Hình thức thực hiện Luận án đồng hướng dẫn

Cách đây hơn ba năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ cho Việt Nam đến năm 2020. Thông báo đó tạo nên nhiều hy vọng lớn nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi là làm thế nào để có thể đạt được mục tiêu như vậy? Bài viết  này đưa ra một gợi ý về việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam theo hình thức luận án đồng hướng dẫn với những trường đại học uy tín ở nước ngoài, nhằm góp một phần trả lời câu hỏi đó.

Chúng ta đều biết để đào tạo được một tiến sĩ cần biết bao nhiêu công sức, sự cống hiến và kiên nhẫn của người hướng dẫn, sự hy sinh và nỗ lực của gia đình để có thể tạo điều kiện cho con cái họ theo đuổi nghiên cứu cho đến hết những năm cuối tuổi hai mươi. Năm nay, phòng thí nghiệm Vật lý Thiên văn của chúng tôi tại Hà Nội kỷ niệm mười năm thành lập. Trong mười năm này, chúng tôi chỉ đào tạo được ba tiến sĩ. Hiện tại, chúng tôi đang đào tạo bốn tiến sĩ nữa, nhưng tất thảy cũng không đóng góp được đến nửa phần nghìn mục tiêu của Nhà nước. Hay nói theo cách khác, nếu tất cả các cơ sở đào tạo tiến sĩ mà kém hiệu quả như phòng thí nghiệm của chúng tôi thì Việt Nam sẽ cần khoảng 3.000 phòng thí nghiệm như vậy trên cả nước để có thể đạt được mục tiêu, rõ ràng điều này là phi thực tế. 

Hình thức luận án đồng hướng dẫn

Các tiến sĩ tương lai là những người không phải trải qua những khó khăn do lịch sử như thế hệ cha mẹ và thầy cô của họ. Không như thế hệ trước, họ được giáo dục một cách bài bản và có nhiều cơ hội để phát triển tài năng của mình. Họ là những đứa con của Đổi mới, cha mẹ họ đã làm hết sức mình để đem lại cho họ sự giáo dục tốt nhất. Đã đến lúc đất nước cần phải sử dụng một cách thỏa đáng sự đầu tư này bằng cách tạo cho họ tương lai mà họ xứng đáng có được. Việt Nam cần nhiệt huyết tuổi trẻ của họ để tiến lên thành công trong thế kỷ mới.

Tôi không có chiếc đũa thần nào để giúp Việt Nam tăng tốc độ đào tạo tiến sĩ; tôi không thể làm nhiều hơn những gì mình đang làm. Nhưng tôi có thể đóng góp một cách hữu ích khi chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi về chủ đề này.  Nhưng theo suy nghĩ của tôi, ba bằng tiến sĩ đề cập ở trên đã được thực hiện theo một hình thức rất phù hợp với nhu cầu hiện nay của Việt Nam: hình thức thực hiện luận án đồng hướng dẫn với những trường đại học uy tín nước ngoài (tiếng Pháp gọi là cotutelle). Sau đây tôi sẽ giải thích về hình thức này. 

Đối với ba trường hợp thực hiện luận án đồng hướng dẫn nói trên, trường đại học Việt Nam và nước ngoài đã ký thỏa thuận chung, bằng văn bản theo mẫu, trước khi luận án được thực hiện để đảm bảo quyền lợi của mỗi trường và mỗi nước. Ví dụ, trong thỏa thuận có quy định số lượng thành viên hội đồng chấm luận án của mỗi nước phải tương đương và sinh viên phải dành thời gian thực hiện luận án tại phòng thí nghiệm ở Việt Nam và nước ngoài. Thực tế, trong trường hợp của chúng tôi, các nghiên cứu sinh dành ba tháng mỗi năm tại trường đại học nước ngoài và phần thời gian còn lại tại phòng thí nghiệm trong nước. Một trong những điều khoản của thỏa thuận nói rằng, sau khi bảo vệ luận án, sinh viên sẽ nhận được bằng tiến sĩ do cả hai nước cấp. 

Lợi ích của hình thức luận án đồng hướng dẫn

Tôi tin rằng đối với Việt Nam hiện nay, việc thực hiện luận án tiến sĩ theo cách thức này là rất thích hợp, thực sự tuyệt vời đối với cả hai nước: nếu dùng thuật ngữ thịnh hành hiện nay thì đó là sự hợp tác “đôi bên cùng có lợi” (“win-win” arrangement). Hợp tác với trường đại học uy tín ở nước ngoài đảm bảo chất lượng của luận án, loại trừ gian lận, đạo văn hay những hành vi sai trái tương tự. Như các bạn đã biết, Việt Nam chưa được bảo vệ một cách thích đáng khỏi những hành vi này. 

Gần đây, tôi cũng được một đồng nghiệp Việt Nam hỏi rằng: Nếu muốn giúp khoa học, tại sao ông không đến một nước khác? Ở Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian trước khi có thể thay đổi. Tôi cố gắng giải thích rằng tôi không làm điều này vì mình, vinh quang của tôi đã ở phía sau, nhưng đối với sinh viên của tôi; họ là người Việt Nam; tôi phải ở Việt Nam để có cơ hội giúp đỡ họ. 

Hợp tác đồng hướng dẫn tạo nên mối liên hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và những trường đại học uy tín nước ngoài. Đây là một cách đầu tư rất hiệu quả cho tương lai. Là sự hợp tác của hai nhà khoa học biết tôn trọng nhau và là những người sẵn sàng làm việc cùng nhau để đem lại chất lượng đào tạo tốt nhất cho nghiên cứu sinh của mình.

Một lợi ích của việc thực hiện luận án đồng hướng dẫn nữa là đem lại cơ hội, cho sinh viên cũng như thầy hướng dẫn, tiếp xúc với môi trường văn hóa học thuật khác, một kinh nghiệm luôn luôn bổ ích. Nó làm cho các thầy hướng dẫn phía Việt Nam hiểu hơn về hệ thống học thuật nước ngoài, điều này có thể sẽ khơi nguồn cảm hứng cho những ý tưởng mới giúp đại học Việt Nam phát triển hơn. Nó làm cho các thầy hướng dẫn nước ngoài nhận thức rõ hơn những khó khăn mà các nước đang phát triển gặp phải trong nghiên cứu và đào tạo, điều đó khuyến khích họ giúp đỡ các nước này nhiều hơn nữa. 

Hơn nữa, theo tôi, đặc điểm có ý nghĩa lớn nhất của hợp tác đồng hướng dẫn ở chỗ, nó hạn chế được hiện tượng chảy máu chất xám hơn so với trường hợp gửi nghiên cứu sinh đi đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài. Thêm vào đó, việc theo sát và giúp đỡ nghiên cứu sinh sau khi hoàn thành luận án sẽ dễ dàng hơn. Một trong những thất bại chính của hệ thống hiện nay là không có khả năng tận dụng tốt đầu tư vào đào tạo sinh viên ở nước ngoài. Chúng ta biết nhiều ví dụ về những sinh viên được đào tạo ở nước ngoài khi trở về nước không có cơ hội sử dụng kỹ năng mà mình học được ở nước ngoài. Ngày họ rời đất nước cũng là ngày chúng ta mất thông tin về họ, hệ thống đào tạo hiện nay không cung cấp khả năng theo dõi sự tiến bộ của họ và đầu tư Nhà nước dành cho việc đào tạo họ đã phần nào bị lãng phí. Ngược lại, khi được đào tạo dưới hình thức hợp tác đồng hướng dẫn, các sinh viên vẫn luôn giữ liên hệ với đất nước. 

Những trở ngại khó hiểu

Tôi hy vọng qua tóm tắt một vài đặc điểm của hình thức đồng hướng dẫn có thể thuyết phục độc giả về giá trị của nó trong nỗ lực nhằm tăng số lượng và chất lượng tiến sĩ trong nước. Tôi nhận thức rõ rằng phương thức này không thể áp dụng để đào tạo ra phần lớn số tiến sĩ cho mục tiêu đặt ra vì hình thức này đặt ra yêu cầu cao về phía người hướng dẫn; nhiều người hướng dẫn ở Việt Nam chưa có vị thế để có thể tìm được đồng nghiệp nước ngoài sẵn sàng đầu tư thời gian và công sức cho cuộc phiêu lưu như vậy. Tuy nhiên, ngay cả khi hình thức hợp tác này không đóng góp nhiều về số lượng nhưng ý nghĩa “đôi bên cùng có lợi”, nếu bạn cho phép tôi sử dụng từ này, rõ ràng xứng đáng được hoàn toàn ủng hộ. Nhưng thật không may, ở Việt Nam hình thức này chưa được ủng hộ. Cho đến nay, hơn mười tám tháng sau khi luận án tiến sĩ đầu tiên được bảo vệ, sinh viên của tôi đã nhận bằng do đại học nước ngoài cấp từ lâu nhưng chưa nhận được bằng do phía Việt Nam cấp. Mặc dù tôi là giáo sư mời của trường Đại học đó nhưng tôi không thể hiểu được thực sự vấn đề nằm ở chỗ nào. Tôi đã hỏi, nhưng không ai có thể trả lời cho tôi. Tôi đã tin rằng, thỏa thuận đã ký là đảm bảo cho sự tôn trọng lẫn nhau. Hoặc ít nhất, khi vấn đề phát sinh, tôi mong đợi được biết đó là vấn đề gì. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể  nhận được những lời ngập ngừng về sự thông cảm hay thú thực về sự bất lực. Gần đây, khi thảo luận thân mật về vấn đề này với một người quen có liên hệ với những người có quyền quyết định cao nhất về giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, ông nói rằng không có khả năng nào để sinh viên của tôi có thể nhận bằng do Việt Nam cấp, ngay cả Thủ tướng Chính phủ cũng không thể ký trao bằng được. Điều này nghe rất kỳ lạ đối với tôi: có khó khăn gì khi ký một tờ giấy không hại ai mà lại có lợi cho nhiều người? 

Tôi không mong đợi bất cứ ai cảm ơn tôi. Những gì tôi làm là cho các sinh viên của mình. Tôi thích làm việc đó vì tôi yêu khoa học và tôi yêu Việt Nam. Nhưng tôi cũng không mong đợi những thủ tục hành chính lỗi thời làm cho cuộc sống của chúng ta khó khăn hơn.

Đôi khi, những đồng nghiệp Việt Nam và bạn bè hỏi tôi rằng: Tại sao anh lại quan tâm? Sinh viên của anh đã nhận được bằng nước ngoài rồi, tấm bằng đó còn uy tín hơn tấm bằng Việt Nam nhiều? Tôi cố gắng giải thích với họ rằng tôi quan tâm đến việc làm sao để Việt Nam có được những trường đại học tốt hơn so với hiện nay, và để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người muốn giúp đỡ, thay vì gây trở ngại cho họ với những thủ tục hành chính lỗi thời. Tôi cố gắng giải thích rằng tôi quan tâm đến việc làm cho tấm bằng của Việt Nam sớm trở nên uy tín như tấm bằng của nước ngoài, thậm chí uy tín hơn, tại sao không? Gần đây, tôi cũng được một đồng nghiệp Việt Nam hỏi rằng: Nếu muốn giúp khoa học, tại sao ông không đến một nước khác? Ở Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian trước khi có thể thay đổi. Tôi cố gắng giải thích rằng tôi không làm điều này vì mình, vinh quang của tôi đã ở phía sau, nhưng đối với sinh viên của tôi; họ là người Việt Nam; tôi phải ở Việt Nam để có cơ hội giúp đỡ họ. 

Tôi đã nghĩ đến tất cả các lý do có thể để giải thích cho việc này, một số trong đó đã không sáng suốt đến nỗi tôi không dám đề cập đến ở đây. Tôi chỉ giữ lại hai lý do khá chính đáng. Một là, Việt Nam cho rằng trình độ của các trường đại học nước ngoài trong các thỏa thuận (Paris VI/Jussieu và Paris-Sud/Orsay) quá thấp so với trình độ của đại học Việt Nam. Nếu trường hợp này là đúng, tôi muốn được nghe lời khẳng định nhưng không muốn bình luận về việc đó. Lý do còn lại –  hy vọng là nguyên nhân thực sự của vấn đề – do sự quan liêu của một số quan chức, cùng những quy định hành chính cứng nhắc và lỗi thời đã tạo nên trở ngại khiến phía Việt Nam không thực hiện cam kết của mình. Nếu đó là lý do thì cộng đồng chúng ta cần đề nghị Chính phủ phải thay đổi các quy tắc lỗi thời bằng những quy tắc tốt hơn để thúc đẩy sự phát triển. 

Tôi không mong đợi bất cứ ai cảm ơn tôi. Những gì tôi làm là cho các sinh viên của mình. Tôi thích làm việc đó vì tôi yêu khoa học và tôi yêu Việt Nam. Nhưng tôi cũng không mong đợi những thủ tục hành chính lỗi thời làm cho cuộc sống của chúng ta khó khăn hơn.  
  
      PHẠM TRẦN LÊ  dịch

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)