Hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam

Trong nền văn minh trí tuệ đầu thế kỷ XXI hiện nay, kinh tế tri thức được tôn vinh ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là nền kinh tế trong đó tri thức đóng vai trò nguồn lực chính trong sự tăng trưởng kinh tế. Bây giờ, thị trường toàn cầu được đặc trưng bởi những nhân tố mới (như Tổ chức Thương mại Thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia, các tổ chức phi chính phủ kết nối toàn cầu), có sự chi phối của những quy tắc mới (các hiệp định đa phương về thương mại, về dịch vụ và về sở hữu trí tuệ) và được liên thông bởi các công cụ mới là internet, điện thoại di động, mạng truyền thông. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực là một vấn đề cực kỳ quan trọng, nhất là ở Việt Nam, một đất nước đang chuyển mình bứt phá từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu sang một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, giáo dục, nhất là giáo dục đại học có một vai trò rất quan trọng. Đặc biệt năm nay là năm giáo dục đại học Việt Nam phải có một bước chuyển mới có ý nghĩa quyết định, vì theo Hiệp định GATS (General Agreement on Trade in Services), ngày 1-1-2009 là thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa hoàn toàn cho các cơ sở giáo dục đại học có 100% vốn nước ngoài hoạt động trong nước. Nếu không có chiến lược và những bước đi thích hợp trong việc  hội nhập quốc tế, giáo dục đại học Việt Nam không thể đạt trình độ cao, chất lượng cao để có thể cạnh tranh và đứng vững bên cạnh các trường đại học quốc tế.

1. THỜI CƠ CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Việt Nam đã gia nhập của WTO (World Trade Organization) vào ngày 7-11-2006 và là thành viên thứ 150. Sự kiện này đã mở ra một thời cơ to lớn cho giáo dục đại học Việt Nam:

1.1. Chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận với những xu thế phát triển giáo dục hiện đại, học tập được những kinh nghiệm tốt về giáo dục trên thế giới.

1.2. Có nhiều cơ hội thu hút các nguồn đầu tư về khoa học, kỹ thuật , cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hiện đại hoá điều kiện học tập và thu hút lực lượng chuyên gia giáo dục, kể cả Việt kiều, từ các nước.

1.3. Có điều kiện hợp tác xây dựng các cơ sở đào tạo đại học, chuyên nghiệp 100% vốn nước ngoài, tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên Việt Nam có thể “du học tại chỗ” với chi phí thấp hơn và chất lượng có thể tốt hơn so với đi học ở nước ngoài.

1.4. Tình hình mới đòi hỏi phải cải tiến môi trường vận hành các hoạt động giáo dục, đổi mới thể chế quản lý, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng hệ thống các chuẩn giáo dục theo thông lệ quốc tế.

 1.5. Sản xuất, kinh doanh sau khi vào WTO được mở rộng, thúc đẩy cải cách giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực bậc cao.

1.6. Có cơ hội hội nhập tích cực với giáo dục quốc tế, tham gia các tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế, ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về bằng cấp tương đương trên cơ sở hợp tác, liên kết, liên doanh tiến tới xác lập thương hiệu của riêng mình.

1.7. Hợp tác quốc tế tạo điều kiện phát triển nhiều chuyên ngành mới, tạo nhiều khả năng học tập, tìm kiếm việc làm cho sinh viên, học sinh.

1.8. Ta có điều kiện đổi mới tư duy làm việc theo kinh tế thị trường, hội nhập với khu vực và thế giới, nâng cao năng lực quản lí của đội ngũ cán bộ hiện nay.

 

2. THÁCH THỨC ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM

2.1. Thách thức lớn nhất là làm sao vừa thực hiện những cam kết về giáo dục, vừa bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia, thực hiện những mục tiêu cơ bản của ta về giáo dục, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Phải cảnh giác với những tác động tiêu cực trong hoạt động dịch vụ giáo dục nhằm thu lợi nhuận, trái với mục đích của giáo dục là phát triển con người, phát triển văn hoá, góp phần phát triển đất nước. Mặt khác, trong quá trình hội nhập quốc tế, cần tránh tình trạng bị lệ thuộc.

2.2. Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục trên toàn thế giới sẽ rất gay go, đặc biệt về mặt chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và khả năng kết nối với công nghiệp và dịch vụ xã hội. Các trường nước ngoài sẽ chiếm ưu thế về chất lượng, sinh viên ra trường có việc làm ngay, lương cao, cơ hội làm việc quốc tế trong lúc khả năng cạnh tranh bình đẳng của ta còn yếu kém. Chất lượng giáo dục Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu về cung cấp nguồn nhân lực cho yêu cầu phát triển kinh tế, năng lực cạnh tranh của các cơ sở giáo dục Việt Nam, nhất là các trường đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn yếu, chưa đủ sức tham gia thị trường giáo dục quốc tế, chưa đủ sức thu hút học sinh nước ngoài vào Việt Nam.

2.3. Xu hướng xuất khẩu giáo dục không lành mạnh từ các nước có nền giáo dục phát triển là thách thức và rủi ro rất lớn đối với giáo dục nước ta trong khi quản lý của ta về hoạt động giáo dục xuyên biên giới còn rất yếu kém, thiếu các văn bản pháp quy, tổ chức quản lý phân tán, chồng chéo. Nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý các hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), đội ngũ cán bộ quản lý thiếu và yếu.

2.5. Đào tạo xuyên biên giới, e-learning sẽ xuất hiện nhiều hơn đòi hỏi ngành giáo dục phải có cơ chế quản lí thích hợp.

2.4. Nếu không tạo ra được những cơ sở đào tạo có khả năng cạnh tranh được với các cơ sở nước ngoài, các trường đại học trong nước sẽ đánh mất dần niềm tin của dân chúng, mất đi sự ủng hộ về chính sách và nguồn vốn cấp cho giáo dục đại học có thể vì thế mà sút giảm dần.

2.5. Xuất hiện hiện tượng rò rỉ chất xám theo các phong trào du học, tìm việc làm ở nước ngoài tự phát và không kiểm soát được; nhiều lao động bậc cao có xu hướng đi ra nước ngoài.

2.6. Các trường đại học tư thục xuất hiện nhiều hơn, thách thức khả năng quản lí và kiểm soát chất lượng của ngành giáo dục.

2.6. Liên tục điều chỉnh quy trình, tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải năng động hơn và cần có quy trình đánh giá, tiêu chuẩn chặt chẽ hơn, tin cậy hơn bằng cách kiểm toán độc lập, kiểm định độc lập.

2.7. Luật pháp, chế độ, chính sách thay đổi để phù hợp với quy định WTO, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục nước ngoài, cắt bỏ trợ cấp với các cơ sở trong nước, gỡ bỏ rào cản thương mại dịch vụ.

2.8.  Các văn bản pháp luật trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo chưa được rà soát và sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh khi đã vào WTO, mô hình quản lý giáo dục còn mang nặng tính chất kế hoạch hoá tập trung, chưa phù hợp với giáo dục trong cơ chế thị trường, nặng về quản lý hành chính sự vụ, chưa quan tâm đầy đủ chất lượng. Vấn đề liên kết đào tạo chưa được quan tâm quản lý chặt chẽ, có thể dẫn đến nhiều phức tạp khi các đối tác yêu cầu thực hiện các nguyên tắc của WTO.

Dù có nhiều thách thức như thế, nhưng tất yếu chúng ta phải tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo và tăng tính cạnh tranh.

 

3. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Để giải quyết những vấn đề về hợp tác quốc tế nêu trên nhằm đẩy mạnh chất lượng các trường đại học, thiết nghĩ cac cấp quản lý ở tầm vĩ mô và ở các trường đại học Việt Nam:

3.1. Trước hết, cần hoàn chỉnh hệ thống chính sách của Nhà nước về vấn đề hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ theo hướng nâng cao tính công bằng, khách quan trong tuyển chọn, đào tạo và sử dụng theo đúng yêu cầu thực tế của xã hội Việt Nam hiện nay.

3.2. Trong quá trình hợp tác quốc tế, nhân tố con người là quan trọng nhất. Vì thế tiếp theo, các cấp quản lý trường đại học cần quan tâm phổ cập kiến thức hội nhập cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường, sau đó sẽ mở rộng đến đội ngũ sinh viên.

  Hàng năm có kế hoạch đào tạo cán bộ đang trực tiếp tham gia hội nhập quốc tế ở tất cả các ngành học. Đồng thời với việc cử đi đào tạo ở nước ngoài, cần có chiến lược và lộ trình thích hợp. Tổ chức cho các nhà khoa học tham gia các hội thảo và chương trình hợp tác nghiên cứu ở tầm quốc tế nhằm nâng cao khả năng hội nhập, đồng thời chuẩn bị đủ năng lực và trình độ để thu hút, tổ chức các diễn đàn trao đổi với các nhà khoa học, viện nghiên cứu hàng đầu của các nước.

  Có chính sách thoả đáng để thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về đóng góp về  khoa học cho đất nước. Họ sẽ là cầu nối giữa các nhà khoa học trong nước với các nhà khoa học quốc tế, giúp chúng ta có thể bắt kịp trình độ quốc tế.

– Về nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên tham gia công tác hợp tác quốc tế, cần chú ý giúp đội ngũ này:

+ Nắm vững khung pháp lý liên quan đến quá trình hội nhập, các hiệp định liên quan trong phạm vi ngành giáo dục, các văn bản ký kết, các luật định, thông lệ quốc tế, quá trình rà soát và xây dựng hệ thống pháp lý của Việt Nam liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế;

+ Nắm được các Hiệp định có liên quan đến các ngành học trong WTO và các Hiệp định GATS hiện tại Việt Nam đang đàm phán và đã kết thúc đàm phán. Thường xuyên nắm được tiến trình hội nhập của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế và khu vực;

+ Có kỹ năng đàm phán, cơ chế giải quyết tranh chấp của các tổ chức thương mại quốc tế, các Hiệp định …;

+ Phân tích tác động của hội nhập, quản lý hội nhập, phân tích khả năng cạnh tranh của giáo dục Việt Nam;

+ Các kiến thức bổ trợ khác như ngoại ngữ, tin học, các vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin.

  Về hình thức đào tạo: Nên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức hợp tác quốc tế theo hướng đa dạng hoá các phương thức đào tạo, loại hình đào tạo, thời lượng các khoá đào tạo nhằm đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau để việc phổ biến kiến thức hội nhập trong ngành được phát triển nhanh.

3.3. Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cần đổi mới hệ thống chương trình đào tạo của Việt Nam theo hướng hội nhập với chương trình đào tạo hiện đại của thế giới sao cho phù hợp với đặc thù Việt Nam.

3.4. Tạo mối quan hệ hợp tác hữu hiệu với các trường đại học, viện nghiên cứu của các nước có nền khoa học mạnh. Mở rộng các hình thức liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam nhằm thích ứng với điều kiện kinh phí còn khó khăn của giáo dục nước ta. Bên cạnh các khóa đào tạo dài hạn, cần tổ chức các lớp chuyên đề, mời các chuyên gia nước ngoài tới giới thiệu các xu hướng nghiên cứu khoa học mới, công nghệ mới cho các nhà khoa học trong nước.

 

Tóm lại, hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học là một xu hướng tất yếu sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Để có thể phát huy những thuận lợi và khắc phục những khó khăn trong quá trình hội nhập thế giới, thiết nghĩ chúng ta cần có những bước đổi mới mạnh mẽ theo một lộ trình phù hợp. Trong đó, nhân tố cần được quan tâm hàng đầu là nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực bậc cao, nhân tố có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của nền giáo dục đại học Việt Nam trong quá trình nâng cao chất lượng nhằm có đủ năng lực cạnh tranh với các trường đại học quốc tế theo Hiệp định GATS. Cần phấn đấu đến năm 2020 nước ta có một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.”(Bộ Chính trị – Kết luận số 242-TB/TƯ ngày 15/4/2009.)

 

—————————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Quản lí Giáo dục – Tài liệu bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lí trường đại học, chuyên đề: Quản lí khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế – Tài liệu lưu hành nội bộ – Hà Nội 2006.

2.  Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Quản lí Giáo dục – Tài liệu hội nhập kinh tế quốc tế trong ngành giáo dục và đào tạo – Tài liệu lưu hành nội bộ – Hà Nội 2008.

3. www. Thegioi AG.net  26-02-2007- Hội nhập kinh tế quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam- MOI

www.vietbao.vn  12-5-2006 – Làm gì để hội nhập giáo dục đại học?– Lý Hà, Mai Minh

5. www.viện khoa học công nghệ Việt Nam.com  8-01-2008 – Hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực – giải pháp để hội nhập thành công- Cao Hồng Thuý

6.Website hợp tác kinh tế thương mại VN TQ  2008-01-31 – Giáo dục Việt Nam sau khi gia nhập WTO

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)