Karl Jaspers: Thắp sáng niềm tin

Hiện hữu và hiện sinh gắn bó với nhau, nhưng không hòa làm một, cũng không hoàn tách rời nhau. Phủ nhận hiện sinh siêu việt, ta rơi vào thuyết duy vật chất tầm thường; xem nhẹ hay bỏ qua hiện hữu, ta rơi vào thuyết hư vô.

“Hiện hữu” khác với “hiện sinh”! Có lẽ đó là điểm cốt lõi trong triết học của Karl Jaspers (1883-1969) và cũng là định hướng cho triết thuyết giáo dục của ông. Giáo dục, dù trong nghĩa trọn vẹn nhất, vẫn chỉ mới là điều kiện cần để thỏa ứng các nhu cầu của cuộc “hiện hữu”, nhưng chưa phải là điều kiện đủ để sống đích thực theo nghĩa “hiện sinh”. Sống “hiện sinh” đòi hỏi một kích thước khác, một nỗ lực cá nhân có tính đột phá, được ông gọi là “thắp sáng hiện sinh” (Existenzerhellung). Tư tưởng cốt lõi này đi theo ông cả khi nhận trọng trách khôi phục lại nền đại học Đức sau thời Quốc xã trong tác phẩm thời danh Ý niệm Đại học (Hà Vũ Trọng và Mai Sơn dịch, Ban tu thư Đại học Hoa Sen, 2013).

“Hiện hữu” và “hiện sinh”

Con người “ham thích” những hiện tượng sặc sỡ muôn màu, sự an toàn và những gì tưởng như hiển nhiên. Jaspers gọi đó là sự “thích khoái hiện hữu”. Nhưng nếu sự thích khoái ấy trở thành động lực tuyệt đối, nó sẽ hủy hoại con người. May thay, bên cạnh sự thích khoái tự nhiên ấy, “tôi luôn lắng nghe tiếng gọi từ sự hiện sinh”. Bởi, theo ông, cho dù tôi đắm mình bao nhiêu trong thế giới của sự hiện hữu đi nữa (nhìn ngắm, suy nghĩ, yêu ghét, hành động, sản xuất, tác tạo…), tôi vẫn đồng thời nhận ra rằng có một điều gì khác với hiện tượng – tạm gọi là cái siêu việt – luôn nhắc nhở và tỏ lộ với tôi. Vâng, chính “hiện sinh” là yếu tố vừa gây bất an, vừa trấn an tôi, nâng tôi lên khỏi thế giới và cuộc sống thường ngày, thế nhưng tôi khó biết nó thật sự là gì! Dù sao, chính sự “bất an” và “bất mãn” với hiện hữu ấy lại là biểu hiện cho khả thể của “hiện sinh”. Sự bất mãn và bất an là mũi gai châm vào sự hiện hữu, giúp tôi cảm nhận sự “sự cô đơn của khả thể”. Hiện sinh xuyên phá hiện hữu từng phút từng giờ, và, việc nhận ra sự xuyên phá này được Jaspers gọi là “thắp sáng hiện sinh”.

Xuyên phá, xuyên thủng, đột phá là ẩn dụ về không gian, thiết yếu gắn liền với một ranh giới. Trong những hoàn cảnh nhất định nào đó, những ranh giới của hiện hữu bị tinh thần ta “xuyên phá”. Thế nhưng, xuyên phá không phải để dẫn ta sang một thế giới khác, mà ở ngay trong thế giới này, trong cuộc đời này. Đây không phải là một sự mở rộng hay chiếm lĩnh kiến thức, mà để cảm nhận vể những khả thể đi tới chân lý, về việc “tôi có thể thay đổi, tôi “trở thành”. Nói khác đi, “hiện sinh”: – không phải là một đối tượng để nắm bắt, – không phải là một lý tưởng tinh thần để vươn tới. Trái lại, thắp sáng hiện sinh chỉ ra sự “có thật” của hiện sinh, sự vượt lên để trở về với chính mình, trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Jaspers biết rằng cách nói ấy khá mơ hồ, khả nghi, có vẻ “chủ quan” và trái tai với những ai quen suy nghĩ một cách “khoa học”! Nhưng ông tin rằng, bất kỳ ai thật sự suy tư thấu đáo về chính mình và về “thân phận” mình, không bị đóng khung trong lối suy tư công thức và đồng phục, ắt sẽ nhận ngay ra rằng đây quả nhiên là câu hỏi về khả thể của sự thực hành tự do của chính ta. Hiện sinh là hành động; thắp sáng hiện sinh là kinh nghiệm và suy tư về khả thể quyết định và hành động một cách tự do. Thắp sáng hiện sinh giúp ta cảm nhận được sự tự do, nhưng cũng chính vì thế mà chưa phải là sự tự do! Tự do sẽ không có mặt nếu không sử dụng nó. Nếu triết lý “suông” không mang lại gì, thì triết lý thắp sáng hiện sinh lại có tác động. Sự thắp sáng ấy – trong tư duy siêu việt lên khỏi thực tại – cho ta biết những gì có thể có tử sự tự do, trong chừng mực ấy, cũng đã biểu lộ “ý chí tự do”. Dù hiện sinh là một phương diện khó mô tả chính xác, khó giới ước một cách khu biệt, nhưng có thể “trải nghiệm” được, thậm chí có thể sống thực với nó được, và, nhất là, nếu được thắp sáng bằng triết học, nó có thể “truyền thông” hay “giao tiếp” với bao người khác nữa.

Hiện sinh, theo cách hiểu ấy, là: – kinh nghiệm về tự do, khẳng định phẩm giá và bản sắc con người; – là kinh nghiệm về vô vàn những khả thể để tự kiến tạo cuộc đời mình theo phong cách riêng; – là kinh nghiệm thấm thía về sự cô đơn và cô độc!

Trong khi đó, “hiện hữu” phản ánh kích thước thời gian và vật lý của đời người, ít nhiều mang tính “khách quan”, có thể mô tả được và có thể trở thành đối tượng của nghiên cứu lý thuyết. Hiện hữu và hiện sinh gắn bó với nhau, nhưng không hòa làm một, cũng không hoàn tách rời nhau. Phủ nhận hiện sinh siêu việt, ta rơi vào thuyết duy vật chất tầm thường; xem nhẹ hay bỏ qua hiện hữu, ta rơi vào thuyết hư vô. Nói như Jaspers, chúng là “đôi cánh” của đời người. Và vấn đề là phải biết giữ cho đôi cánh ấy được cân bằng, tránh cả hai cực đoan. Mượn ngôn ngữ triết học truyền thống, ông bảo chính “lý tính” có chức năng thắp sáng hiện sinh, biết thoát ly và phản tỉnh về sự hiện hữu, còn “giác tính” giúp ta giải quyết phương diện thực tiễn của cuộc sống. Giác tính thỏa mãn, khi có thể giải quyết những bài toán đời thường; còn lý tính thúc dục ta tiếp tục tra hỏi.

“Những hoàn cảnh ranh giới”

Cái gì thúc đẩy ta “thắp sáng hiện sinh”? Đó chính là những “hoàn cảnh ranh giới” đẩy ta ra khỏi giấc ngủ êm đềm của “giường chiếu hẹp”, đặt ta vào chân tường để phải tỉnh thức, lựa chọn và quyết định. Trải nghiệm hoàn cảnh ranh giới và thắp sáng hiện sinh là đồng nghĩa với nhau. Jaspers dành nhiều trang tuyệt đẹp để mô tả, phân tích những hoàn cảnh ranh giới ấy, từ cảm nhận về cái chết – như là “việc tôi thu phục đời mình trong nỗi cô đơn tuyệt đối” – cho tới cảm nhận về tội lỗi, hạnh phúc, khổ đau, bệnh tật, xung đột…

Tự do là cốt lõi của đời người, là việc chọn lựa và năng lực chọn lựa (không chỉ đối với triết học hiện sinh mà còn với toàn bộ đạo đức học). Hiện sinh là ý thức rằng mình tự do. Mỗi khi hành động, tôi nhận ra rằng: – tôi lựa chọn, tôi quyết định, tức tôi tự do; – tôi chấp nhận rủi ro, vì không lường hết hậu quả; – tôi gắn mình với một giá trị; – tôi chịu trách nhiệm và có thể phạm vào “tội lỗi”.

Tôi có thể “trốn chạy trước tự do” bằng nhiều cách: làm đà điểu vùi đầu vào cát, tìm sự an ủi nơi các thế lực siêu nhiên, hay bi quan, yếm thế v.v.. Triết thuyết hiện sinh, nhất là phiên bản của Jaspers, chủ trương ngược lại: “Ta trở thành chính ta, khi mở trừng mắt trước những hoàn cảnh ranh giới!”.

“Cuộc chiến đấu yêu thương”

“Trong cuộc đấu tranh sinh tồn của sự hiện hữu, mọi vũ khí đều được huy động, mọi âm mưu, thủ đoạn đều được tận dụng để chống lại kẻ thù, thì cuộc đấu tranh vì lẽ hiện sinh là cái gì hoàn toàn khác: đó là sự cởi mở tận cùng, là loại bỏ hết mọi thứ quyền lực và ưu thế, là xem cuộc hiện sinh của người khác như của chính ta”. (K.Jaspers, Triết học, II, 1948).

Có phần khác với tư tưởng “hiện sinh” của Sartre và Heidegger, triết hiện sinh của Jaspers chủ yếu có tính “giao tiếp liên chủ thể”. Thắp sáng hiện sinh là truyền thông, là khai minh và khai phóng, một triết thuyết mang đậm giá trị và tinh thần giáo dục.

(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 39, 23. 07.2015)

Tác giả

(Visited 39 times, 1 visits today)