Hệ thống xếp hạng đại học mới của châu Á

Vừa qua, sau khi kết quả xếp hạng đại học châu Á năm 2010 được Quacquarelli Symonds (QS) công bố, công chúng trong nước đã ráo riết đặt câu hỏi: “Hiện nay đại học Việt Nam đang ở đâu, và khi nào chúng ta mới có mặt trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới?” Để trả lời câu hỏi này, cần nhớ rằng mỗi bảng xếp hạng sử dụng các tiêu chí chất lượng, các chỉ số và cách chấm điểm khác nhau. Vì vậy, không nên tuyệt đối hóa các kết quả xếp hạng, mà quan trọng hơn là hiểu rõ ý nghĩa và những hạn chế của chúng, để có thể có những chuẩn bị cần thiết để lựa chọn và tham gia các hệ thống xếp hạng khi cần. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết này của tác giả Richard Holmes, đã đăng trên tờ báo mạng University World News (Tin giáo dục đại học thế giới) ngày 16/5/2010 vừa qua. Richard Holmes hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Teknologi MARA, Shah Alam, Malaysia và là chủ trang blog mang tên University Ranking Watch (Theo dõi xếp hạng đại học thế giới) tại địa chỉ http://rankingwatch.blogspot. com/.   Vũ Thị Phương Anh dịch và giới thiệu




Kết quả xếp hạng các đại học châu Á do Công ty QS thực hiện mới công bố gần đây chắc chắn sẽ gây ra những tranh cãi nóng trên toàn châu Á.

Có rất nhiều điều gây ngạc nhiên: không chỉ là những thay đổi so với kết quả xếp hạng đại học châu Á năm ngoái ,mà kết quả này còn rất khác với kết quả xếp hạng thế giới cũng do QS thực hiện, mặc dù hai bảng xếp hạng này có sử dụng chung một số dữ liệu.

Đại học Quốc gia Singapore đã tăng hạng đáng kể, từ vị trí thứ 10 lên vị trí thứ 3 trong khi Đại học Bắc Kinh, năm trước đồng hạng với NUS, nay đã rớt hoàn toàn ra khỏi 10 vị trí đầu.

Chắc chắn sẽ có những lời khiếu nại về vị trí đầu bảng của trường Đại học Hong Kong và tiếp theo là trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, trong khi trường Đại học Tokyo, có vị trí thứ năm trong các kết quả xếp hạng này, lại là trường đại học châu Á có vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng thế giới của THE-QS hồi năm ngoái.

Nhìn chung, các vị trí đầu trong bảng xếp hạng này chủ yếu do Hong Kong và Nhật Bản chiếm lĩnh, trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc lẹt đẹt theo sau, một điều có thể làm nhiều người ngạc nhiên khi xem xét thành quả nghiên cứu của hai quốc gia này. Các học viện công nghệ của Ấn Độ có kết quả khá tốt, trong khi kết quả xếp hạng của các trường đại học ở Thái Lan, MalaysiaPhilippines nói chung là ở mức trung bình.

Trong thời gian năm năm, QS đã hợp tác với bản Phụ trương Giáo dục đại học của tờ báo Times (THE) để thực hiện bảng xếp hạng các trường đại học thế giới. Mối quan hệ đối tác này đã đi đến một kết thúc gay gắt và giờ đây hai tổ chức QS và THE tạo ra các bảng xếp hạng thế giới độc lập của riêng mình.

Có vẻ như QS đang cố gắng phát triển các bảng xếp hạng ổn định của khu vực: bảng xếp hạng các trường đại học châu Á đầu tiên đã ra đời năm ngoái và hiện nay công ty này đang chuẩn bị ra mắt bảng xếp hạng thế giới cho Ả Rập và khu vực châu Mỹ La-tinh.

Ấn bản kết quả lần thứ hai của bảng xếp hạng các trường đại học châu Á sẽ được rất nhiều trường đại học ở châu Á hân hoan chào đón. Các bảng xếp hạng có thể có lỗi nhưng chúng cũng cung cấp được các thông tin dễ dàng sử dụng cho sinh viên, các nhà quản lý cùng các bên liên quan khác.

Trong vài năm qua, thái độ đối với các bảng xếp hạng trường đại học ở châu Á đã thay đổi đáng kể. Sự thiếu hưởng ứng của các trường đại học trong khu vực trước đây đã đóng góp vào sự sụp đổ của bảng xếp hạng các trường đại học châu Á của tờ báo Asiaweek năm 2001.

Vậy mà giờ đây có thể thấy họ háo hức xếp hàng tham gia các hội nghị do QS tổ chức, đồng thời theo dõi sát sao vị trí của mình trong các bảng xếp hạng do QS hoặc của trường Đại học Giao thông Thượng Hải, và ở một mức độ thấp hơn là bảng xếp hạng của  Webometrics.

Bảng xếp hạng châu Á hiện nay dựa trên bảng xếp hạng đại học thế giới của QS, sử dụng một cách tiếp cận tương tự mặc dù cũng có một số khác biệt đáng kể.


Sinh viên Đại học Quốc gia Seoul

Một cách ngắn gọn, sự khác biệt ở đây là trong số dành cho các cuộc khảo sát ý kiến của giới học thuật, mà QS khăng khăng gọi là đánh giá đồng nghiệp, giảm từ 40% xuống còn 30%, đưa vào thêm hai tiêu chí về mức độ quốc tế hóa là số lượng sinh viên trao đổi gửi ra và nhận vào để bổ sung vào hai tiêu chí sẵn có là số lượng giảng viên và sinh viên quốc tế, và sử dụng hai tiêu chí mới về thành tích nghiên cứu là số bài báo trên giảng viên và số lần trích dẫn trên bài báo.

Tiêu chí đầu tiên nhằm đo lường kết quả nghiên cứu bình quân của các giảng viên và tiêu chí thứ hai nhằm đo bình quân tầm ảnh hưởng của các bài báo do trường công bố. Hai tiêu chí này được tính tỷ lệ 30% tổng số điểm, còn trong bảng xếp hạng thế giới thì chỉ có tiêu chí số lần trích dẫn trên mỗi bài báo với tỷ lệ là 20%.

Một đặc điểm rất đáng hoan nghênh của bảng xếp hạng này là nó cung cấp thông tin về điểm số cho từng chỉ số, đồng thời cũng nêu điểm số của chỉ số đó trong năm 2009, cho phép thực hiện một số phân tích chi tiết.

Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao trường Đại học Hong Kong đang được xếp ở vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng đại học châu Á trong khi nó được xếp ở vị trí thấp hơn trường Đại học Tokyo trong bảng xếp hạng thế giới của QS-THE hồi năm ngoái.

Sự mâu thuẫn hiển nhiên này là kết quả của việc sử dụng cùng một nguồn dữ liệu được theo những phương pháp đối sánh khác nhau. Về cơ bản, trường Đại học Tokyo tốt hơn trường Đại học Hong Kong về kết quả “đánh giá học thuật của đồng nghiệp”, đánh giá của nhà tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên, số bài báo trên giảng viên, và hơi thấp hơn về số lần trích dẫn trên mỗi bài báo, nhưng kém xa khi xét trên các chỉ số về mức độ quốc tế hóa.

Các chỉ số về mức độ quốc tế hóa chỉ chiếm 10% điểm số tổng thể, cũng giống như trong bảng xếp hạng thế giới. Nhưng hiệu quả của việc so sánh thứ hạng cao nhất trên từng chỉ số đã tạo ra một tầm quan trọng lớn hơn cho những điểm số này.

Kết quả là Hong Kong dẫn đầu, không phải vì bất kỳ sự cải tiến thực sự nào kể từ cuối năm ngoái, mà chỉ do một thay đổi tùy hứng trong cách chuẩn hóa số liệu của QS.

Vậy tại sao Đại học Quốc gia Singapore (NUS) lên hạng nhiều đến thế trong năm nay? Điều này cũng khá đơn giản: trong bảng xếp hạng thế giới năm 2009 và trước đó, cũng như trong bảng xếp hạng châu Á, NUS không thua kém bất kỳ trường đại học châu Á nào trên mọi chỉ số, ngoại trừ một chỉ số duy nhất.

Đó là tỷ lệ sinh viên trên giảng viên, với điểm số không mấy ấn tượng là 46/100 trong bảng xếp hạng thế giới và 51/100 trong bảng xếp hạng đại học châu Á.  Vậy mà trong bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2010, điểm của NUS đã tăng vọt lên đến 92,7.

Nói ngắn gọn, đến tận cuối năm ngoái NUS vẫn báo cáo tỷ lệ này là khoảng 14.  Nhưng đến năm nay thì số lượng học giả được sử dụng để tính toán tỷ lệ này bỗng tăng gấp đôi vì công thức cho phép tính cả cán bộ nghiên cứu trong tổng số giảng viên, và vì vậy tỷ lệ này giảm xuống còn có 6,25 – một trong những tỷ lệ thấp nhất ở châu Á.

Cần nhấn mạnh rằng NUS đã không hề làm điều gì phi đạo đức: QS nêu rõ rằng các cán bộ chuyên nghiên cứu nhưng không giảng dạy cũng được tính trong tổng số giảng viên. Tuy nhiên, sự tăng hạng của NUS trong năm nay không hề có liên quan đến bất kỳ sự cải tiến nào, cũng như kết quả chưa xuất sắc của NUS năm ngoái chẳng phản ánh bất kỳ sự khiếm khuyết thực sự nào.

Một vài chỉ số đã thay đổi rất nhiều từ năm 2009 đến năm 2010. Ví dụ, một số trường có kết quả tốt vì đạt điểm cao về mức độ quốc tế hóa. Nếu các kết quả xếp hạng này có thể tin được, thì hẳn trong năm cả châu Á phải có sự mở rộng một cách ấn tượng về các chương trình trao đổi sinh viên, cả đưa sinh viên ra nước ngoài và nhận sinh viên ngoại quốc vào, mà đặc biệt là ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nếu xét việc đưa sinh viên đi trao đổi, có thể thấy rằng trường ĐH Daejin đã tăng từ 23,1 lên đến 99,9 điểm, ĐH Seoul từ 48 lên đến 94,9 điểm, và ĐH Yonsei từ 43,1 lên đến 90,4 điểm. Nhưng những thay đổi này chẳng thấm vào đâu khi so sánh với ĐH Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, khi điểm số của trường này tăng vọt từ 3,9 lên đến 100 điểm.

Nếu quả thực có sự tăng trưởng phi thường như vậy về số lượng các chương trình trao đổi thì cũng cần phải tự hỏi, vào thời điểm suy thoái kinh tế thế giới như thế này, liệu đây có phải là cách sử dụng tốt nhất ngân quỹ của Chính phủ hay tiền thu từ học phí của người học chăng?

Rõ ràng là sự tăng trưởng đáng kể về số lượng các chương trình trao đổi sinh viên châu Á như báo cáo của các trường chẳng qua chủ yếu là vì nó là một chỉ số để chấm điểm trong bảng xếp hạng QS.

Đáng chú ý là các trường đại học Trung Quốc có vị trí khá tốt trong bảng xếp hạng nhưng không quá xuất sắc. Khi đối chiếu với việc Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh công bố khoa học như báo cáo của Thomson Reuters, giờ đây là tổ chức cung cấp dữ liệu cho THE, nguyên đối tác của QS, kết quả này có vẻ đáng ngạc nhiên.

Nhưng có vẻ như Trung Quốc đang theo đuổi chính sách phát triển nghiên cứu ở cấp cơ sở, nhấn mạnh sự phát triển về quy mô nhưng không phải lúc nào cũng có chất lượng cao.

Hiện Trung Quốc đang thiếu hụt các nhà nghiên cứu có tầm cỡ. Toàn bộ lục địa Trung Quốc chỉ có được bốn nhà nghiên cứu có chỉ số trích dẫn cao được nêu bởi ISI so với Hong Kong có đến 20 người.

Trong khi đó, chỉ tính ba trường đại học của Saudi Arabia đã có đến 20 nhà nghiên cứu có chỉ số trích dẫn cao.  Những bản tường thuật về nạn đạo văn và lời than phiền về sự giảm sút chất lượng của nghiên cứu có thể hơi có chút cường điệu, nhưng nó cũng cho thấy Trung Quốc dường như đã bắt đầu hụt hơi trong việc mở rộng nghiên cứu và điều này có thể đã được phản ánh qua các thứ hạng mờ nhạt trong bảng xếp hạng.

Để kết luận, có thể nói bảng xếp hạng châu Á có những sai sót tương tự như bảng xếp hạng thế giới và vì thế dễ gây hiểu nhầm ở nhiều khía cạnh. Vì vậy, không nên xem kết quả xếp hạng đại học châu Á là những số đo hoàn hảo về chất lượng.

Các chỉ số về số lượng bài báo và tần số trích dẫn mang tính thiên vị đối với các ngành công nghệ và y học, trong khi các chỉ số khác thì rất dễ bị thay đổi.  Các chỉ số đánh giá của đồng nghiệp và đánh giá của nhà tuyển dụng thì lại chủ quan và thiếu tính đại diện.

Những sự tùy tiện về phương pháp có thể dẫn đến những sự lên hạng hoặc xuống hạng mà không phản ánh bất kỳ thay đổi thực sự nào. Mặc dù vậy, bảng xếp hạng này vẫn và sẽ tiếp tục trong tương lai gần là nguồn thông tin so sánh duy nhất của số không nhỏ các trường đại học của châu Á.

————-

* Richard Holmes giảng dạy tại Trường ĐH Teknologi MARA, Shah Alam, Malaysia và là chủ trang blog mang tên University Ranking Watch.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)