Học viện Khám phá: Mang thực hành khoa học giản dị tới trẻ em

Xuất hiện ở Việt Nam với tên gọi Học viện Khám phá- chương trình giáo dục cho lứa tuổi từ mẫu giáo đến trung học có bản quyền của Tập đoàn High Touch High Tech, Hoa Kỳ, đã có hơn một năm đi vào hoạt động, thu hút và tạo cơ hội cho khoảng 10 nghìn lượt học sinh tham gia.

Từ câu chuyện của một nhóm các bà mẹ trẻ (từng học tập và làm việc ở nước ngoài) có con nhỏ trong lứa tuổi từ mầm non đến tiểu học, trung học phải học rất nhiều nhưng lại thiếu những sân chơi lành mạnh, nơi các em được chơi mà học, học mà chơi, tháng 1/2014, Học viện Khám phá (HVKP) đã ra đời sau gần nửa năm chuẩn bị.

Trên cơ sở nhận thấy nhu cầu học và chơi của trẻ em Việt Nam là thiết yếu, HVKP đã nỗ lực tìm kiếm những mô hình giáo dục khoa học có tính tương tác cao, hấp dẫn trẻ em, áp dụng thành công tại các quốc gia phát triển. Trong số các mô hình như Toán thông minh, nghệ thuật… HVKP chọn mô hình thiên về khoa học, bởi theo bà Lê Thị Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khám phá Khoa học: “Trẻ con được tiếp xúc với khoa học từ sớm sẽ có sự kích thích về tư duy, nhất là tư duy logic”. Điều này cũng phù hợp với tình hình ở Việt Nam là trẻ em trong lứa tuổi trên ít có cơ hội tiếp cận với khoa học một cách gần gũi, thực tế; sự nhìn nhận của các bậc phụ huynh với các bộ môn khoa học chưa thực sự cởi mở. Trong khi nếu được tiếp cận với các môn khoa học từ sớm một cách hứng thú, thì kỹ năng quan sát, tập trung, mở rộng trí tưởng tượng còn có tác dụng với nhiều môn học khác.

Xem xét khoảng 10 mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới (Mỹ, châu Âu, Úc), chương trình Science made fun của tập đoàn High Touch High Tech được HVKP lựa chọn dưới hình thức nhượng quyền bởi bốn lí do chính. Thứ nhất chương trình đáp ứng được mục tiêu ban đầu mà nhóm đặt ra là một mô hình giáo dục phù hợp với độ tuổi mong muốn, nơi trẻ em được thoải mái vui chơi mà vẫn ghi nhớ được kiến thức tiếp nhận. Thứ hai là chương trình của High Touch High Tech tạo ra một môi trường để trẻ em được tương tác với nhau, các em được trực tiếp làm thí nghiệm khoa học và có buổi thuyết trình ở buổi cuối của khóa học. Thứ ba là với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (thành lập năm 1994), High Touch High Tech là thương hiệu đã được kiểm định về chất lượng và hiệu quả lâu dài của nó (đến nay phiên bản chương trình đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Canada, Singapore, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Việt Nam; thu hút hơn 4 triệu lượt trẻ em tham gia mỗi năm). Thứ tư là HVKP nhận được sự hỗ trợ cao nhất từ đơn vị nhượng quyền để giải quyết những khó khăn gặp phải khi triển khai chương trình ở Việt Nam, điều mà khi đề cập với những thương hiệu nhượng quyền khác trước đó, HVKP không chắc chắn nhận được cam kết giúp đỡ.

Khó khăn đầu tiên đối với HVKP khi đưa Sience made fun vào Việt Nam là việc chuyển ngữ các khái niệm khoa học sang tiếng Việt một cách giản dị mà không làm sai lệch đi bản chất để các em nhỏ có thể hiểu được, công việc này cần một khoảng thời gian nhất định chuẩn bị. Khó khăn thứ hai là về nguyên vật liệu phải đảm bảo an toàn cho trẻ. Ngoài những nguyên liệu như rau, cây, hạt – thứ mà ở đâu cũng có thì những nguyên liệu khác như bột màu thực phẩm, bột nở…, HVKP phải sử dụng sản phẩm nhập từ nước ngoài bởi so với Mỹ và nhiều nước có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển khác, nhiều nguyên liệu dành cho thí nghiệm lại không dễ kiếm ở Việt Nam.

Một khó khăn không kém phần quan trọng là khâu chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Thông thường giáo viên bậc mầm non, tiểu học ở các nước phát triển có thời gian thực hành nhiều, có đủ kĩ năng dẫn dắt một lớp học thực hành thí nghiệm, trong khi các giáo viên bậc học này ở Việt Nam lại nặng về lý thuyết, ít thực hành không đáp ứng được yêu cầu dẫn dắt, truyền cảm hứng cho các em. Do vậy, HVKP đã tuyển đội ngũ giáo viên có trình độ đại học (trình độ khá giỏi, trong đó giỏi là chủ yếu) với nền tảng kiến thức khoa học tự nhiên tốt thuộc các trường khoa học tự nhiên (yêu cầu có chứng chỉ sư phạm) hoặc Trường Sư phạm (nhưng học các ngành tự nhiên) rồi tiến hành đào tạo trong thời gian khoảng sáu tháng với nhiều bài test cụ thể.

“Các khóa đào tạo giáo viên được tiến hành theo nhóm và kế tiếp nhau. Khi tập hợp được 15 giáo viên, bên phía High Tech High Touch cho người sang training tổng duyệt một lần nữa”, chị Thái Hà cho biết. Từ năm giáo viên lúc đầu, hiện nay HVKP đã có một đội ngũ khoảng 20 giáo viên (chọn trong 50 giáo viên nộp đơn vào HVKP) đảm nhiệm vai trò hướng dẫn, truyền cảm hứng cho các em. Khi trình bày một vấn đề, yêu cầu đặt ra là giáo viên không được nói quá 10 phút, sau đó chuyển sự chú ý của các em sang quan sát, làm thí nghiệm, chỉ có như vậy, với thời lượng 90 phút trong mỗi buổi học (thực hành ba đến năm thí nghiệm) theo đúng chương trình bản quyền, các em học mà vẫn được chơi, đảm bảo tập trung mà vẫn thích thú với bài học.

Hiện nay HVKP đã khai thác được khoảng 20% trong số hơn 1.000 thí nghiệm khoa học của sáu bộ môn Sinh học, Vật lý, Hóa học, Địa lý, Môi trường và Không gian của chương trình bản quyền High Touch High Tech. Lứa tuổi tập trung của khóa học là từ 5-13 tuổi. Các em có thể lựa chọn các khóa học căn bản như: Khoa học Kỳ thú (Amazing Science), Khoa học Khám phá (Eureka Science), Khoa học Khám phá (Fantastic Science) hoặc Khóa học chuyên sâu (làm nhà khoa học tập sự) về Vật lý, Hóa học, Sinh học trên nền tảng căn bản đã có. Bên cạnh chương trình trên lớp học, chương trình ngoại khóa sau giờ học, các chương trình trại hè (một ngày đến một tuần), chương trình tiệc sinh nhật tổ chức tại nhà, các sự kiện dành cho trẻ em như ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Ngày Gia đình 28/6, Tết Trung Thu, v.v. cũng đáp ứng nhu cầu khám phá khoa học của trẻ em ở mọi lúc mọi nơi.

Tuy vậy điều đó không đồng nghĩa với việc số đông trẻ em sẽ được tiếp cận với hình thức giáo dục lý thú và bổ ích này bởi không phải phụ huynh nào cũng có khả năng tài chính chi trả cho các khóa học, các chương trình của HVKP. “Trong khi tiềm lực chưa quá mạnh thì HVKP tích cực tìm kiếm những nhà tài trợ để mở rộng hơn nữa cơ hội mang khoa học đến với những đối tượng ít có khả năng chi trả hơn, nhất nhà những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, bà Thái Hà chia sẻ. Dự án Bé làm Khoa học (Empower Junior Scientists- EJS) là một ví dụ, nhưng cũng theo bà Thái Hà thì EJS không phải là kênh cuối cùng hay duy nhất mà HVKP hợp tác.

Bé làm Khoa học (Empower Junior Scientists -EJS) là đại diện duy nhất của Việt Nam trong số 50 dự án xuất sắc nhất tại cuộc thi “Quỹ Sáng Kiến Kết Nối Cựu Sinh Toàn Cầu- AEIF” năm 2014 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức.

Sau nửa năm tiến hành (từ tháng 10/2014 đến tháng 04/2015), Dự án Bé làm Khoa học đã tổ chức 96 buổi học cho 100 em khối 4, 5 trong nội thành Hà Nội (các điểm trường tiểu học Thái Thịnh, Tây Sơn, Trần Nhật Duật, và Lý Thường Kiệt). Phương thức tổ chức là mỗi trường chọn ra 25 em, học 1 buổi/tuần các chủ đề Vật lý, Hoá học, Môi trường, Không gian, Địa lý, và Sinh học tại trường sau giờ học chính khoá.

Dự án Bé làm Khoa học cũng đã tổ chức bốn trại khoa học cho khoảng 1.000 học sinh tại bốn tỉnh lân cận Hà Nội: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)