Giáo dục STEM: Mở hơn, nhiều lựa chọn hơn
Đỗ Hoài Nam, đại sứ của ngày hội STEM lần thứ nhất chia sẻ rằng, lí do anh ủng hộ giáo dục STEM rất đơn giản: để trẻ em có thêm một cơ hội biết mình muốn gì và đây là một phong trào sáng tạo mở của giáo dục Việt Nam. 
Lần đầu tiên tiếp xúc với máy vi tính là khi học lớp 6, tôi được gia đình đưa tới cung thiếu nhi để học lập trình BASIC trên những chiếc máy Machitosh, lúc đó, tôi chỉ biết mỗi lệnh GOTO. Cả một mùa hè, tôi chỉ tìm cách làm thế nào để vẽ được chiếc ô tô trên màn hình chỉ bằng một nét với lệnh đó. Bốn năm sau, chiếc máy vi tính đầu tiên của tôi là phần thưởng “không mong đợi” khi tôi thi đỗ vào cấp ba. Nhờ đó mà tôi bắt đầu tự học: Thấy bạn mình tự làm ra trò chơi nào là về mày mò tự lập trình bằng được. Thậm chí, tôi còn tìm cách viết phần mềm làm sao để máy tính “tự nhiên hỏng” mỗi khi thằng bạn bật máy tính lên. Những trò chơi có vẻ ngu ngốc nhưng tôi dành cho nó rất nhiều thời gian, chính là “học qua hành”, học STEM. Tại thời điểm đó, tôi không biết mình sẽ làm công nghệ. Khi lên đại học, tôi học Kiến trúc rồi chuyển sang ngành kế hoạch chiến lược (Strategic Planning) ở Úc, nhưng niềm đam mê công nghệ được nhen nhóm từ lúc nhỏ khiến tôi lại quay trở về làm công nghệ. Chính vì thế, đối với cá nhân, tôi thấy việc được tiếp xúc với công nghệ từ nhỏ có vai trò quan trọng với cuộc đời mình và tôi ước rằng, có thể biết đến nó sớm hơn nữa.
Trẻ em hiện nay tiếp xúc với công nghệ theo dạng sử dụng công nghệ thì rất sớm nhưng để hiểu nó và hiểu về mặt nguyên lý và tại sao lại làm thế để tạo ra niềm đam mê, phấn khích về mặt công nghệ thì hơi muộn. Hai tuổi các em đã chơi trò chơi trên Ipad rồi nhưng điều đó chưa tạo ra cho các em niềm đam mê là lớn lên làm ra được một sản phẩm như thế để trở thành một người kiến tạo vật chất, tạo ra một giá trị mới cho xã hội.
Đối với trẻ em, quan trọng là cho các em cơ hội để biết mình muốn gì. Cũng như bố mẹ cho các em học nhạc từ nhỏ, chưa chắc về sau em đã thành nghệ sĩ piano hay là ca sĩ. Thế thì vì chưa chắc con mình đã làm ca sĩ thì chúng ta không cho con đi học nhạc nữa? Điều cần thiết với trẻ em là phải được tiếp xúc với các thiên hướng để các em có thể tự phát triển và định hướng cho bản thân về sau. Đó là chưa nói đến việc khi trở thành người lớn, khi đã có nhiều trải nghiệm và hiểu biết thì sẽ mong muốn biết càng nhiều kiến thức càng tốt.
Hiện nay, giáo dục phổ thông của nước ta chưa dạy học sinh tại sao con người lại có nền văn minh, khác tất cả các loài vật khác, vì chúng ta luôn tập trung vào làm công cụ. Việc học qua hành của giáo dục STEM, thay vì học qua sách giáo khoa thì bằng những hành động và việc làm cụ thể, đi từ vấn đề trong thực tế đến việc sử dụng lý thuyết, sẽ dần dần tạo thói quen nghĩ và làm cho những em học sinh lớn lên sẽ luôn tập trung vào việc tạo ra công cụ. Điều này không chỉ đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ mà ở lĩnh vực nào, các em cũng xác định một phương án logic cho các vấn đề gặp phải.
Việc đáp ứng yêu cầu học đi đôi với hành của giáo dục STEM cần phải xã hội hóa. Xã hội hóa có nghĩa là không nhất thiết 100% học sinh đều cần phải học giống nhau mà tùy theo điều kiện địa phương, điều kiện kinh tế, nhà tài trợ từng khu vực, từng trường, từng giáo viên mà họ đều có thể tiếp xúc với chương trình ở mức độ khác nhau. Chương trình giáo dục STEM ở Việt Nam là sáng tạo mở về giáo dục và khoa học công nghệ, là diễn đàn để tập trung tất cả những người cung cấp giáo trình, chương trình để mọi người có thể thực hành được ở trong trường học. Nó phù hợp với thời đại OTT, khi tất cả các loại nội dung đều do người dùng đóng góp và tải lên Internet. Chương trình giáo dục STEM sẽ tạo ra một nguồn dữ liệu lớn về các chương trình, giảng viên, phương pháp dạy…để các trường có thể truy cập và chọn phương thức triển khai phù hợp. Đồng thời, đây cũng là ví dụ về sự minh bạch qua việc nội dung chương trình được công khai để phụ huynh và học sinh có thể tự đánh giá, xếp loại chương trình nào tốt, chương trình nào dở chứ không có những hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan… như bây giờ. Đó là cách để cả xã hội đóng góp và giải quyết một nền giáo dục đang có nhiều bất cập ở Việt Nam hiện nay.
Hảo Linh ghi