GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO CẤP ĐỊA PHƯƠNG Ở VIỆT NAM TRÊN ĐƯỜNG HỘI NHẬP – THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC

Tốc độ hội nhập và toàn cầu hóa trên thế giới diễn ra ngày một nhanh  khiến giáo dục đại học Việt Nam (cấp bộ ngành trung ương) đối diện với 3 vấn đề lớn: - Đại chúng hóa giáo dục đại học, - Công bằng, bình đẳng trong giáo dục đại học và  - Việc ứng dụng công nghệ thông tin  trong giáo dục đại học. Với giáo dục & đào tạo cấp địa phương (bao gồm các trường ĐH, CĐ thuộc tỉnh hoặc sở Giáo dục & Đào tạo quản lý) ngoài những vấn đề chung họ còn đang phải giải quyết  biết bao vấn đề nan giải khác!

Trong bài tham luận này, chúng tôi xin trình bày những vấn đề cơ bản của giáo dục Đại học cấp địa phương ở Việt Nam trước những cơ hội lớn và biết bao thách thức khôn lường; từ đó đề xuất giải pháp kết nối, tạo nguồn lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong Giáo dục và Đào tạo Đại học ở Việt Nam.

 

IVài nét chấm phá về thực trạng hoạt động hợp tác quốc tế của các trường ĐH cấp địa phương ở Việt Nam

Khu vực khảo sát: các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

     Hiện trạng chủ yếu:

 Hoạt động hợp tác quốc tế của các trường ĐH cấp địa phương rất mờ nhạt, gần như chỉ mang tính hình thức theo kiểu “rập khuôn” nặng về mặt hành chính, chưa có những  mô hình năng động đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa và hội nhập giáo dục.

    Nguyên nhân chính:

Chưa có chiến lược phát triển Giáo dục & Đào tạo thời hội nhập triển khai từ Bộ đến địa phương, Bộ gần như thả nổi,  địa phương nào, địa phương ấy lo.

Chỉ đạo phát triển hoạt động quan hệ quốc tế trên lĩnh vực giáo dục còn dàn trải, chưa tạo ra động lực mạnh đủ sức nâng cao tầm hoạt động xúc tiến quan hệ, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực giáo dục.

Nguồn lực đầu tư cho các hoạt động quan hệ, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực giáo dục quá ít ỏi, chưa đủ sức tạo ra bước đột phá.

     Tuy nhiên, hoạt động hợp tác quốc tế của các trường ĐH cấp địa phương có vị trí rất quan trọng, không chỉ làm cơ sở nền tảng phát triển quan hệ, hợp tác quốc tế về giáo dục mà còn là đòn bẩy cho các hoạt động giao lưu văn hóa, xúc tiến trao đổi kinh tế, kêu gọi đầu tư…ở địa phương.

 

II- Thời cơ và thách thức trên lĩnh vực hoạt động hợp tác quốc tế của các trường ĐH cấp địa phương

    Thời cơ:

Hoạt động hợp tác quốc tế của các trường ĐH cấp địa phương được “luật hóa” và có chủ trương thực hiện hàng năm của Bộ, có sự lãnh đạo đúng đắn trên quan điểm giao lưu, hội nhập và toàn cầu hóa của Đảng.

Từng bước có sự phù hợp, tăng cường chất lượng, quản lý và cung cấp tài chính cho hoạt động hợp tác quốc tế. Số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên có bước chuyển biến thích ứng. Sinh viên đi du học, lưu học sinh Việt Nam ở các nước tăng nhanh ở cả hai  khối: Khối du học bằng ngân sách nhà nước và khối du học do gia đình tự lo.

      Thách thức:

Sự phát triển nhanh và yêu cầu ngày càng cao của hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế buộc các trường ĐH, CĐ địa phương phải nhập cuộc trong điều kiện nội lực còn non yếu, trường nào cũng rập khuôn cho ra đời phòng hợp tác quốc tế (thường ghép với phòng quản lý khoa học) nhưng thực chất không biết làm gì ngoài việc hàng năm lo hồ sơ, thủ tục cho vài ba SV đi du học theo diện ngân sách nhà nước.

Các hoạt động xúc tiến (trao đổi, giao lưu giảng viên, SV mà chủ yếu là du học và cử các bộ lãnh đạo đi tham quan ngoài nước) có tiến hành nhưng “nhỏ giọt” và lệ thuộc hoàn tòan vào Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Sự quan tâm của chính quyền địa phương vá các ngành chức năng còn hạn chế, nhiều thủ tục, cơ chế tạo điều kiện hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế quá rườm rà, phức tạp…

 

II-                     Giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế ở các trường ĐH cấp địa phương

1-                      Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển hợp tác quốc tế về giáo dục.

2-                      Nhóm giải pháp về mô hình, tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục.

3-                      Hợp tác quốc tế về giáo dục theo hương đa phương, đa dạng hóa.

 

Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục và để giảng viên, sinh viên đại học sẵn sàng tiếp cận các mô hình, tổ chức hợp tác quốc tế về giáo dục ĐH cấp địa phương, theo chúng tôi điều tiên quyết là cần xác định rõ lại mục tiêu hợp tác quốc tế về giáo dục. Theo tinh thần đó, trường đại học phải gắn chặt giảng dạy với nghiên cứu khoa học và tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế, trao đổi, giao lưu học thuật. hàng năm chúng ta dành không ít tiền cho các cuộc giao lưu thể thao SV Đại học ngoài nước nhưng chúng ta chưa mạnh dạn đầu tư tương tự như vậy cho công tác quan hệ, hợp tác quốc tế về giáo dục!

 

Do đó, đi đôi với việc đổi mới phương pháp dạy và học, cần phát huy tối đa  nguồn lực cho công tác hợp tác quốc tế về giáo dục theo hướng tạo ra bước chuyển mình như một cuộc “Duy Tân” thực sự. Từ đó giúp cho người học có thể hấp thu một nền giáo dục chất lượng cao, đặc biệt là rèn luyện cho sinh viên khả năng thích nghi để học tập, nghiên cứu và tìm việc làm cả trong và ngoài nước.

Vai trò của Bộ Giáo dục & Đào tạo, của các trường ĐH lớn và của chính quyền địa phương trong thời hội nhập và toàn cầu hóa cần thay đổi từ chỗ là người truyền quản lý, cấp vốn trở thành người thúc đẩy hỗ trợ quá trình xúc tiến các mối quan hệ, hợp tác quốc tế. Vai trò của công tác quan hệ, hợp tác quốc tế trong trường ĐH sẽ được nâng cao hơn so với trước đây nếu nhà trường được thỏa mãn những đòi hỏi thiết yếu của lĩnh vực công tác đặc thù và còn nhiều hạn chế này ở  các trường ĐH cấp địa phương.

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)