Hoạt động của các viện nghiên cứu trong các trường đại học của Đức

Một trong những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sinh viên quốc tế đến Đức du học ngày một gia tăng chính là vai trò "Hoạt động của Viện nghiên cứu trong các trường đại học của Đức".

Trong cơ cấu tổ chức của các trường đại học Đức đều có các Viện nghiên cứu (VNC) với chức năng chính là nghiên cứu và giảng dạy. Mỗi Viện đều có hướng nghiên cứu chuyên sâu riêng của mình đồng thời có sự liên kết chặt chẽ giữa các viện khi nghiên cứu những đề tài có quy mô lớn.

Thông thường mỗi viện có một giáo sư đầu ngành giữ vị trí Viện trưởng. Dưới đó là một kỹ sư cao cấp (Oberingenieur) có vai trò thay mặt giải quyết các công việc của viện khi giáo sư vắng mặt, thư ký viện và đội ngũ cán bộ nghiên cứu và cán bộ phụ trách kỹ thuật phòng thí nghiệm, trang thiết bị… Tùy quy mô mà VNC có thể có nhiều chuyên ngành nhỏ. Ví dụ: Tại đại học Tổng hợp Hannover, Viện Cơ bao gồm: Viện Rôbốt (Institut fuer Robotik), Viện Cơ liên tục (Institut fuer Kontinuumsmechanik) và Viện Động lực học và dao động (Institut fuer Dynamik und Schwingungen).
 

Các giáo sư viện trưởng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tìm kiếm và đảm bảo uy tín, tín nhiệm với các đề tài nghiên cứu khoa học cho Viện. Thông thường họ đã trải qua quá trình công tác thực tế, thu thập kinh nghiệm quản lý và nâng cao trình độ tại các công ty trong và ngoài nước, từng nắm các vị trí quan trọng trước khi giữ vai trò Viện trưởng. Số tiền dành cho công tác nghiên cứu thường rất lớn. Nguồn tiền dành cho nghiên cứu có thể từ: trường Đại học, các công ty, nhà máy (VW-Stiftung…) và Chính phủ (các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia, quốc tế). Mỗi cán bộ đều phụ trách hoặc tham gia một hoặc nhiều đề tài. Trong quá trình nghiên cứu tất yếu sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mới và đối với các cán bộ nghiên cứu trẻ thì đây là cơ hội tốt để họ phát triển thành các đề tài tiến sỹ của mình. Ngoài đội ngũ cán bộ nghiên cứu còn có sự hỗ trợ đắc lực của các sinh viên có khả năng, đam mê nghiên cứu khoa học. Vì thế, sinh viên có cơ hội rất tốt tiếp xúc với thực tế và còn được trả lương góp phần trang trải cuộc sống. GS.TS Berend Denkena, Viện trưởng Viện Kỹ thuật sản xuất và máy công cụ (IFW) tâm sự trong một buổi tiệc mừng Noel của Viện: “Chúng tôi cảm ơn các cán bộ nghiên cứu đã nỗ lực trong công tác nghiên cứu đồng thời bày tỏ lòng cảm ơn tới sự đóng góp to lớn của đội ngũ sinh viên, các bạn đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, cảm ơn các bạn”.

Giáo sư, TSKH. Bodo Heimann, Viện trưởng Viện Rôbốt kiêm giám đốc Trung tâm cơ điện tử Hannover cho biết:
“Hoạt động của Viện nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng trong việc trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu. Hàng tuần chúng tôi đều có ít nhất một buổi họp của giáo sư với các cán bộ nghiên cứu để thảo luận về các vấn đề mới trong các đề tài, hoặc tổ chức các buổi hội thảo với các chuyên gia của các trường Đại học khác, các cán bộ cao cấp đến từ các công ty… Do đó các cán bộ luôn được cập nhật những thông tin kỹ thuật, công nghệ mới nhất”.
Ông cho biết thêm, theo yêu cầu, các đề tài nghiên cứu khoa học đều phải gắn kết thiết thực tới các vấn đề của cuộc sống, luôn tối ưu hóa các công nghệ và sản phẩm đã có. Điều đó giúp cho nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ của Đức luôn ở vị trí tiên phong trong mọi lĩnh vực. Ví dụ: Các hướng nghiên cứu của Viện Rôbốt hiện nay tập trung trong các lĩnh vực: Rôbốt tự hành (các rôbốt sẽ thay thế con người làm việc trong các môi trường độc hại và nguy hiểm); Cơ điện tử trong hệ thống ôtô (nghiên cứu tổng hợp hệ thống phức tạp trong ôtô: cơ khí, điện, điện tử, tin học để tối ưu hóa chuyển động của ôtô, bảo đảm độ an toàn, kỹ thuật sản xuất: Nghiên cứu các phương án sản xuất tối ưu về thời gian và kinh tế cho sản phẩm); Kỹ thuật y tế (Phát triển các thiết bị phục vụ trong y tế như cánh tay mổ tự động, chẩn đoán và điều trị bệnh…); Rôbốt (các loại rôbốt truyền thống, các loại Rôbốt cơ cấu động lực học song song- PaLida).

Bên cạnh công tác nghiên cứu thì các VNC cũng đảm nhiệm công tác giảng dạy cho sinh viên. Mỗi viện thường có một vài môn học và các môn học này đều liên quan và gắn liền với công tác nghiên cứu của viện do các giáo sư trực tiếp giảng dạy, trong một số môn học cho phép tiến sỹ đứng giảng bài (điều kiện tối thiểu để đứng giảng bài là cán bộ phải có bằng Tiến sỹ).

Sự liên kết giữa các Viện còn thể hiện qua một mô hình rất mới mẻ, đó là mô hình các Viện có chức năng liên quan mật thiết đến nhau được đặt tập trung trong một khu vực để thuận tiện cho việc nghiên cứu cũng như học tập của sinh viên. Điển hình là mô hình “Khoa học và sản xuất dưới cùng một mái nhà” của Trung tâm kỹ thuật sản xuất Hannover (PZH: Produktionstechnisches Zentrum Hannover).
Tại Trung tâm này hội tụ 6 Viện lớn của Khoa Cơ khí: Viện Kỹ thuật sản xuất và Máy công cụ – IFW, Viện Phương tiện giao thông và Tự động hóa – ITA, Viện Công nghệ vi điện tử – IMT, Viện Kỹ thuật Biến dạng – IFUM, Viện Vật liệu IW và Viện Thiết bị nhà máy IFA với trên 400 các kỹ sư, cán bộ nghiên cứu có chất lượng cao. Trung tâm này là sự hiện thực hóa ý tưởng liên kết giáo dục, nghiên cứu với sản xuất, tư vấn của nền giáo dục Đức nói chung và đại học Hannover nói riêng.
Bên cạnh công tác nghiên cứu thì các VNC cũng đảm nhiệm công tác giảng dạy cho sinh viên. Mỗi viện thường có một vài môn học và các môn học này đều liên quan và gắn liền với công tác nghiên cứu của viện. Giáo sư trực tiếp giảng dạy, trong một số môn học cho phép tiến sỹ đứng giảng bài. Đây là điều đặc biệt của nền giáo dục Đức,  điều kiện tối thiểu để đứng giảng bài là cán bộ phải có bằng Tiến sỹ. Các cán bộ trong viện vừa tham gia nghiên cứu khoa học vừa hỗ trợ giáo sư trong các công tác chuẩn bị bài tập, đề thi và chấm thi. Điều đặc biệt và rất quan trọng là mỗi cán bộ sẽ có giờ dành cho sinh viên có thể tới hỏi các vấn đề liên quan đến môn học. Các sinh viên có thắc mắc có thể đến vào giờ này và sẽ được hướng dẫn rất tận tình. Hai cán bộ trẻ của Viện Rôbốt là Hubertus Eilers và Stephan Baron cho biết, hiện nay họ đang nghiên cứu rôbốt ứng dụng trong y tế, mổ tự động và đề tài này có sự liên kết chặt chẽ với Trường đại học Y khoa của Hannover. Bên cạnh đó, họ cũng phụ trách chữa bài tập cơ học cho giáo sư. Hubertus Eilers còn phụ trách thêm về các vấn đề liên quan đến ngành học Cơ điện tử trong trường. Được làm việc cùng những cán bộ trẻ mới thấy được nhiệt huyết và đam mê khoa học đáng nể của họ. Người Đức vốn đặt hiệu quả lên đầu. Họ luôn cố gắng làm việc một cách khoa học, sắp xếp thời gian, lịch làm việc tối ưu. Trong công tác nghiên cứu, họ sẵn sàng ở lại thêm thời gian để làm việc, tìm kiếm các bài viết trên mạng và trong các tạp chí, sách báo chuyên ngành. Điều đáng chú ý nữa là các các bộ nghiên cứu đều phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, để viết báo cáo và tham dự các hội thảo quốc tế. Đây là điều mà các nhà nghiên cứu của chúng ta cần học tập. Một điểm yếu bấy lâu nay của các nhà Khoa học Việt Nam đó chính là khả năng sử dụng ngoại ngữ cho nghiên cứu và trao đổi khoa học.

 
Nghiên cứu Rôbốt mở tự động với Camera quan sát.


Giáo trình học của Viện hàng năm đều được cập nhật các kết quả, kiến thức mới và thông qua sự đánh giá của sinh viên để luôn luôn được hoàn thiện hơn. Các sinh viên tham gia đánh giá chất lượng bài giảng, giáo trình, bài tập, nội dung… Sau đó giáo sư và các cán bộ sẽ tổng kết, thống kê, sửa chữa và bổ sung, làm mới cho môn học. Giáo sư Bodo Heimann khi đang soạn giáo trình mới đã từng cười rất tươi và nói đùa: “Bạn có biết trong trường ai làm chúng tôi đau đầu nhất không? Đó chính là các sinh viên, họ luôn bắt chúng tôi đổi mới và hoàn thiện”. Các viện cũng xây dựng các bài thí nghiệm, đồ án môn học cho sinh viên. Trên các viện luôn có các đề tài được rút ra từ các đề tài nghiên cứu và sinh viên có thể tự lựa chọn phù hợp với sở thích và điểm mạnh của mình.
Có thể nói hoạt động của VNC thể hiện sự chuyên sâu và chuyên môn hóa cao trong công tác giảng dạy của nền giáo dục Đức. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội, sản xuất, công nghiệp… đóng vai trò quan trọng đưa sinh viên sớm tiếp cận thực tế, thực hiện tốt “học đi đôi với hành”.
Nhìn về thực tế trong nước, đôi khi các hoạt động nghiên cứu xa rời thực tế, các kết quả nghiên cứu nhiều khi không được đưa ra áp dụng gây sự lãng phí rất lớn trong công tác đầu tư. Chúng ta đang từng bước hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước thì việc hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục là một yêu cầu tất yếu và cấp bách. Một trong những công việc chúng ta có thể học tập các nước tiên tiến, mà cụ thể ở đây là nước Đức chính là chuyên môn hóa và tập trung phát triển vai trò, chức năng của các VNC, góp phần tránh lãng phí và đưa nền giáo dục, xã hội lên một tầm cao mới.
—————-
*(Sinh viên hệ Thạc Sỹ Cơ Điện Tử – Đại học tổng hợp Hannover)

Vũ Anh Tuấn

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)