelius thì sao? Có vẻ như ông đã rất sáng suốt khi dừng lại ở giao hưởng số tám (trên thực tế thì Sibelius chỉ công bố chính thức 7 bản giao hưởng), và ông đã sống thêm được tới 33 năm.
 Người sành điệu

 

Johannes Brahms một lần được mời ăn tối bởi một người rất sành điệu về rượu. Rất vinh dự khi được đón tiếp nhà soạn nhạc, người đàn ông này quyết định mở một trong những chai rượu quý nhất của mình. Ông ta trịnh trọng nói với tất cả các quan khách: “Đây chính là Brahms trong hầm rượu của tôi”.
Brahms khẽ gật đầu, cẩn thận nếm thử rượu một cách rất sành sỏi, ông lắc cái ly, hướng nó về phía ngọn nến rồi đặt nó xuống bàn mà không nói thêm một lời nào nữa.
“Ngài thấy rượu thế nào?”, người chủ nhà hỏi với thái độ thận trọng. “Ồ được,” Brahms trả lời rất bình thản,”nhưng tốt hơn là hãy mang Beethoven của ông ra đây!”.

P.V

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)