Hai bài học lớn để phát triển đại học

Quá trình khởi dựng và duy trì nền đại học Việt Nam từ trong những ngày cách mạng sôi sục và điều kiện kháng chiến chống Pháp vô cùng khó khăn để lại cho chúng ta nhiều bài học mà ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhắc đến bài học về tính dân chủ để có thể thu hút được ý kiến của đông đảo trí thức trong việc quyết đáp những vấn đề quan trọng của ngành giáo dục và bài học về mối quan tâm thực sự đến điều kiện công tác và cuộc sống của người trí thức.


Dân chủ trong quyết định

Nghiên cứu các văn bản hành chính, biên bản các cuộc hội nghị giáo dục trong thời kháng chiến chống Pháp…, một điều nhận thấy đặc biệt rõ nét của công tác giáo dục thời kỳ này đó là các quyết sách lớn về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đều dựa trên việc thảo luận dân chủ và tôn trọng ý kiến của các nhân sĩ, trí thức thuộc các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, các thầy cô giáo có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và quản lý giáo dục.

Các quyết sách định hướng phát triển giáo dục được quyết định ngay trong các hội nghị giáo dục. Hội nghị không phải chỉ bàn thảo rồi để đấy mà bàn để đi đến những quyết định trực tiếp. Đó là phong cách quản lý giáo dục của thời kỳ khó khăn này.

Mặc dù điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, giao thông đi lại khó khăn, ngày 4/1/1949 Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 102 lập Hội đồng Giáo dục gồm 17 vị nhân sĩ trí thức đại diện cho nhiều giới, nhiều tầng lớp và lĩnh vực. Hội đồng có nhiệm vụ giúp Bộ Quốc gia Giáo dục ấn định chính sách và kế hoạch giáo dục. Ngày 31/3/1949, tại Việt Bắc, Hội đồng đã họp và định hướng việc xây dựng nền đại học giai đoạn đó như sau:

Tập trung lực lượng để kiện toàn các trường đại học đã có ở Trung ương, không nên mở lung tung bất cứ ở nơi nào.

Cần tổ chức các trường Trung đẳng (như trường Y sĩ) cho mạnh hơn.
Đặc biệt chú trọng đến sư phạm đại học.
Phát triển trường Đại học Y khoa.
Mời giáo sư Việt kiều ở Pháp về.

Nếu cần mở mang rộng nền đại học, thì nên hướng về khoa học nhiều hơn.
Bộ Quốc gia Giáo dục sẽ cố sức kiện toàn Nha đại học Trung ương.
Bộ Quốc gia Giáo dục nên nhắm cơ hội thuận tiện, phái người đi giao thiệp mua sắm dụng cụ, đồ thí nghiệm cho đại học.

Đề cao giá trị đại học.1

Hàng loạt các hội nghị giáo dục khác thu hút đông đảo trí thức, nhân sĩ, các nhà giáo đã được mở ra ở chiến khu Việt Bắc để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng phát triển giáo dục thời chiến2. Các chiến lược phát triển giáo dục đại học sau kháng chiến cũng được quyết định trong một Hội nghị tương tự.

Ngày 27/11/1954, chỉ một tháng sau khi tiếp quản Thủ đô, một cuộc họp thảo luận về vấn đề đại học đã được tổ chức. Thành phần tham gia ngoài các ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Y tế, đại diện các ngành Tư pháp, Công thương, Tuyên truyền còn lại chủ yếu là các giáo sư đại học đủ các ngành khác nhau. Mục đích của buổi họp là trao đổi ý kiến dân chủ để tìm phương hướng phát triển ngành đại học, và tổ chức nền đại học mới như thế nào. Cuộc họp đã diễn ra trong 3 buổi của 3 ngày: 27/11/1954; 1/12/1954 và 8/12/1954. Nội dung trao đổi thảo luận tập trung vào 5 vấn đề:

Phương hướng phát triển của đại học có phải là chuyên nghiệp không? Phần nghiên cứu khoa học trong đại học hiện tại và tương lai sẽ có địa vị nào và tổ chức như thế nào?

Có cần sự quan hệ giữa các trường đại học và trường chuyên nghiệp trung cấp không? Nếu cần thì nên quan niệm sự quan hệ ấy như thế nào?

Với yêu cầu và khả năng của chúng ta bây giờ có cần tập trung lực lượng phát triển ngành nào trước, cấp nào trước không? Ngành nào, cấp nào có thể phát triển ở trong nước? Hoặc gửi học sinh ở ngoài nước?

Các trường đại học có nên đặt dưới sự quản trị của các Bộ, sở quản không? Hay giao phó cho Bộ Giáo dục tập trung quản trị?

Có cần một cơ quan nào: Vụ, Viện, hay Hội đồng đại học để phối hợp các trường đại học không? Nếu cần, thì cơ quan ấy có tự trị không? Cơ quan ấy để thuộc Bộ nào? Và có nhiệm vụ gì?

Xem biên bản các buổi họp này thì thấy các vị giáo sư đưa ra rất nhiều kiến giải khác nhau về định hướng giáo dục đại học. Ngay sau hội nghị này, vào năm 1955 hai trường đại học Sư phạm Văn khoa và đại học Sư phạm Khoa học đã được thành lập ở Hà Nội.

Trân trọng trí thức

Một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch là thu hút quảng đại nhân sĩ, trí thức tham gia vào công cuộc kháng chiến. Đây cũng là nhiệm vụ đặc biệt của Bộ Quốc gia Giáo dục mà đứng đầu lúc đó là ông Nguyễn Văn Huyên, người gắn bó với sự nghiệp giáo dục, nhất là sự nghiệp giáo dục đại học nước nhà, ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và suốt 30 năm sau đó.


“Phong Lan Đình”, nơi làm việc của các giáo sư Trường Đại học Y kháng chiến ở Việt Bắc (1947-1954).

Bộ Giáo dục thời kháng chiến chống Pháp như một hạt nhân thu hút các tầng lớp trí thức tham gia vào các công tác giáo dục, văn hóa, văn nghệ. Thái độ đối với trí thức, những hạt nhân của nền giáo dục đại học, được trân trọng đặc biệt. Chúng ta hãy điểm qua một số trường hợp sau mà các văn bản còn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia để thấy Bộ Quốc gia Giáo dục lúc đó đã quán triệt và vận dụng tư tưởng trọng dụng trí thức và nhân tài của Hồ Chủ tịch như thế nào.

Trường hợp 1: GS Đặng Thai Mai

Năm 1950, GS Đặng Thai Mai (1902-1984) khi đó đang phụ trách Ban Sư phạm Đại học Văn khoa tại Thanh Hóa được điều động ra Bộ Giáo dục. Được biết sức khỏe của ông không được tốt, mặc dù lúc đó chưa đến 50 tuổi, ngay lập tức, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã có Công hàm số 73 P2/CH ngày 29 tháng 8 năm 1950 gửi Bộ Tài chính đề nghị chế độ di chuyển cho Giáo sư. Nội dung bức Công hàm viết:

“Vì số học sinh Ban Sư phạm Đại học Văn khoa ở Liên khu 4 ít và vì ở xa, Ban này sẽ gặp nhiều sự khó khăn trong khi tiến hành công việc, nên bản Bộ đã quyết định kể từ niên khóa 1950-1951 sẽ tạm thời không mở Ban này trong Thanh Hóa nữa.

Ông Đặng Thai Mai, Giáo sư phụ trách Ban Sư phạm Đại học Văn khoa, sẽ được điều động ra ngoài này để giúp việc Bộ Giáo dục, hoặc dạy học tại trường Đại học Văn khoa ở Việt Bắc hoặc dạy tại các lớp Dự bị đại học (Ban Văn học).

Ông Đặng Thai Mai hiện nay người yếu không đi bộ được, cần cáng và khi ra, gia đình cũng theo ra.

Để ông Đặng Thai Mai có đủ điều kiện và phương tiện di chuyển cùng với gia đình ông, bản Bộ đề nghị quý Bộ trợ cấp đặc biệt cho ông ấy một số tiền 10 vạn đồng.

Trân trọng yêu cầu quý Bộ thỏa thuận và lập một ủy ngân 10 vạn đồng cho Ủy ban kháng chiến hành chính (UNKCHC) tỉnh Thanh Hóa để cấp cho ông Đặng Thai Mai.”3

Trường hợp 2: GS Lê Văn Thiêm

GS Lê Văn Thiêm sinh ngày 29/3/1918. Ông là người Việt Nam đầu tiên có bằng Tiến sĩ Toán học. Năm 1949, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, GS Lê Văn Thiêm đã trở về nước qua đường bay Paris – Bangkok, rồi từ Bangkok bằng đường bộ qua Campuchia về rừng U Minh, khu 9 miền Nam tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác tại Sở Giáo dục Nam Bộ từ ngày 19/12/1949.

Nhận rõ vai trò của những trí thức được đào tạo cao cấp ở nước ngoài đối với sự phát triển của giáo dục đại học, đầu năm 1950, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã có Công hàm số 16/P3 CH ngày 25/1/1950 gửi Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều động ông Lê Văn Thiêm ra Bắc giúp cho Bộ Quốc gia Giáo dục; đồng thời đề nghị Bộ Tài chính ấn định số tiền phụ cấp cho các kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về nước phục vụ4. Đầu năm 1951, trường Khoa học thực hành cao cấp được thành lập và GS Lê Văn Thiêm được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.

Trường hợp 3: GS Đặng Văn Ngữ

Ngày 14/2/1950 Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên có Công hàm số 21/P2 CH cho Phó Thủ tướng yêu cầu để ông Đặng Văn Ngữ, Y khoa bác sĩ vừa ở Nhật Bản về theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, làm giáo sư dạy trường đại học Y khoa và phụ trách lập Phòng thí nghiệm tại trường. Ngày 24/6/1950, ông gửi Công điện cho UBKCHC Liên khu 4 để hỏi về trường hợp Bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Nội dung Công điện viết: “Tiếp Công điện số 130-CĐ/CH ngày 11-3-1950 yêu cầu Ban điện cho biết Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã lên đường ra Việt Bắc chưa (dấu hỏi) Nếu vì vấn đề tài chính mà bác sĩ chưa khởi hành được thì Ban hết sức giúp đỡ để bác sĩ có đủ điều kiện ra Bắc (chấm) Bộ Tài chính cho biết thỏa thuận ứng trước cho bác sĩ Ngữ và mấy nhân viên ba vạn đồng (phẩy) ngoài ra UBKCHC Liên khu 4 trợ cấp một vạn rưởi (chấm) Nhưng nếu xét với số tiền này không đủ thì Ban đặc biệt cấp thêm vào khoảng một vạn nữa để cho bác sĩ Ngữ có thể lên đường sớm (phẩy) Bộ sẽ điều chỉnh sau (chấm) Yêu cầu Ban trả lời ngay.”5

Một công điện nữa cũng từ Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi UBKCHC Liên khu 4 về trường hợp của bác sĩ Đặng Văn Ngữ thể hiện sự quan tâm hết sức không chỉ đối với bản thân nhà khoa học mà còn đối với cả gia đình của họ. Đó là Công điện số 74 CĐ/12/CH ngày 4/7/1950 “yêu cầu báo cho bà Đặng Văn Ngữ ở trường Chuyên khoa Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh biết bác sĩ Đặng Văn Ngữ bận công việc quan trọng không thể vào đón được. Rồi Chính phủ sẽ tổ chức đưa ra, không cần lo về sinh hoạt và tài chính sẽ có giải pháp. Cứ tin tưởng vào Chính phủ và các bạn ở Liên khu 4.”6 Bộ trưởng cũng có công điện riêng đề nghị Ủy ban kháng chiến hành chính Liên Khu 4 tạo điều kiện giúp phương tiện để người của Phòng thí nghiệm vận chuyển sách vở và dụng cụ thí nghiệm của ông Đặng Văn Ngữ ra Việt Bắc. Bộ sẽ chịu trách nhiệm thanh toán khoản tiền chi phí cho việc này (Công điện số 76CĐ/BT/CH ngày 16/9/1950)7.

Những bằng chứng trên cho thấy một thái độ hết sức trân trọng với người trí thức, một sự quan tâm chu đáo đến cuộc sống, gia đình từng nhà khoa học của người lãnh đạo ngành giáo dục. Khi khó khăn thì phải đấu tranh và kiên trì phối hợp với các ngành, các cấp để đạt được mục tiêu. Đó chính là phong cách của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

Chắc hẳn những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với cá nhân ông đã ảnh hưởng lớn đến những suy nghĩ và ứng xử của ông đối với những người trí thức, những cán bộ trong phạm vi quản lý của mình. Và cũng với cách ứng xử này mà người trí thức mang hết mình cống hiến cho khoa học, cho kháng chiến. Và cũng chính vì thế, trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, vượt qua bao khó khăn gian khổ, không màng đến lợi ích cá nhân, nhiều nhà khoa học lớn như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, Đặng Văn Ngữ, Đặng Thai Mai, Nguyễn Thúc Hào… đã đặt nền móng đầu tiên cho nền đại học Việt Nam, công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng. Chính lớp trí thức này đã đào tạo nên thế hệ cán bộ khoa học đầu tiên của nước Việt Nam mới mà sau này đa phần đều trở thành những nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
———————-
1 Trích Biên bản Hội đồng Giáo dục đặc biệt ngày 31-1-1949; Nguyễn Văn Huyên toàn tập (tập 3), tr.186
2 Xem Nguyễn Văn Huyên toàn tập, tập 3, NXB Giáo dục, 2005
3 Sách đã dẫn, tr.657
4 Nguyễn Văn Huyên: Sách đã dẫn, tr.562 và 564
5 Sách đã dẫn, tr. 620;
6 Sách đã dẫn, tr. 636;
7 Sách đã dẫn, tr. 662

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)