Giáo dục Việt Nam: “Thị trường chanh” khổng lồ

Nếu trong âm nhạc, bài hát cây chanh (lemon tree) với khởi đầu là âm thanh của chiếc ly vỡ đã làm say đắm không ít người thì trong kinh tế học, “thị trường chanh” (Lemon Market) đã giúp George Akerlof đoạt giải nobel kinh tế năm 2001. Tên là như vậy, nhưng cũng như bài hát cây chanh, chẳng liên quan gì đến chanh mà nó giải thích hiện tượng thất bại thị trường do thông tin bất cân xứng, người mua không phân biệt được đâu là hàng tốt đâu là hàng kém chất lượng. Kết quả cuối cùng trên thị trường chỉ còn lại toàn hàng kém chất lượng. Loại thị trường này dường như đang xảy ra trong giáo dục ở Việt Nam làm sản sinh ra rất nhiều “học sinh giỏi kém chất lượng”, rất nhiều “học giả” theo kiểu bằng thật học giả hay bằng giả...

Điểm số, một câu chuyện buồn
Trong giáo dục, điểm số là thước đo được dùng để đánh giá chất lượng và khả năng của học viên. Ai càng giỏi thì điểm số càng cao vì điểm số có được là nhờ khả năng và sự cố gắng của mỗi người học. Điểm số luôn đồng biến với tri thức mà người học thu nhận được. Do đó, muốn có được điểm số cao, người học phải không ngừng nâng cao kiến thức của mình, cần phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức. Đây là một nền giáo dục chân chính.
Xét về chương trình đào tạo, cách đây vài thập kỷ, không ai phủ nhận sự lạc hậu của giáo dục Việt Nam. Nhưng hình như lúc đó, căn bệnh thành tích chưa xuất hiện nên việc đánh giá kết quả học tập còn tương đối nghiêm túc. Ở bậc trung học phổ thông, học sinh đạt danh hiệu tiên tiến là điều tự hào lắm rồi. Trường hợp đạt danh hiệu học sinh giỏi là một vinh dự rất lớn. Tôi có nghe kể rằng khoa toán của một trường đại học rất lớn ở miền Trung, trong suốt 17 năm (1976-1993) chỉ có vài điểm 9 trong tất cả các kỳ thi học kỳ.
Ngày nay, trong môi trường giáo dục của Việt Nam, thước đo khả năng, khối lượng tri thức của người học đang bị bóp méo một cách trầm trọng. Sẽ rất nhọc công khi phải dùi mài kinh sử, phải học phải nhớ hết công thức này đến công thức khác, nhưng khi vào phòng thi hay làm bài kiểm tra thì người khác chỉ việc giở sách hoặc giở bài giải mà thầy cô đã giải từ buổi học thêm trước đó chép vào.
Kết quả điểm số của trung thực không bao giờ có thể bằng được những người quay cóp. Theo thời gian, những người có ý chí muốn học vì tri thức sẽ biến mất khỏi “thị trường”, chỉ còn lại những người quay cóp và bố mẹ phải thường xuyên thăm viếng thầy cô với những món quà hơn cả mức tình cảm mà không có khái niệm tôn sư trọng đạo.
Thêm vào đó, một vấn đề hết sức trầm trọng là căn bệnh thành tích. Nếu có học sinh lưu ban, tỷ lệ học sinh yếu, kém, trung bình, thậm chí là khá mà cao thì giáo viên sẽ mất tiên tiến. Do đó, vì lợi ích cá nhân mà giáo viên thường cho điểm học sinh của mình càng cao càng tốt. Có nền giáo dục nào mà cả lớp, cả trường đều là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Hình như hệ thống giáo dục hiện nay đang tạo ra những người học giỏi kém chất lượng. Hàng tốt đã bị đẩy ra khỏi thị trường chỉ còn lại hàng kém chất lượng. Việc ngồi nhầm lớp là điều không cần bàn cãi.

Bằng cấp, chuyện bi hài

Về ý tưởng, yêu cầu có bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ khi bổ nhiệm cán bộ là điều tốt. Tuy nhiên, khi tấm bằng được xem là phương tiện cho việc thăng tiến thì nó trở nên vô cùng có giá và người ta sẽ cố chạy cho được cái bằng. Lúc này, cầu là rất lớn và các trường tha hồ cung, kể cả những người làm bằng giả. Vẫn có những trường, những khoa cố gắng bảo vệ chất lượng của mình.
Tuy nhiên, mục tiêu của người học không phải là kiến thức mà chỉ vì tấm bằng nên có một số đơn vị cung đã đáp ứng cầu bằng cách “tạo điều kiện” sao cho người học dễ có tấm bằng nhất. Hàng loạt hiện tượng tiêu cực về mua điểm, mua bằng đã xảy ra. Lúc này, những người học chân chính cũng sẽ bị teo dần và có nguy cơ biến mất khỏi thị trường. Số lượng bằng tiến sỹ, thạc sỹ quá nhiều mà không ít tai tiếng nên nhiều người học ở những trường danh tiếng ở nước ngoài về không còn cách nào khác phải ghi cả tên trường và ngành học của mình vào danh thiếp. Đây là điều chỉ có ở Việt Nam.
Cứ cơ chế học, cơ chế cấp bằng như vậy xảy ra thì theo thời gian, trên thị thường thành phần “học giả” sẽ chiếm đa số. Một “thị trường chanh” khổng lồ đang ngày một lớn mãi. Nếu không chữa trị kịp thời thì những di căn của nó thật là khủng khiếp và sẽ để lại hậu quả hàng trăm năm. Do đó, sửa chữa ngay thất bại thị trường này là việc cần làm ngay.

Giải bài toán điểm số

Điều có thể khẳng định rằng, chẳng một nền giáo dục chân chính đúng nghĩa của nó có phân phối đều, tất cả học sinh đều giỏi và xuất sắc cả. Phân phối hợp lý nhất là phân phối chuẩn hay phân phối tự nhiên. Nếu điểm số của học sinh tuân theo phân phối tự nhiên là điều hợp lý. Do vậy, để tránh hiện tượng trường trường cùng giỏi, nên chăng áp dụng cách đánh giá điểm theo phân phối chuẩn.
Lúc đó, tỷ lệ học sinh xuất sắc, giỏi, khá chỉ ở một tỷ lệ nhất định trong những giới hạn của các độ lệch chuẩn. Điều đương nhiên là không thể áp dụng một phân phối cho tất cả các trường mà mỗi trường có một giá trị trung bình hay phân phối riêng. Để làm được điều này, có thể sử dụng điểm số thi đại học của tất cả học sinh trong trường làm căn cứ định ra phân phối, tỷ lệ tối đa cho các loại học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, trung bình…
Nếu áp dụng cách thức này sẽ có hai điều lợi xảy ra. Thứ nhất, các học sinh hiểu rằng, số lượng vị trí cao nhất là có giới hạn nên khả năng đạt được điểm số, vị thứ cao hơn phụ thuộc vào lực học của mình. Do đó, sự cạnh tranh để đạt được cái tốt nhất trong học tập xảy ra. Thứ hai, sử dụng điểm số thi đại học sẽ khách quan hơn vì nó nằm ngoài khả năng chi phối của trường, các địa phương. Lúc này, nhà trường hay giáo viên không thể bóp méo điểm số, hay thiên vị người này người kia mà hành động hợp lý sẽ là nâng cao chất lượng giảng dạy..

Bài toán bằng cấp
Khi “Thị trường chanh” đã xảy ra, giải pháp đượng áp dụng là phát tín hiệu thị trường. Đối với vấn đề bằng cấp ở Việt Nam. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách áp dụng hệ thống chấm điểm và xếp loại các trường đại học cùng với việc tập trung xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế. Khi mà tấm bằng gắn liền với danh tiếng của nhà trường thì điều đương nhiên các trường sẽ chú trọng đến chất lượng của mình mà không chạy theo số lượng như hiện nay. Để thực hiện được điều này, điều kiện tiên quyết là các trường phải có tính tự chủ, nhất là tự chủ về tài chính, tự chủ về chương trình giảng dạy rất cao.
Hy vọng rằng, với những thay đổi trong hệ thống giáo dục, nhất là người điều hành cao nhất, trong vài ba, thậm chỉ là một nửa hay cả một thế kỷ nữa, Việt Nam sẽ có một nền giáo dục đúng nghĩa của nó để có thể thực hiện thành công mục tiêu trồng người, tạo ra những thế hệ có đủ khả năng đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm Châu.

Thảo Nguyên

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)