Học sinh học được gì từ môn Sử?

Sau sự kiện trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội, không có học sinh nào đăng ký thi tốt nghiệp môn Sử, có vô số lời bình luận được nêu lên, vô số nguyên nhân được chỉ ra,… nhưng một câu hỏi đơn giản là học sinh của chúng ta đang học gì từ môn Sử thì lại có rất ít ý kiến đề cập.

Để có thể hình dung học sinh của chúng ta đang học gì từ môn Sử, tôi xin mô hình hóa một cách giản lược những kiến thức được học và cần học trong sơ đồ sau (phần màu xanh nhạt là những gì học sinh được học, phần màu đỏ và xanh đậm là không/chưa được học hoặc được học rất ít):

 
Nhìn vào sơ đồ trên với phần được học (màu xanh nhạt) chiếm một tỉ trọng quá “nhạt nhòa” so với yêu cầu của môn Sử, chúng ta có thể hình dung học sinh chỉ được học rất ít kiến thức trong vô vàn kiến thức lịch sử. Theo đó, lịch sử tự nhiên hầu như không được học mà chỉ có phần xã hội. Trong phần xã hội có ba phần căn bản nhất (lịch sử khoa học, lịch sử thế giới và lịch sử quốc gia) thì học sinh của chúng ta chủ yếu học lịch sử quốc gia. Nhưng trong phần lịch sử quốc gia thì chương trình chủ đạo chỉ đề cập đến lịch sử quân sự. Với 100% học sinh hiện nay không hề trải qua (hoặc biết đến) chiến tranh thì những kiến thức có vẻ mơ hồ đó trở nên quá xa lạ. Và việc 0% học sinh đăng ký thi môn Sử dường như là một điều tất yếu.

Bên cạnh đó, “Lối dạy và học chú trọng ghi nhớ “biên niên sự kiện” và áp đặt sự bình luận, giải thích lịch sử theo quan điểm của sách giáo khoa và người dạy khiến học sinh chán nản… là một biểu hiện của cơn đại khủng hoảng của nền giáo dục đã quá lạc hậu và đứng bên lề của dòng chảy thời đại.”1

Trong khi chờ đợi một giải pháp đồng bộ (nếu có), thiết nghĩ, chúng ta cũng nên có một vài giải pháp vi mô bằng một vài “kế sách” nho nhỏ. Chẳng hạn, có thể thay các câu hỏi: Có bao nhiêu tên địch chết trong trận đánh (…) bằng các câu hỏi: Mì tôm được phát minh ở đâu, từ khi nào? Điện thoại di động được phát minh năm nào? Nhà toán học đầu tiên của Việt Nam đoạt giải Field là ai? Phần mềm đầu tiên của Việt Nam đứng đầu kho ứng dụng iTunes là gì, do ai lập trình?… Những kiến thức này chắc chắn sẽ hấp dẫn các em hơn nhiều.

Tuy nhiên, để có thể đặt được những câu hỏi đó trong đề thi môn Sử thì lại phải trả lời câu hỏi đầu tiên đã nêu trong bài này: Học gì từ lịch sử? Câu hỏi này cần sự trả lời ở cả chương trình và hiệu quả của “Trận đánh lớn” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1 http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Khi-hoc-sinh-khong-chon-mon-Su-thi-tot-nghiep-PTTH-post140669.gd

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)