Giáo dục theo đối tượng và môi trường học tập
Vào những năm 2015- 2020 nhà trường phổ thông phải đón thế hệ học trò sinh ra khi kinh thành Thăng Long ngàn tuổi. Và thế hệ này khác biệt với thế hệ 8x, 9x hiện nay rất nhiều. Điều này là bình thường và có tính phổ biến ở tất cả các quốc gia. Có điều các nhà GD cần biết và tính đến sự thay đổi, khác biệt đó trong tất cả các hoạt động GD và trong suốt quá trình GD.  
Có thể thấy trong những năm gần đây, tình hình phát triển thể chất tâm -sinh lí của HS phổ thông Việt Nam đã có nhiều thay đổi, tuy chưa đạt chuẩn thế giới và chưa đồng đều ở các vùng miền khác nhau: “ Chiều cao và cân nặng của trẻ em Việt Nam đã khá hơn so với… mấy thập kỷ trước nhưng vẫn còn quá thấp so với yêu cầu. ở tuổi 15, các em gái cao trung bình 151 cm, trẻ trai 155,5cm; trong khi tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 161,8 và 169 cm (Trần Trọng Thuỷ. Các chỉ số cơ bản về sinh lí và tâm lý học sinh phổ thông. NXBGD 2006).
Trong một điều tra khác tại Việt Nam, các chuyên gia đã khảo sát gần 12.000 trẻ nông thôn ở khắp các vùng trong cả nước và 9.400 trẻ Hà Nội, tất cả ở trong lứa tuổi 0-15. Kết quả cho thấy, chiều cao và cân nặng luôn thấp hơn kích thước tiêu chuẩn mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị. Trẻ em Hà Nội cao lớn hơn hẳn trẻ nông thôn; tuổi càng lớn thì khoảng cách càng xa. Chẳng hạn, chiều cao trung bình của trẻ 5 tuổi Hà Nội hơn trẻ nông thôn 5 cm. Đến 15 tuổi, khoảng cách này là 15 cm.
Tình yêu trong học đường cũng là vấn đề cần chú ý đối với HS thời nay. Chuyên gia tâm lý Trần Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho rằng, do được hưởng thụ cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ, tâm sinh lý phát triển, tất yếu học trò có xu hướng biết yêu sớm. Tình trạng phim ảnh thiếu lành mạnh, bố, mẹ, thầy cô giáo không quan tâm đúng mức, giáo dục giới tính hạn chế, cũng làm gia tăng tình trạng “lạm phát yêu” trong học trò.”Kết quả khảo sát tại THPT Lê Hồng Phong, THPT Hàn Thuyên, Trung học thực hành ĐHSP, TPHCM cho thấy 50% học trò của 3 trường này có tiêu chí chọn người yêu phải giàu có, 28% thừa nhận sẽ bỏ bê học hành nếu tình yêu không được chấp nhận, 24% đồng ý sống thử trước hôn nhân. Học trò ngày nay không còn yêu cảm tính, trong sáng theo kiểu “rung động đầu đời” nữa. Yếu tố vật chất, tình dục xuất hiện đáng báo động. Cứ theo đà này, tình yêu học đường sẽ bị Âu hóa hoàn toàn”.
Không chỉ tình yêu nam – nữ mà hiện nay đã xuất hiện hiện tượng đồng tính luyến ái khá phổ biến. Theo nghiên cứu gần đây cũng của trường ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh, khi khảo sát 300 HS ở 3 trường THCS và THPT tại thành phố, có tới 25% HS dự đoán rằng tỉ lệ đồng tính ở trường mình là hơn 10%. “Theo ước tính của thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Quốc Chinh, Phó giám đốc
Trong những năm tới, chúng tôi cho rằng, với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội như Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế -xã hội quốc gia đã nêu: “đến năm 2010, GDP cao gấp hơn 2,1 lần so với năm 2000, đến năm 2020 cao gấp 4 lần so với năm 2000 và 8 lần so với năm 1990. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.050 – 1.100 USD, đến năm 2020 sẽ tăng từ 3,3 – 3,6 lần so với năm 2000” thì tình hình phát triển thể chất-tâm-sinh lí của HS sẽ được cải thiện nhiều và sẽ tạo nên sự khác biệt rất lớn. Sự khác biệt ấy có thể thấy ở một số nét chính sau đây:
Đó là những HS phát triển khá hài hoà và toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Về cơ bản vấn đề ăn và mặc không còn là sự trăn trở, thậm chí bị de dọa như trước. Ước mong “Ăn no, mặc ấm” về căn bản đã đạt được. Một bộ phận khá lớn HS, thanh, thiếu niên đã hướng tới mức sống “ăn ngon- mặc đẹp”, một bộ phận khác, chủ yếu ở các đô thị lớn, có điều kiện hơn, đã hướng tới mức “ ăn lạ, mặc mốt”… Do điều kiện vật chất trên nên sức khoẻ của HS cũng đã được cải thiện nhiều. Đại bộ phận phát triển bình thường về cân nặng và chiều cao; ở những thành phố lớn hội chứng béo phì gia tăng. Do sự phát triển nhanh, đủ chất dinh dưỡng nên cơ thể sinh lí và tâm lí của HS cũng thay đổi. Tuổi dậy thì sớm hơn. Vấn đề tình yêu, tình dục trong nhà trường phổ thông, nhất là những năm cuối trung học cần được chú ý. Văn hoá nghe nhìn, các phương tiện thông tin liên lạc, giải trí trên mạng internet sẽ đa dạng, tiện nghi và hiện đại hơn nhiều. Việc học ở trường với SGK và bài giảng của thầy chỉ là một trong nhiều nguồn thông tin khác. Giáo viên nếu không được đào tạo sẽ lạc hậu hơn HS rất nhiều về thông tin và cập nhật thông tin; kĩ năng ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Quan niệm thẩm mĩ, sự nhận thức về cái thiện, cái cao cả, cái hài, cái bi, tính nhân đạo, lòng tin… có thể khác nhiều so với thế hệ 8x- 9x của thế kỉ XX.
Học sinh trong thời hiện đại đang thay đổi khác hẳn với học sinh thời trước. HS thời trước, quanh năm học bị giam trong bốn bức tường, ngồi yên nghe GV giảng, công cụ dạy và học chủ yếu là bảng đen, phấn trắng và mấy cuốn SGK… Học sinh thời đại số, thời mạng và @ quen làm nhiều việc một lúc, đồng thời nghe nhạc, nói điện thoại và dùng máy tính. Họ mang tính chất tự học và tự tìm hiểu vấn đề nhiều hơn. Học và chơi gammes trên máy tính thực tế trở thành một phần của việc giáo dục con người. Cũng như nhiều nước phát triển tình trạng HS ít đọc các tác phẩm cổ điển, ham mê các trò chơi điện tử trên mạng, thích bày tỏ quan niệm, thái độ, suy nghĩ trên diễn đàn mạng, trên các Blog. Kèm theo thế giới điện ảnh võ thuật, phim truyện chưởng, phim hành động, phim kinh dị, trò chơi cảm giác mạnh… xu hướng bạo lực trong học đường cũng cần được cảnh báo. Chính vì thế giáo dục công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) rất cần được coi trọng cả hai mặt (những lợi ích và những tác hại, nguy hiểm) đối với HS trong nhà trường phổ thông.
Bên cạnh sự thay đổi của đối tượng người học, cũng cần tính đến bối cảnh toàn cầu hoá đang diễn ra rất nhanh, đang làm phẳng thế giới, tạo ra môi trường học tập khác hẳn truyền thống và ảnh hưởng rất lớn đến phương pháp học tập của thế hệ HS thời hiện đại. Friedman trong “Thế giới phẳng” nhận xét: “Kĩ năng đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần có trong một thế giới phẳng là khả năng “học phương pháp học”- nghĩa là thường xuyên tiếp thu và học hỏi những phương pháp mới để làm những công việc cũ hay những phương pháp mới để làm những công việc mới… Trong một thế giới như vậy không chỉ kiến thức mà cả phương pháp học hỏi của bạn mới tạo ra giá trị riêng. Bởi những kiến thức bạn có ngày hôm nay sẽ trở nên lỗi thời nhanh hơn bạn tưởng nhiều”.
Môi trường học tập mới trong thế giới phẳng sẽ làm thay đổi khá nhiều quan niệm về năng lực và trí thông minh của HS. “Trong một thế giới phẳng, chỉ số thông minh (IQ- Intelligence Quotient) vẫn quan trọng, nhưng chỉ số hiếu học (CQ- Curiosity Quotient) và chỉ số đam mê ( PQ- Passion Quotient) còn quan trọng hơn. Có thể diễn đạt bằng phương trình CQ + PQ > IQ: sự hiếu học cộng với lòng đam mê quan trọng hơn trí thông minh.
Về sinh học, chúng ta đều biết, bán cầu não trái điều khiển tư duy về trật tự, tuyến tính, logic và phân tích. Bán cầu não phải điều khiển cách biểu lộ cảm xúc và tư duy tổng hợp. Việc tập trung rèn luyện để phát huy sức mạnh của bán cầu não nào là rất quan trọng và liên quan đến mục tiêu dạy học. Trong bài báo nổi tiếng Một tư duy mới: sự chuyển đổi từ thời đại thông tin sang thời đại khái niệm, Daniel Pink viết:
“Mãi gần đây, bán cầu não trái vẫn còn chi phối khả năng thành công trong học tập, công việc hay kinh doanh. Ngày nay năng lực đó vẫn cần thiết, song không còn đủ nữa. Trong một thế giới bị đảo lộn bởi việc cho thuê làm bên ngoài, tràn ngập thông tin và đầy rẫy các sự lựa chọn, thì những khả năng quan trọng nhất gần với các đặc tính của bán cầu não phải hơn. Đó là khả năng cảm thụ nghệ thuật, biết cảm thông, có tầm nhìn rộng và khát vọng lớn.”
“Để thành công cần bổ sung khả năng suy tưởng cao và sự mẫn cảm cao. Nghĩa là tạo ra các vẻ đẹp thẩm mĩ và xúc cảm…” Daniel Pink rút ra kết luận.
Chúng tôi cho rằng những nhận xét và kết luận của Daniel Pink và Friedman đã nêu trên là rất quan trọng và có ý nghĩa trong việc xác định mục tiêu và phương pháp giáo dục trong giai đoạn tới. Cụ thể là, nhà trường phổ thông trong giai đoạn tới không chỉ chú ý khả năng tư duy lo-gic, biện chứng… mà cần lưu ý hình thành “khả năng suy tưởng, sự mẫn cảm”, những “ vẻ đẹp thẩm mĩ và xúc cảm”. Trong thế giới hiện đại, điều này còn quan trọng hơn cả tư duy phân tích- logic.