Học làm người – Học làm nghề

Nhân kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, vừa qua, Tạp chí Tia Sáng phối hợp với Đoàn Thanh niên khoa Luật – ĐHQG Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: Học làm người – học làm nghề. Trước những thắc mắc, băn khoăn của một số sinh viên, các nhà giáo: GS. Hoàng Tụy, nhà văn Nguyên Ngọc, PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa đã có những ý kiến trao đổi chân tình, cởi mở. Tia Sáng xin trích lược một phần nội dung của buổi tọa đàm.

GS. Hoàng Tụy: Giáo dục bằng hình mẫu
Bàn về chuyện Học làm người, học làm nghề, trước tiên là bàn chuyện học. Muốn học thì phải có hình mẫu để học. Xã hội ta trước kia có hình mẫu vừa “hồng” vừa “chuyên”. “Chuyên” là nghề. “Hồng” là làm người. Nhưng ở xã hội nào có có hình mẫu ấy đồng thuận tùy theo lý tưởng của từng thời. “Hồng” trong nội dung xã hội hiện đại khác hẳn thời xưa. Đó là điều hiển nhiên đúng vì xã hội đã thay đổi. Ngày nay, trong xã hội ta không có hình mẫu, mà hình mẫu ngược lại có khi nhiều hơn. Điều này đúng bởi xã hội ta đang trong giai đoạn khủng hoảng. Tôi đồng ý với các bạn phải học làm người nhưng người như thế nào mới học được chứ. Tôi đã sống, học ở trường thực dân Pháp, tôi đã dạy trong thời kỳ kháng chiến, và cũng có thời gian dạy ở Châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc, ở những nước xã hội chủ nghĩa trước kia cũng như ở các nước tư bản sau này. Dù đó là một đất nước hiện đại, một quốc gia siêu cường hay chỉ là một nước nhỏ, thì ở xã hội ấy, dù nói hay không nói, người ta vẫn tôn thờ, lý tưởng một hình mẫu nào đó. Và dĩ nhiên lý tưởng ấy thay đổi tùy theo thời đại, mang tính thời đại.
Một trong những ưu điểm của giáo dục thời xưa (mà bây giờ thiếu) là giáo dục nghề (hay giáo dục người nói chung) và hết sức đề cao lương tâm nhà nghề. Lần đầu tiên tôi sang Đông Đức, hồi ấy là thời kỳ cực thịnh của chủ nghĩa xã hội, người ta nói công nhân Đức sở dĩ họ làm tốt kỹ thuật là nhờ lương tâm nhà nghề. 99% được giao việc đều cố gắng làm cho đầy đủ bổn phận. Đó là do tác dụng của giáo dục. Cách giáo dục cứng nhắc của chúng ta đè nén con người quá sức. Một mặt, nền giáo dục ấy “nặn” được những con người răm rắp theo tổ chức, đó là sức mạnh. Song mặt khác lại khiến cho con người mất lòng tin. Muốn học làm người, đầu tiên phải chú trọng đến tổ chức, quản lý xã hội, làm sao thấy được mẫu người tốt để noi theo.
Gần đây trên báo chí có nêu lên vấn đề đạo đức thầy giáo sa sút, phát hiện nhiều tiêu cực trong ngành giáo dục. Có ý kiến cho rằng sự sa sút của đạo đức trong giáo dục là do lương thấp. Người ta lí giải rằng: do đồng lương thấp nên giáo viên phải xoay xở để kiếm sống, khó mà không phạm lỗi này hay lỗi khác. Có người gay gắt hơn thì cho rằng không phải do đồng lương thấp mà cái chính là do tư cách, đạo đức của người thầy xuống cấp. Nhưng theo tôi, nguyên nhân sâu xa là do quản lý. Tiêu cực trong giáo dục thực chất không nghiêm trọng bằng tiêu cực trong nhiều cơ quan công quyền khác, nhưng sở dĩ nó nổi lên thành vấn đề xã hội cấp thiết là do giáo dục liên quan, tác động đến mọi gia đình.
Quay trở lại với việc giáo dục. Khi giáo dục, nhà trường chú ý nhiều đến giáo dục kiến thức, kỹ năng nhưng có điều tôi nghĩ thiếu sót là kỹ năng sống, sống để làm người. Tôi thống nhất với TS Phạm Duy Nghĩa là giáo dục cảm xúc là một bộ phận quan trọng trong giáo dục. Con người không có cảm xúc, không rung động, vô cảm trước mọi việc thì không thể làm được bất cứ việc gì. Mỗi bạn trưởng thành, chuẩn bị bước vào đời, cần phải hình dung trước tương lai của mình, đề ra lý tưởng sống cho bản thân và cố gắng thực hiện để đạt được lý tưởng ấy.

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa: Giáo dục con người biết xấu hổ
Nền giáo dục Việt Nam hiện nay mang đậm tính hành chính. Tính hành chính ấy thể hiện ngay trong kiến trúc trường học. Nếu ở phương Tây, trong những trường danh tiếng, chỗ đẹp nhất, trang trọng nhất bao giờ cũng là nhà thờ, thư viện. Còn ở Việt Nam, “nổi” nhất bao giờ cũng là cái cổng, đằng sau cái cổng ấy là cả hệ thống nào gác cổng, bảo vệ, nào xe cộ, hiệu bộ…Về việc học, sinh viên được học chữ, học kĩ năng, học chính trị, học quản lý Nhà nước… nhưng rốt cuộc là học để lấy bằng. Việt Nam là như vậy. Có được mảnh bằng trong tay, cộng với một khoản nào đó hay một mối quan hệ nào đó, kiếm được một chỗ làm và chính chỗ làm ấy dạy con người thành nghề. Ở Việt Nam không học lấy chữ, không học lấy đức mà học lấy bằng. Và hệ lụy của việc học lấy bằng vô cùng tệ hại. Nó làm cho chữ phải biến dạng, đức phải méo mó. Với một nền học vấn hành chính hóa cao độ ấy, giáo viên trở thành những cỗ máy còn học sinh chưa bao giờ được đặt ở vị trí trung tâm. Chưa hề. Trong khi đó, nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới luôn coi trọng người học, đặt người học ở vị trí trung tâm theo đúng nghĩa. Bởi vậy, thứ nhất, giảng đường phương Tây thường được thiết kế tạo độ dốc, sinh viên ngồi bên trên cao vòi vọi, thầy giáo đứng dưới phải nhìn lên thuyết trình. Thứ hai, cuối năm bao giờ sinh viên cũng được quyền đánh giá thầy: Thầy ăn mặc có chỉn chu không, thầy đi dạy có đúng giờ không, thầy dạy có nghiên túc không… Nhưng ở Việt Nam, sinh viên không được phép chấm điểm thầy, mà ngược lại chỉ có thầy chấm điểm sinh viên và không hiếm trường hợp chấm điểm kèm mặc cả.
Đó còn là một nền giáo dục mang tính lễ nghi. Mỗi dịp 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam, hàng tá sơ mi, kẹo sôcôla, rượu tây “chạy” một chu trình: từ cửa hàng đến nhà thầy rồi từ nhà thầy lộn lại cửa hàng. Tôi bắt đầu thấy chán, thấy hoảng về một sự lễ nghi mà đằng sau là sự còi cọc về đạo đức, nhân cách ở nhiều phương diện. Đằng sau lễ lạt 20/11 là những phân tâm rất ghê gớm, nhất là trong bối cảnh của năm nay, 2006. Đó là bức tranh pha tạp màu sắc trong nền giáo dục Việt Nam: ở đâu đó có hiện tượng thầy “ăn tiền” chạy trường, ở đâu đó có hiện tượng thầy “đòi tình” con trẻ, ở đâu đó có thầy say xỉn với sinh viên, ở đâu đó có thầy hăng hái “chỉ tội” đồng nghiệp…
Một nền giáo dục đúng nghĩa, theo tôi, bên cạnh truyền thụ tri thức phải dạy người ta biết xấu hổ. Tại sao nhà thờ lại là nơi trang trọng nhất trong các trường đại học nổi tiếng của thế giới? Bởi, giáo dục phải bắt đầu bằng niềm tin, không có niềm tin không thể có giáo dục. Tôn giáo, tín ngưỡng, những giá trị về tâm linh… là nguồn động lực mạnh mẽ, làm cho con người biết xấu hổ. Học làm người phải bắt đầu bằng học xấu hổ. Người nào còn xấu hổ nhiều, người ấy còn có thể giáo dục được. Chừng nào mất hết dây thần kinh xấu hổ, chừng ấy mất khả năng dạy học làm người. Muốn xấu hổ phải bắt đầu từ xã hội, bắt đầu từ nghĩa vụ của mình với tập thể, với cộng đồng. Ví như cái ô tô thì nhập về rất nhanh nhưng còn văn hóa của người ngồi đằng sau vô lăng lại là điều cần xem xét lại. Giả thử chị bán rau đánh rơi cân cà chua xuống đường, hàng loạt cái ô tô sẽ đè bẹp dúm cà chua của chị mà không ai xuống để nhặt lên. Liêm sỉ phải bắt đầu bằng giáo dục, bắt đầu bằng việc xấu hổ với chính mình, xấu hổ với việc mình lái ô tô sang trọng như vậy mà đè bẹp lên cà chua của những người dạy từ 2 – 3 giờ sáng, đi bộ 40 – 50 cây số từ ngoại ô vào thành phố cho kịp buổi chợ sáng. Sự giáo dục như vậy làm con người xấu hổ trước những điều không phải, xấu hổ trước cái ác. Tính hướng thiện, suy cho cùng, bắt đầu từ xấu hổ. Song giáo dục Việt Nam dường như thiếu hẳn, nhất là ở quan chức đôi khi mất luôn khả năng xấu hổ.

Nhà văn Nguyên Ngọc: Giáo dục con người biết tự vấn
Từ xưa đến nay, trường học của ta dạy đủ thứ đạo đức, việc dạy làm người có từ cấp học phổ thông. Vấn đề là ở chỗ ta dạy quá nhiều nhưng không trúng. Mà nguyên nhân của hiện tượng này, theo tôi, do trong một thời kỳ, một giai đoạn nào đó trên con đường đi của mình, trên sự tiếp nhận – lựa chọn của mình, chính chúng ta đã phá vỡ đi những giá trị cơ bản nhất của xã hội. Đó là do bước ngoặt. Và 1950 là một bước ngoặt như thế. Trước 1950, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, dù đời sống của chúng ta còn chật vật, khó khăn, thiếu thốn song con người sống với nhau rất tình cảm, rất đẹp. Tôi còn nhớ, ra trận mà người ta vẫn còn hát “Thiên thai”, “Cô lái đò”… Vậy mà sau giải phóng biên giới 1950, sau thành công của Cách mạng Trung Quốc năm 1949, xã hội ta có sự chuyển hướng quan trọng về đạo đức, kéo theo sự thay đổi hệ tư tưởng. Hệ tư tưởng Trung Hoa tràn vào nước ta và ít nhiều để lại những ảnh hưởng không tốt. Nói như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn: Cải cách ruộng đất phá vỡ làng Việt Nam, đánh tan làng Việt Nam, một tế bào cơ bản của xã hội Việt Nam. Nhưng tôi thấy nó còn phá luôn một tế bào cơ bản là gia đình. Cải cách ruộng đất sinh ra chuyện con tố cha, vợ tố chồng…, những thứ mà trong hàng nghìn năm trước cha ông ta không bao giờ làm vậy. Điều này đã để lại hậu quả nặng nề, một vết thương khó lành, phá vỡ xã hội Việt Nam với bao truyền thống tốt đẹp. Đã đến lúc phải nghiêm túc suy nghĩ về chuyện này. Chừng nào chưa có sự tự vấn sâu sắc, chưa có sự nhìn lại, sám hối của mỗi cá nhân, của xã hội, chừng ấy chưa có nền tảng cơ bản để thay đổi. Hiện nay chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức mà sức đề kháng của xã hội lại đã suy yếu. Bởi thế con người càng phải phát huy khả năng độc lập của bản thân. Giáo dục đóng vai trò cải tạo xã hội chứ không chỉ là sản phẩm bị động của xã hội, con người phải là tác giả của chính mình. Nghĩa là phải có sự tự do bên trong để cắt đứt, phá vỡ mọi giáo điều áp đặt, ràng buộc lên mỗi người. Theo tôi, mỗi bạn sinh viên ngồi đây cần phải chiếm lấy cái tự do của mình, suy nghĩ tự do, hành động tự do, để biết sống độc lập, dám sống độc lập.        

HẠNH NGUYÊN ghi

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)