Hiện trạng giáo dục Việt Nam nhìn từ quan điểm phê phán của triết học Nietzsche

Trong tâm thức người Việt Nam, “tranh luận” dễ bị đồng nhất với “tranh cãi” hay “tranh chấp”, phê phán thường bị hiểu ngầm là “chê bai, coi thường”. Thêm vào đó là truyền thống “Tôn sư trọng đạo”: thầy gần như cha hoặc thậm chí còn hơn cha, mà cha thì chỉ “dạy từ trên xuống”. Những lề lối tư duy và hành động ấy đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của dân tộc, quy định cách thức mà hệ thống giáo dục của chúng ta đang vận hành.

Theo Chỉ số phát triển giáo dục (EDI) năm 2008 do UNESCO công bố, Việt Nam đứng thứ 79/129 nước, tức là tụt 9 bậc so với năm 2004 dù đầu tư của Chính phủ cho giáo dục không ngừng tăng lên. Kết quả này khiến chúng ta phải “giật mình” về chất lượng của nền giáo dục [1]. Một trong những lý do khiến đại học Việt Nam nói riêng, giáo dục Việt Nam nói chung vẫn ở trong tình trạng yếu kém, thiết nghĩ chính là do sự thiếu vắng nghiêm trọng của tinh thần phê phán. Đây cũng chính là vấn đề mà chúng tôi muốn soi chiếu từ quan niệm về phê phán của triết học Nietzsche, trong bài viết này.

“Tranh luận” không phải là “tranh cãi” hay “tranh chấp”
*

Ngay từ những trang đầu tiên của cuốn Nietzsche và triết học [2], Deleuze xác định rõ quan niệm của Nietzsche về sự phê phán: Phê phán không phải là một phản ứng của sự phẫn hận, mà là biểu hiện tích cực của một lối sống tích cực: tấn công nhưng không trả thù: tính xâm hấn tự nhiên của một phương thức tồn tại, sự độc ác thần thánh mà không có nó ta không thể hình dung được sự hoàn thiện (tr. 3-4).

Deleuze sau đó còn nhiều lần nhắc lại tư tưởng đó của Nietzsche, chẳng hạn: […] sự phê phán là sự phủ định dưới hình thức mới này: sự phá hủy trở thành hoạt năng, thành tính xâm hấn hết sức gắn bó với khẳng định. Phê phán là phá hủy trong tư cách là niềm vui , là sự xâm hấn của kẻ sáng tạo. Kẻ sáng tạo các giá trị không tách biệt với kẻ hủy diệt, không tách biệt với một tội đồ hay một người phê phán: phê phán các giá trị đã được thiết lập, phê phán các giá trị phản ứng, phê phán sự hèn hạ (trang 121).

Nếu ứng dụng tinh thần này vào giáo dục, ta sẽ thấy, ngay từ những cấp lớp đầu tiên, học sinh cần được rèn luyện tư duy phê phán một cách khoa học. Cụ thể, học sinh được rèn luyện vận dụng tích cực trí tuệ vào việc phân tích, tổng hợp, đánh giá sự việc… từ khả năng quan sát và kinh nghiệm, từ việc thu thập chứng cứ, thông tin, lý lẽ nhằm đưa ra nhận định về sự việc, ra quyết định, và hình thành cách ứng xử của mình. Tư duy phê phán do đó trở thành nền tảng để phát triển tư duy độc lập – yếu tố không thể thiếu khi con người phải thường xuyên đối diện với những vấn đề đa dạng trong cuộc sống. Phê phán tích cực giúp học sinh, sinh viên tránh được cái sai, xấu, lỗi thời và hướng đến cái mới tốt hơn, hoàn thiện hơn trên con đường sáng tạo không ngừng.

Đáng tiếc là tinh thần phê phán đó vẫn chưa phát triển trong xã hội Việt Nam hiện nay nói chung, và trong trường học Việt Nam nói riêng.

Một trong những đặc điểm văn hóa và tư duy của người Việt là đề cao quan hệ xã hội theo hướng “dĩ hoà vi quý”. Khác với phương Tây, ý thức cá nhân trong xã hội truyền thống Việt Nam hoàn toàn bị thủ tiêu. Do đặc điểm này, “tranh luận” sẽ dễ dàng bị đồng nhất với “tranh cãi” hay “tranh chấp”, nghĩa là những thái độ tiêu cực mang tính cá nhân, cục bộ, địa phương hay gây mất đoàn kết. Vì vậy, trong tâm thức người Việt Nam, phê phán thường bị hiểu ngầm là “chê bai, coi thường”. Thêm vào đó là truyền thống “Tôn sư trọng đạo”: thầy gần như cha hoặc thậm chí còn hơn cha, mà cha thì chỉ “dạy từ trên xuống”. Những lề lối tư duy và hành động ấy đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của dân tộc, quy định cách thức mà hệ thống giáo dục của chúng ta đang vận hành.

Cụ thể, cách thức giáo dục nặng về truyền đạt, nhồi nhét kiến thức và có phần áp đặt, theo mẫu, thiếu phát huy suy nghĩ độc lập vẫn đang tồn tại phổ biến ở nước ta hiện nay. Thật khó có thể đào tạo nên những con người năng động sáng tạo một khi học sinh, sinh viên luôn chịu áp lực rất lớn không những vì chương trình quá tải mà còn vì phải làm theo những bài mẫu, đáp án mẫu, phải ghi nhớ những kiến thức và lý lẽ có sẵn trong bài giảng, bất chấp nó có còn phù hợp với thực tế cuộc sống và kiến thức của nhân loại hay không. Không những thế, cách thức giáo dục này còn làm mai một dần tính năng động và năng lực tư duy của học sinh, sinh viên và tạo ra những con người giỏi bắt chước hơn sáng tạo, nhìn sự việc bằng con mắt của người khác, suy nghĩ và hành động bằng cái đầu của người khác.

Khác biệt không có nghĩa là lập dị, không biết không có nghĩa là kém hiểu biết

Vừa qua, báo chí đã dành sự quan tâm đáng kể cho sự kiện một sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM, sau khi “cãi” một giáo sư người Mỹ đã được ông tài trợ chi phí để sang Mỹ tham quan và học tập [3]. Việc một sinh viên “dám” phản biện giáo sư – vốn rất bình thường trong các trường học ở phương Tây – lại được công luận trong nước chú ý như thế, chứng tỏ tinh thần phê phán trong học tập của sinh viên Việt Nam vẫn còn rất yếu kém. Sản phẩm của cách thức giáo dục này khó có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng gay gắt của thời đại toàn cầu hóa. Bảng xếp hạng 100 trường Đại học hàng đầu Đông Nam Á năm 2010 của Webometrics đã minh chứng cho điều đó: Việt Nam chỉ có 6 trường lọt vào danh sách với các thứ hạng lần lượt là 41, 46, 58, 61, 66 và 85; hiện chưa đại học nào của Việt Nam có vị trí trong bảng xếp hạng các đại học hàng đầu châu Á cũng như thế giới [4].

Nền giáo dục của chúng ta đang nợ người dân một lời thừa nhận thẳng thắn, trung thực về sự thật và cội nguồn của tình trạng yếu kém đó.

Nietzsche nói: Tư duy có nghĩa là: khám phá, sáng tạo những khả năng mới của đời sống (tr. 139). Hệ thống giáo dục của chúng ta cần rèn luyện cho học sinh, sinh viên thói quen không bao giờ mặc nhiên công nhận điều gì mà chưa có cơ sở chắc chắn và luôn ý thức rằng: không có gì là tuyệt đối; ai cũng có thể sai, sách cũng có thể sai; chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về đa số. Nghĩa là, học sinh, sinh viên cần được giáo dục để biết “cười” khi nghe sự khẳng định về một sự thật, một chân lý duy nhất, giống như “[…]Các thần linh đã chết, nhưng họ chết vì cười, khi nghe một Đức Chúa nói rằng mình là Đức Chúa duy nhất.” (tr. 5)

Ngoài ra, nền giáo dục cũng cần rèn luyện cho học sinh bản lĩnh ứng xử với những trở ngại có thể có từ cộng đồng mà tinh thần phê phán và tư duy phản biện còn chưa cao. Đó là khi ý kiến của bản thân mâu thuẫn với ý kiến lãnh đạo thì dễ bị cho là sai, không trung thành; ý kiến khác biệt với suy nghĩ của đa số thì dễ bị quy chụp là lập dị; khi mạnh dạn nói “điều đó tôi không biết, không thể” thì dễ bị cho là kém hiểu biết; thay đổi ý kiến khi phát hiện mình sai dễ bị cho là không có lập trường kiên định… Nghĩa là, cần giúp học sinh nuôi dưỡng “bản năng hướng về tri thức bị buộc không ngừng phải từ bỏ mảnh đất nơi con người quen sống và lao vào cái không chắc chắn” để “tư duy vượt lên trên những giới hạn mà đời sống ấn định cho nó”. Khi đó, “tư duy không còn là một hệ số, đời sống không còn là một phản ứng” (tr. 140).

Thực tế cho thấy bộ máy Nhà nước với việc đề cao tinh thần phê phán và tinh thần phản biện của mọi tầng lớp trong xã hội chính là nền tảng cho sự phát triển của các quốc gia. Ngược lại, một xã hội với số đông những người thụ động trong tư duy và hành động là một xã hội trì trệ, việc phát huy nguồn lực trí tuệ sẽ bị kìm hãm, nhất là khi những người đó lại giữ vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo. Tình trạng đó sẽ tạo nên một trở lực đáng kể đối với sự phát triển của bất kì quốc gia nào.

Không có phát minh mới nào, chủ trương, chiến lược hợp lý nào, giải pháp đúng đắn nào lại không dựa trên cơ sở tư duy phân tích, phê phán để phủ định cái sai, cái dở, tiếp thu và phát huy cái đúng, cái hay trên tinh thần sáng tạo, từ đó tìm ra cái mới. Chính vì thế, kỹ năng phê phán phải là chiếc chìa khóa mà hệ thống giáo dục nước ta cần trao cho học sinh, sinh viên để mở ra cánh cửa tư duy độc lập, sáng tạo nhằm phát huy trí tuệ của dân tộc.

Bài tiểu luận này được thực hiện trong khuôn khổ chuyên đề hướng dẫn cách đọc một tác phẩm triết học tại Khoa Văn học và Ngôn Ngữ, ĐHKHXHNV TP HCM.

 


* Các tít phụ do Tia Sáng đặt.
[1] Xem thêm tại http://vovnews.vn/Home/Viet-Nam-dung-thu-79-ve-Chi-so-phat-trien-Giao-duc-cho-moi-nguoi/200811/98735.vov
[2] Nietzsche và triết học, Gilles Deleuze, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb. Tri thức, 2010. Các trích dẫn từ đây về sau đều lấy từ công trình này.
[3] Xem thêm tại http://tuoitre.vn/nhip-song-tre/415241/anh-sinh-vien-%E2%80%9Cngo-nguoc%E2%80%9D-duoc-moi-di-my.html
[4] Xem thêm tại www.webometrics.info

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Gilles Deleuze, Nietzsche và triết học, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb. Tri thức, 2010.
2.    Dương Ngọc Dũng, Tư duy sáng tạo và phê phán trong giáo dục Mỹ, 09/02/2003:
http://www.chungta.com/Desktop.aspx/GiaoDuc/DeXuat-GiaiPhap-GD/Tu_duy_sang_tao_va_phe_phan_trong_giao_duc_My/
http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1546:phe-phan-va-sieu-nhan-nietzsche-qua-din-gii-ca-deleuze&catid=100:vn-hoa-lch-s-trit-hc-giao-dc&Itemid=161
3. Nguyễn Thị Từ Huy, Phê phán và siêu nhân (Nietzsche qua diễn giải của Deleuze), 10/10/2010:
4.    Trần Ngọc Thêm (2010), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
5.    Trần Thượng Tuấn , Tư duy phê phán, 09/10/2010:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/41544/Tu-duy-phe-phan.html

 

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)