Giáo dục trong kỷ nguyên của bất định
Trước 2020, người ta đã nói không ít đến sự bất định. Nhưng phải đến khi thế giới trải qua những ngày ‘chưa từng thấy’, vượt xa mọi sự tưởng tượng do đại dịch COVID hoành hành, có lẽ sự hình dung về bất định mới trở nên rõ ràng hơn. Phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội dẫn tới sự đình trệ, ngừng hoạt động trên quy mô toàn cầu; chúng ta ngỡ ngàng trước những gì xảy ra, không biết liệu có thể trở lại trạng thái bình thường như trước và khi nào. Ý niệm về sự bất định trở nên hiển hiện, không còn mơ hồ. Câu hỏi lớn đặt ra đối với nhân loại, đặc biệt là với thế hệ trẻ, là chúng ta sẽ ứng xử thế nào, và chuẩn bị ra sao cho một thế giới càng ngày càng khó đoán trước.
Tranh của Foreignpolicy.
Bất định: Biết hay không biết?
Khi đối diện với những điều ‘bất định’, ta thường lo lắng, thậm chí có phần sợ hãi, hoang mang, nghi hoặc trong khi luôn khát khao dự đoán được những điều sẽ xảy ra. “Bất định”, theo nghĩa thông thường, là “không xác định được” hay “không xác định được trước”, mà như vậy hiển nhiên, sự bất định thời nào cũng có. Dẫu vậy, cái cách bất định được diễn giải, nhận thức có thể rất khác nhau, dẫn tới cách thức, thái độ phản ứng, ứng phó với bất định khác nhau. Quan trọng là bất định ở thời đại này cần và nên được hiểu như thế nào, và với tất cả những công cụ đương đại, chúng ta cần phải đối xử với bất định như thế nào.
Trong bài viết này, “bất định” được soi chiếu từ lăng kính khoa học qua liên hệ với các khái niệm khoa học: “Nguyên lý Bất định” (Uncertainty Principle) [4] nổi tiếng trong Vật lý Lượng tử của Heisenberg (1927) và “Độ bất định của phép đo1” (Uncertainty of Measurement) trong Đo lường học quốc tế [1].
Chúng ta đều đã biết, đo lường quốc tế đòi hỏi tính chính xác ngặt nghèo và tính khách quan dù đây là một quá trình “quan sát” mang tính chủ động của con người và là sản phẩm của quá trình phân tích các kết quả quan sát có logic (lý tính). Khoa học đo lường kỹ thuật hiện đại [1], đưa ra khái niệm “Độ bất định của phép đo (U)”2 (the uncertainty of the measurement) để “phản ánh sự hiểu biết không đầy đủ về giá trị của đối tượng đo” mà sự thiếu hiểu biết này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan, như việc định nghĩa chưa đầy đủ về đối tượng đo, hạn chế của công cụ và phương pháp đo, hay các vấn đề thiên lệch cá nhân của người đo… Kết quả đo là thông tin về đối tượng được biểu diễn bằng một hàm phân bố xác suất. Chúng ta không thể đưa ra một giá trị đo cụ thể mà chỉ biết một khoảng giá trị với mật độ xác suất của mỗi giá trị. Độ bất định là một tham số bổ sung cho kết quả đo mà ta có thể ước lượng được độ lớn của nó, biết được các “nguồn” gây ra nó và tỉ lệ đóng góp của mỗi “nguồn” này vào độ bất định chung (GUM 1995). Điều này có nghĩa độ bất định là có thể kiểm soát được trong một phạm vi nhất định bằng cách tìm hiểu và kiểm soát các yếu tố gây ra bất định.
Tuy nhiên có thể kiểm soát U được đến mức nào là một câu hỏi không dễ trả lời. Liệu U có thể tiệm cận về zero được không? Nguyên lý Bất định của Heisenberg trong Vật lý lượng tử hiện đại phát biểu rằng một cách khách quan luôn tồn tại các cặp đại lượng Vật lý (X, Y) đối ngẫu với nhau (ví dụ vị trí – động lượng của một hạt) của đối tượng mà tích hai phương sai khi đo đồng thời hai đại lượng này luôn luôn lớn hơn hoặc bằng một hằng số (hằng số Planck h = 6,635.10-34 Js). Ví dụ với (X, Y) = (x, p) là vị trí-động lượng của một hạt: σx.σp≥h. Nghĩa là càng cố gắng xác định chính xác đại lượng này (giảm độ bất định) thì sẽ phải trả giá bằng sự kém chính xác của đại lượng kia (độ bất định tăng lên). Nguyên lý này gợi ý rằng bất kỳ một đối tượng đo nào cũng chứa đựng những thông tin mà không thể cùng lúc xác định giá trị chính xác. Điều này có nghĩa rằng, cho dù chúng ta có nỗ lực đến đâu đi chăng nữa để kiểm soát U cũng không thể loại trừ được U. Luôn luôn có những bất định mang tính khách quan mà chúng ta cần phải sẵn sàng đón nhận.
Như vậy, không phải chờ đến thế kỷ 21 mới có bất định, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, thế giới đã trở nên ‘phẳng’ và ‘ảo’ với mạng Internet và các ứng dụng công nghệ truyền thông thông tin, các sự ‘bất định’ lan truyền với tốc độ chóng mặt và xảy ra trên quy mô lớn hơn. Đây là những thách thức chưa từng có, và cơ hội chỉ đến nếu chúng ta nắm vững và làm chủ tri thức. Chưa kể thế giới đương đại càng ngày càng ẩn chứa đa liên kết phức tạp, ‘bất định’ cũng trở nên phức tạp bội phần.
Hành trang cho những người trẻ
Hai năm qua, thế giới, không phân biệt giàu nghèo, phát triển hay đang phát triển, đã và đang phải vật lộn để chống lại dịch bệnh. Đứng trước những quyết định sinh tồn cá nhân và cộng đồng như tiêm hay không tiêm vaccine phòng COVID-19, đeo hay không đeo khẩu trang, giãn cách hay không giãn cách vv., chúng ta, cả với tư cách cá nhân lẫn cộng đồng, lúng túng và chia rẽ. Đã có những trả giá, bằng tính mạng của hàng triệu người. Ở những thời điểm đỉnh điểm của đại dịch, mỗi ngày có hàng ngàn thông tin hỗn độn từ đủ các loại nguồn khác nhau với nhiều thuyết âm mưu lan truyền. Năm 2020, vài tháng sau khi COVID-19 bùng phát, đã xảy ra hàng loạt vụ phá cột phát sóng truyền thông ở Anh, Hà Lan, Bỉ, Ai-len… do một số người dân tin rằng virus lây lan qua mạng truyền thông không dây 5G [5]. Ở Việt Nam, trong lúc y học chưa có câu trả lời chính thức, rõ ràng, cụ thể về virus, cơ chế lây truyền hay các giải pháp y tế, đã xuất hiện nhiều ‘thầy lang’ chữa COVID-19 bằng mẹo vặt. Chúng ta cần gì để có thể tự vệ?
Cần mang theo những gì để chuẩn bị cho những sự ‘bất định’?
Hành trang ‘kiến thức’ của người trẻ
Đối với bất cứ ngành nào, kiến thức cốt lõi của ngành là đương nhiên. Tuy nhiên thế giới hiện đại cho thấy không thể chia tách các ngành, các lĩnh vực, mà chúng tồn tại ràng buộc, lệ thuộc, tương tác với nhau. Do vậy, bên cạnh kiến thức cốt lõi của ngành, còn cần phải nắm bắt được kiến thức của các ngành gần, các ngành liên quan. Giảm bớt sự chia tách là hạn chế bất định. Các vấn đề xã hội hiện đại đòi hỏi các giải pháp liên ngành, do vậy kiến thức liên ngành ngày càng trở nên quan trọng. Câu chuyện của giải pháp liên ngành đã được nhắc tới từ nhiều năm nay trở nên hiển hiện nhất trong đại dịch COVID-19. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, chống dịch cấp quốc gia và trên toàn cầu là bài toán không thể giải chỉ bằng các mô hình dịch tễ hay các giải pháp y tế, mà còn đòi hỏi các tính toán về công bằng, an sinh xã hội, về tâm lý xã hội và cách tiếp cận cộng đồng.
Ngoài kiến thức chuyên ngành, còn cần trang bị khối kiến thức chung mà bất cứ công dân nào của thế kỷ 21 cần phải có. Tổ chức ‘Partnership for 21st Century skills’3 gọi tắt là P21 đã khảo sát, xây dựng và ban hành Khung Kỹ năng thế kỷ 21 (Hình 1), trong đó nêu rõ khối kiến thức chung bao gồm các môn cốt lõi và các chủ đề liên ngành. Đây là sự bắt tay giữa các tổ chức giáo dục với khối doanh nghiệp để đặt ra các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với nguồn nhân lực nhằm thu hẹp khoảng cách về kỹ năng, năng lực của sinh viên tốt nghiệp khi bước vào thị trường lao động.
Hình 1: Khung Kỹ năng thế kỷ 21.
Khối các môn học cốt lõi mà sinh viên trong thế kỷ 21 cần có là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ toàn cầu (tiếng Anh), Nhân văn, Toán, Kinh tế, Khoa học, Địa lý, Lịch sử và Quản lý nhà nước – Trách nhiệm dân sự. Khối kiến thức chung liên ngành bao gồm: (i) Hiểu biết về các vấn đề toàn cầu (đa dạng văn hóa, tôn giáo, biến đổi khí hậu…), (ii) Hiểu biết về Tài chính, Kinh tế, Kinh doanh (vai trò của nền kinh tế, tài chính cá nhân…), (iii) Hiểu biết về vai trò và trách nhiệm dân sự (quyền công dân, nhân quyền, quan hệ nhà nước-công dân…), (iv) Hiểu biết về y tế và sức khỏe (các biện pháp bảo vệ sức khỏe tâm thần và thể chất như giảm stress, tránh rủi ro y tế, dinh dưỡng… theo dõi, giám sát sức khỏe cá nhân, các vấn đề an toàn và y tế cộng đồng…), (v) Hiểu biết về Môi trường (môi trường thiên nhiên – hệ sinh thái, nguồn nước, năng lượng, khí hậu, tác động của con người tới môi trường tự nhiên – tăng trưởng dân số, tiêu thụ tài nguyên, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, phá rừng…).
Có thể thấy bộ kỹ năng đã đặt ra các khối nội dung kiến thức xã hội khá rộng, đòi hỏi sinh viên phải hiểu biết về môi trường đang sống, và phải có liên kết, gắn bó với môi trường xung quanh. Đây là những hành trang vô cùng quan trọng cho những người trẻ trong kỷ nguyên bất định ở thế kỷ 21.
Hành trang ‘kỹ năng’ của những người trẻ
Thiếu kỹ năng làm việc ở người trẻ khi tham gia thị trường lao động sau tốt nghiệp đại học là vấn đề của nhiều quốc gia, kể cả Mỹ. Khung kỹ năng thế kỷ 21 là chỉ dẫn giúp thu hẹp khoảng cách giữa việc đào tạo ở đại học với nhu cầu của doanh nghiệp. Mặc dù được xây dựng bởi các doanh nghiệp và tổ chức giáo dục hàng đầu của Mỹ, có thể thấy bộ kỹ năng này bao hàm tương đối đầy đủ những kỹ năng quan trọng để giúp những người trẻ phát triển năng lực ứng phó với bất định cả trong môi trường sống, làm việc, và học tập trên toàn cầu.
P21 đưa ra ba khối kỹ năng trọng yếu cho sinh viên ở thế kỷ 21: (1) Kỹ năng học tập và Sáng tạo, (2) Kỹ năng Công nghệ, Truyền thông và Thông tin, và (3) Kỹ năng sống và nghề nghiệp.
Các kỹ năng trong Nhóm (1) được tổ chức thành ba nhóm nhỏ hơn: Sáng tạo và Đổi mới (sinh viên được cho là cần phải tư duy và phối hợp với người khác một cách sáng tạo, đồng thời thực thi các ý tưởng sáng tạo); Tư duy phản biện và giải quyết vấn đề (yêu cầu người học phải lập luận một cách hiệu quả, tư duy một cách hệ thống, có chính kiến và đưa ra quyết định, đồng thời có thể giải quyết vấn đề); và Giao tiếp và phối hợp (người học cần phải diễn đạt và giao tiếp rành mạch, hiệu quả, hợp tác với những người khác).
Các em học sinh làm thí nghiệm khoa học trong ngày hội STEM 2018. Ảnh: Bảo Như.
Trong nhóm (2) có các kỹ năng thông tin đòi hỏi người học phải có khả năng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả, đánh giá thông tin một cách xác đáng, sử dụng và quản lý thông tin một cách hiệu quả, an toàn, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Bên cạnh đó, các kỹ năng ICT (công nghệ, truyền thông thông tin) yêu cầu người học phải phân tích truyền thông từ việc hiểu nội dung và mục đích của các thông điệp truyền thông, và tạo ra các sản phẩm truyền thông thông qua việc hiểu và sử dụng các công cụ sáng tạo truyền thông cũng như các diễn ngôn phù hợp trong môi trường đa văn hóa. Các kỹ năng ICT (Công nghệ, truyền thông, thông tin) đòi hỏi người học ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả, bao gồm việc sử dụng các thiết bị số, mạng xã hội một cách phù hợp để khai thác, đánh giá, quản lý và sản xuất thông tin, đồng thời sử dụng thông tin cũng như công nghệ thông tin phù hợp với các quy tắc, chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Nhóm kỹ năng sống và nghề nghiệp (3), bao gồm các kỹ năng Thích nghi và Linh hoạt, Tự định hướng và Khởi xướng, Xuyên văn hóa và xã hội, Hiệu suất và Giải trình, và Lãnh đạo và Chịu trách nhiệm.
Theo cách đơn giản hơn, tổ chức Y tế Thế giới WHO xác định các kỹ năng sống căn bản bao gồm Ra quyết định và Giải quyết vấn đề, Tư duy phản biện và sáng tạo, kỹ năng Liên nhân và Giao tiếp, Đồng cảm và Tự thấu hiểu, và Quản lý cảm xúc và căng thẳng (stress)[3]. WHO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các kỹ năng Tâm lý xã hội mà theo thời gian và nỗ lực, có thể phát triển được. Môi trường sống và làm việc phức tạp trong thời đại công nghệ cạnh tranh toàn cầu đòi hỏi sinh viên phải có khả năng thích nghi với bối cảnh và làm việc hiệu quả trong điều kiện ‘mơ hồ’, thỏa hiệp và cân bằng quan điểm nhằm đạt được giải pháp (5).
Trong số các kỹ năng này, nhóm (2) và (3) là những kỹ năng quan trọng nhất mang đặc trưng thời đại để ứng phó với bất định.
Hành trang ‘thái độ’ của những người trẻ
Nếu xem xét kỹ các kỹ năng trong bộ kỹ năng của công dân thế kỷ 21 mà P21 đặt ra, có thể thấy trong đó đã ẩn chứa một phần ‘thái độ’ mà những người trẻ cần có. Tuy vậy, những kiến giải từ góc độ khoa học về bất định ở phần đầu của bài viết giúp rút ra một số gợi ý quan trọng. Bất định là tất yếu, do vậy điều quan trọng là ý thức về bất định. Chúng ta biết cái chúng ta không biết. Chúng ta biết có thể kiểm soát được sự bất định ở mức độ như thế nào. Chúng ta có thể lường trước sự bất định đến từ đâu, chứ không phải chúng ta mù mờ về tương lai và tương lai là không thể xác định. Nhận thức như vậy giúp chúng ta có thái độ phù hợp với bất định. Đó là sự sẵn sàng, chủ động, có sự chuẩn bị, thay vì hoang mang, sợ hãi, nghi hoặc và rồi phó mặc hoặc ra các quyết định sai lầm. Cái cách chúng ta chuẩn bị đương đầu với bất định sẽ quyết định thành công của chúng ta trong tương lai trong một thế giới ẩn chứa đầy rẫy sự bất định. Bắt đầu với các giả định, và sử dụng các công cụ khoa học, công nghệ để nghiên cứu, kiểm nghiệm các giả định, và chuẩn bị cho các viễn cảnh (scenario) là một trong những gì chúng ta có thể làm.
Ai chịu trách nhiệm giúp những người trẻ chuẩn bị hành trang?
P21 với Khung kỹ năng thế kỷ 21 mà họ đề xuất cho thấy rõ ràng vai trò này là của nhà trường, của hệ thống giáo dục chính thống, đồng thời cho thấy đó cũng là trách nhiệm của toàn xã hội và gia đình. Nhà trường, thông qua chương trình giáo dục, phương pháp sư phạm, các tiêu chuẩn bao gồm chuẩn nhà trường, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra của người học…, chịu trách nhiệm trước tiên và chủ yếu trong việc chuẩn bị những tri thức cần thiết cho người học, là môi trường chính yếu để người học phát triển năng lực. Những năng lực này cần phải được tôi rèn và tiếp tục phát triển, hoàn thiện ở các môi trường thực tiễn như gia đình, cộng đồng, mạng xã hội… Giáo dục hiển nhiên không phải chỉ là nhiệm vụ của hệ thống giáo dục quốc dân, của nhà trường, của các thầy cô, và cũng không phải là giới hạn hay ngăn chặn, bảo bọc người học trong môi trường tinh khiết. Giáo dục trong kỷ nguyên bất định cần mở rộng không gian học tập để những người trẻ tiếp cận từng bước với thế giới thực để khi rời ghế nhà trường, họ tự tin và đủ bản lĩnh bước chân vào làm chủ công việc và cuộc sống. □
——-
Chú thích:
1 Trong văn bản đo lường pháp quy tại Việt Nam, “Uncertainty of Measurement” được dịch là “Độ không đảm bảo đo”. Trong bài này, các tác giả chuyển dịch nghĩa của thuật ngữ này sang tiếng Việt là “Độ bất định của phép đo”.
2 Định nghĩa trong GUM 1995: The uncertainty of the result of a measurement reflects the lack of exact knowledge of the value of the measurand. The result of a measurement after correction for recognized systematic effects is still only an estimate of the value of the measurand because of the uncertainty arising from random effects and from imperfect correction of the result for systematic effects.
3 P21 bao gồm các thành viên là các nhà tuyển dụng hàng đầu trên thế giới như Adobe, HP, Intel, Microsoft, Cisco, Apple, Oracle, Lenovo, Ford, Dell, các tổ chức giáo dục và khảo thí lớn như ETS, Pearson, EF Education, Discovery Education, Blackboard, và nhiều các công ty công nghệ khác.
Tài liệu tham khảo
[1] BIPM, “Evaluation of measurement data — Guide to the expression of uncertainty in measurement”, JCGM 100:2008 (GUM 1995 with minor corrections). Retrieved at :https://www.bipm.org/documents/20126/2071204/JCGM_100_2008_E.pdf/cb0ef43f-baa5-11cf-3f85-4dcd86f77bd6
[2] Chan, K., Dupuy, B., &Lajka, A. (2020). Conspiracy theorists burn 5G towers claiming link to virus. Available at: https://apnews.com/article/health-ap-top-news-wireless-technology-international-news-virus-outbreak-4ac3679b6f39e8bd2561c1c8eeafd855
[3] Davis, M. (2019). Five critical life skills everyone should have, according to WHO. Retrieved at https://bigthink.com/neuropsych/5-critical-life-skills-everyone-should-have/#rebelltitem1
[4] Heisenberg, W. (1927), “Über den anschaulichen Inhalt der quantentheoretischen Kinematik und Mechanik”, Zeitschrift für Physik (in German), 43 (3–4).
[5] The Partnership for the 21st Century Skills (2019). P21 Framework Definitions. Available at: https://files.eric.ed.gov/fulltext/ED519462.pdf