Khổ luyện để vào đại học Mỹ
Có khoảng 103.000 học sinh, sinh viên Hàn Quốc đang học tập tại các trường của Mỹ ở mọi cấp học, nhiều hơn so với bất kỳ một quốc gia nào khác, theo thống kê của Chính phủ Mỹ. Ở cấp đại học, chỉ Ấn Độ và Trung Quốc với dân số gấp hơn 20 lần mới có số lượng sinh viên nhiều hơn Hàn Quốc.
Kim Hyun Kyun, là một nữ sinh đã tích lũy được gần đủ số điểm tối đa của kỳ kiểm tra SAT (một loại thi trắc nghiệm đầu vào đại học Mỹ). Nhưng em cần phải tiếp tục ôn luyện để chuẩn bị cho các kỳ thi Vật lý, Hóa học và Lịch sử.
Em mơ ước được học ở Harvard, Yale và các đại học nổi tiếng khác của Mỹ. Kim cho biết: “Em không thể để lãng phí thời gian dù chỉ 1 giây”.
Tháng tư năm 2008, cũng như bao năm trước, hầu hết 133 học sinh trường Trung học phổ thông Ngoại ngữ Daewon nộp đơn (trước) xin vào các đại học Mỹ danh tiếng đều đã trúng tuyển. Đó là một tỉ lệ thành công mà các bậc phụ huynh ở Mỹ có thể sẽ phải rất ghen tị.
Ở Hàn Quốc, đối thủ cạnh tranh của Daewon là Học viện Minjok, nằm cách Seoul về phía đông 14 phút xe hơi. Trường này đã có thành tích đáng chú ý về tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các Đại học Ivy League (nhóm trường nổi tiếng ở Đông Bắc nước Mỹ: Harvard, Yale, Penn, Princeton, Columbia, Brown, Dartmouth và Cornell).
Học sinh trường Minjok vẫn có những giờ học “thư giãn”- như học đàn, ngoài giờ học luyện thi ĐH.
|
Vậy trường Hàn Quốc đã làm gì để đạt được kết quả nói trên?
Công thức thành công tương đối đơn giản. Họ tuyển những học sinh có điểm tốt nghiệp cao nhất ở các trường Trung học cơ sở của Hàn Quốc. Sau đó, xếp các học sinh có nguyện vọng thi vào đại học Mỹ vào những lớp dạy bằng tiếng Anh, do giáo viên Hàn Quốc, giáo viên Mỹ và các nước khác được trả lương cao đứng lớp. Những lớp này học tập trung kỹ năng làm tiểu luận và các kỹ năng khác cần thiết để thành công trong các kỳ kiểm tra SAT. Học sinh cũng học viết bài luận bắt buộc theo yêu cầu tuyển sinh của đại học Mỹ.
Cả 2 trường của Hàn Quốc đều dùng sách giáo khoa chuẩn của quốc gia, nhưng giảng dạy theo phương pháp phương Tây và đều dẹp hết những sở thích, thói quen lãng mạn của tuổi thiếu niên vì cho rằng những chuyện đó chỉ tổ làm lãng phí thời gian.
Alexander Vershbow, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, cho biết: “Ở Hàn Quốc, việc rèn luyện học sinh thi vào các trường đại học tốt nhất của Mỹ đã trở thành một vấn đề mang tính quốc gia”.
Theo William Fitzsimmons, trưởng ban tuyển sinh Đại học Harvard, số học sinh Hàn Quốc nộp đơn vào trường đã tăng gấp 3 lần, từ 66 trong năm 2003 lên tới 213 người vào mùa xuân năm nay.
Hiện Harvard có khoảng 37 sinh viên Hàn Quốc bậc cử nhân, nhiều hơn so với số lượng sinh viên của các nước khác, trừ Canada và Anh. Tính chung các trường Harvard, Yale và Princeton có khoảng 103 sinh viên Hàn Quốc bậc cử nhân, trong đó có 34 em từng học ở trường Daewon và Minjok.
Kim Hyun Kyun, 17 tuổi, đã đạt được số điểm tối đa – 800 điểm – trong kỳ kiểm tra SAT môn đọc hiểu và toán; 790 điểm cho môn viết. Em dự định tháng 5/2008 này sẽ tham gia 9 kỳ thi xếp lớp với các môn Toán học, Vật lý, Hóa học và Lịch sử châu Âu và 5 môn khác nữa. Do vậy, em rất bận rộn.
Hằng ngày, em thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, đón xe buýt và đến trường lúc 6 giờ 50. Đến trường Daewon, em chộp lấy cây chổi và giúp các bạn cùng lớp làm vệ sinh lớp học. Từ 8 giờ đến trưa, em nghe giáo viên Hàn Quốc giảng về quy luật cung và cầu (kinh tế học), về đất đai Hàn Quốc (địa lý) và cả thơ cổ (văn học). Buổi trưa, em cùng các bạn học sinh khác trong đồng phục màu xanh đi đến nhà ăn, nơi có thức ăn chế biến từ đậu xanh, gạo, bánh bao chiên, củ cải muối chua. Kim ăn cùng với các bạn gái. Các cậu con trai thì ngồi ở khu vực khác, ăn vội vàng và nhai ngấu nghiến thức ăn rồi nhanh chóng chạy ra một bãi đất bụi bặm chơi bóng đá để lấy lại tinh thần trước khi bước vào các tiết học buổi chiều.
Đến 3 giờ 20 là giờ học tiếng Anh do Mani Tadayon, một người Iran biết nhiều thứ tiếng, tốt nghiệp đại học Mỹ California, Berkeley, giảng dạy. Tiếp đó là bài học về tổ chức Nhà nước và chính trị do Hugh Quigley, trước đây là luật sư ở Thị trường chứng khoán Phố Wall bên Mỹ, phụ trách.
Lớp học ôn buổi tối bắt đầu lúc 7 giờ 45. Kim Hyun Kyun chất đống sách giáo khoa ở một chiếc bàn bên cạnh. Em nhìn vào danh sách những việc cần làm. Các bạn cùng lớp em thì treo những chiếc ba lô lên chỗ ngồi, mở cửa sổ và bắt đầu ôn bài.
Ba giờ sau, sàn nhà đầy những túi carton nước trái cây đã uống hết và chai không. Một cô bé đã gục xuống bàn ngủ. 10 giờ 50, chuông reo và Kim ra khỏi lớp, đón xe buýt để về nhà ở Seoul, phía nam sông Hàn.
Em cho biết: “Em thấy tự hào vì đã chịu đựng được và vượt qua thêm một ngày nữa”.
Thời khóa biểu của trường nội trú Minjok, nằm ở vùng nông thôn với những tòa nhà lợp ngói, dường như còn dễ làm người ta nản chí hơn.
Học sinh ở đây thức dậy lúc 6 giờ để tập võ thuật, sau đó mặc áo choàng dài màu đen và xám lao vào một ngày học không ngừng nghỉ. Ngày học chỉ kết thúc khi gần đến nửa đêm.
Gang Min Ho, một học sinh sắp tốt nghiệp trường, cho biết: “Nhưng sau đó hầu hết mọi người vẫn tiếp tục học bài đến tận 2 giờ sáng, khi bóng đèn ở khu nội trú được tắt đi. Nhưng một số học sinh vẫn thắp đèn lồng lên để tiếp tục học. Nói chung, chúng em rất mệt mỏi”.
Thỉnh thoảng, học sinh cho biết mình bị kiệt sức, đến nỗi Alexander Ganse, giáo viên người Đức dạy môn lịch sử châu Âu, phải hỏi: “Đêm qua em có ngủ chút nào không?”.
Nhưng Choi Jung Yun, một học sinh từng sống ở San Diego, cho biết: “Chúng em không chỉ là lũ ngốc”. Choi cho biết học sinh trường Minjok thường chơi thể thao, tham gia các câu lạc bộ giải trí và thậm chí còn lập cả một ban nhạc rock nữa.
Đại sứ Vershbow, một người mê đánh trống, cũng xác nhận điều này. Ông có một số bức hình chụp cảnh ông bị mắc kẹt giữa các ca sĩ, nhạc công thiếu niên trong chuyến thăm trường Minjok hồi năm 2007.
Còn có những cách khác để làm giảm bớt đi không khí học tập căng thẳng. Một tấm băng-rôn từng được treo trên một tòa nhà của trường Minjok có nội dung “Ngôi trường này là một thiên đường đối với những ai muốn học và là địa ngục đối với những người không muốn học” nhưng sau đó đã bị tháo xuống sau khi ban giám hiệu cho rằng nó thật khó nghe và thô tục.
Ngọc Trung