Giúp trẻ tự tin hơn về cơ thể

Tự ti về hình thể thường bắt đầu xuất hiện ở tuổi vị thành niên, tức là lúc trẻ dậy thì với nhiều sự thay đổi về cơ thể và để ý đến hình ảnh của mình trong mắt người khác. Sự tự ti về cơ thể ở trẻ được cho là một yếu tố dự báo trầm cảm ở tuổi trưởng thành.

Ngay cả khi không thừa hay thiếu cân, trẻ vẫn có thể không hài lòng về cơ thể của mình. Ảnh minh họa: SPC

Trẻ có thể có nỗi tự ti về việc người khác nhìn mình như thế nào, bao gồm cái nhìn về hình thể, thành tích – học tập, mức độ ảnh hưởng (có nhiều bạn bè không), xuất thân gia đình, v.v. Trong đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra tự ti về cơ thể là một vấn đề phổ biến ở thanh thiếu niên với các mức độ khác nhau. Có em chỉ không thích nhìn ảnh bản thân nhưng có em muốn phẫu thuật thẩm mỹ hoặc nghĩ mình không nên gặp ai cả. 

Có thể hiểu sự tự ti về cơ thể là thấy cơ thể của mình không đủ đẹp, không đủ khỏe và vì thế cần liên tục che giấu hoặc cải thiện. Ngay cả khi không thừa hay thiếu cân, trẻ vẫn có thể không hài lòng về cơ thể của mình.

Tự ti về hình thể thường bắt đầu xuất hiện ở tuổi vị thành niên, tức là lúc trẻ dậy thì (có nhiều sự thay đổi về cơ thể) và để ý đến hình ảnh của mình trong mắt người khác. Khảo sát 24 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Âu, Canada, Mỹ do nhóm tác giả Haleama Al Sabbah, Carine A Vereecken, Frank J Elgar cùng cộng sự công bố năm 2009 trên tạp chí BMC Public Health chỉ ra 61% thiếu niên không hài lòng về cơ thể. Khảo sát năm 2019 của Quỹ Sức khỏe Tâm thần Anh cho thấy 31% thanh thiếu niên 13-19 tuổi xấu hổ về cơ thể. Ở Việt Nam, chưa có thống kê nào về sự tự ti của trẻ đối với cơ thể song tình trạng này chắc chắn có xuất hiện và ngày càng có nhiều trẻ tìm đến sự trợ giúp tâm lý vì nguyên nhân này.

Cá nhân người viết nhận thấy khoảng thời gian bước vào THPT và đại học, cùng với sự tăng lên về nhận thức (để ý đến mọi thứ xung quanh) và vòng tròn quan hệ (nhiều bạn bè hơn, bắt đầu có các mối quan hệ tình cảm) thì các em càng để ý ngoại hình. 

Sự tự ti về cơ thể thường khởi phát từ ba nguồn chính gồm gia đình, bạn bè và các phương tiện truyền thông.

Về gia đình: Người lớn trong nhà, có thể là bố mẹ, ông bà hay họ hàng, thường xuyên nhận xét hoặc so sánh ngoại hình, cân nặng của trẻ với người khác, khiến trẻ lo lắng về cơ thể mình. Những lời nhận xét, so sánh càng tiêu cực, trẻ càng tự ti.

Về bạn bè: Ở tuổi thanh thiếu niên, bạn bè đóng vai trò rất quan trọng. Nếu chơi cùng các bạn hay để ý ngoại hình, trẻ khó tránh khỏi ảnh hưởng. Trong khảo sát năm 2019 của Quỹ Sức khỏe Tâm thần Anh, 40% thanh thiếu niên thừa nhận lời nói của bạn bè khiến các em lo lắng về cơ thể mình.

Về phương tiện truyền thông: Thời gian gần đây, thông điệp yêu cơ thể xuất hiện nhiều hơn trên mạng xã hội song chưa đủ xóa đi quan niệm phụ nữ phải thon thả, đàn ông phải cơ bắp. Bên cạnh đó, hình ảnh về những người nổi tiếng được lan truyền rộng rãi cũng làm trẻ hình thành suy nghĩ phải giống như họ mới là đẹp.

Thanh thiếu niên tự ti về cơ thể sẽ thể hiện ra ngoài thông qua lời nói, cảm xúc, và hành vi. 

Trong đó, về lời nói, các em thường xuyên phàn nàn về cơ thể của mình, so sánh cơ thể của mình với của người khác.

Về cảm xúc, các em căng thẳng, lo lắng, cáu giận khi nghe người khác nhận xét về cơ thể mình, khi tự nhìn cơ thể hoặc khi cơ thể thay đổi.

Về hành vi, các em luôn ở hai thái cực, hoặc sợ soi gương, chụp ảnh hoặc soi gương quá nhiều; thay đổi bất thường trong cách ăn uống (như nhịn ăn, thường xuyên vào toilet sau khi ăn để ói, giấu đồ ăn, ăn quá nhiều để tăng cân hoặc giảm stress, sử dụng các loại thuốc tăng/giảm cân; từ chối mặc một số loại trang phục để lộ một phần cơ thể (ví dụ váy ngắn trên bắp chân hoặc áo ngắn tay); từ chối tham gia các hoạt động tập thể.

Sự tự ti về cơ thể có khả năng thúc đẩy trẻ thay đổi lối sinh hoạt theo hướng lành mạnh hơn, ví dụ như chăm chỉ tập thể dục hoặc chọn lựa thực phẩm kỹ càng. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng ứng phó tốt với sự tự ti về cơ thể như vậy.

Trong nhiều trường hợp, do tự ti về cơ thể, trẻ mất đi cơ hội thể hiện bản thân và sống đúng với chính mình. Ví dụ, trẻ không dám mặc váy hay mặc đồ sáng màu dù rất thích vì nghĩ chân mình to, không dám chụp ảnh để lưu giữ kỷ niệm vì nghĩ mặt của mình không đủ thon gọn, không dám phát biểu trước đám đông vì sợ mọi người chê mình xấu. Nếu tình trạng này kéo dài, lòng tự trọng của trẻ sẽ bị kéo xuống, khiến trẻ có cái nhìn tiêu cực về bản thân.

Sự tự ti về cơ thể còn làm tăng nguy cơ rối loạn ăn uống. Khi không hài lòng về cơ thể, trẻ dễ tìm đến những phương pháp tăng/giảm cân mà trẻ nghĩ là tác dụng nhanh như ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít, từ đó dẫn đến ăn uống vô độ hoặc biếng ăn, ăn ói (ăn xong rồi nôn). Những vấn đề này gây tổn hại cho cả cơ thể lẫn tinh thần của trẻ.

Sự tự ti về cơ thể cũng liên quan đến bệnh trầm cảm. Nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Erasmus, Rotterdam (Hà Lan) công bố năm 2020 chỉ ra sự không hài lòng về cơ thể ở tuổi thiếu niên là một yếu tố dự báo trầm cảm ở tuổi trưởng thành.

Để kịp thời phát hiện và hỗ trợ trẻ, người lớn hãy chú ý đến biểu hiện trong sinh hoạt của trẻ, dễ thấy nhất là cách ăn uống. Nếu thấy trẻ đột nhiên ăn ít đi, ra toilet sau mỗi lần ăn hoặc ăn quá nhiều, hãy tìm cơ hội trò chuyện với trẻ xem chuyện gì đang xảy ra. 

Tiếp đến, hạn chế việc nhận xét hoặc so sánh cân nặng, ngoại hình của trẻ và can thiệp ngay nếu thấy ai đó làm vậy. Nếu cho rằng trẻ cần cải thiện cân nặng để đảm bảo sức khỏe, bố mẹ hãy rủ con cùng đi tập thể dục hoặc chuẩn bị các bữa ăn lành mạnh.

Bố mẹ cũng nên giúp con tìm ra những điểm tốt trên cơ thể để con học cách tự ghi nhận bản thân. Ví dụ, nếu con phàn nàn về đôi chân không đủ thon, bố mẹ nhắc con nhớ rằng con có làn da đẹp. 

Ngoài ra, việc bố mẹ tự hài lòng với cơ thể rất quan trọng. Nhìn bố mẹ yêu thương và chăm sóc bản thân, trẻ sẽ biết đối xử theo cách tương tự với chính mình.

Trường hợp cảm thấy vấn đề của trẻ nghiêm trọng hoặc trẻ không hợp tác chia sẻ, bố mẹ cần cân nhắc đưa trẻ tới tìm sự trợ giúp của các đơn vị hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Vũ Minh Trang

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 46)

Tác giả

(Visited 27 times, 1 visits today)