Hành trình 10 năm Trường hè Khoa học Việt Nam VSSS

Mười năm qua, với mục tiêu tạo ra nhà khoa học trẻ, Trường hè Khoa học Việt Nam VSSS đã vận hành như một trường dạy nghề và truyền cảm hứng cho những người làm khoa học.

Vừa qua, tại Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE (TP Quy Nhơn), lễ khai mạc Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 10 đã được tổ chức với chủ đề “Nhìn lại và Đi tới: Embracing the Past – Shaping the Future”.

Trường hè diễn ra trong bốn ngày, từ 22 – 25/8, tại thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp, đánh dấu những thành tựu của trường hè trong suốt 10 năm qua, đồng thời tìm kiếm các hướng phát triển mới cho những năm tới qua cuộc thi NextGen VSS Challenges.

Năm nay, Trường hè Khoa học thu hút 20 giảng viên, và đặc biệt lần đầu có sự tham gia của hai khách mời là GS. Trần Thanh Vân và GS. Ngô Bảo Châu trong sự kiện bàn tròn giữa Trường hè cùng ba đơn vị tài trợ chính: ICISE, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán VIASM và Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup VinIF.

150 học viên xuất sắc nhất được Trường hè tuyển chọn từ hơn 900 hồ sơ ứng tuyển đến từ nhiều lĩnh vực khoa học. Tất cả các học viên, đến từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, đều nhận được tài trợ để tham gia: các em không phải đóng bất cứ khoản phí nào, được ở miễn phí tại khách sạn đẹp đẽ bên bờ biển, có xe đưa đón đến ICISE và được ăn trưa, ăn tối miễn phí tại ICISE.

Nhưng điều quan trọng nhất là các em được trực tiếp nghe các bài giảng, các chia sẻ chân thành có tính cách truyền nghề từ đội ngũ giảng viên tận tâm và nhiệt huyết, trong tinh thần vô vị lợi và trong sáng, thuần khiết của khoa học.

Trường hè Khoa học Việt Nam khởi sự từ năm 2013 từ ý tưởng đầu tiên của ba người: TS. Giáp Văn Dương, TS. Lưu Quang Hưng và TS. Ngô Đức Thế.

Ban đầu, đây chỉ là một sáng kiến của nhóm các nhà khoa học trẻ, với hơn 80 học viên tham gia Khóa 1 tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Những năm tháng đầu tiên ấy khó có thể dẫn đến thành công như ngày nay nếu thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ các anh chị em trong Ban quản trị cũng như sự ủng hộ của GS. Trần Thanh Vân, TS. Trịnh Thị Thuý Giang, TS. Trần Thanh Sơn… cùng nhiều lãnh đạo, giảng viên, các bạn tình nguyện viên và các nhà tài trợ.

Mục tiêu lớn nhất của Trường hè là truyền cảm hứng giúp các bạn trẻ Việt Nam hiểu rõ hơn về khoa học và nghề khoa học, gồm cả vẻ đẹp và những khó khăn, thách thức, để từ đó có những quyết định đúng đắn trên con đường sự nghiệp.

Hơn thế, Trường hè còn giúp đào tạo những kỹ năng cơ bản nhất về phương pháp nghiên cứu, cách xin học bổng và các kỹ năng cần thiết khác, thông qua các bài giảng đã thành truyền thống như: Đường vào khoa học; Phương pháp nghiên cứu khoa học tự nhiên; Phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội; Nghiên cứu, công bố và liêm chính học thuật; Nghề khoa học; Câu chuyện nhân quả; Học bổng và du học.

Đặc biệt, Trường hè kết nối các bạn trẻ yêu và mong muốn làm khoa học trong và ngoài nước.

Sau 10 năm hoạt động, Trường hè đã có hơn 1.600 cựu học viên. Trong số đó, rất nhiều người đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Theo khảo sát, đã có gần 300 cựu học viên đã tốt nghiệp tiến sĩ và hơn 600 người đã tốt nghiệp thạc sĩ trong và ngoài nước. Có hàng trăm cựu học viên hiện đang làm nhà nghiên cứu, giảng viên ở các trường đại học, trong đó có ít nhất bốn cựu học viên trường hè đã trở thành trợ lý giáo sư và giảng viên tại Mỹ, Canada và Anh.

Các cựu học viên Trường hè đã và đang tham gia nghiên tại nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới, như: ĐH Stanford, Học viện Công nghệ Massachuset (Mỹ); ĐH Cambridge, ĐH Oxford (Anh); ĐH Bách khoa École Polytechnique, ĐH Sorbonne (Pháp); ETH Zurich (Thuỵ Sĩ); ĐH Toronto (Canada); ĐH Goettingen (Đức); ĐH Quốc gia Úc, ĐH Monash (Úc); ĐH Quốc gia Singapore; ĐH Kyoto (Nhật Bản). Rất nhiều trong số đó đã làm việc cho các viện nghiên cứu (như Trung tâm NASA Goddard Space Flight Center), hay các tập đoàn lớn (như Orano, tập đoàn hạt nhân quốc gia Pháp) với vài trò nhà nghiên cứu hay ứng dụng khoa học.

Năm nay, bên cạnh các bài giảng truyền thống, còn có các bài giảng đón nhận các xu hướng KH&CN mới, gồm: Khoa học hội tụ, một xu hướng mới của nghiên cứu hiện đại (PGS. Nguyễn Hoàng Hải); Khoa học dữ liệu và vài suy nghĩ về phát triển KH&CN Việt Nam (GS. Hồ Tú Bảo); Tương lai của khoa học (PGS. Nguyễn Ái Việt); Trí tuệ nhân tạo và tương lai nghề nghiệp (PGS. Nguyễn Xuân Hoài); Toán thống kê trong khoa học (TS. Trần Thị Tuấn Anh); Quy hoạch đô thị và hoạch định tương lai cá nhân (TS. Phạm Thái Sơn); Di sản số và nhân văn số (PGS. Trần Trọng Dương); Những góc nhìn đa ngành trong công nghệ sinh học, nông nghiệp (TS. Tô Thị Mai Hương); Sức khỏe tâm thần trong thế giới thay đổi nhanh chóng (ThS. Nguyễn Thanh Tâm); Luật sở hữu trí tuệ (TS. Trần Kiên).

Ngoài ra, nhân dịp kỉ niệm 10 năm thành lập, Trường hè Khoa học cũng tổ chức bàn tròn “Nghề khoa học” với các chia sẻ sâu sắc của GS. Trần Thanh Vân, GS. Ngô Bảo Châu, PGS. Nguyễn Hoàng Hải, TS. Giáp Văn Dương, TS. Ngô Đức Thế.

“Sau 10 năm, Trường hè vẫn giữ được tinh thần như khi thành lập,” TS. Giáp Văn Dương, một trong những người sáng lập Trường hè, chia sẻ với Khoa học & Phát triển. “Về định hướng, Trường hè vẫn nhất quán với mục tiêu chuẩn bị hành trang và góp phần tạo ra các nhà khoa học trẻ, thay vì giảng dạy kiến thức của một chuyên ngành cụ thể. Về quy mô, trừ năm đầu tiên có 80 học viên, từ năm thứ 2 trở đi, Trường hè duy trì ở mức tuyển 150-200 học viên mỗi năm cho đến tận ngày nay.”

TS. Giáp Văn Dương cho rằng, với mục tiêu tạo ra nhà khoa học trẻ, Trường hè Khoa học đã vận hành như một trường dạy nghề và truyền cảm hứng cho những người làm khoa học. “Mô hình này có những điểm độc đáo riêng, khác hẳn các Trường khoa học chuyên biệt thường thấy. Tuy nhiên, mô hình này hoàn toàn có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều quan trọng là cần giữ được sự trong sáng, thuần khiết của khoa học và sự chân thành, vô vị lợi của những người tham gia tổ chức,” anh nói.

Lê Hiền

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)