Gieo mầm đam mê khoa học

Qua những trò chơi khoa học mang tính thực nghiệm của Ngày hội STEM, các em đã không còn thấy khoa học là tháp ngà màu xám khô khan, mà tìm thấy vẻ đẹp, sự bí ẩn kỳ thú của khoa học qua những thí nghiệm đầy màu sắc. Khoa học không còn xa xôi trong ý niệm, mà là sự thấy, nghe, sờ - chạm một cách sinh động trực quan.

Lâu nay, các em học sinh của chúng ta được giáo dục bằng một phương thức cũ kỹ, đó là hầu như chỉ dựa vào những bài học trên giấy khô khan, khó tạo nên niềm đam mê khoa học. Đồng thời cách giảng tách biệt riêng rẽ từng bộ môn toán, lý, hóa, sinh sẽ khó gây dựng tư duy liên ngành đa chiều, sự chủ động, linh hoạt tìm tòi giải quyết các vấn đề ứng dụng trong thực tế. Vì thế trong những năm gần đây, một số quốc gia đã thay thế phương thức giáo dục lạc hậu này bằng STEM, là một phương thức mới mẻ được thử nghiệm trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học. Trong đó chú trọng việc giáo dục gắn kết liên ngành thay vì giáo dục riêng rẽ từng ngành, đồng thời chú trọng giáo dục dựa trên việc thực nghiệm ứng dụng để khám phá, giải quyết các vấn đề có tính thực nghiệm thay vì những lý thuyết, bài tập kinh viện khô khan.

Nhiều quốc gia phát triển, đặc biệt là Mỹ, đã ý thức rất rõ về tầm quan trọng của giáo dục STEM trong việc tăng cường chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong tương lai để củng cố, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế quốc gia, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững. Còn đối với Việt Nam, để thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH, việc cải tiến tư duy giáo dục theo tinh thần và phương pháp STEM càng cần sớm được xem xét, nghiên cứu triển khai.

Nhằm góp phần nâng cao ý thức của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các bậc phụ huynh, về vai trò, ý nghĩa của giáo dục STEM; đồng thời, trực tiếp góp phần gieo niềm đam mê khoa học cho các em nhỏ, nhân dịp chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5, Tạp chí Tia Sáng đã phối hợp với một số doanh nghiệp, tổ chức xã hội tổ chức Ngày hội STEM, Qua những trò chơi khoa học mang tính thực nghiệm của Ngày hội STEM, các em đã không còn thấy khoa học là tháp ngà màu xám khô khan, mà tìm thấy vẻ đẹp, sự bí ẩn kỳ thú của khoa học qua những thí nghiệm đầy màu sắc. Khoa học không còn xa xôi trong ý niệm, mà là sự thấy, nghe, sờ – chạm một cách sinh động trực quan. Khoa học không còn là sự tiếp thu bài giảng một cách thụ động, mà được trực tiếp tham gia trong vai trò người sáng tạo. Khoa học không còn là bài giảng trên giấy, là sự tách biệt các bộ môn, mà trở thành sản phẩm hoàn chỉnh, gắn kết nhiều kỹ năng, nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, các em thấy hình ảnh nhà khoa học trong các anh chị hướng dẫn trẻ trung, cũng như ngay chính bản thân mình. Trong vai trò là nhà khoa học nhí, các em thấy mình nhận được sự yêu quý, trân trọng biết bao từ cả cộng đồng, bao gồm cả các bác Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bác Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, và đặc biệt là GS Pierre Darriulat – người đã kiên trì đề xuất ý tưởng tổ chức một ngày hội khoa học ở Việt Nam – những người trực tiếp giao lưu cùng các em một cách vô cùng gần gũi, cởi mở trong buổi khai mạc Ngày hội STEM.

Chỉ trong hai ngày ngắn ngủi nhưng hàng nghìn em nhỏ đã đến với Ngày hội STEM. Điều đó thể hiện mức độ quan tâm của các vị phụ huynh đến vấn đề giáo dục khoa học cho con em mình. Và hẳn họ đã không thất vọng, khi tất cả các em đều hết sức chăm chú, say mê tham gia các hoạt động STEM, từ những thí nghiệm vật lý vui, trò ảo thuật toán học, đến tự xây cầu theo thiết kế Leonardo da Vinci, v.v. Nhiều bạn còn lưu luyến chưa muốn về khi thời gian dành cho sự kiện đã hết. Hi vọng rằng những nhận thức, tình cảm mới mẻ dành cho khoa học mà các em có được từ những trải nghiệm này sẽ ngày càng nảy nở, theo suốt các em trên chặng đường phía trước.

 

 

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)