Không thỏa hiệp trong đảm bảo chất lượng giáo dục

Bắt đầu tuyển sinh từ năm 2010, mới đây ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã được ADB cho vay 190 triệu USD để phát triển theo mục tiêu trở thành một trường công lập đẳng cấp quốc tế có mặt trong Top 200 các trường ĐH thế giới vào năm 2030. GS Pierre Sebban, Hiệu trưởng USTH, chia sẻ về dự án này.

Trước khi sang Việt Nam làm hiệu trưởng Trường Đại học khoa học và công nghệ Hà Nội, ông có biết nhiều về cộng đồng khoa học Việt Nam và hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam?

Tôi sang Việt Nam làm việc từ năm 2007 với tư cách giáo sư của trường đại học Paris 11 theo chương trình hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trường đại học Paris 11 có lịch sử hợp tác lâu dài với Việt Nam. Tại đại học, tôi theo học ngành vật lý nhưng sau đó chuyển sang làm tiến sĩ về sinh học. Tại Việt Nam, tôi giảng dạy bộ môn Lý Sinh học (Biophysics). Bên cạnh tiến hành các nghiên cứu thực hiện với các nhà khoa học tại Viện Vật lý, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tôi tham gia đào tạo thạc sĩ cho một số chương trình của Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc vì được làm việc với các sinh viên Việt Nam và thực sự bị ấn tượng bởi sự say mê học hỏi của các em.

Năm 2009, tôi tham gia vào nhóm dự án liên kết đào tạo Tiến sĩ cho Việt Nam của trường đại học Paris 11 và đại học Toulouse tại Pháp. Năm 2010, tôi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng tạm thời của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, và sau đó là Hiệu trưởng chính thức của nhà trường.

Đâu là những thách thức chính của giáo dục đại học của Việt Nam mà các ông đang cố gắng góp phần giải quyết?

Giáo sư Pierre Sebban

Hiệu trưởng trường ĐH KH&CN Hà Nội – USTH (2010), giáo sư Đại học Paris 11.

Học vật lý tại Đại học Paris 7 và 11, Nghiên cứu sinh tiến sĩ về Sinh học tại Đại học Paris 11 (1979).
Nghiên cứu viên (1982), làm post-doc tại Đại học Illinois, Mỹ (1986-1987) , Giám đốc nghiên cứu tại CNRS (1994).

Giám đốc phòng thí nghiệm Hóa Lý Orsay (1999-2005), giảng dạy tại Đại học Paris 11 (2003).
Phó hiệu trưởng phụ trách quan hệ hợp tác quốc tế tại trường Đại học Paris 11 (2010).

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đang được xây dựng thành một thành một trong 4 trường đại học xuất sắc theo tiêu chuẩn quốc tế cùng với đại học Việt Đức đã thành lập tại Tp. Hồ Chí Minh và hai trường đại học nữa sẽ được thành lập tại Đà Nẵng và Cần Thơ trong khuôn khổ Dự án Xây dựng các Trường Đại học xuất sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Một trong những vấn đề của giáo dục đại học mà chúng tôi muốn giải quyết là nâng cao chất lượng và tính thực tiễn của giáo dục. Chúng tôi mong muốn xây dựng tại Việt Nam một nền giáo dục với tiêu chuẩn chất lượng cao; mặt khác kết hợp nghiên cứu với giảng dạy, tri thức khoa học với kỹ năng thực tiễn và tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp.

Xin ông cho biết về đội ngũ giảng dạy của trường đại học khoa học và công nghệ Hà Nội?

Năm ngoái chúng tôi đã tiến hành tuyển sinh ở bậc cử nhân và bậc thạc sĩ với 2 chuyên ngành. Giảng viên ở bậc cử nhân và thạc sĩ có những những yêu cầu riêng tuy nhiên đều phải đảm bảo yêu cầu ưu tiên hàng đầu là trình độ xuất sắc.

Ở bậc cử nhân, giảng viên phần lớn là người Việt Nam, nhưng tất cả các bài giảng đều bằng tiếng Anh. Khi tuyển dụng giảng viên, các ứng viên được yêu cầu thực hiện 15 phút trình bày trước hội đồng, sử dụng các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, 5 phút giới thiệu về bản thân và quá trình làm việc, 10 phút thể hiện trình độ tiếng Anh và trình bày về phương pháp giảng dạy cũng như nội dung giảng dạy. Các bước đánh giá như vậy khiến cho ứng viên thể hiện được tốt nhất trình độ năng lực của mình. 

Một điều nữa không thể thiếu là nền tảng kiến thức khoa học của giảng viên. Bên cạnh kiến thức chuyên môn tốt, nhà trường còn đòi hỏi cao ở giảng viên khả năng sư phạm, một yếu tố quan trong để có thể trở thành một giảng viên tốt . Công bố quốc tế với chỉ số trích dẫn cao và hệ số ảnh hưởng cao là một trong những tiêu chí để đánh giá giảng viên/nghiên cứu viên. Tiếng Anh cũng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng vì toàn bộ chương trình giảng dạy của trường đều bằng tiếng Anh.

Ở bậc thạc sĩ, chúng tôi đã mở hai chương trình thạc sĩ: Khoa học vật liệu – Công nghệ nano ; Công nghệ sinh học – Dược học. 80% khối lượng giảng dạy của bậc học này do giảng viên người nước ngoài đảm nhận. Chúng tôi có sự hỗ trợ lớn về mặt kỹ thuật từ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Liên minh các trường Đại học và Viện nghiên cứu Pháp.

Một số nhà khoa học cho rằng một trong những thách thức lớn của USTH là thiếu đội ngũ giảng viên dài hạn có chất lượng cao. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi vẫn thường xuyên nhận được hồ sơ từ những nghiên cứu sinh tiến sĩ, sau tiến sĩ Việt Nam ở nước ngoài với mong muốn được quay về tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Trường chúng tôi. Nhiều người trong số họ rất xuất sắc. Chúng tôi cũng nỗ lực thu hút các giảng viên/nhà nghiên cứu giỏi tại Việt Nam. Mức lương thấp là một trong những vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện nay. Nhiều giảng viên tại các trường đại học lớn buộc phải làm thêm để có thêm thu nhập, do vậy họ không có thời gian dành cho nghiên cứu. Mức lương tốt sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút đội ngũ giảng dạy chất lượng cao. Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận để có thể đưa ra chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhằm thu hút các giảng viên/nghiên cứu giỏi. Chúng tôi cũng dự định trong tương lai gần sẽ tuyển dụng những ứng viên giỏi trở thành giảng viên cơ hữu của Trường.

Không tham gia vào tuyển chọn sinh viên qua kỳ thi đại học như nhiều trường đại học công lập khác, vậy làm thế nào để trường đảm bảo được chất lượng của sinh viên?

Năm ngoái khi chúng tôi bắt đầu tuyển sinh khóa Cử nhân đầu tiên. Trong số 73 sinh viên đăng ký học, chỉ có 40 được nhận vào lớp dự bị bồi dưỡng tiếng Anh trong 5 tháng. Trong số 40 người này, cuối cùng chỉ có 18 người được chính thức tuyển vào học tại trường. Đó là cái giá phải trả khi đòi hỏi giáo dục chất lượng  xuất sắc, nhưng chúng tôi không thỏa hiệp.

Nhiều người đã khuyên chúng tôi tiến hành giảng dạy bằng tiếng Việt ở bậc cử nhân rồi sau đó mới đưa vào giảng dạy bằng tiếng Anh ở bậc học cao hơn. Nhưng chúng tôi kiên quyết đưa tiếng Anh vào ngay từ đầu. Trường có tổ chức những khóa dự bị tiếng Anh tăng cường do giáo viên người Việt và người bản xứ giảng dạy.

Năm ngoái là năm đầu tiên chúng tôi bắt đầu tuyển sinh, do vậy chúng tôi có mềm dẻo hơn trong quá trình tuyển chọn. Nhưng bắt đầu từ năm nay, chúng tôi sẽ thắt chặt hơn, dù số chỉ tiêu ở bậc cử nhân có tăng lên và mở thêm 2 chương trình thạc sĩ mới (Nước – Môi trường – Hải dương học và Khoa học Công nghệ Thông tin và Truyền thông). Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao nguyện vọng học tập của sinh viên và đánh giá điều này qua phỏng vấn với Hội đồng tuyển sinh gồm các giảng viên quốc tế.

Trong nỗ lực quảng bá thông tin về Trường đến đông đảo các phụ huynh và học sinh THPT, chúng tôi đã đến thăm các trường trung học phổ thông hàng đầu ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, và một số thành phố lớn khác của Việt Nam để giới thiệu về  chương trình giảng dạy và các chương trình học bổng tài năng của nhà trường dành cho học sinh lớp 12.

Chúng tôi đã phổ biến với giới học sinh viên về trường đại học công lập đầu tiên tại Việt Nam theo hệ thống LMD (hệ cử nhân trong 3 năm, thạc sĩ 2 năm và tiến sĩ 3 năm), về đắng cấp chất lượng giáo dục mà chúng tôi xây dựng, và đặc biệt là về mức học phí chỉ 750 USD/năm, thấp hơn nhiều so với mức vài nghìn USD tại các đại học quốc tế khác ở Việt Nam.

Chúng tôi nỗ lực thiết lập quan hệ hợp tác với khối doanh nghiệp trong và ngoài nước để đảm bảo chương trình học đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng và sinh viên có điều kiện làm quen với môi trường làm việc trước khi tốt nghiệp. Trường cũng mời các doanh nghiệp tới nói chuyện với sinh viên, tổ chức các buối seminars… Sinh viên ngoài học chuyên ngành còn được trang bị các kiến thức về khoa học xã hội và quản lý như Luật, Quản lý dự án, Kinh doanh… Sắp tới trường sẽ thành lập quỹ học bổng hỗ trợ cho sinh viên đi thực tập tại các phòng thí nghiệm, công ty trong và ngoài nước.

Khi nào sinh viên bắt đầu lựa chọn chuyên ngành của mình, thưa ông?

Năm thứ nhất, các môn học sẽ cung cấp kiến thức nền tảng cho sinh viên. Họ sẽ được học Toán học, Hóa học, Vật lý, Sinh học, CNTT, Ngoại ngữ… Chúng tôi cho rằng, sinh viên năm thứ nhất chưa có kinh nghiệm để có thể đưa ra quyết định đúng khi lựa chọn chuyên ngành. Tôi không muốn sinh viên của mình lựa chọn học Công nghệ thông tin chỉ vì môn học này thời thượng. Do vậy, bắt đầu từ năm thứ hai, sinh viên mới tiến hành lựa chọn chuyên ngành của mình. Với kiến thức nền tảng về khoa học, một sinh viên học về công nghệ thông tin có thể học tin học áp dụng cho công nghệ vật liệu, hàng không…

Hiện tại trường có mở hai khoa đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Khoa học vật liệu – Công nghệ Nano, Công nghệ sinh học – dược học, và sắp tới là  bốn chuyên ngành Nước-Môi trường-Đại dương học, Năng lượng, Khoa học và Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Hàng không và vũ trụ. Tại sao các ông lại lựa chọn những chương trình đạo tạo này?

Hai năm trước, Ủy ban hỗn hợp Việt – Pháp đã làm việc cùng nhau để xác định ra những chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam. Chúng tôi không lựa chọn thay cho các bạn; chúng tôi chỉ đặt ra câu hỏi: lĩnh vực nào các bạn cần chúng tôi hỗ trợ. Và như chúng ta thấy, khoa học vật liệu – nano, công nghệ sinh học, dược học đều là những ngành quan trọng và cơ bản đối với các quốc gia.

Trường không có những khoa khoa học cơ bản như Vật lý, Hóa học, Toán học… Làm thế nào có thể đảm bảo được chất lượng đào tạo các chuyên ngành hẹp nếu không có những ngành học cơ bản?

Chúng tôi không có khoa Toán nhưng chúng tôi có những giảng viên giỏi về Toán học. Họ sẽ cung cấp kiến thức toán cho những sinh viên học trong các chuyên ngành khác. Chúng tôi không muốn theo đuổi mô hình trường đại học với những khoa truyền thống sắp xếp theo ngành dọc, ít có mối quan hệ với nhau. Chúng tôi muốn có một cách tiếp cận liên ngành.

Trường có Hội đồng tư vấn quốc tế gồm các nhà khoa học quốc tế và của Việt Nam tư vấn về lựa chọn môn học, nội dung chương trình học.

Chính phủ Pháp hỗ trợ như thế nào cho dự án đại học này?

3 năm trước, Ủy ban hỗn hợp của chính phủ Việt Nam và Pháp đã quyết định thành lập 6 phòng thí nghiệm quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp cũng hỗ trợ chương trình học bổng đào tạo 400 nghiên cứu sinh, gây dựng Quỹ phát triển hỗ trợ việc thực tập tại các phòng thí nghiệm, doanh nghiệp của Pháp. Chính phủ Pháp cũng hỗ trợ trong việc trả lương cho các giảng viên của Pháp tới Việt Nam giảng dạy tại Trường. Nếu không có những hỗ trợ về tài chính như thế này, rất khó có thể mời được giảng viên Pháp sang vì mức lương trả cho họ rất cao.

Trường hỗ trợ sinh viên thích nghi với môi trường học tập mới như thế nào?

Hiện nay chúng tôi có 3 giáo vụ phụ trách công tác sinh viên, giúp đỡ sinh viên và học viên giải quyết những vướng mắc trong học tập cũng như cuộc sống. Chúng tôi cũng yêu cầu các giảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc hỗ trợ cho sinh viên. Họ tới đây không chỉ đơn giản vì đãi ngộ hấp dẫn  mà còn vì những mục đích chung, đặc biệt là xây dựng môi trường giáo dục và nghiên cứu hiện đại, thân thiện. Những giảng viên nước ngoài sau khi về nước vẫn giữ liên lạc trao đổi thường xuyên với sinh viên của nhà trường.

Chúng tôi xác định có hai vai trò phải hoàn thành tại Việt Nam: tri thức và văn hóa. Bản thân tôi luôn muốn giữ tinh thần cởi mở và niềm vui trong lúc làm việc. Khi có mặt ở trường, tôi luôn sẵn sàng đón tiếp tất cả các bạn sinh viên.

Ông có theo đuổi mô hình đại học nào đó của thế giới khi bắt tay vào xây dựng Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội không?

Không. Chúng tôi ở Việt Nam và mọi thứ đều mới mẻ. Muốn trở nên xuất sắc, mỗi ngày phải là một sự sáng tạo mới. Phương châm của tôi là: thực tế, khiêm tốn và thích ứng với hoàn cảnh.

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)